Quan điểm của C.Mác về sự phát triển của hệ thống máy móc và ý nghĩa của nó đối với nền kinh tế tri

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Vào thời đại của C.Mác, mới chỉ có một vài nước đang xây dựng nền kinh tế công nghiệp, chưa xuất hiện kinh tế tri thức. Nhưng những điểm mà C.Mác rút ra từ việc phân tích sự phát triển của hệ thống máy móc rất phù hợp với những đặc trưng cơ bản của kinh tế tri thức hiện nay.

Theo đà phát triển của đại công nghiệp, máy móc sẽ từng bước thay thế lao động giản đơn, quá trình sản xuất từ chỗ là một quá trình lao động đơn giản sẽ trở thành một quá trình khoa học, lao động trực tiếp trở thành thứ yếu so với lao động khoa học.

Khi nghiên cứu về tư bản cố định, C.Mác đã chỉ rõ: hệ thống máy móc biểu hiện ra là một hình thức thích hợp nhất của tư bản cố định và sự phát triển của tư bản cố định lại là chỉ số của sự phát triển sức sản xuất, là thước đo mức độ phát triển của sự giàu có dựa trên phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa.

Trước kia, kỹ năng điều khiển công cụ phụ thuộc vào sự điêu luyện của người công nhân, nhưng khi có máy móc thì máy móc thay vào chỗ công nhân, hoạt động của công nhân do sự vận động của máy móc quyết định và điều chế một cách toàn diện. Còn trong hình thái cuối cùng là hệ thống máy móc tự động, đó là hình thái hoàn chỉnh nhất, thích hợp nhất của hệ thống máy móc tự động "gồm nhiều cơ quan cơ khí và cơ quan trí tuệ, cho nên bản thân công nhân chỉ được xác định là những thành viên có ý thức của nó thôi". Bây giờ, toàn bộ quá trình sản xuất biểu hiện ra không phải như là một quá trình phụ thuộc vào tài nghệ trực tiếp của người công nhân, mà với tư cách là sự ứng dụng khoa học trong lĩnh vực công nghệ. Nếu xét về mặt lượng, lao động trực tiếp được quy vào một phần nhỏ hơn, thì về mặt chất nó được chuyển hoá thành một yếu tố nào đó, tuy cần thiết, nhưng là thứ yếu... đối với lao động khoa học phổ biến, đối với sự áp dụng khoa học tự nhiên vào công nghệ… và việc biến quá trình sản xuất từ chỗ là một quá trình lao động đơn giản thành quá trình khoa học bắt những lực lượng của giới tự nhiên phải phục tùng mình và bắt những lực lượng ấy phải hoạt động phục vụ những nhu cầu của con người.

Như vậy, theo đà phát triển của đại công nghiệp việc tạo ra của cải thực sự trở nên ít phụ thuộc vào thời gian lao động và số lượng lao động đã chi phí hơn là vào sức mạnh của những tác nhân được khởi động trong thời gian lao động, và bản thân những tác nhân ấy, đến lượt chúng (hiệu quả to lớn của chúng) tuyệt đối không tương ứng với thời gian lao động trực tiếp cần thiết để sản xuất ra chúng, mà đúng ra chúng phụ thuộc vào trình độ chung của khoa học và vào sự tiến bộ của kỹ thuật, hay là phụ thuộc vào việc ứng dụng khoa học ấy vào sản xuất.

Tính chất của lao động cũng thay đổi. Lao động biểu hiện ra không phải chủ yếu là lao động được nhập vào quá trình sản xuất, mà chủ yếu là một loại lao động trong đó có con người, trái lại, là người kiểm soát và điều tiết bản thân quá trình sản xuất. Thay vì làm tác nhân chủ yếu của quá trình sản xuất, người công nhân lại đứng bên cạnh quá trình ấy.

Những luận điểm trên hoàn toàn phù hợp với những đặc trưng cơ bản của kinh tế tri thức, trong đó các nguồn lực truyền thống của sản xuất và tăng trưởng (như đất đai, lao động cơ bắp...) lùi xuống hàng thứ yếu, còn tri thức trở thành nhân tố sản xuất quan trọng hàng đầu, quyết định lợi thế so sánh của một nước, khoa học và công nghệ đóng vai trò trung tâm trong tăng trưởng kinh tế, số việc làm có hàm lượng tri thức cao ngày càng chiếm ưu thế, càng đẩy lao động giản đơn ra khỏi quá trình sản xuất.

Hệ thống máy móc tự động là sự vật hóa của tri thức, biểu hiện sự tích lũy tri thức và cũgn là sự tích lũy sức sản xuất, sự chuyển hóa tri thức thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

Việc hệ thống máy móc tự động thay thế lao động giản đơn, làm giảm lao động trực tiếp không hề có nghĩa là giảm vai trò nhân tố con người trong sức sản xuất của lao động. Bởi vì, như C.Mác đã khẳng định: "Thiên nhiên không chế tạo ra máy móc... Tất cả những cái đó đều là sản phẩm lao động của con người... Tất cả những cái đó đều là những cơ quan của bộ óc con người do bàn tay con người tạo ra, đều là sức mạnh đã vật hoá của tri thức. Sự phát triển của tư bản cố định là chỉ số cho thấy tri thức xã hội phổ biến [wissen, knowledge] đã chuyển hoá đến mức độ nào thành lực lượng sản xuất trực tiếp, do đó nó cũng là chỉ số cho thấy những điều kiện của chính quá trình sống của xã hội đã phục tùng đến mức độ nào sự kiểm soát của trí tuệ phổ biến và đá được cải tạo đến mức độ nào cho phù hợp với quá trình ấy. Những lực lượng sản xuất xã hội đả được tạo ra đến mức độ nào không những dưới hình thức tri thức, mà cả như là những cơ quan thực hành xã hội trực tiếp, những cơ quan trực tiếp của quá trình sống hiện thực".

Những điều nói trên hoàn toàn phù hợp với sự phát triển của kinh tế tri thức hiện nay: Hệ thống máy móc phát triền cùng với sự tích luỹ những tri thức xã hội và nói chung, sự tích luỹ sức sản xuất. Mối quan hệ giữa khoa học - công nghệ - sản xuất ngày càng trở nên chặt chẽ. Tri thức, khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Tri thức được sản xuất ra không chỉ trong các cơ quan nghiên cứu, mà còn ngay cả trong môi trường sản xuất. Giáo dục và đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học và sản xuất. Ngay trong từng doanh nghiệp cũng tiến hành đào tạo thường xuyên, cũng nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhiều khi khó phân biệt đơn vị sản xuất với phòng thí nghiệm. Trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin... có những dược phẩm, những vi mạch, phần mềm được sản xuất ngay trong phòng thí nghiệm. Cùng một nơi, người ta nghiên cứu rồi sản xuất đại trà.

Phát minh trở thành một nghề đặc biệt.


Trong nền kinh tế tri thức, sự sáng tạo, đổi mới thường xuyên là động lực chủ yếu thúc đẩy sự phát triển sức sản xuất. Vòng đời sản phẩm và vòng đời công nghệ được rút ngắn. Muốn thắng trong cạnh tranh, phải luôn luôn tìm được công nghệ mới.

Cái chín muồi là cái cái sắp tiêu vong. Bởi vậy sản xuất ra công nghệ mới trở thành loại hình sản xuất quan trọng nhất, tạo ra năng suất lao động cao, tốc độ tăng trưởng cao và việc làm. Cũng từ việc phân tích sự phát triển của hệ thống máy móc, C.Mác đã chỉ rõ: "Phát minh trở thành một nghề đặc biệt, và đối với nghề đó thì việc vận dụng khoa học vào nền sản xuất trực tiếp tự nó trở thành một trong những yếu tố có tính chất quyết định và kích thích".

Năng suất lao động cao, thời gian lao động cần thiết rút ngắn đến mức tối thiểu, thời gian nhàn rỗi cho xã hội nói chung và cho từng thành viên nhiều hơn, tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân. Sự phát triển toàn điện của mỗi cá nhân lại tạo ra khả năng rộng rãi để phát triển một cách hoàn toàn đầy đủ lực lượng sản xuất.

C.Mác dự đoán rằng, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất sẽ nâng cao năng suất lao động xã hội và cơ sở chủ yếu của sản xuất và của của cải không phải là lao động trực tiếp do chính con người thực hiện và không phải là thời gian trong đó anh ta lao động, mà là sự chiếm hưu sức sản xuất phổ biên của chính con người, là nhận thức của con người về giới tự nhiên và sự thống trị giới tự nhiên do sự tồn tại của con người với tư cách là một cơ thể mang tính xã hội.

Trong xã hội tư bản chủ nghĩa (và cả trong những giai đoạn trước đó), việc tăng năng suất lao động xã hội, giảm thời gian lao động cần thiết, là nhằm tăng thời gian lao động thặng dư để làm giàu cho một số ít người. Còn trong tương lai, một khi lao động dưới hình thái trực tiếp của nó không còn là nguồn của cải vĩ đại nữa thì thời gian lao động không còn là thước đo giá trị sử đụng nữa. Lao động thặng dư của quần chúng công nhân không còn là điều kiện để phát triển của cải phổ biến, cũng giống như sự không lao động của một số ít người không còn là điều kiện cho sự phát triển những sức mạnh phổ biến của đầu óc con người nữa. Do đó, nền sản xuất dựa trên giá trị trao đổi bị sụp đổ. Điều đó có nghĩa là khi ấy không còn sản xuất hàng hoá và cả sản xuất tư bản chủ nghĩa nữa. Khi ấy, sẽ diễn ra sự phát triển tự do của các cá nhân, do vậy điều diễn ra không phải là sự rút ngắn thời gian lao động cần thiết nhằm giả định lao động thặng dư, mà nói chung là việc giảm thời gian cần thiết của xã hội xuống mức tối thiểu, tương ứng với điều đó trong những điều kiện ấy là sự phát triển nghệ thuật, khoa học… và của các cá nhân nhờ thời gian đã được giải toả cho mọi người và nhờ những phương tiện đã được tạo ra để thực hiên điều đó.

Như vậy, một số lượng lớn thời gian nhàn rỗi đã được tạo ra cho xã hội nói chung và cho từng thành viên của xã hội sẽ được dùng vào việc phát triển chính bản thân họ. Khi ấy, sự phát triển của lực lượng sản xuất không thể bị trói buộc thêm nữa vào sự chiếm hữu lao động thặng dư của người khác, và quần chúng công nhân tự mình phải chiếm hữu lấy lao động thặng dư của mình. Khi nào công nhân bắt đầu thực hiện việc đó và do đó khi mà thời gian nhàn rỗi không còn tồn tại dưới hình thái đối kháng nữa thì khi ấy một mặt, thước đo thời gian lao động cần thiết sẽ là những nhu cầu của cá nhân xã hội, mặt khác, sự phát triển của sức sản xuất xã hội sẽ diễn ra nhanh chóng đến mức mặc dù sản xuất sẽ nhằm vào sự giàu có của tất cả mọi người, nhưng thời gian nhàn rỗi củ a mọ i người sẽ tăng lên.

Tóm lại, chính sự phát triển của tư bản cố định trong chủ nghĩa tư bản lại tạo tiền đề để phủ định chủ nghĩa tư bản, để chuyển lên một xã hội mới, trong đó sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân sẽ thúc đẩy sự phát triển của cả xã hội, thúc đẩy sản xuất nhằm đem lại sự giàu có cho tất cả mọi người, những thời gian nhàn rỗi để nghiên cứu khoa học, nghệ thuật, giải trí... của tất cả mọi người lại tăng lên. Có thể vận dụng những dự đoán trên của C. Mác vào phân tích xu hướng vận động của nền kinh tế tri thức, và qua đó, có thể thấy được rằng sự phát triển của kinh tế tri thức hoàn toàn phù hợp với định hướng xã hội chủ nghĩa, với tính chất của thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội.

Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã nhận định: “Con đường CNH - HĐH của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vèa có những bước tuần tự vừa có bước nhảy vọt”. Để có bước nhảy vọt phải “nâng cao hàm lượng tri thức trong các nhân tố phát triển kinh tế xã hội, từng bước phát triển kinh tế tri thức ở nước ta".

Những quan điểm của C.Mác về ứng dụng khoa học, công nghệ vào quá trình sản xuất nói trên đã chỉ cho chúng ta thấy rằng muốn thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn ở nước ta, chúng ta phải:

Một là, tăng tỷ trọng lao động trí óc trong cơ cấu lao động xã hội bằng cách tăng đầu tư cho giáo dục đào tạo, cho nghiên cứu khoa học và công nghệ. Nếu chỉ hô hào giáo dục, đào tạo và khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu mà không có giải pháp cụ thể để tăng đầu tư cho giáo dục, đào tạo, cho R&D, không cái cách giáo dục, đào tạo thì "quốc sách" sẽ không trở thành hiện thực được. Không tăng được số lượng công nhân tri thức (knowledge workers) thì sẽ rơi vào tình huống thừa lao động giản đơn, thiếu lao động lành nghề, số người dôi dư do công nghiệp hoá, hiện đại hoá tăng lên thành một sức ép xã hội gay gắt, trong khi có quá nhiều việc làm không tìm được người thích hợp. Ngay một nước phát triển rất coi trọng giáo dục, đào tạo như oxtrâylia mà cũng có khoảng 30.000 chỗ làm việc chưa tìm được công nhân thích hợp và có nhiều cảnh báo rằng tình hình sẽ còn xấu đi.

Hai là, đổi mới giáo dục và đào tạo. Vì sản xuất công nghệ trở thành loại hình quan trọng hàng đầu, phát minh trở thành một nghề đặc biệt, nên giáo dục, đào tạo phải khuyến khích tư duy sáng tạo của người học chứ không phải là nhồi nhét kiến thức, không nên đẩy người học vào tình trạng "chết đuối trong thông tin nhưng lại chết đói vì tri thức".

Do tốc độ thay đổi nhanh chóng của công nghệ mà giáo đục phải cập nhật liên tục trong suốt cuộc đời người lao động. Ngày nay, tri thức cứ 7 năm lại tăng gấp 2 lần, và trong lĩnh vực kỹ thuật thì một nứa những điều mà sinh viên học được trong năm đầu tiên ở Đại học sẽ trở nên lạc hậu khi họ tốt nghiệp. Để Công ty có khả năng cạnh tranh và người lao động có thể tiếp tục làm việc thì mỗi người đều phái học tập thường xuyên. Các hãng phải thúc đẩy việc phát triển lực lượng lao động của mình với chi phí tối thiểu bằng một chiến lược gọi là "vừa đúng lúc". Điều đó có nghĩa là phải đạt được các kỹ năng hoặc tri thức đúng lúc, đúng địa điểm, thay vì học trước lúc cần thiết và ở địa điểm khác. Học ngay trong quá trình sản xuất. Ranh giới giữa dạy nghề và đào tạo hàn lâm đang có xu hướng xích lại thông qua cuộc cải cách giáo dục: tăng cường lý thuyết cho các lớp học nghề, tạo điều kiện cho những người đã tốt nghiệp các lớp học nghề theo học đại học, và tăng thời gian thực tập cho các học sinh, tăng giáo dục thông qua việc làm. Hoặc kết hợp giáo dục với sản xuất bằng cách đặt doanh nghiệp ở các trường học, như ở Hoa Kỳ, Anh, Đan Mạch, Singapore.

Ba là, xã hội hoá các công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ, xã hội hoá giáo dục và đào tạo. Không những Nhà nước phải tăng chi cho R & D, cho giáo dục đào tạo mà từng doanh nghiệp cũng phải chi cho lĩnh vực này. Thí dụ, ở Phần Lan, các Công ty không chờ đợi sự trợ cấp của Chính phủ. Trong khi 300 Công ty lớn nhất thế giới chi trung bình 4,% doanh thu cho R & D, các Công ty Phần Lan đã đầu tư cho R & D gấp đôi mức trung bình của OECD, đạt 10,4%. Riêng Công ty NOKIA chi cho R & D nhiều hơn toàn bộ chỉ tiêu này của Niu Dilân.

Chỉ có tăng đầu tư cho giáo dục, đào tạo, cho nghiên cứu khoa học, công nghệ, chỉ có xã hội hoá việc nghiên cứu và giáo dục đào tạo thì mới có thể thực hiện được chủ trương của Đảng: "Đẩy mạnh đổi mới công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực hoạt động khác, thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ so với các nước tiên tiến trong khu vực. Đi thẳng vào công nghệ hiện đại đối với các ngành mũi nhọn, đồng thời lựa chọn các công nghệ thích hợp, không gây ô nhiễm và khai thác được lợi thế về lao động. Chú trọng nhập khẩu công nghệ mới, hiện đại, thích nghi công nghệ nhập khẩu, cải tiến từng bộ phận, tiến tới tạo ra những công nghệ đặc thù Việt Nam.
Tóm lại, nhân tố quan trọng hàng đầu để thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá rút ngắn là đào tạo được một đội ngũ công nhân tri thức hùng hậu. Trong điều kiện nước ta rất nghèo, ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp, phải kiên quyết chống tham nhũng, lãng phí, phải giảm bớt đầu tư vào một số lĩnh vực kém thiết yếu (như xây dựng các trụ sở làm việc quá nguy nga, cán bộ đi xe ôtô quá hào nhoáng...) để tăng đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ và giáo dục, đào tạo, phải thi hành kỷ luật nghiêm những kẻ không chấp hành những quy định tiết kiệm mà Nhà nước đã ban hành.

Đỗ Thế Tùng
Tạp chí Triết học
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top