Phút thoát hiểm của hai nữ sinh bị lừa bán

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
Cho đến bây giờ, Bùi Hồng Nhung và Bùi Thị Chi vẫn không khỏi bàng hoàng trước những tay buôn người chỉ coi thân xác các em như những món hàng ngoài chợ.

Dù bọn buôn người chưa thực hiện trót lọt đã bị CA thị xã Cẩm Phả (Quảng Ninh) bao vây, triệt phá. Nhưng đáng nói hơn là đồng chủ mưu thực hiện tội ác trên có một cô gái đang tuổi teen, Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 1992). xã hộChỉ hơn người bị hại 1-2 tuổi nhưng Trang đã có thâm niên trong giới giang hồ, khét tiếng khắp Cẩm Phả. Đó là một hồi chuông cảnh báo khi không chỉ có các nữ sinh là miếng mồi cho bọn buôn người mà đôi khi nữ sinh còn là đồng phạm tham gia buôn người.

Đang buồn vì điểm thi học kỳ kém, Chi sang nhà Nhung chơi và được Nhung rủ đi sinh nhật một người bạn. Chi vẫn trong bộ quần áo đồng phục cấp 3 cùng Nhung và Mạnh (anh trai Nhung) lên xe đi về phía trung tâm thành phố Hạ Long.

Được biết hôm đó là sinh nhật anh Đặng Tuấn Nghĩa, một người bạn của Mạnh. Sau cuộc vui, với âm mưu có từ trước, hai đối tượng Nghĩa và một người nữa tên là Tú rủ ba anh em vào một nhà nghỉ với ý đồ kéo dài cuộc vui để liên lạc với đồng bọn nhằm bán 2 nữ sinh. Bị từ chối thẳng thừng nên hai đối tượng bắt taxi đưa 3 anh em Mạnh, Chi, Nhung xuống thẳng Cẩm Phả. Ở đó Nghĩa có hẳn một đội quân mối lái đang chờ sẵn “hàng”. Trong cơn hoảng loạn, hai em vẫn nghe được tiếng thì thào ngã giá của Nghĩa và đồng bọn. Ở Cẩm Phả, Nghĩa đã đụng độ với nhóm thanh niên trong một nhà nghỉ. Nghĩa bị đánh trọng thương và phải đưa vào bệnh viện. Nhờ đầu mối này mà Công an Cẩm Phả đã lần ra những đối tượng có liên quan để “đánh mẻ lưới” toàn tập bọn buôn người.


pl84thieu.jpg


Các cô bé suýt trở thành món hàng trong "tổ quỷ" (hình minh họa).

Nhưng không ngờ bọn chúng còn gian xảo hơn khi biết Nghĩa bị thương. Một đồng phạm bị sa lưới, các đối tượng chủ mưu khác chưa thoát khỏi cơn khát tiền, chúng điều ngay Nguyễn Thị Quỳnh Trang (SN 1992) đưa 3 anh em lên taxi đến một nhà nghỉ khác. Trên đường đi, chúng hất tung Mạnh xuống đường.

Trong bóng tối lờ mờ, Mạnh vẫn nhìn thấy biển số xe taxi. Các trinh sát thuộc phòng PC 14 CA Cẩm Phả đã lần ra điểm đỗ cuối cùng của chặng taxi đó là một quán tẩm quất, massage. Cuộc truy bắt tiến hành nhanh chóng, các đối tượng được đưa vào tầm ngắm là Phạm Quang Dũng (SN 1987) và Nguyễn Thị Quỳnh Trang. Biết rõ các đối tượng sẽ bán nạn nhân thật nhanh để có tiền ăn chơi nên CA Cẩm Phả ngay trong đêm đã xuất kích triệt phá đường dây buôn người này. Các đối tượng thay đổi địa điểm liên tục, chúng đưa đến nhà nghỉ Thượng Hải giam giữ hai em và chờ đồng bọn ngã giá, nhận tiền và chuồn. Biết trước đối tượng đang nắm trong tay con tin nên nếu áp sát ồ ạt, các đối tượng sẽ thủ trong phòng uy hiếp con tin. Trong đêm ấy, những trinh sát thuộc đội PC 14 CA Cẩm Phả lặng lẽ đi xe máy đến nhà nghỉ. Hai trinh sát mặc quần áo thường giả vờ như khách vào thuê phòng để gài người vào trước. Các trinh sát khác đứng phục phía ngoài chờ hiệu lệnh. Sau khi biết rõ các đối tượng và nạn nhân ở trong phòng, chúng đang chờ xe để tẩu thoát thì các trinh sát ập vào. Các đối tượng Trang, Dũng chỉ “ối” lên một tiếng, chưa hình dung sự việc gì xảy ra thì đã bị tra tay vào còng số 8 giải đi.

Tại Cơ quan CA, Đặng Tuấn Nghĩa, Phạm Quang Dũng và Nguyễn Thị Quỳnh Trang đã cúi đầu nhận tội ngay trong đêm đó. Chúng khai rằng do dưới Cẩm Phả có mối tiêu thụ gái với giá 15 triệu/gái, nếu bán sang Trung Quốc cho các má mì săn gái trinh sẽ được giá cao hơn. Tuy nhiên, bọn chúng không thể bán thẳng ngay cho các má mì bên kia biên giới được mà phải qua khâu trung gian là các nhà nghỉ hoặc các quán tẩm quất, massage trên địa bàn tỉnh.

Qua xác minh các đối tượng, chủ mưu Đặng Tuấn Nghĩa có tiền án, tiền sự với nhiều tội danh. Hắn chuyển đổi mục đích kiếm tiền sang săn gái để thỏa mãn tính ăn chơi đã thấm vào máu của mình. Còn Phạm Quang Dũng là bạn chơi với Bùi Tiến Mạnh, anh trai của Bùi Hồng Nhung. Biết Mạnh có em gái bỏ học lại xinh xắn nên vẽ ra trò sinh nhật Nghĩa để lừa bán nữ sinh. Trong vụ án này, Công an viên hỏi cung nhiều nhất đối với đối tượng Nguyễn Thị Quỳnh Trang.

Vì đối tượng có độ tuổi bằng với các nạn nhân nên khi hỏi tại sao em lại tham gia vào việc bắt cóc nữ sinh, Trang chỉ cúi đầu: cần tiền. Bọn chúng vạch ra những kế hoạch rất chi tiết nhằm đưa các em đi thật xa nơi cư trú để dễ bề hành động nhưng lại quá sơ suất nên đã bị sa lưới nhanh chóng. Chúng còn tính tới khả năng đưa các em lên các tàu du lịch để làm gái vì trên tàu mọi phương tiện liên lạc với đất liền đều bị chúng kiểm duyệt. Và cũng không có “đất” để trốn chạy nên nạn nhân chỉ còn cách nhắm mắt tiếp khách. Chúng khai nhận, nếu gia đình muốn chuộc lại sẽ phải trả cho chúng số tiền gấp 5-6 lần chúng bỏ ra để mua các cô gái trên.

Bên kia bàn đối diện là đại diện gia đình người bị hại. Ông Bùi Đình Thọ bức xúc sau sự việc trên: “Chúng nó đang tuổi mới lớn, hiếu động, nhiều khi chúng thích đi thì người lớn như chúng tôi cũng khó quản. Mình quản con mình là chính thôi, chứ không thể quản i”. Ông làm ở Cục hải quan Quảng Ninh, vợ cũng đi làm suốt ngày, ít có thời gian dành cho con cái. Ông cũng không thể ngờ rằng con mình đi chơi mà lại trở thành món hàng cho bọn buôn người nhanh như vậy.

Sau vụ bắt cóc nữ sinh, Nhung và Chi phải đối mặt với những lời xì xào của hàng xóm. Ít nhiều sau cú sốc này, hai em đã thu mình không còn dám đi chơi khuya như trước nữa. Với Chi, em vẫn đang tuổi đi học nên chuyện buồn đó em không dám kể với bạn bè. Em sợ người ngoài sẽ nói: chỉ có con gái lẳng lơ mới bị bắt đi làm gái chứ con gái bình thường thì đâu có chuyện đó. Ngay hôm sau vụ bắt cóc, Chi phải bước ngay vào đợt thi học kỳ căng thẳng. Bố em phải xin bảo lãnh để Chi kịp về thi.

Hôm chúng tôi đến thăm hai em, Bùi Hồng Nhung đi chơi từ sáng đến tối mịt mới về. Em bảo rằng, ở nhà không có việc gì làm, không có ai chơi, tuy vẫn sợ suýt bị bán làm gái nhưng Nhung đã già dặn với những sóng gió như vậy rồi. Nhung bảo, cuộc đời em có nhiều sóng gió hơn thế. Bố mẹ bỏ nhau từ khi em còn nhỏ. Kinh tế gia đình bấn loạn, bố còm cõi đi làm xe ôm không nuôi nổi hai anh em Nhung ăn học.

Đến năm lớp 6, Nhung phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Em van xin bố viết đơn xin giảm học phí theo tiêu chuẩn con nhà nghèo nhưng lần lữa, ông cũng không viết. Em không biết làm nghề gì để nuôi bản thân, suốt ngày loanh quanh ở nhà làm việc vặt. Anh trai Nhung, Bùi Tiến Mạnh đang đi học làm đầu, cắt tóc nên cũng cần chi tiêu nhiều. Trong ngôi nhà cấp 4 nằm lọt thỏm trong dãy nhà cao tầng ở tổ 6, khu 3, phường Trần Hưng Đạo, Tp Hạ Long đã bao năm nay thiếu vắng hơi ấm người đàn bà, người vợ, người mẹ chăm sóc gia đình.

Từ trước đến nay, mẹ không chu cấp gì cho Nhung, mẹ không đoái hoài gì đến đứa con bé bỏng này. Một lần duy nhất sau nhiều năm xa cách, Nhung cảm nhận được hơi ấm của người mẹ là hôm mẹ đưa Nhung từ thị xã Cẩm Phả sau vụ bắt cóc về nhà. Ngồi trong lòng mẹ, lòng Nhung có hai cảm xúc trái ngược nhau. Em vẫn còn cảm giác sợ nhưng hơi ấm từ người mẹ đã xua tan cái lạnh giá đó. Đã hơn chục năm nay, em không được mẹ ôm ấp, được vuốt ve như ngày nào. Nhung không oán mẹ mà chỉ trách số phận đã không mỉm cười với em như bao đứa bạn cùng lứa khác.

Tuy chưa phải lao động gì nhưng cuộc đời phía trước của Nhung vẫn đầy gian nan, thử thách. Một vài lần Nhung giúp việc trên tàu hàng và tàu cá. Đi được mấy hôm rồi bỏ. Em thèm cảm giác được đi học như các bạn. Chơi cùng Bùi Thị Chi đang học lớp 10 trường THPT Ngô Quyền, thành phố Hạ Long nên Chi biết bạn mình đang rất khát học. Nhung thường mượn sách vở Chi về xem cho đỡ nhớ. Người bố ngậm ngùi kể lại ngày xưa Nhung học rất khá. Thời gian đầu em nghỉ học, giáo viên cũng ghé qua nhà động viên em đến trường. Các giáo viên đánh giá Nhung là học sinh khá, tiếp thu kiến thức nhanh, bỏ học sẽ rất phí phạm. Lúc ấy, Nhung chỉ biết cúi gằm mặt và nói lí nhí trong miệng là nhà nghèo nên không thể tiếp tục đi học như chúng bạn. Ngày xưa, sách vở của Nhung dày lắm nhưng nay đã hoen ố, mối mọt ăn hết. Hàng ngày, những thứ quen thuộc với em là những bộ quần áo màu mè, những chiếc gương, lược, bấm móng tay, những loại dầu gội đầu để mỗi tối còn đi chơi.

Bà em mới mất cách đây 1 tháng, em cũng mất đi một chỗ dựa tinh thần. Ngày bà em còn sống, Nhung đi chơi về khuya chỉ dám gọi nhỏ để bà ra mở cửa. Sau ngày bà mất, em vẫn đi chơi nhưng về sớm hơn. Em sợ, sợ ai đó lừa đi và sợ nỗi cô đơn lạnh lẽo trống vắng trong lòng khi không còn người bà thân yêu.

Em sợ một ngày sẽ vấp ngã trên đường đời, không như Chi có cả mẹ lẫn bố chăm sóc, bảo ban. Nhung chỉ còn một mình với chiếc bóng lầm lũi. Bố quần quật cả ngày ngoài bụi đường, tối lại tổ tôm đến khuya. Anh trai cũng không chịu nổi gia cảnh nên đi làm kín ngày, tối cũng lao vào tụ điểm với bạn bè để không phải nhìn thấy cảnh người bố suốt ngày bù khú với tổ tôm.

Bố mẹ bỏ nhau, bị lừa bán, mất người thân, tưởng chừng như Nhung suy sụp hoàn toàn nhưng khi hỏi sắp tới em sẽ làm gì, Nhung dõng dạc: “Em lớn rồi, em muốn học một nghề để sau này kiếm tiền. Gia đình em cũng chỉ vì đồng tiền mà mỗi người một nơi. Vì vậy em phải kiếm nhiều tiền để phụ giúp bố và anh trai”. Trong cái ước mơ nhỏ nhoi của cô bé ấy, cô vẫn khát khao có một cửa hàng bán quần áo nhỏ ở chợ Hòn Gai. Nhung sẽ đi làm thuê kiếm tiền, rồi nhờ các bác bên ngoại phụ giúp thuê cửa hàng để em làm ăn. Bước đường phía trước của Nhung là thế: trong trẻo, dứt khoát, có khát vọng nhưng cũng lắm gian truân.


Theo Đất việt.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top