Quan Âm Thị Kính

Chị Lan

New member
QUAN ÂM THỊ KÍNH

Có một người con gái nhà trung lưu tên là Thị Kính, có sắc đẹp lại có đức hạnh:

Đượm thuần sắc nước, dịu dàng nét hoa
Não nùng chim cũng phải sa
Người tiên cung ở đâu ta trên trời
Gồm trong tứ đức vẹn mười


Nàng Thị Kính sau kết duyên với chàng Thiện Sĩ dòng quý tộc. Vợ chồng đang hòa thuận thì xảy ra một chuyện tình cờ rất nhỏ là, một hôm chồng đang ngủ, vợ đang ngồi khâu vá chợt nhìn thấy sợi râu của chàng mọc quá dài:

Phải khi liếc mắt trông chàng
Thấy râu mọc ngược ở ngang dưới cằm.


Nàng có sẵn dao trong tay toan cắt đi, thì chợt chàng tỉnh dậy, nửa tỉnh nửa thức nhìn thấy lưỡi dao kể cổ, bèn tri hô bị vợ ám sát:

Thưa rằng: “Giấc bước vừa say,
Dao con nàng bỗng cầm tay kề gần.
Hai vai hộ có quỷ thần,
Thực hư đôi lẽ xin phân cho tường.”


Thế là nàng Thị Kính bị đổ oan cho tội giết chồng, không cách nào bào chữa được nữa.

Trong lúc giật mình tỉnh dậy còn như nửa ngủ nửa thức, có lẽ chàng cũng chẳng nhận ra được ai cầm dao, có chăng chỉ là một cử chỉ hốt hoảng nhìn thấy lưỡi dao kề cổ đe dọa đến sự sống của mình, mà vội tri hô lên, rồi bán tín bán nghi, ngu si chẳng dám thú nhận hay phản tỉnh để hối lỗi sự hèn nhát của mình. Có biết đâu từ một sự mê muội ấy đã gây nên cả một đời oan khổ cho người phụ nữ, đáng lý là một hiền thê, một mẹ hiền. Đấy cũng chính là giáo lý của Phật dạy: do Vô minh mà nảy ra Hành, với tất cả trầm luân phiền não của chúng sinh vậy.

Sự này mười mắt đều trông,
Thôi đừng tra hỏi gạn cùng nữa chi.
Thế là hai bên thông gia biến thành can gia.
Lờn bơn chịu ép một bề,
Quản làm sao được kẻ chê người cười.


Còn nàng Thị Kính bị oan ức vì một việc cỏn con, để gây nên nhục nhã cho cha mẹ, tủi phận cho mình, mới nghĩ chán trò đời đen bạc mà bỏ đi tu, nương nhờ cửa Phật. Nhưng là phận nữ nhi, đi đâu trong xã hội “nam nữ thụ thụ bất thân” này mà chẳng khó khăn. Cho nên nàng đã cải trang thành con trai để đi khỏi nhà.

Xuất gia quyết một gan liền,
Phụ tình, đối nguyệt bước lên dặm đường.
Quần chân, áo chít dịu dàng,
Giả hình nam tử, ai tường căn nguyên.

Sau khi giả nam bỏ nhà ra đi, nàng đến ngôi chùa Văn Tự, thấy có cảnh có thầy với phép màu đạo vị của Phật giáo, nàng liền xin thế phát quy y, nhất tâm đầu Phật vì cái triết lý giải thoát.

Sư khen rằng: kẻ Nho phong,
Đã say đến chữ Sắc Không đấy mà!
Kìa bào, kìa ảnh, phút qua,
Kìa sương, kìa chớp, kìa là chiêm bao.
Lọ là trang trí thấp cao,
Kẻ xem khoái chí, người gào thất thanh.
Lấy ai làm nhục làm vinh,
Trăm năm là nấm cỏ xanh rì rì.
Sao bằng vui thú liên trì,
Dứt không tứ tướng, sá gì nhị biên.
Đạo này huyền thức là huyền.
Hư vô mà vẫn trang nghiêm thế này.


Thị Kính ở lại tu với danh Kính Tâm. Đạo hạnh càng cao, thì chợt lại xảy ra việc oan uổng tuỳ trời nữa, là một đứa con gái nhà giàu có tính trăng hoa, me nhà sư tưởng là nam nhi, rồi chửa hoang đổ vấy cho là đã thông dâm với Kính Tâm. Kính Tâm vì đã cải trang để ẩn tích không có cách gì cãi lại với nhà làng là mình bị đổ oan, nên bị tra tấn thừa sống thiếu chết cũng đành ngậm đắng nuốt cay, may sư phụ bảo lãnh vì lòng từ bi, nên Kính Tâm mới thoát chết.

Vóc bồ xem đã tơi bời,
Thương thay sư mới cất lời van lơn.
Thưa rằng: làm phúc nào hơn,
Mở lòng Bồ Tát dẹp cơn lôi đình.
Khoản làng xin nộp phân minh,
Dại khôn xin hãy thứ tình một phen.


Vừa bị đòn, vừa bị nhục, mang tiếng oan ức là kẻ phụ lòng sư phụ vì lỗi đường tu.

Rằng: con đã mắc tiếng người chê bai.
Tam quan ra ở mái ngoài,
Kẻo e miệng thế mỉa mai đến thầy.
Dù con có thật chuyện này,
Lòng trần giũ sạch từ nay thì chừa.
Như không mà phải tiếng ngờ,
Cũng nên khuyên gượng làm ngơ kẻo buồn.


Đấy là một tiếng nói chân chính của tinh thần Phật giáo mà Kính Tâm lấy để tự an ủi.

Chữ rằng: nhẫn nhục nhiệm hòa,
Nhẫn điều khó nhẫn mới là chân tu.


Nhưng đến đây thì chưa phải đã xong, việc đời đâu có phải giản dị, chỉ một giải pháp tiêu cực nhẫn nhục là đủ.
Thị Mầu đẻ con đem đến bỏ ở cổng chùa. Kính Tâm nghe tiếng trẻ khóc, động lòng trắc ẩn đem vào chùa nuôi, dù sư phụ có phản đối, vì nàng nghĩ rằng:

Dù xây chín đợt phù đồ,
Sao bằng làm phúc cứu cho một người.


Đứa trẻ lên ba tuổi thì Kính Tâm tịch. Sau khi nàng tịch rồi, người ta mới biết Kính Tâm là con gái, quả là oan tình từ trước đến nay.

Vãi rằng: sư chẳng còn ngờ,
Thế mà đày đọa bấy giờ đến nay.


Và phép Phật nhiệm màu đã rước lấy linh hồn Kính Tâm vào Niết Bàn làm Phật Quan Âm.

Truyền rằng: nào Tiểu Kính Tâm
Phi thăng làm Phật Quan Âm tức thì.


Cái triết lý ngụ ở Quan Âm Thị Kính đây cũng vẫn là cái triết lý Phật giáo Đại thừa, lấy Bồ Tát (Bodhisattva) thay thế Thích Ca (Cakyamuni).

Lý tưởng Bồ Tát: thay vì ý muốn tự giải thoát cho mình, tự lực, Đại thừa Phật giáo đặt lên hàng đầu lý tưởng giải thoát tế độ chúng sinh. Lời nguyền của Bồ Tát hay là tín đồ thành tựu của Đại thừa là được giác ngộ không phải để sống ngoài thế gian, mà để hoạt động trong sự giác ngộ và tình yêu bác ái giữa chúng sinh trầm luân bể khổ ngõ hầu cứu vớt chúng lên bến giác. “Tự giác nhi giác tha” đấy là lý tưởng tối cao của Bồ Tát.

Nagarjuna (Long Thọ Bồ Tát) tuyên bố: “Tính căn bản cốt yếu của Bồ Tát là lòng bác ái từ bi và tất cả chúng sinh là đối tượng cho tình yêu ấy.”

Bởi thế cho nên tất cả Bồ Tát để giải thoát chúng sinh khỏi đau khổ đã cảm thấy một nghị lực tinh thần lớn lao và tự hòa mình vào cõi tục sinh tử. Tuy họ tự đặt mình lệ thuộc vào định luật sống chết, nhưng tâm hồn họ thì vô tư thanh tịnh. Họ là những bông hoa sen trong trắng “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Lý tưởng Bồ Tát đã do triết học Đại thừa nuôi lên lấy ý tưởn tất cả chúng sinh cá nhân đều là ảo hóa nếu đứng biệt lập với toàn thể. Chúng đều lập cước trên một thực thể siêu nhiên. A-laya Thức hay Tạng Thức theo triết học Duy Thức, Sunyata = Chân Không, Thái Hư theo Trung Quán (Madhyamika) hay Tathagata = Như Lai, Chân Như. Triết học này bỏ ý tưởng bản ngã cá nhân và nhận lấy tuyệt đối đại đồng coi như Chân ngã của người ta. Cố giải thoát cho mọi người và không phải riêng cho tiểu ngã của mình, đấy là kết luận hợp lý của cái triết lý về đồng nhất tính của tất cả chúng sinh. Hơn nữa, cái ý tưởng về một thực tại siêu nhiên không phải ở bên ngoài mà tiềm tại bên trong hiện hữu đã đưa đến tín ngưỡng vào Niết Bàn hay sự viên mãn không phải tìm ở ngoài thế gian mà chính tại nơi thế gian. Nagarjuna (Long Thọ) tuyên bố: “Niết Bàn phải được cầu tìm trong thế gian do kẻ nào có thể nhìn thấy thực thế gian là gì ở cứu cánh.”
Con đường tha lực của Đại thừa trên đây công nhận sự đồng nhất Phật với thực tính siêu nhiên. Đức Phật lịch sử Cakyamuni được tin như là hiện thân của thực tại cùng tột hay là Phật tính. Thực tại ấy biểu hiện ra thế giới này là Pháp thân. Ở phương diện Pháp thân, thực tại Phật tính tuyệt đối thường lo lắng đến cứu vớt chúng sinh, cho nên đã tự ý hiến thân giáng thế vào các tâm linh để cứu vớt. Như vậy thì Phật tính ở phương diện Pháp thân đã thay vì ngôi Thượng Đế để cho các tâm hồn bình dân yếu đuối cầu nguyện tình yêu, lòng từ bi tế độ. Ở đây cũng gọi là Phật Quan Âm, Phật Di Đà (Amitabnha, Adida), như thế là lòng thành kính của bình dân đã được thỏa mãn với tôn chỉ Đại thừa ở chỗ đồng nhất Phật với Thượng Đế và giữa tuyệt đối với chúng sinh tương đối có Bồ Tát làm môi giới mà hiện thân của tình yêu đại từ, đại bi, cứu khổ cứu nạn là Quan Thế Âm Bồ Tát.

Kinh Pháp Hoa viết:

“Khổ não của chúng sinh nhất tâm xưng danh Bồ Tát, tức thị quan kỳ âm thanh giai đắc giải thoát; dĩ thị danh Quan Thế Âm.”
Nghĩa là: Những chúng sinh bị khổ nạn mà nhất tâm đọc đến tên Bồ Tát, tức thì ngài xem thanh âm của chúng sinh mà độ cho được giải thoát. Bởi thế gọi tên ngài là Quan Thế Âm.”

Kinh Lăng Nghiêm viết:

“Về vô số kiếp trước có Đức Phật ra đời hiệu là Quan Thế Âm Như Lai. Ta đến trước Phật mà phát Bồ Đề tâm. Phật dạy ta theo ba phép: Văn, Tư, Tu, nghĩa là giảng dạy suy nghĩ và tu hành, thì Tam mà đề (samadhy). Phật khen ta chóng được viên thông pháp môn và tức thì ở ngay chỗ đại hội thụ ký cho ta cái hiệu Quan Thế Âm”.

Quan Thế Âm Bồ Tát cũng có hiệu là Quán Tự Tại Bồ Tát. Quán là xét, chiêm ngưỡng; Tự tại là tự thân thường còn bất biến. Cả hai tên Quan Thế Âm hay Quán Tự Tại đều dịch ở chữ Phạn (Avalokytesvara) ra, vốn là đàn ông. Từ đời Đường và sau ở Trung Hoa, người ta tạc tượng thờ là đàn bà và gọi là Phật Bà Quan Âm. Ở Việt Nam nhân truyện của Đạo Tuyên Luật Sư ở Nam Sơn bên Trung Hoa mà đặt ra kinh Phật Bà Quan Âm, đã phân tích ở trên. Về sau lại sáng tác ra truyện Quan Âm Thị Kính, có tượng để thờ ở chùa tay ôm đứa hài nhi, gọi là Đức Quan Âm Thị Kính hay là Quan Âm Tống Tử.

Xong ý nghĩa siêu hình của hai chữ Quan Âm là do thuyết: Lời (Le verbe) sáng tạo ra vũ trụ, ở tất cả các truyền thống tín ngưỡng. Và Lời hiện thân vào xác thịt “et le verbe se fait chair” (Tân Ước). Riêng ở Ấn Độ thì thuyết Lời với sự biểu hiện là Veda đã làm cơ bản cho tư tưởng và tín ngưỡng của Ấn Độ giáo. Người ta có thể không tin vào Thượng Đế nhân vị, hữu ngã, không cần nghĩ đến nghi lễ hình thức và luật giới, nhưng ngừơi ta không thể phủ nhận nguyên lý của một cái Biết Vĩnh Cửu (connaissance éternelle) mà người ta có thể đạt được qua hình thức một lời nói biểu hiện. Lời nói ấy là lời khải thị (verbe révélé, biểu th5i bản tính của muôn vật, tức là Veda = connaissance éternelle).

Vậy Lời là nguyên lý khởi thuỷ của tạo vật. Trong cái thuần nhất tính, một khuynh hướng nổi hiện như trên mặt biển phẳng lặng bỗng một cơn gió làm nổi sóng, gây nên phân hóa, vận động kế tiếp trên các bình diện tư tưởng hình tướng và thể chết. Bởi vì nguyên lai của tư tưởng và của vật thể là một, có thể quy cả về một trạng thái ba động là một đặc thù địa phương của sự tồn tục (continuum) vô biên là bản thể bất phân (être indifférencié).

Có ba hình thức ba động lấy điểm phát xuất chung từ nhịp điệu: một là hình thức ba động ý tưởng, hai là ba động thể chất, ba là ba động thanh âm. Từ Thực hữu xuất ra ba động ý tưởng. Từ phương diện ý thức có ba động thanh âm. Từ phương diện hỷ lạc xuất ra ba động thể chất. Cả ba phương diện đều chung cho một bản tính của thực tại tuyệt đối.
Giải thoát chúng sinh là nối chúng sinh vào thực tại tuyệt đối ấy. Và ngành Quan Âm tu luyện Văn, Tư, để nhập vào tuyệt đối qua ba động nguyên âm vậy.

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu (Dịch)

Khác nào sóng nước nổi lên, lên mãi để rồi lại chìm vào trong đáy nước. Chúng sinh cũng do ba động của dục cấu kết hợp thành, từ nguồn Như Lai xuất ra luân hồi trong vòng sinh tử từng phút, từ giây, không ngừng từ ba động vi diệu đến ba động vĩ đại, nhưng cũng lại nhờ nhịp điệu của âm ba mà trở về hòa nhịp với khởi thuỷ nguồn gốc.

Đức Quan Âm ấy truyện đời còn ghi,
Vốn xưa là đấng nam nhi,
Dốc lòng từ thưở thiếu thì xuất gia,
Tu trong chín kiếp hầu qua,
Bụi trần giũ sạch, thói tà rửa không.
Đức Mầu Ni xuống thử lòng,
Hiện ra một ả tư dung mỹ miều.
Lần khân ép dấu, nài yêu,
Người rằng: vốn đã lánh điều nguyệt hoa,
Có chăng kiếp khác họa là,
Kiếp này sợi chỉ trót đà buộc tay.
Nào ngờ phép Phật nghiệm thay,
Lỡ lời mà đã vin ngay lấy lời,
Chờ cho kiếp nữa đủ mười,
Thử cho đày đọa suốt đời xem sao?


Phật ông Quan Âm theo quá trình diễn xuất bắt đầu là nguyên lý lời Nam tính tức là tinh khí ba động trong điều kiện không gian, thời gian, tức là trong giới hạn của lượng số từ 1 đến 9. Đấy là “chín phương trời, mười phương phật”. Trời là bình diện tạo vật, hiện sinh, thể chất của Lời. Phải một kiếp nữa mới viên mãn 9+1 =10 = 1 + 0=1… Đấy là quá trình tích lượng hóa thành Phẩm vậy.

Vì lời căn bản ba động biến hóa vô cùng, cho nên từ bản thể lời của nguyên lý Nam, ngài tự đối tượng hóa ra nguyên lý Nữ, đối tượng của tình yêu, đóng vai tình yêu hóa thân để cứu vớt chúng sinh nơi trần thế. Bởi thế mà theo Quan Âm xuống trần, tức là mặt trái của Quan Âm trên Trời, ấy là Thị Kính.

Cõi trần mượn của thác vào,
Hóa sinh, sinh hóa lẽ nào cho hay.


Chỉ vì lỡ lời ước vọng rằng: “Có chăng kiếp khác họa là”, nghĩa là Quan Âm còn mong kiếp khác họa là một người nguyệt hoa, tức là mới hóa đựơc hết dục tính, hóa ra tình mẫu tử vô tư sau khi thất vọng với tình vợ chồng phàm tục. Một khi hóa thân xuống trần gian, từ Nam sang Nữ thì không còn nhớ gì đến bản lai diện mục nữa. Phải nhờ đến những bài học kinh nghiệm bản thân để mà tỉnh ngộ, bởi thế mà Thị Kính suốt một đời phải đau đớn vì tình, chỉ gặp những sự trái nghịch trong tình trường, không được mãn nguyện để khỏi đắm say trong cõi sinh tử luân hồi vậy.

Sau khi thất bại về đường chồng thì nàng chợt tỉnh ngộ, lại cải trang ngay tại trần gian, từ gái hóa trai để trờ về chùa tìm diện mục bản lai, đáp ứng tiếng gọi của Phật.

Nhưng về chùa chỉ mới là bước đầu quy y, tức là quy chính. Tìm giải thoát khỏi đau khổ, mê lầm của nhân tình thế thái, đâu chỉ phải riêng để hết công phu vào trầm tư mặc tưởng, tập trung tinh thần vào nội hướng, phủ nhận ngoại giới như phép Bích Quán tĩnh tọa tiêu cực:

Mắt ngừng trên vách mấy thu đã chầy.

Hiện sinh là hiện sinh với cái gì khác, chứ chúng sinh với mình còn cả một mối liên hệ tương quan. Chúng ta chỉ giải thoát cho mình bằng cách giải thoát cho người, hay nói đúng hơn là bằng cách ý thức mình với người là một. Và cái đồng nhất tính phổ quát nhất là tình yêu nó biểu hiện ra chân thật nhất, hồn nhiên nhất là lòng trắc ẩn. Bởi vậy mà:

Tiểu đương tụng niệm khấn quyền,
Bỗng nghe tiếng trẻ khóc nên giật mình.
Ngảnh đi thì dạ chẳng đành,
Nhận ra thì hóa ra mình chẳng ngay.


Nhưng rồi đức hiếu sinh là cái đại đức của Trời Đất đã nói trên không cho phép nàng quên vào tư lợi vị kỷ:

Nhưng vì trong dạ hiếu sinh,
Phúc thì làm phúc, dơ đành chịu dơ.
Cá trong chậu nước bơ vơ,
Khi này chẳng cứu còn chờ khi nao?
Chẳng sinh cũng chịu cù lao,
Xót tình măng sửa nâng vào trong tay.


Như thế là đức hiếu sinh, tình mẫu tử quả là tình yêu không giới hạn, vô tư và là bản nhiên nhất của nhân loại, đồng nhất với bản tính của vũ trụ, cho nên:

Chẳng sinh cũng chịu cù lao,
Xót tình măng sữa nâng vào trong tay.


Đấy thực là lòng từ tâm sống động đã biến đổi cảnh chùa xưa nay tĩnh mịch am thanh cảnh vắng thành một cảnh nhân sinh huyên náo vui vầy:

Khi trống giục lúc chuông dồn,
Tiếng chuông lẫn tiếng ru con tối ngày.

Đấy là tất cả ý nghĩa cao cả của lòng từ bi bác ái ở Đại thừa Phật giáo đã nhập thế vào nhân sinh theo tinh thần văn hóa truyền thống của nhân dân Việt Nam. Một lòng thành thật đối với lương tâm trong trắng, bỏ ngoài tai các tiếng thị phi, âm thầm riêng mình mình biết, riêng ta ta hay:

Biết chăng một đứa thương đầu,
Mình là hai với Thị Mầu là ba.
Ra công nuôi hộ thiệt là,
Đương buồn con trẻ hóa ra đỡ buồn.


Thật là tình mẫu tử đã nói lên ở lòng Thị Kính và chính tình mẫu tử ấy đã giải thoát cho Thị Kính và hoàn thành hóa thân của Phật Bà Quan Âm vậy:

… này đạo cao sâu,
Cam lòng tịch diệt ngon đâu phàm trần.
Hóa thân thì mượn châu thân,
Siêu thân được lượm tinh thần mang đi.


Hóa thân đây là Thị Kính – Kính Tâm, một lần làm vợ mắc tiếng oan giết chồng, một lần làm Tiểu mắc tiếng oan thông dâm. Chân thân là Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Siêu thân là Phật tính bản thể của vũ trụ tuyệt đối.

Đây là ba ngôi điển hình của Phật giáo Việ Nam hóa. Theo giáo lý ba ngôi căn cứ vào hai tính của Phật, một tính đồng nhất với tuyệt đối là Chân Như không thay đổi và một tính theo đuổi cuộc biến hóa của chúng sinh, thì Phật bao hàm ba thân, gồm ba phương diện của một thực tại Thể, Tướng và Dụng. Ở hình thức tín ngưỡng Việt Nam thuyết Tam thân điển hình trên đã đượm màu sắc dân tộc nông dân, quyến luyến với quê cha đất tổ, nhẫn nhục mà không oán thù, hiếu khách mà giàu lòng hào hiệp, không tha thiết với của cải tư hữu, luôn luôn lạc quan mà tự an ủi vào số mệnh, tín ngưỡng thần quyền nhưng rất thực tế. Bởi thế mà những ý tưởng quá siêu hình trừu tượng của Phật giáo với thuyết Tam thân trên đây đã thay thế bằng một thuyết Tam thân cụ thể linh động gần với tính tình của đại chúng hơn. Hóa thân là Thị Kính, một cô gái bị chồng nhu nhược u mê, để cho cha mẹ chồng hắt hủi nghi ngờ, đổ cho những tội vô lý, đấy là cô gái Việt Nam điển hình trong xã hội xưa hoàn toàn chịu đựng. Hình ảnh một cô gái giả trai phải ép ngực để giấu giếm sự nở nang đấy là cái yếm đồ phục sức cổ điển của tất cả phụ nữ bình dân cũng như quý tộc ngày trước.

Lại như cái tình mẫu tử kia trước cảnh trẻ thơ quên hết đắn đo tội lỗi, mặc cho tiếng của lòng sai khiến mà hành động nên chỉ có hình ảnh phổ thông trên bàn thờ Phật là một phụ nữ bồng con “Quan Âm Tống Tử” mà ngụ ý lại không phải để cầu tự, mà là để cụ thể hóa cái lý tưởng tình mẫu tử, không phân biệt ngã thân với tha nhân, máu mủ của mình với huyết mạch của người, hoàn toàn vô tư như “tò vò nuôi cho nhện”. Tất cả tính tình nông dân Việt Nam quả là phản chiếu đầy đủ chân thành vào đoạn văn sau đây:

Rõ là nước lã vẫn lầm
Mà đem giọt máu tình thâm hòa vào.
Mẹ vò thì sữa khát khao,
Nuôi con nhền nhện làm sao cho tuyền.
Nâng niu xiết nỗi truân chuyên,
Nhai cơm mớ sữa để nên thân người.
Đến đâu ai cũng chê cười,
Tiểu kia tu có trót đời được đâu?
Biết chăng một đứa thương đầu,
Mình là hai với Thị Mầu là ba.
Ra công nuôi hộ thiệt là,
Đương buồn có trẻ hóa ra đỡ buồn.
Khi trống giục lúc chuông dồn,
Tiếng chuông lẫn tiếng ru con tối ngày.
Phù trì như thổi lên ngay,
Lọ phương hoạt ấu lọ thầy bảo anh.
Bùa thiêng đã có Kim kinh,
Ma vương kia cũng phải kinh lọ là.


Sự mầu nhiệm của giọt máu tình thâm của tình vô tư có thể hoán cải nước lã vẫn lầm, cho nên dù không sữa mà tin tưởng vào cái sức mẹ vò nuôi con nhện với tất cả nhiệt tâm thành tín, nhai cơm mớm sữa, nuốt hết trở ngại của kẻ chê người cười, rằng: “tu chẳng trót đời mặc áo tơi mà chết”, vì sẵn có lòng thành thật bên trong lương tâm, tu cốt cho mình chứ không phải để khoe với người. Nàng tin vào sự thành thật nơi mình, tin vào cái lòng chí thành đến không ngại biến chùa ra một cô nhi viện, không chút lo sợ, nhờ sức mầu nhiệm của tình mẫu tử, đặt hết lòng tin vào Kinh Quang Minh độ trẻ con thơ ấu như bùa thiêng ma thuật, hộ mệnh chống với cả Ma vương tật bệnh. Đấy là tín ngưỡng chất phác của bình dân Việt Nam xưa nay vậy.

Nguồn: Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nguyễn Đăng Thục
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top