Quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh

Bút Nghiên

ButNghien.com
Quan hệ quốc tế sau chiến tranh lạnh
1. Mâu thuẫn Đông - Tây và khởi đầu của cuộc chiến tranh lạnh:

* Mâu thuẫn Đông - Tây:

- Sự đối lập nhau về mục tiêu và chiến lược giữa hai cường quốc:

+ Liên Xô: duy trì hòa bình và an ninh thế giới, bảo vệ những thành quả của chủ nghĩa xã hội và đẩy mạnh phong trào cách mạng thế giới.

+ Mĩ: chống phá Liên Xô và các nước XHCN, đẩy lùi phong trào cách mạng nhằm thực hiện mưu đồ bá chủ thế giới.

- Mĩ lo ngại ảnh hưởng to lớn của Liên Xô cùng những thắng lợi của cuộc cách mạng dân chủ nhân dân.

- Sau chiến tranh, Mĩ vươn lên thành một nước tư bản giàu mạnh nhất, nắm độc quyền vũ khí nguyên tử. Mĩ cho mình quyền lãnh đạo thế giới.

* Khởi đầu chiến tranh lạnh:


- Ngày 12 - 3 - 1947, Học thuyết Tru-man ra đời đã đề nghị viện trợ khẩn cấp 400 triệu USD cho Hi Lạp và Thổ Nhĩ Kì nhằm lôi kéo lực lượng và ngăn chặn sự ảnh hưởng của CNXH.

- Tháng 6 - 1947, Mĩ đưa ra Kế hoạch Mác-san với khoản viện trợ 17 tỉ USD để giúp Tây Âu phục hồi nền kinh tế bị tàn phá sau chiến tranh.

- Ngày 4 - 4 - 1949, Mĩ thành lập khối quân sự - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO ) gồm 11 nước, sau này thên Hi Lạp, Thổ Nhĩ Kì, CHLB Đức.

- Tháng 5 - 1955, Liên Xô và các nước Đông Âu thành lập Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va, một liên minh mang tính phòng thủ.

Sự ra đời của NATO và Tổ chức hiệp ước Vác-sa-va là những sự kiện cuối cùng đánh dấu sự xác lập của cục diện hai phe. Chiến tranh lạnh đã bao trùm thế giới.

2. Xu thế hòa hoãn Đông - Tây và chiến tranh lạnh chấm dứt:

- Trên cơ sở những thỏa thuận Xô - Mĩ, ngày 9 - 11 - 1972 hai nước Đức - Cộng hòa Dân chủ và Cộng hòa Liên bang đã kí kết tại Bon Hiệp định về những cơ sở của quan hệ giữa Đông Đức và Tây Đức. Theo đó, hai bên phải tôn trọng không điều kiện chủ quyền sự toàn toàn vẹn lãnh thổ của nhau cũng như của các nước châu Âu trên đường biên giới hiện tại. Hai bên thiết lập quan hệ láng giềng thân thiện, bình thường trên cơ sở bình đẳng, giải quyết các vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và sẽ tự kiềm chế việc đe dọa bằng vũ lực hay sử dụng vũ lực.

- Cũng trong năm 1972, hai bên siêu cường Liên Xô, Mĩ đã thỏa thuận về việc hạn chế vũ khí chiến lược và ngày 26 - 5 kí Hiệp ước về việc hạn chế thống phòng chống tên lửa ( ABM ), sau đó là Hiệp định hạn chế vũ khí tiến công chiến lược ( gọi tắt là SALT - 1 ). Hiệp ước ABM quy định:

+ Liên Xô và Mĩ mỗi nước chỉ được xây dựng hai hệ thống ABM với mỗi hệ thống có 100 tên lửa chống tên lửa.

+ Sau đó, trong năm 1974 hai nước lại thỏa thuận mỗi nước chỉ có một hệ thống ABM.

Với hai hiệp ước này, từ giữa những năm 70 đã hình thành thế cân bằng chiến lược giữa Liên Xô và Mĩ về lực lượng quân sự nói chung và về vũ khí hạt nhân chiến lược nói riêng.

- Đầu tháng 8 - 1975, 35 nước châu Âu và Mĩ, Ca-na-da đã kí kết Định ước Hen-xin-ki, khẳng định những nguyên tắc trong quan hệ giữa các quốc gia như bình đẳng, chủ quyền, sự bền vững của đường biên giới, giải quyết hòa bình các tranh chấp,... nhằm bảo đảm an ninh châu Âu và sự hợp tác giữa các nước về kinh tế, khoa học và kĩ thuật, bảo vệ môi trường. Định ước Hen-xin-ki năm 1975 đánh dấu sự chấm dứt tình trạng đối đầu giữa hai khối nước tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa ở châu Âu, đồng thời tạo nên một cơ chế giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình an ninh ở châu lục này.

- Cùng với các sự kiện trên, từ đầu những năm 70, hai siêu cường Xô - Mĩ đã tiến hành những cuộc gặp gỡ cấp cao, nhất là từ năm 1985 khi Goóc-ba-chốp lên cầm quyền ở Liên Xô. Hầu như hàng năm đều diễn ra các cuộc gặp gỡ giữa hai nguyên thủ hai nước - Goóc-ba-chốp và Ri-gân, sau là Goóc-ba-chốp và Bu-sơ ( cha ). Nhiều văn kiện hợp tác về kinh tế và khoa học - kĩ thuật đã được kí kết giữa hai nước, nhưng trọng tâm là những thỏa thuận về thủ tiêu các tên lửa tầm trung ở châu Âu, cắt giảm vũ khí chiến lược cũng như hạn chế cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước.

- Tháng 12 - 1989, trong cuộc gặp gỡ không chính thức tại đảo Man-ta ( Địa Trung Hải ), Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Goóc-ba-chốp và Tổng thống Mĩ Bu-sơ đã chính thức cùng tuyên bố chấm dứt chiến tranh lạnh.

Nguyên nhân làm cho hai siêu cường Xô - Mĩ chấm dứt chiến tranh lạnh:

- Cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn bốn thập kỉ đã làm cho cả hai nước quá tốn kém và suy giảm thế mạnh của họ trên nhiều mặt so với các cường quốc khác.

- Sự vươn lên mạnh mẽ của Đức, Nhật Bản và Tây Âu,... đã đặt ra nhiều khó khăn và thách thức to lớn. Các nước này đã trở thành những đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với Mĩ. Còn Liên Xô lúc này nền kinh tế ngày càng lâm vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng.

Do vậy, hai cường quốc Liên Xô và Mĩ đều cần phải thoát khỏi đối đầu để ổn định và củng cố vị thế của mình.

- Chiến tranh lạnh chấm dứt đã mở ra chiều hướng và những điều kiện giải quyết hòa bình các vụ tranh chấp, xung đột đang diễn ra ở nhiều khu vực trên thế giới:

+ Ở áp-ga-ni-xtan, Liên Xô và Mĩ đã thỏa thuận giải quyết cuộc xung đột với việc quân đội Liên Xô rút ra khỏi áp-ga-ni-xtan.

+ Tháng 10 - 1991, Hiệp định về một giải pháp chính trị toàn bộ cho cuộc xung đột Cam-pu-chia đã được kí kết tại Pa-ri. Nhờ đó, cuộc xung đột kéo dài hơn một thập kỉ với những tội ác diệt chủng của chế độ Khơ-me đỏ đã chấm dứt. Những triển vọng tốt đẹp đã mở ra để xây dựng một nước Cam-pu-chia mới. Mối quan hệ giữa các nước trong khu vực được cải thiện nhằm xây dựng một Đông Nam á hòa bình và ổn định.

+ Ở Tây Nam Phi, quân đội Nam Phi và quân tình nguyện Cu Ba đều rút khỏi Na-mi-bi-a. Ngày 21 - 3 - 1990, Cộng hòa Na-mi-bi-a tuyên bố độc lập.
 Tóm lại, thế giới vẫn chưa có một nền hòa bình, anh ninh thật sự, nhất là ở nhiều nước đang phát triển vốn đã nghèo nàn, lạc hậu chồng chất khó khăn.

3. Những biến đổi chính của tình hình thế giới sau khi chiến tranh lạnh chấm dứt:

- Sự tan rã của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa đưa tới sự sụp đổ của trật tự thế giới hai cực:

Sau nhiều năm trì trệ và khủng hoảng kéo dài, tới những năm 1989 - 1991 chế độ xã hội chủ nghĩa đã bị tan rã ở các nước Đông Âu và Liên bang Xô viết. Ngày 28 - 6 - 1991, Hội đồng Tương trợ Kinh tế ( SEV ) tuyên bố giả thể và sau đó ngày 1 - 7 - 1991 Tổ chức Hiệp ước Vác-sa-va chấm dứt hoạt động.

Với cực Liên Xô tan rã, hệ thống thế giới của các nước xã hội chủ nghĩa không còn tồn tại và Trật tự thế giới hai cực I-an-ta đã sụp đổ. Thế hai cực của hai siêu cường không còn nữa, Mĩ là cực duy nhất còn lại. Phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô ở châu Âu và châu á đã bị mất, ảnh hưởng của Mĩ cũng bị thu hẹp dần ở nhiều nơi.

- Tình hình thế giới sau chiến tranh lạnh ( 1991 - 2000 ):

+ Từ sau năm 1991 đầy biến động, tình hình thế giới đã diễn ra những thay đổi to lớn và phức tạp. Trật tự thế giới hai cực đã sụp đổ nhưng trật tự thế giới mới lại đang trong quá trình hình thành. Dư luận thế giới cho rằng phải nhiều năm nữa mới có thể hình thành trật tự thế giới mới theo xu hướng đa cực, nhiều trung tâm với sự vươn lên, đua tranh mạnh mẽ của các cường quốc như Mĩ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc.

+ Sự tan rã của Liên Xô đã tạo cơ hội cho Mĩ một lợi thế tạm thời. Giới cầm quyền Mĩ ra sức thiết lập trật tự thế giới mới một cực để Mĩ làm bá chủ thế giới. Mặc dù ngày nay Mĩ có một lực lượng kinh tế - tài chính, khoa học - kĩ thuật và quân sự vượt trội so với tất cả các quốc gia nhưng giữa tham vọng to lớn làm bá chủ thế giới và khả năng hiện thực của Mĩ là một khoảng cách không nhỏ. Nhiều sự kiện diễn ra trên thế giới gần đây đã chứng tỏ điều đó.
+ Sau chiến tranh lạnh, hòa bình thế giới được củng cố, nhưng ở nhiều khu vực tình hình lại không ổn định với những cuộc nội chiến, xung đột quân sự đẫm máu kéo dài ở nhiều nơi như bán đảo Ban-căng, một số nước châu Phi và Trung á. Nguyên nhân chính là do những mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo và tranh chấp lãnh thổ đã bùng lên dữ dội, khi mâu thuẫn Đông - Tây không còn nữa.

- Các xu thế phát triển hiện nay của thế giới ( từ sau năm 1991 ):

+ Bước sang thế kỉ XXI với sự tiến triển của xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển, các dân tộc hi vọng về một tương lai tốt đẹp của loài người. Nhưng trong cuộc tấn công khủng bố bất ngờ ngày 11 - 9 - 2001 ở Mĩ đã mở đầu cho một thời kì biến động lớn trong tình hình thế giới. Cuộc khủng bố chỉ diễn ra trong một giờ nhưng đã có hàng nghìn người dân thiệt mạng, nhiều tòa nhà cao tầng sụp đổ, tổn thất vật chất lên tới hàng chục tỉ USD.

Sự kiện 11 - 9 đã đặt các quốc gia - dân tộc đứng trước những thách thức của chủ nghĩa khủng bố đầy tệ hại với những nguy cơ khó lường. Nó đã gây ra những tác động to lớn, phức tạp đối với tình hình chính trị thế giới và các quan hệ quốc tế.

+ Với xu thế phát triển của thế giới từ cuối thế kỉ XX - đầu thế kỉ XXI, ngày nay các quốc gia - dân tộc vừa đứng trước những nguy cơ phát triển thuận lợi, vừa phải đối mặt với những thách thức vô cùng gay gắt.

(Sưu tầm)
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top