Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
PHONG TRÀO CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG NHỮNG NĂM TRƯỚC THÀNH LẬP ĐẢNG (1925 – 1930)
1. Sự phát triển của khuynh hướng cách mạng vô sản và phong trào công nhân
1.1. Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên
1.1.1. Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên
Sau khi trở về Quảng Châu – Trung Quốc (1/11/1924), Nguyễn Ái Quốc đã tiếp xúc với các nhà cách mạng Việt Nam ở đây cùng với một số thanh niên Việt Nam hăng hái mới từ trong nước sang.
Tháng 2/1925, Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn một số thanh niên Việt Nam tích cực để tuyên truyền giác ngộ họ và lập ra tổ chức “Cộng sản đoàn”.
Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc đã thành lập Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên, trong đó tổ chức “Cộng sản đoàn” là nòng cốt và ra tuần báo Thanh niên làm cơ quan tuyên truyền của Hội.
1.1.2. Truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam
Từ năm 1924 đến năm 1927, Người đã trực tiếp mở nhiều lớp huấn luyện chính trị, đào tạo được 75 thanh niên Việt Nam thành những chiến sĩ cách mạng để truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị cho việc thành lập chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam.
Đầu năm 1927, Nguyễn Ái Quốc đã tập hợp những bài giảng trong các lớp đào tạo cán bộ ở Quảng Châu và in thành tác phẩm “Đường Cách Mệnh”.
Nội dung cơ bản của tác phẩm “Đường Cách Mệnh”:
* Ba tư tưởng cơ bản của cách mạng Việt Nam:
Cách mệnh là sự nghiệp của quần chúng đông đảo, nên phải động viên, tổ chức và lãnh đạo quần chúng vùng dậy đánh đổ các giai cấp áp bức, bóc lột.
Cách mạng phải có Đảng của chủ nghĩa Mác-Lênin lãnh đạo.
Cách mạng trong nước cần phải đoàn kết với giai cấp vô sản thế giới và là một bộ phận của cách mạng thế giới.
* Sáu mục đích nói cho đồng bào ta biết rõ:
Vì sao chúng ta muốn sống thì phải làm cách mệnh?
Vì sao cách mệnh là việc chung của cả dân chúng chứ không phải là việc của một hai người?
Đem lịch sử cách mệnh các nước làm gương cho chúng ta soi.
Đem phong trào thế giới nói cho đồng bào ta rõ.
Ai là bạn ta và ai là thù ta?
Cách mệnh thì phải làm như thế nào?
Năm 1926, Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên đã có những tổ chức cơ sở ở nhiều trung tâm lớn trong nước (Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn...)
Song song với việc phát triển cơ sở hội trong nước, tác phẩm “Đường Cách Mệnh” và tuần báo Thanh Niên được bí mật đưa về nước để tuyên truyền và phổ biến chủ nghĩa Mác-Lênin vào giai cấp vô sản.
Năm 1928, Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên thực hiện chủ trương “Vô sản hoá”: Đưa hội viên đã được đào tạo vào các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền..., cùng sống, lao động với công nhân để tự rèn luyện, đồng thời trực tiếp truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào giai cấp công nhân Việt Nam.
Đến tháng 5/1929, Hội đã có tổ chức cơ sở hầu khắp cả nước.
1.2. Phong trào công nhân trở thành một lực lượng độc lập 1925 - 1929
Những hoạt động truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tác động mạnh mẽ đến sự giác ngộ chính trị của giai cấp công nhân Việt Nam. Thêm vào đó là sự tác động trực tiếp của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở Quảng Châu và những Nghị quyết về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa của Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ 5..., phong trào công nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn trong giai đoạn 1926 – 1929:
* Trong hai năm 1926 – 1927: Nhiều cuộc bãi công của công nhân viên chức đã nổ ra liên tiếp ở nhiều nơi như: Nhà máy sợi Nam Định, đồn điền cao su Cam Triêm, Phú Riềng, đồn điền cà phê Rayan (Thái Nguyên).
* Trong hai năm 1928 – 1929: Có đến 40 cuộc đấu tranh nổ ra trên khắp cả nước, tiêu biểu như các cuộc bãi công của công nhân ở nhà máy ximăng, sợi Hải Phòng, nhà máy sợi Nam Định, nhà máy diêm - cưa Bến Thủy, đóng xe lửa Trường Thi (Vinh), Xưởng sửa chữa ôtô Avia (Hà Nội), Xưởng đóng, sửa chữa tàu Ba Son (Sài Gòn), Đồn điền Phú Riềng.
Đặc điểm của phong trào công nhân trong giai đoạn này là đã vượt ra khỏi phạm vi của một nhà máy, công xưởng, bước đầu có sự liên kết giữa nhiều ngành, nhiều địa phương và đã trở thành một phong trào liên tục, mạnh mẽ. Điều đó chứng tỏ trình độ giác ngộ của công nhân đã nâng lên rõ rệt và giai cấp công nhân đã trở thành một lực lượng chính trị độc lập.
Cùng với sự lớn mạnh và trưởng thành của phong trào công nhân, phong trào đấu tranh của nông dân, tiểu tư sản và các tầng lớp yêu nước khác cũng phát triển, tạo nên một làn sóng cách mạng dân tộc khắp cả nước.
2. Phong trào đấu tranh do tư sản và tiểu tư sản lãnh đạo (1925 - 1930).
2.1. Tân Việt Cách Mạng Đảng và sự phân hoá của nó
Cùng với sự ra đời của Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên ở nước ngoài, tháng 7/1925, tại Vinh (Nghệ An), nhóm chính trị phạm ở Trung kỳ và các sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội đã thành lập Hội Phục Việt.
Đây là một tổ chức yêu nước, nhưng khi mới thành lập, Hội chưa có lập trường rõ ràng.
Sau cuộc đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu (11/1925), thực dân Pháp đã phát hiện và theo dõi, phá hoại, nên Hội đã đổi tên thành Hội Hưng Nam.
Trong quá trình hoạt động, Hội Hưng Nam đã chịu tác động mạnh mẽ của lập trường, tư tưởng cách mạng vô sản của Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên:
+ Hội Hưng Nam đã nhiều lần liên lạc để hợp nhất với Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên, nhưng không thành.
+ Nhiều lần đổi tên: Năm 1926: Việt Nam cách mạng Đảng; Năm 1927 đổi thành Việt Nam cách mạng đồng chí hội; và tháng 7/1928, lấy tên Tân Việt cách mạng Đảng.
* Nội bộ của Tân Việt cách mạng Đảng bị phân hoá mạnh mẽ do tác động của Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên:
- Một bộ phận lớn theo đường lối vô sản và nhóm này cũng phân thành 2 nhóm:
+ Một nhóm nhỏ gia nhập vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh Niên.
+ Nhóm còn lại chuẩn bị thành lập một chính đảng mới theo chủ nghĩa Mác-Lênin.
- Bộ phận còn lại theo đường lối dân chủ tư sản.
2.2. Việt Nam Quốc dân Đảng và cuộc khởi nghĩa Yên Bái
2.2.1. Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập
Đầu năm 1927, một nhóm thanh niên yêu nước do Phạm Tuấn Tài đứng đầu đã lập ra một nhà xuất bản tiến bộ - Nam Đồng thư xã.
Lúc đầu, họ chưa có đường lối chính trị rõ rệt, nhưng sau đó đã tiếp thu tư tưởng Tam dân của Tôn Trung Sơn (Trung Quốc) và lập ra Việt Nam quốc dân Đảng vào cuối năm 1927. Đây là một đảng chính trị theo xu hướng dân chủ tư sản.
+ Mục tiêu của đảng là đánh đuổi giặc Pháp, đánh đổ ngôi vua, thiết lập dân quyền.
+ Thành phần của đảng gồm sinh viên, học sinh, công chức, tư sản lớp dưới, người làm nghề tự do, một số nông dân khá giả, thân hào, địa chủ, binh lính sĩ quan người Việt trong quân đội Pháp...
+ Về tổ chức, Việt nam Quốc dân Đảng có 4 cấp từ Trung ương xuống chi bộ cơ sở nhưng chưa bao giờ trở thành một hệ thống trong cả nước, việc kết nạp đảng viên dễ dàng, lỏng lẽo...
2.2.2. Cuộc khởi nghĩa Yên Bái (02/1930)
* Nguyên nhân bùng nổ
Ngày 9/2/1929, ở Hà Nội xảy ra vụ ám sát tên trùm mộ phu Ba – Danh (Bazin), thực dân Pháp đã tiến hành đàn áp các tổ chức và đảng phái cách mạng Việt Nam.
Lực lượng của Việt Nam Quốc Dân Đảng bị tổn thất lớn trong đợt truy quét này. Thay vì phải tập trung để khôi phục và củng cố lực lượng, các yếu nhân còn lại của Đảng này đã quyết định dốc hết lực lượng cho một cuộc bạo động với mục tiêu “Không thành công cũng thành nhân”.
* Diễn biến
Đêm 9/2/1930, cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Yên Bái, sau đó là Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình. Ở Hà Nội có ném bom phối hợp.
Ở Yên Bái, quân khởi nghĩa chiếm được trại lính, giết và làm bị thương một số quân Pháp, nhưng không làm chủ được tỉnh lị nên hôm sau đã bị Pháp phản công và tiêu diệt.
Ở các nơi khác, nghĩa quân cũng chỉ tạm thời làm chủ mấy huyện lị nhỏ, sau đó bị Pháp chiếm lại.
Cuộc khởi nghĩa đã hoàn toàn thất bại, Nguyễn Thái Học cùng 12 đồng chí của ông bị thực dân Pháp kết án tử hình.
* Nguyên nhân thất bại và ý nghĩa lịch sử
Cuộc khởi nghĩa chưa được chuẩn bị đầy đủ cả về tổ chức lẫn lực lượng, trong khi đó thực dân Pháp còn rất mạnh, đủ sức để đàn áp.
Tuy thất bại, nhưng cuộc khởi nghĩa đã góp phần cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân.
Sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã chấm dứt vai trò của Việt Nam Quốc dân Đảng trong phong trào giải phóng dân tộc.
( Sưu tầm )