PHỤ NỮ VÀ SỰ TỰ TI
Phần đông đàn bà đều mang cảm tưởng tự ti khá thấm thía, với một lý do rất đơn giản : chỉ vì họ không phải là đàn ông. Tại sao ? Vì nền văn hóa của ta hoàn toàn dựa trên nam tính và dựa trên cái được gọi là sự trổi vượt của phái nam. Người đàn ông đã trở nên một thứ chúa tể của trái đất ... cái vai trò mà họ cũng tự cho là mình có. Suốt bao thế kỷ người đàn bà bị chê bỏ, không cho lãnh những trách nhiệm ngoài xã hội. Người ta chỉ dành cho họ những lãnh vực quanh quẩn thuộc phạm vi tình cảm riêng tư. Hẳn nhiên việc giải phóng phụ nữ đang có mòi khả quan, nhưng những di sản thâm căn cố đế cả ngàn năm không dễ gì một sớm một chiều mà bứng đi được. Trong cái lối văn minh của ta hiện nay, nữ giới đóng một vai trò rất hạn hẹp đến mức phi lý. Sinh một đứa con gái thường đã chẳng bị người ta coi là "bị hụt" sao ? ... "Nó chỉ là một đứa con gái ! " Đó là một lời than não nuột khi một đứa bé gái sinh ra. Trong trường hợp này, ta thấy có một sự ích kỷ cao độ của bậc làm cha mẹ. Họ muốn có một đứa con rõ ràng chỉ là để thỏa mãn những nhu cầu riêng tư sâu kín của họ. Nếu một khi cha mẹ đã có trong đầu óc cái tư tưởng "nó chỉ là một đứa con gái", thì dù muốn hay không. sớm muộn gì đứa bé cũng cảm thấy được điều đó. Sự thấp kém của phái nữ vốn là một phần của một thứ tâm thức kỳ cục, nhưng lại ăn sâu trong xã hội. Vì thế ta thử xét coi, người đàn bà cảm thấy một cách tự nhiên và đương nhiên, một thứ cảm tưởng sâu sắc là mình kém hơn người khác.
Những cảm tưởng tự ti của nữ giới có mất đi khi họ trưởng thành chăng ? Có, nếu người phụ nữ thuôc loại quân bình, vững chắc. Lúc đó họ sẽ đóng vai trò phụ nữ của mình một cách đầy vui vẻ trong sáng. Tuy nhiên, buồn thay, thanh toán hoàn toàn được sự tự ti thì thật là hiếm thấy nơi một phụ nữ ... và mọi thứ đều như không đứng về phe bênh vực phụ nữ : có nhiều người nam chống họ, mọi luật lệ, và ngay trong môn văn phạm (như tiếng Pháp) thì giống đực cũng lấn lướt hơn giống cái. Và nếu người ta hỏi ý kiến phụ nữ đa số họ thường trả lời : "Tôi, tôi thích nếu mình được làm đàn ông".
Điều đó có nghĩa là họ muốn có được những đặc quyền vốn chỉ dành cho phái nam. Hơn nữa, họ cũng muốn có được những phẩm tính (mà xem ra) là của riêng phái nam : can đảm, sức mạnh, độc lập, có quyền lựa chọn ... vì bị nhiễm sự tự ti, nên thường tình là người nữ quen có thái độ "phản kháng" và tìm sự bù trừ. Điều đó hiểu là họ tìm cách chối bỏ vai trò phụ nữ của mình, tìm cách theo đuổi để có được vai trò của người nam. Những phản kháng đó sẽ được biểu lộ qua những việc như thu nhỏ ngực lại, đi đứng mạnh bạo, ăn mặc kiểu đàn ông, để tóc ngắn, đua tài thể thao, tranh đấu cho nữ quyền ... Như thế là họ nhập cuộc vào một trận tranh đua mang tính hung hăng gây hấn với người nam.
Sự thể như thế thật là lố bịch cách đáng buồn, vậy mà người ta cứ tìm cách triển khai thêm. Đối với những phụ nữ bị tự ti, họ có thể có một trong hai giải pháp sau đây về vai trò phụ nữ của họ.
a) Hoặc có cảm giác bất lực và nhẫn nhục chịu vậy
b) Hoặc có thái độ phản kháng, tìm sự bù trừ và đua tranh.
Kết quả sẽ đi đến đâu ? Bên phía đàn ông thì nghĩ :“Tôi không thể chịu được cái cảnh để cho đàn bà họ qua mặt, họ nắm đầu...”. Còn phía đàn bà thì lại nghĩ :“Ái chà, đương nhiên là ta phải hơn rồi, tôi sẽ chứng tỏ cho bọn họ thấy tôi không phải là tay vừa, tôi sẽ cho bọn họ biết tay, tôi sáng giá hơn họ nhiều”.
Cảm tưởng về sự thấp kém của nữ giới là một tâm trạng rất phổ biến: biết bao người cha ước ao có một người con để tên tuổi dòng dõi mình được tiếp tục mãi, để nối dõi tông đường, để sự nghiệp của tổ tiên được tiếp tục... Ta thấy đó, lại một lần nữa tính ích kỷ lộ chân tướng. Khi nói “tên tuổi dòng dõi được tiếp tục mãi” đương nhiên có nghĩa là muốn có đứa con trai. Những người cha này sẽ thất vọng khủng khiếp khi “nó chỉ là một đứa con gái”. Và rồi chuyện gì sẽ xảy ra ? Chuyện thật phi lý : người cha từ trong thâm tâm từ chối không muốn có đứa con gái, nên ông sẽ tìm cách biến nó thành đứa con trai...Vậy đứa con gái đó sẽ nghĩ gì ? Nó nghĩ rằng tất cả những gì của phái nam đều là tốt và tất cả những gì của phái nữ đều yếu và đáng khinh. Thế là nó đi đến chỗ tin chắc rằng nó là thấp kém bởi vì nó chỉ “là phụ nữ”. Không biết người ta có hiểu được rằng thật là đội đá vá trời nếu muốn cho thiếu nữ đó vui vẻ đón nhận vai trò phụ nữ của mình.
VẬY, NAM VÀ NỮ, AI HƠN AI ?
Thật là kỳ cục khi so sánh hai phái như thế. Kỳ cục hơn nữa khi sự so sánh này luôn dựa theo tiêu chuẩn của phái nam. Có thể nói, nếu cứ so sánh lối này thì chúng ta đã sai lầm ngay từ đầu.
Thí dụ, người ta thường cho rằng, trong đám nữ giới không có thiên tài. Nhưng ai nghĩ như vậy ? Thưa đàn ông...nhưng cả các bà cũng nghĩ như vậy, đó chỉ là vì tự ti. Rồi cách định nghĩa về thiên tài cũng do đàn ông đưa ra. Đáng lẽ họ phải nói thế này mới đúng : đàn bà không có cùng một kiểu thiên tài như họ. Mỗi giới đều có kiểu thiên tài riêng của mình và mỗi giới hãy đảm nhận thật tốt vai trò của mình. Nếu người nam có biệt tài về trừu tượng và lý luận thì phụ nữ hầu như luôn có một biệt tài rất tự nhiên đó là thấu hiểu một cách sâu xa thực chất của sự vật, cái mà ta gọi là “trực giác của phụ nữ”. Thế còn đàn ông, họ có được cảm năng sâu thẳm này không ? Hiếm lắm, vì họ đã làm cho cảm năng này bị phủ lấp bằng một lớp vỏ của lý trí và lý luận. Cũng từ cái lối đó “người ta” sẽ nói rằng : đàn bà kém “thông minh” hơn đàn ông. Nhưng lại một lần nữa xin hỏi, ai nói thế ? Đàn ông ! Sự thông minh được định nghĩa theo những tiêu chuẩn do đàn ông đặt ra. Đúng ra thì phụ nữ không có một thứ thông minh như người nam.
Sự thông minh của phụ nữ có một thứ quyền năng : từ trong tâm khảm sâu xa họ “nắm bắt” ngay được thực chất của hữu thể và sự vật. Người nữ tự sâu thẳm vốn thuộc về cảm tính, và họ dễ dàng tham phần vào chiều sâu của thế giới. Điều đó thường giúp họ có sự chắc chắn trong phán đoán, cái mà người nam, dù là hạng thông minh nhất, cũng đành thất bại thảm thương. Như thế sự khác biệt giữa hai phái sẽ bổ túc cho nhau cách tuyệt vời. Nếu người nam tiến hoá theo hướng trừu tượng của lý luận thì người nữ sẽ triển nở theo chiều sâu. Giống hệt như hình ảnh TRÁI-ĐẤT-MẸ (terre-Mère) và hình ảnh về NƯỚC, đó là hai biểu tượng nói về phụ nữ, về người mẹ trong phần lý thuyết của C. J. Jung. (Coi phần trị liệu tâm lý của Jung với phần liên-tưởng-tự-do (libre association) và phần Mơ-thức (Rêve Éveillée).
(Sưu tầm)