Bút Nghiên
ButNghien.com
- Xu
- 552
Phong trào đấu tranh tự vệ của nông dân Yên Thế
Trong phong trào dân tộc cuối thế kỉ XIX, song song với các cuộc đấu tranh Cần Vương còn có các cuộc đấu tranh tự phát của nông dân và đổng bào miền núi. Theo bước chân xâm lược của thực dân Pháp, phong trào kháng chiến của nhân dân ta nổ ra từ đồng bằng, rồi lan dần lên trung du, miền núi: Trong hàng loạt cuộc nổi dậy của nông dân cuối thế kỉ XIX, nổi bật nhất là phong trào nông dân Yên Thế.
Trong phong trào dân tộc cuối thế kỉ XIX, song song với các cuộc đấu tranh Cần Vương còn có các cuộc đấu tranh tự phát của nông dân và đổng bào miền núi.
Theo bước chân xâm lược của thực dân Pháp, phong trào kháng chiến của nhân dân ta nổ ra từ đồng bằng, rồi lan dần lên trung du, miền núi: Trong hàng loạt cuộc nổi dậy của nông dân cuối thế kỉ XIX, nổi bật nhất là phong trào nông dân Yên Thế.
Phong trào nông dân Yên Thế (1884-1913)
Phong trào nông dân Yên Thế là phong trào đấu tranh vũ trang lớn và kéo dài nhất trong phong trào chống Pháp cuối thế kỉ XIX sang hơn mười năm đầu thế kỉ XX.
Căn cứ Yên Thế ở phía tây Bắc Giang, có diện tích rộng từ 40 đến 50 km2, gồm đất đồi là chủ yếu, có cây cối rậm rạp, gò bụi um tùm. Từ đây có thể đi thông sang Tam Đảo, Thái Nguyên, xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên...
Tình hình suy sụp của nông nghiệp Việt Nam dưới thời Nguyễn đã làm cho nông dân nhiều vùng đống bằng miền Bắc buộc phải bỏ làng mạc đi nơi khác kiếm sống, trong đó có một số người đã lên Yên Thế. Từ giữa thế kí XIX, họ bắt đầu lập ra một số làng mạc và tổ chức làm ăn, chống lại các thế lực đe dọa từ bên ngoài tới. Khi thực dân Pháp mở rộng phạm vi chiếm đóng ra Bắc Kì, Yên Thế trở thành đối tượng bình định đầu tiên của chúng. Để bảo vệ cuộc sống của mình, nông dân Yên Thế đã nổi dậy chống Pháp. Phong trào bắt đầu bùng nổ từ năm 1884 và kéo dài mãi tới năm 1913.
Lãnh đạo phong trào đa số là nông dân, như: Cả Dinh, Cả Huỳnh, Cai Cờ, Cả Trọng (con Đề Thám). Nhưng người có công và đóng vai trò to lớn hơn cả là Lương Văn Nắm (Đề Nắm) và tiếp đó là Hoàng Hoa Thám (Đề Thám). Trong hàng ngũ chỉ huy còn phải kể đến nhiều nhân vật khác, đặc biệt có bà Ba Cẩn (vợ ba Dề Thám).
Phương thức tác chiến của nghĩa quân là đánh du kích, lấy ít đánh nhiều. Nghĩa quân thường đánh những trận nhỏ, dựa vào địa hình hiểm trở và công sự dã chiến để đánh gần, đánh nhanh, rồi rút lui nhanh.
Tên sĩ quan thực dân Galiêni (Galliéni) trong cuốn "Ba binh đoàn ở Bắc Kì"(l) đã nhận xét: nghĩa quân Yên Thế tất cả đều can đảm, thiện chiến, tuyệt đối phục tùng người chỉ huy, xuất sắc trong cách đánh phục kích và đánh trong rừng, hiểu biết một cách kì lạ mọi thuận lợi của địa hình để vận dụng trong chiến đấu.
Nhờ chiến thuật đánh du kích mà nghĩa quân Yên Thế đã có thể duy trì được cuộc chiến đấu trong gần 80 năm ròng rã.
Phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế được bắt đầu bằng việc chống trả cuộc hành binh của quân Pháp tháng 6-1884 vào căn cứ Yên Thế, do tướng Bờrie đờ Litxlơ chỉ huy. Trong cuộc hành binh này, quân Pháp đã bị các đội quân của Đề Nắm, Đề Thám chặn đánh quyết liệt, buộc chúng phải rút lui.
Khởi nghĩa Yên Thế diễn ra qua bốn giai đoạn:
Giai đoạn thứ nhất (1884 - 1892)
Giai đoạn này, các toán nghĩa quân còn hoạt động riêng lẻ, chưa có sự phối hợp và chỉ huy thống nhất. Lúc bấy giờ xuất hiện hàng chục toán nghĩa quân của Đề Nắm, Bá Phức, Thống Luận, Tổng Tài, Đề Thuật, Đề Chung... Mỗi thủ lĩnh cầm đầu một toán quân và làm chủ một vùng.
Trong giai đoạn này, tuy phong trào chưa được thống nhất vào một mối, nhưng nghĩa quân vẫn hoạt động có hiệu quả. Tháng 11-1890, nghĩa quân Đề Thám đã giành thắng lợi trong trận chống càn ở Cao Thượng. Từ đầu đến cuối tháng 12-1890, ba lần quân Pháp tấn công vào Hố Chuối, nhưng cả ba lần chúng đều bị nghĩa quân Đề Thám đánh bại.
Đến cuối năm 1891, nghĩa quân đã làm chủ hầu hết vùng Yên Thế, mở rộng hoạt động sang cả Phủ Lạng Thương.
Năm 1891, quân Pháp lại tấn công Hố Chuối, nghĩa quân Đề Thám phải rút lên Đồng Hom. Tranh thủ thời cơ, chúng tiến nhanh vào vùng Nhã Nam, rồi vừa tổ chức các cuộc càn quét, vừa xây dựng các đồn bốt để bao vây nghĩa quân.
Nhằm ngăn chặn các cuộc hành quân càn quét của địch, nghĩa quân đã lập một cụm cứ điểm gồm 7 hệ thống công sự ở phía bắc Yên Thế do Đề Nắm, Dề Thám, Bá Phức, Đề Tâm, Đề Tuất, Đề Chung, Tổng Tài chỉ huy. Lúc này, Dề Nắm là một trong những thủ lĩnh có uy tín nhất của nghĩa quân Yên Thế.
Tháng 3-1892, Pháp huy động hơn 2.200 quân bao gồm nhiều binh chủng (công binh, pháo binh...) do tướng Voarông (Voiron) chỉ huy ào ạt tấn công vào căn cứ nghĩa quân. Do tương quan lực lượng quá chênh lệch, nghĩa quân sau nhiều trận kịch chiến đã phải rút khỏi căn cứ. Lực lượng nghĩa quân bị suy yếu rõ rệt. Khó khăn ngày càng nhiều, một số thủ lĩnh ra hàng, một số khác hi sinh trong chiến đấu, trong đó có Đề Nắm bị giết vào tháng 4-1892.
Để cứu vãn tình thế, Đề Thám đã đứng ra tổ chức lại phong trào và trở thành thủ lĩnh tối cao của nghĩa quân Yên Thế.
Giai đoạn thứ hai (1893 1897).
Trong giai đoạn này, nghĩa quân đã hai lần đình chiến với Pháp, lần thứ nhất vào tháng 10-1894, lần thứ hai vào tháng 12-1897. Sau khi Đề Nắm hi sinh, Dề Thám đảm nhận vai trò lãnh đạo phong trào Yên Thế. Ông đã khôi phục những toán quân còn sót lại ở Yên Thế và các vùng xung quanh, rồi tiếp tục hoạt động. So với giai đoạn trước, số lượng nghĩa quân tuy có giảm, nhưng địa bàn hoạt động lại mở rộng hơn.
Năm 1894, nghĩa quân trở về Yên Thế tiến hành xây dựng lại căn cứ Hố Chuối, đồng thời mở rộng hoạt động ra các vùng thuộc Bắc Ninh, Bắc Giang. Lúc này, các phong trào Bãi Sậy, Ba Đình, cũng như các đội quân kháng chiến của Đốc Ngữ, Đề Kiều đều đã tan rã, nên thực dân Pháp có điều kiện tập trung lực lượng đàn áp khởi nghĩa Yên Thế.
Về phía nghĩa quân, tuy có giành được một số thắng lợi, nhưng lực lượng cũng suy yếu rõ rệt. Trong tình hình đó, Đề Thám thấy cần phải hòa hoãn với Pháp để tranh thủ thời cơ củng cố lực lượng. Tháng 10-1894, cuộc thương lượng giữa nghĩa quân Yên Thế và thực dân Pháp kết thúc.
Kết quả quân Pháp phải rút khỏi khu vực Yên Thế, giao các tổng Nhã Nam, Mục Sơn, Yên Lễ, Hữu Thượng cho nghĩa quân kiểm soát. Nhưng thời gian hòa hoãn chưa được bao lâu, quân Pháp đã bội ước, lại tổ chức tấn công. Nghĩa quân Đề Thám đã chống đỡ quyết liệt. Để tránh những cuộc đụng độ lớn với địch, Đề Thám chủ trương chia nghĩa quân thành những toán nhỏ phân tán hoạt động trong rừng và ở các làng mạc. Nghĩa quân phải di chuyển hoạt động trong bốn tỉnh: Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Phúc Yên.
Trước sự truy lùng và vây quét ráo riết của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng suy yếu. Để bảo toàn lực lượng, Đề Thám lại xin giảng hòa với Pháp lấn thứ hai. Thực dân Pháp lúc này cũng muốn chấm dứt xung đột để tiến hành khai thác thuộc địa. Vì vậy, tháng 12-1897, hiệp ước hòa hoãn giữa thực dân Pháp và nghĩa quân Đề Thám đã được kí kết với những điều kiện ràng buộc chặt chẽ hơn, nghĩa quân phải nộp cho Pháp tất cả vũ khí và phải bãi binh. Đề Thám bề ngoài tỏ ra là phục tùng, nhưng bên trong vẫn ngầm củng cố lực lượng.
Giai đoạn thứ ba (1898 - 1908)
Trong suốt 11 năm đình chiến, nghĩa quân Yên Thế vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu. Tại căn cứ Phồn Xương, nghĩa quân vừa sản xuất tự túc lương ăn, vừa tăng cường sắm sửa vũ khí, ra sức luyện tập. Nhờ vậy, lực lượng nghĩa quân ở Phồn Xương tuy không đông (khoảng 200 người), nhưng rất thiện chiến. Đồng thời, Đề Thám còn mở rộng quan hệ giao tiếp với các nhà yêu nước ở Bắc và Trung Kì.
Tại Yên Thế, nghĩa quân Hoàng Hoa Thám đã hai lần đón tiếp nhà yêu nước Phan Bội Châu. Giữa năm 1906, Phan Châu Trinh cũng lên Yên Thế gặp Đề Thám. Đề Thám còn lập một căn cứ gọi là đồn Tú Nghệ dành cho các nghĩa sĩ miền Trung ra huấn luyện quân sự.
Về phía Pháp, trong thời gian này chúng đã ráo riết lập đồn, bốt, mở đường giao thông..., tạo mọi điều kiện cần thiết để đánh đòn quyết định vào căn cứ nghĩa quân Yên Thế.
Giai đoạn thứ tư (1909- 1913)
Giữa năm 1908, xảy ra vụ đầu độc binh lính Pháp ở Hà Nội có sự tham gia của Đề Thám. Nhân cơ hội này, thực dân Pháp chủ trương tập trung lực lượng tiêu diệt nghĩa quân. Tháng 1-1909, dưới quyền chỉ huy của đại tá Batay (Bataille), khoảng 15.000 quân cả Pháp và ngụy đã ào ạt tấn công vào Yên Thế. Nghĩa quân vừa chống đỡ, vừa chuyển dần xuống Phúc Yên, Vĩnh Yên, Bắc Ninh, rồi rút sang Tam Đảo, Thái Nguyên. Trên đường di chuyển, nghĩa quân vẫn tổ chức đánh trả quyết liệt, gây cho địch những thiệt hại nặng nề. Điển hình là trận chặn giặc ở đồn Hom, Yên Thế (30-1-1909); trận núi Hàm Lợn ở Tam Đảo, Phúc Yên (15-3-1909).
Trước các cuộc vây quét tiêu diệt gắt gao của quân Pháp, lực lượng nghĩa quân ngày càng giảm sút. Đến cuối năm 1909, hầu hết các tướng lĩnh đã hi sinh, hoặc sa vào tay giặc, như Cả Trọng, Cả Huỳnh, Cả Tuyển (con Nguyễn Thiện Thuật), Ba Biều, bà Ba Cẩn... Có một số người ra hàng như: Cả Dinh, Cai Sơn... Đến đây, phong trào coi như đã thất bại về cơ bản. Ngày 10-2-1913, Đề Thám bị giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2 km. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào nông dân Yên Thế.
Khởi nghĩa Yên Thế trước sau là một phong trào đấu tranh tự phát của nông dân. Trong quá trình tồn tại, phong trào phần nào đã kết hợp được yêu cầu độc lập dân tộc với nguyện vọng dân chủ, bước đầu giải quyết được yêu cầu ruộng đất cho nông dân. Khởi nghĩa Yên Thế là phong trào đấu tranh lớn nhất của nông dân trong những năm cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX. Sự tồn tại bền bỉ, dẻo dai của phong trào đã nói lên tiềm năng, ý chí và sức mạnh to lớn của nông dân. Nhưng nông dân chỉ có thể trở thành lực lượng cách mạng thật sự khi được giai cấp tiên tiến dẫn đường.
(Nguồn: Đại Cương Lịch sử Việt Nam, Hà Nội, Giáo Dục)