Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ 1925 đến 1930
1. Sự ra đời và hoạt động của hội Việt Nam cách mạng thanh niên:
- Hoàn cảnh ra đời:
+ Sau khi về đến Quảng Châu ( Trung Quốc ), Nguyễn Ái Quốc mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ. Phần lớn học viên là thanh niên, học sinh, trí thức Việt Nam yêu nước. Họ học và làm cách mạng, học cách hoạt động bí mật. Phần lớn số học viên đó sau khi học xong bí mật về nước truyền bá lí luận giải phóng dân tộc và tổ chức nhân dân. Một số người được gửi sang học tại Trường Đại học Phương Đông ở Mát-xcơ-va ( Liên Xô ) hoặc Trường Quân sự Hoàng Phố ( TQ).
+ Nguyễn Ái Quốc lựa chọn một số thanh niên tích cực trong Tâm tâm xã để tổ chức thành nhóm Cộng sản đoàn ( 2 - 1925 ).
+ Tháng 6 - 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên nhằm tổ chức và lãnh đạo quần chúng đoàn kết lại, kịch liệt tranh đấu để đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và tay sai để tự cứu lấy mình.
- Hoạt động:
+ Ra báo Thanh niên là cơ quan ngôn luận trung ương của Hội do Nguyễn Ái Quốc sáng lập. Số báo đầu tiên ra ngày 21 - 6 - 1925.
+ Đầu năm 1927, tác phẩm Đường Kách mệnh được xuất bản.
=> Báo Thanh niên và sách Đường Kách mệnh đã trang bị lí luận cách mạng cho cán bộ của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên để tuyên truyền giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân Việt Nam.
+ Từ cuối năm 1928, sau khi có chủ trương vô sản hóa, nhiều cán bộ của Hội đã đi sâu vào các nhà máy, xí nghiệp, đồn điền cùng lao động và sống với công nhân để tuyên truyền và vận động cách mạng. Phong trào quần chúng phát triển mạnh mẽ.
- Tác dụng và ý nghĩa:
+ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin đến với giai cấp công nhân và nông dân lao động Việt Nam, nâng cao giác ngộ cho họ, thúc đẩy phong trào công nhân từ tự phát rời rạc, lẻ tẻ ( 1919 - 1925 ) sang giai đoạn từ giác.
+ Đây là bước chuẩn bị vể tổ chức cho việc thành lập một chính đảng của giai cấp vô sản.
2. Sự ra đời ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam trong năm 1929:
* Hoàn cảnh:
Năm 1929, phong trào công nhân và một só các tầng lớp khác đã kết thành làn sóng cách mạng dân tộc dân chủ mạnh mẽ, đòi hỏi cần có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
* Cuộc đấu tranh:
- Tháng 3 - 1929, hội viên thanh nên ở Bắc Kì đã thành lập chi bộ cộng sản 7 người tại 5D Hàm Long, Hà Nội để vận động thành lập Đảng Cộng sản.
- Tháng 5 - 1929, đại hội lần thứ nhất của Hội Việt Nam cách mạng thanh niên ở Hương Cảng. Đại biểu thanh niên ở Bắc Kì đã đưa ý kiến thành lập Đảng nhưng không được chấp nhận.
Đại hội tiếp tục thông qua cương lĩnh: cách mạng Việt Nam là cách mạng tư sản dân quyền, con đường phát triển cách mạng xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giành chính quyền, thiết lập chuyên chính công nông, giai cấp vô sản là giai cấp lãnh đạo.
=> Nhu cầu thành lập Đảng Cộng sản là cần thiết những trước mắt chưa thể thành lập được.
- Ngày 17 - 6 - 1929, đại biểu cộng sản ở Bắc Kì đã tuyên bố thành lập Đông Dương cộng sản Đảng tại 312 Khâm Thiên và đã ra điều lệ, ra báo búa liềm. Hoạt động đó đã thu hút được đông đảo quần chúng tham gia.
- Tháng 8 - 1929, bộ phận còn lại của hội Việt Nam cách mạng thanh niên chuyển thành An Nam cộng sản Đảng và ra tờ báo Đỏ nhằm tuyên truyền vận động và tích cực vận động để hợp nhất với Đông Dương cộng sản Đảng.
- Tháng 9 - 1929, Đảng viên còn lại của Tân Việt chuyển thành Đông Dương cộng sản liên đoàn, bắt tay vào cuộc đấu tranh của quần chúng.
* Ý nghĩa:
- Đây là xu thế phát triển khách quan của cuộc vận động giải phóng dân tộc, là bước chuẩn bị trực tiếp tiến tới thành lập Đảng.
- Ba tổ chức đảng hoạt động riêng rẽ, thường xuyên tranh giành Đảng viên và quần chúng, làm cho phong trào có nguy cơ chia rẽ.
- Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm trở về Hương Cảng ( Trung Quốc ) thống nhất các tổ chức cộng sản.
3. Hoàn cảnh, nội dung hội nghị thành lập Đảng:
a. Hoàn cảnh:
- Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản vào năm 1929 là một xu thế tất yếu của cách mạng Việt Nam. Các tổ chức cộng sản đã nhanh chóng xây dựng cơ sở vật chất và trực tiếp tổ chức lãnh đạo những cuộc đấu tranh của công nhân và nông dân.
- Ba tổ chức cộng sản hoạt động riêng rẽ, công kích lẫn nhau, tranh giành ảnh hưởng của nhau, gây trở ngại lớn cho phong trào cách mạng. Yêu cầu bức thiết của cách mạng Việt Nam lúc này là phải có một Đảng Cộng sản thống nhất trong cả nước.
- Trước tình hình đó, Quốc tế cộng sản đã giao cho Nguyễn Ái Quốc ( với chức trách là phái viên của Quốc tế Cộng sản có quyền quyết định mọi vấn đề liên quan tới phong trào cách mạng ở Đông Dương ) chịu trách nhiệm thống nhất các lực lượng cộng sản ở Việt nam thành một Đảng Cộng sản duy nhất.
b. Nội dung:
- Từ ngày 3 đến 7 - 2 - 1930, Hội nghị hợp nhất Đảng họp ở Cửu Long ( Hương Cảng ) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Dự hội nghị có Trịnh Đình Cửu và Nguyễn Đức Cảnh là đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng, Châu Văn Liêm và Nguyễn Thiệu là đại biểu của An Nam Cộng sản đảng.
- Nguyễn Ái Quốc đã phê phán những quan điểm sai lầm của mỗi tổ chức cộng sản riêng rẽ và nêu rõ chương trình của Hội nghị. Hội nghị đã thảo luận và nhất trí thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam, thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Đó là Cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng.
- Đường lối chiến lược cách mạng của Đảng là tiến hành cuộc tư sản dân quyền cách mạng xã hội chủ nghĩa. Hai giai đoạn này kể tiếp nhau không có bức tường nào ngăn cách.
=> Như vậy là ngay từ đầu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã thấu hiểu con đường phát triển của cách mạng nước ta là con đường kết hợp và giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, con đường tất yếu và duy nhất đúng của cách mạng Việt Nam.
- Nhiệm vụ của cách mạng là đánh đổ đế quốc Pháp, bọn phong kiến và tư sản phản cách mạng làm cho nước Việt Nam được độc lập tự do ; lập chính phủ công nông binh ; tổ chức quân đội công nông, tịch thu hết sản nghiệp lớn của đế quốc ; tịch thu ruộng đất của đế quốc và bọn phản cách mạng chia cho dân cày nghèo, tiến hành cách mạng ruộng đất,...
=> Các nội dung trên đã bao trùm cả hai nội dung cơ bản của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta là dân tộc và dân chủ ( chống đế quốc và chống phong kiến ). Đặc biệt, cương lĩnh đã đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc ( chống đế quốc ) lên vị trí hàng đầu.
- Lực lượng cách mạng là công nông, tiểu tư sản, trí thức. Còn phú nông, trung tiểu địa chủ và tư bản thì lợi dụng hoặc trung lập, đồng thời phải liên lạc với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp vô sản sẽ giữ vai trò lãnh đạo cách mạng,...
=> Cương lĩnh đã phản ánh đúng đắn động lực của cách mạng Việt Nam, phát huy được truyền thống yêu nước của dân tộc ta; từ đó xây dựng được khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện được nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta là giành độc lập dân tộc.
- Cương lĩnh khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới, đứng về phía mặt trận cách mạng gồm các dân tộc bị áp bức và giai cấp công nhân thế giới.
Điều này phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, thấm nhuần quan điểm giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin. Qua đó, kết hợp được sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng Việt Nam.
- Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam - đảng của giai cấp vô sản là đội tiên phong của giai cấp vô sản, lấy chủ nghĩa Mác - Lê-nin làm nền tảng tư tưởng, là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng phải có trách nhiệm thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng, thu phục cho được đại đa số dân cày, đồng thời phải liên minh với giai cấp cách mạng và các tầng lớp yêu nước khác, đoàn kết và tổ chức họ đấu tranh chống đế quốc và phong kiến.
Đây là nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Bởi vì, trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta, chỉ có giai cấp công nhân, thông qua chính đảng của nó là Đảng Cộng sản lãnh đạo mới có đủ điều kiện và khả năng đi đến thắng lợi hoàn toàn.
- Ngày 24 - 2 - 1930, theo đề nghị của Đông Dương Cộng sản liên đoàn, tổ chức này được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
* Kết luận:
Cương lĩnh chính trị của Đảng ta do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo là Cương lĩnh cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn và sáng tạo, nhuần nhuyễn về quan điểm giai cấp của chủ nghĩa Mác - Lênin, thấm đượm tinh thần dân tộc và tính nhân văn. Trong đó, độc lập dân tộc và tự do là tư tưởng cốt lõi. Nó đặt cơ sở cho Đảng ta kế thừa và hoàn chỉnh đường lối lãnh đạo cách mạng nước ta trong các giai đoạn cách mạng tiếp theo.
c. Ý nghĩa:
- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và giai cấp của nhân dân Việt Nam trong thời đại mới. Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác - Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong những năm 20 của thế kỉ XX.
- Đảng ra đời đã chấm dứt thời ki khủng hoảng sâu sắc về giai cấp lãnh đạo và đường lối cứu nước của nhân dân ta trong mấy chục năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Sự kiện đó chứng tỏ rằng giai cấp vô sản ta đã trưởng thành và đủ sức lãnh đạo cách mạng ( Hồ Chí Minh ). Từ đây, cách mạng Việt Nam đã thuộc quyền lãnh đạo tuyệt đối của giai cấp công nhân.
- Đảng ra đời với cương lĩnh cách mạng đúng đắn là sự chuẩn bị tất yếu đầu tiên cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng là nhân tố quyết định phương hướng phát triển nhảy vọt về sau của dân tộc ta.
- Đảng ra đời, cách mạng Việt Nam thật sự trở thành một bộ phận của cách mạng thế giới. Từ đây, cách mạng Việt Nam được sự ủng hộ của cách mạng thế giới, đồng thời cách mạng Việt Nam cũng góp phần mình cho sự phát triển của cách mạng thế giới.
Việc thành lập Đảng là một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử Việt Nam. Từ đây, cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam đã đặt dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đảng theo học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, có đường lối cách mạng khoa học và sáng tạo, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ đảng viên kiên trung nguyện suốt đời hi sinh cho lí tưởng của Đảng, cho độc lập cho tự do của nhân dân. Sự lãnh đạo của Đảng là một nhân tố thắng lợi của cách mạng.
4. Nội dung bản Chính cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt của Đảng cộng sản Việt Nam:
- Hội nghị các đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng và An Nam Cộng sản đảng do Nguyễn Ái Quốc chủ trì họp ở Cửu Long ( Trung Quốc ) đầu năm 1930 đã quyết định thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chính cương vắn tắt, Sách lược văn tắt của Đảng.
- Các văn kiện này tuy vắn tắt song đã vạch ra những vấn đề rất cơ bản về đường lối cách mạng, đó là:
+ Làm tư sản dân quyền cách mạng và cách mạng ruông đất để tiến lên xã hội cộng sản.
+ Đánh đổ bọn đế quốc phong kiến, làm cho nước Việt Nam độc lập, nhân dân được tự do, tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc và bọn phản cách mạng để làm của công và chia cho dân nghèo, quốc hữu hóa toàn bộ xí nghiệp của đế quốc, thành lập Chính phủ công nông binh, tổ chức quân đội công nông.
+ Thu phục đại bộ phận công nhân, nông dân, liên minh với tiểu tư sản, lợi dụng hay ít nhất cũng tập trung phú nông, tư sản dân tộc, trung và tiểu địa chủ, kiên quyết chống bọn phản cách mạng.
+ Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đội tiên phong của giai cấp vô sản với cách mạng Việt Nam.
- Liên lạc, đoàn kết với các dân tộc bị áp bức và vô sản thế giới, nhất là vô sản Pháp.
- Đây là bản cương lĩnh cách mạng đầu tiên của Đảng, một cương lĩnh đúng đắn và sáng tạo, là ngọn cờ chính trị dẫn dắt quần chúng tiến lên đấu tranh giải phóng giành lấy độc lập tự do.
5. Vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam:
a. Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê Nin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng:
- Ngày 5 - 6 - 1911, từ cảng Nhà Rồng, Nguyễn Ái Quốc làm phụ bếp trên tàu Đô đốc Trêvin và bắt đầu cuộc hành trình vạn dặm, hòa mình vào cuộc sống lao động Pháp để tìm đường cứu nước. Từ 1911 đến 1917, Người đã đến nhà nước châu Âu, châu Phi và châu Mĩ. Cuối năm 1917, Người trở lại Pháp sau 8 năm bôn ba và gia nhập Đảng Xã hội Pháp vì đây là tổ chức duy nhất ở Pháp theo đuổi lí tưởng của Đại Cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng và Bác ái.
- Ngày 18 - 6 - 1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành với tên gọi là Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị Véc-xai Bản yêu sách của nhân dân An Nam. Bản yêu sách đòi chính phủ Pháp và các nước đồng minh thừa nhận các quyền tự do, dân chủ và quyền bình đẳng của nhân dân An Nam.
- Bản yêu sách đó đã không được Hội nghi Véc-xai chấp nhận. Sự thật đó cho thấy những lời tuyên bố của các nhà chính trị đế quốc về quyền tự do dân chủ và quyền tự quyết của các dân tộc mà điển hình là chương trình 14 điểm của Tổng thống Mĩ Uyn-xơn chỉ là trò bịp để lừa các dân tộc. Vì vậy, muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào lực lượng của bản thân mình.
- Giữa năm 1920, Nguyễn Ái Quốc đọc bản Sơ thảo lần thứ nhất Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lê-Nin đăng trên báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp, Luận cương của Lê-Nin đã giúp Nguyễn Ái Quốc khẳng định muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì phải đi theo con đường cách mạng vô sản.
- Ngày 25 - 12 - 1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua. Người đã đứng về phía đa số đại biểu bỏ phiếu tán thành gia nhập Quốc tế Cộng sản và thành lập Đảng Cộng sản Pháp. Nguyễn Ái Quốc trở thành người đảng viên cộng sản Pháp, đồng thời là một trong những người tham gia thành lập Đảng Cộng sản Pháp.
Từ đây, Nguyễn Ái Quốc càng tích cực hoạt động và tiếp tục học tập. Nghiên cứu lí luận về con đường cách mạng thuộc địa để truyền bá vào Việt Nam.
- Năm 1921, cùng với một số người yêu nước của An-giê-ri, Ma-rốc, Tuy-ni-di,... Nguyễn Ái Quốc lập ra Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa ở Pa-ri để đoàn kết các lực lượng cách mạng chống chủ nghĩa thực dân. Cơ quan ngôn luận của Hội là báo Người cùng khổ ( 1922 ) do Người làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Người còn viết nhiều bài cho các báo Nhân đạo ( của Đảng Cộng sản Pháp ), Đời sống công nhân ( của Tổng Liên đoàn lao động Pháp ),... và đặc biệt là cuốn Bản án chế độ thực dân Pháp. Các sách báo nói trên được bí mật chuyển về Việt Nam đã góp phần thúc đẩy phong trào dân tộc trong nước phát triển mạnh mẽ hơn.
- Tháng 6 - 1923, Nguyễn Ái Quốc bí mật rời nước Pháp sang Liên Xô dự Hội nghị Quốc tế Nông dân ( 10 - 1923 ) và được bầu vào Ban chấp hành Hội. Người ở lại Liên Xô, vừa nghiên cứu, học tập, viết bài cho báo Sự thật của Đảng Cộng sản Liên Xô, tạp chí Thư tín Quốc tế của Quốc tế Cộng sản. Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ V ( 1924 ), Nguyễn Ái Quốc trình bày lập trường quan điểm của mình về vị trí chiến lược của cách mạng các nước thuộc địa, về mối quan hệ giữa phong trào công nhân ở các nước đế quốc với phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa, về vai trò và sức mạnh to lớn của giai cấp nông dân ở các nước thuộc địa.
- Ngày 11 - 11 - 1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu ( Trung Quốc ) để trực tiếp đào tạo cán bộ, xây dựng tổ chức cách mạng, truyền bá lí luận cách mạng giải phóng dân tộc vào Việt Nam. Sự chuyển biến về kinh tế, xã hội và giai cấp ở Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp đã tạo sẵn điều kiện để Chủ nghĩa xã hội chỉ còn phải làm cái việc gieo hạt giống của công cuộc giải phóng nữa thôi.
- Khi đến Quảng Châu ( Trung Quốc ), Người đã tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam đang hoạt động ở đây và chọn một số thanh niên hăng hái trong tổ chức Tâm tâm xã, mở các lớp huấn luyện chính trị ngắn hạn để đào tạo họ thành cán bộ cách mạng đưa về nước hoạt động. Các bài giảng của Người được tập hợp lại và in thành cuốn Đường kách mệnh, hàm chứa những vấn đề cơ bản trong đường lối chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam.
- Tháng 6 - 1925, Người sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên và lấy Cộng sản đoàn làm nòng cốt. Đây là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Nhờ hoạt động của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc và Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, phong trào cách mạng ở trong nước ngày càng phát triển sôi nổi, khuynh hướng các mạng vô sản dần dần chiếm ưu thế trong phong trào dân tộc. Đến năm 1929, Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã xây dựng cơ sở ở khắp ba kì.
Những hoạt động của Người từ 1911 đến 1929 có tác dụng quyết định trong việc chuẩn bị về tư tưởng, chính trị và đạo đức cho việc thành lập chính đảng của giai cấp vô sản Việt Nam.
b. Thống nhất phong trào cộng sản, sáng lập Đảng cộng sản Việt Nam:
- Sau một thời gian dài hoạt động có hiệu quả, tổ chức Hội Việt Nam cách mạng thanh niên dần dần mất vai trò lịch sử. Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng trong nước đòi hỏi phải có một đảng cách mạng tiên phong đủ sức lãnh đạo và đưa phong trào tiếp tục tiến lên. Để đáp ứng nhu cầu đó, từ giữa đến cuối năm 1929, ở Việt Nam đã lần lượt xuất hiện ba tổ chức cộng sản là Đông Dương Cộng sản đảng, An Nam Cộng sản đảng và Đông Dương Cộng sản liên đoàn.
- Sự ra đời của ba tổ chức cộng sản nói trên đánh dấu sự phát triển vượt bậc của phong trào cách mạng nước ta. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động, các tổ chức này đã đả kích lẫn nhau, làm giảm uy tín của các tổ chức cộng sản và gây ảnh hưởng tiêu cực đến phong trào cách mạng đang lên.
- Từ 3 - 2 đến 7 - 2 - 1930, Nguyễn Ái Quốc triệu tập hội nghị để hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Hương Cảng ( Trung Quốc ). Người chủ trì hội nghị và đã phân tích những hoạt động bè phái, chia rẽ của ba tổ chức cộng sản và tác hại của nó. Do yêu cầu cấp thiết của cách mạng Việt Nam và uy tín đức độ của Người nên đã đã thống nhất được các tổ chức cộng sản. Hội nghị nhất trí hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam thành đảng duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam.
Thông qua chính cương vắn tắt, sách lược vắn tắt do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo đã vạch ra đường lối, phương hướng cơ bản cho cách mạng Việt Nam ( đây chính là bản cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam ).
=>Hai thập niên đầu thể kỉ XX, với những hoạt động cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã truyền bá chủ nghĩa Mác-LêNin vào Việt Nam, chuẩn bị về tư tưởng chính trị và tổ chức cho việc thành lập Đảng. Đồng thời, Người đã thành công trong việc hợp nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam.
(Sưu tầm)