T
Tuyền Nguyễn
Guest
Phòng chờ
View attachment 15597
View attachment 15597
1. Điểm danh! Một, hai, ba…Đêm. Cả phòng giật mình nhốn nháo. Tia hồ quang xanh lè quấn thành những chiếc phễu ánh sáng bay lượn quanh trần nhà một hồi rồi dừng lại, mở ra một vùng trắng lóa. Có tiếng ai đó giục giã. Có tiếng người phân bua. “Tôi ở lại”. “Tôi cũng vậy, tôi chờ…”. “Chưa, cháu còn nhiều thời gian mà…”.
“Đã nhủ đừng hối nữa mờ cứ hối, nóng bừng bừng ri chịu răng thấu!”…Ồn ào. Xôn xao. Nức nở. Rồi cũng lặng. Ai cũng muốn chờ. Mặc dù con đường phía trước sẽ dễ chịu gấp trăm ngàn lần nơi đây.Tiếng chó hoang sủa lan quanh khu nhà oăng oẳng, tiếng mèo “mao mao” rùng rợn. Một chốc rồi lặng. Nhưng cả đêm, lũ chó dường như không ngủ. Chúng khịt khịt khe khẽ. Tai giỏng lên. Cảnh giác. Chờ đợi.Lũ quạ vừa vỡ tổ buổi chiều, kêu “quà quà” suốt mấy tiếng đồng hồ ngoài hàng rào, giờ cũng im lìm biến thành những chấm đen thẫm trên cây, thẫm hơn màu đêm nhờ nhợ của Matxcơva. Chúng chờ đợi.Tất cả đều chờ đợi trong căn phòng rất hẹp, cửa sổ nhỏ bằng nửa cửa sổ những căn phòng bình thường khác. Không hiểu tay kiến trúc sư nào nghĩ ra nó. Như thể tiện tay phác thảo ra một nhà kho chứa đồ cũ. Còn lại, các phòng khác của tòa nhà đều vuông vắn, nhiều ánh sáng. Hành lang rộng thênh. Tòa nhà cũ rồi, tỏa mùi là lạ. Mùi của thời gian xếp dày lên nhau chồng chéo.Tuy vậy, căn phòng vẫn được đánh số. Số 13.Và nắng từ ngoài vẫn tràn vào ô cửa nhỏ, khi mùa xuân đến. Và khung cửa vẫn xanh. Nửa đêm về sáng, có con chim ở đâu đó dưới mái nhà cất tiếng hót lảnh lót.
Tiếng nước chảy róc rách trên mặt đất lúc tuyết tan, tiếng những nhũ băng nứt vỡ, dù khẽ khàng đến mấy cũng vẫn vọng vào qua cửa sổ bé xíu, khiến những ai đang ở trong phòng hẳn không thể không cảm thấy nôn nao.- Hồn về thôi…- Sao được?- Sao không được?- Đường xa quá, không ai chờ vong…Căn phòng trở lại im phắc. Ánh sáng của buổi chiều chớm xuân mềm mại chiếu vào chiếc tủ nhỏ. Trên mặt tủ. Trong tủ… Một, hai, ba…Nắng điểm danh những con người. Đúng hơn là phần còn lại của những con người.Những bình tro to nhỏ khác nhau, kiểu cách khác nhau. Diêm dúa, họa tiết tỉ mẩn. Đơn giản, mặt nhựa trơn. Chỉ giống nhau ở chỗ chúng đều nhẹ bỗng.An biết điều đó vì ngày nào cô cũng nâng lên đặt xuống gần hai chục chiếc bình. Cô lau bụi cho chúng, chăm chú nhìn những bức ảnh. Đôi cái có ảnh mặt đá khắc, một vài cái được ai đó cẩu thả dán bằng băng dính một chiếc ảnh chứng minh thư cũ kỹ, vài ngày bụi đã phủ mờ. Mắt người trên ảnh qua lớp bụi vẫn đen láy. Nhìn vào là bị hút chặt lấy, bị cuốn phăng vào miền sáng lòa của ký ức.- Không ai chờ, là sao hả bố?- Bố mẹ cô ấy li dị từ lâu. Giờ có gia đình riêng cả rồi…- Còn người yêu?- Ừ có. Nhưng cũng vì thế mà chết.- Con hiểu rồi… Chị ấy bị phụ tình.Người cha thở dài:- Anh ta đã có vợ bên nhà... Tình hờ, vui giả mà đau thật!... Bố muốn dặn con…- Con sẽ không yêu ai đâu. Con học thôi, bố ạ!Chà, cô bé, ngốc quá. Yêu ấy à? Thích lắm đấy em ạ. - Một tiếng cười vang, dài, sảng khoái cất lên từ chiếc bình mang số 62. Ánh mắt người đàn ông nhìn ra từ bức ảnh rất thẳng, trực diện. Một gương mặt hoàn hảo. Miệng rộng, mắt sáng, mũi cao, tai Phật. Chỉ có cục yết hầu hơi nhọn quá mức bình thường, nhô ra lộ liễu dưới cằm anh - Yêu đi em à, để thấy cuộc đời cũng đáng sống lắm. Im lặng một chút, anh nói thêm: - Chết, cũng đáng.Anh 62 có vợ. Vợ anh còn trẻ và xinh. Nhưng chị ấy không vào thăm anh. Chị bận đội đơn đi khắp nơi. Chị bước ra từ Metro Frunzenkaya, rẽ trái, mắt nhìn xa như nhìn thấy được cái gì đặc biệt đằng sau những dãy nhà xám và những con người đang gõ giày hối hả trên đường, bàn tay nắm chắc cái giỏ. Trong cái giỏ có mấy con cá hồi rất to, và một đống ruột cá hồi, cái thứ cho vào nồi lẩu một lúc đưa ra là ăn sần sật, ngậy ngậy, đặc sản của miền duyên hải nước Nga. Cá ấy chị mang đi biếu. Chị thật ngây thơ. Cứ như thể cá và ruột cá có thể lấy lại được công bằng cho anh! “Nhân chứng còn đó. Chỉ cần người ta quan tâm..”. - Chị nghĩ.Ngồi đây, nhưng anh biết hết những gì chị làm. Và anh biết, một ngày chị sẽ kiệt sức. Nhưng chị vẫn đi. Dáng đi nhẫn nại, bàn tay qua một mùa đông bị cước vì không đeo găng để đếm tiền chợ, phồng trắng rộp.Ban đầu An sợ anh 62. An nghe được anh rên, răng nghiến kèn kẹt, khí lạnh bay rần rần từ trên nóc tủ xuống. Anh cảm thấy bất lực. Một thời anh nổi tiếng ở thành phố ấy, là soái! Giờ, anh là gánh nặng tinh thần của vợ anh.
Họ lấy nhau ba năm mà chưa dám có con, vì anh còn bận làm ăn. Anh và chị đã từng nằm bên nhau trong nhà nghỉ ven biển ở Sochi, nghe tiếng sóng đập vội vội vào bờ kè đá cuội, lần lượt đặt tên cho những đứa con và tính toán tương lai của chúng. Giống như hồi bé đọc một cuốn sách, anh hay sốt ruột lật trang cuối rồi mới lần trở lại… Bây giờ anh ước ao được bắt đầu lại từ đầu, anh bảo An vậy. Anh sẽ cho chị những đứa con trước, rồi mới đặt tên, và cuối cùng mới là nghĩ đến tương lai! Tương lai, anh nghĩ là gì? Anh không biết. Hồi đó anh biết chắc, là tiền. Anh đã lao vào tương lai như thế. Lập công ty, thu hộ chiếu để làm khẩu. Rồi tiền, rồi cạnh tranh… Vô nghĩa tất! Một mồi lửa bất ngờ trong đêm anh đánh xe về muộn. Những gương mặt thú, những gương mặt quen. Chiếc xe BMW láng coóng cùng người chủ của nó đã cháy rụi. Kẻ giết người thâu tóm toàn bộ khu chợ. Kẻ giết người vẫn ở đó, trâng tráo giả lả gật đầu chào vợ anh, mắt nheo nheo.An liều mạng mở nắp bình, có một vòng dây thép niêm phong lấy lệ. Tro tàn đây, phần nào của người, phần nào của xe? An khẽ đặt ngón tay vào lớp tro bên trên, gắng truyền hơi ấm vào đó. An không sợ. An chỉ thấy thương.- Đừng buồn. Dù sao anh còn có tình yêu! Chị ấy yêu anh quá!An thì thầm, gần như ghen tị.2.An phân biệt những lọ tro bằng năm sinh, như thế dễ nhớ hơn, như những mã số. Lạ thay, trong phòng không ai cùng năm sinh với ai.Mùa xuân đến, An mở rộng ô cửa bé, muốn đập tung cả bức tường vô duyên ngắn ngủn để nắng vào nhiều thêm nữa. Cô kê cái ghế nhỏ ngồi nghe chuyện, lần lượt, chị 70, chị 72, anh 62, anh 67, cậu bé 81, bác 40, cô 53, chú 58...
Cô lắng nghe hàng giờ, cứ như thể ngoài kia các mầm non không cựa quậy, và nắng không đánh thức những vạt hoa đầu mùa.An thương nhất cậu bé 81, chiếc lọ có tấm ảnh chụp cậu bé hồi mới lên 8, non non, đen nhẻm. Dòng chữ trên lọ ghi “hưởng dương 10 tuổi”. Cậu là nạn nhân của một vụ tống tiền. Sau sự kiện đau buồn xảy ra với đứa con duy nhất, cha mẹ cậu chia tay. Cha đi mất hút tỉnh khác, mẹ lấy một ông Tây, ở lại đây làm ăn, nhưng cũng không tiện qua lại chăm nom. Em phải nhắc mẹ em mới nhớ ngày rằm mà thắp hương cho em về chơi. Người Nga họ không dùng hương, họ chỉ dùng nến… Mà mẹ em hay quên, em về gặp mẹ trong mơ, sáng dậy đôi khi mẹ cũng quên ngay, chán ghê! An nghe chuyện chẳng biết làm sao, chỉ hì hụi thắp thêm hương vào bát hương ngăn tủ dưới, “dãy nhà” của cậu.An thân nhất với chị 72. Trong khói hương, An luôn nhìn thấy gương mặt mong manh của chị, nét cười có lúm đồng tiền, hoang hoang những tia man dại trong mắt. Chị kể chuyện nhiều. Chị nghĩ ngợi cũng lắm. Như bất kỳ các cô gái nào khác có cái nhìn nhưng nhức khiến người đối diện bất chợt thấy đau buốt trán, điểm nằm giữa hai chân mày.
Đấy, như bây giờ, An nghe thấy chị đang quằn quại dằn vặt vì một dạng âm thanh của ký ức. Tiếng nhạc! Cha... Điên cái đầu mất. Tiếng nhạc! Tiếng nhạc ở đâu vậy kìa? Từ hàng ngàn giọt nước thoát ra trong đám hơi trên mái nhà? Từ tiếng gió rít du dương ngoài khe cửa? Từ tiếng thở của lau lách đầm lầy trên đất nước thăm thẳm đất đen và hun hút những con đường lạ liên tục đổi màu? Tiếng nhạc quen thuộc này luôn réo rắt trong đầu tôi. Mất hơn hai năm tôi mới nhớ được ra, đó là đoạn nhạc trong vở balet Zizel[SUP](1)[/SUP]. Ánh sáng xanh. Trăng. Đầm nước. Những bông lilia trắng muốt rơi lả tả trong tiếng nhạc ma quái. Bây giờ, mỗi lần tiếng nhạc cất lên là tôi thấy mình mọc cánh, thấy mình bay lên, thấy mình múa lượn… Chỉ thiếu một người đàn ông… Chỉ thiếu anh ta! Còn điệu nhảy của tôi thì mỗi năm mỗi hoàn thiện. Chỉ cần anh ta xuất hiện. Tôi sẽ khoác chiếc váy nhợt nhạt ánh trăng, mắt tôi sẽ rực sáng, tay tôi sẽ lả lơi, cánh tôi sẽ rời rã, tấm thân sẽ mềm mại quấn lấy anh ta trong điệu nhạc bất tận… Nhưng vũ điệu này chúng tôi không nhảy bên đầm lầy, mà ở những hành lang hun hút dài… Hành lang… Hành lang... Quẹo trái, sang phải. Những dãy hành lang treo dây áo len, áo da, quần bò… Đủ số. Thiếu số. Áo gió. Áo phông con rết. Con nhím. Áo pilot. Áo nữ hoàng…. Kết thúc điệu nhảy, là những bức tường loang loáng và những gương mặt người tròn méo, mặc áo blu trắng vật vờ. Cổ tay trái tôi đau buốt. Máu tràn ra không dứt. Những đường gân xanh trổ dọc ngang đau đớn...
… Tôi len lỏi qua những gương mặt người trắng bệch vì cớm nắng, qua một mùa đông dài chỉ chúi mũi vào các ốp[SUP](2)[/SUP], không cả ngẩng lên nhìn quanh. Một cặp vừa sinh con vài tháng, đến làm giấy khai sinh. Con gái, rất xinh. Họ ở trong khu Salut 2, làm hàng khô tầng dưới, nhà ở tầng trên. Đó hẳn là một căn phòng rất nhỏ có lớp giấy bồi tường cũ kỹ thấp thoáng bóng những con gián bé dạn người. Cô bé đáng yêu này sẽ lớn lên ở đó, nơi thừa tiếng ồn và thiếu không khí, người lớn trong nhà cũng không dám thở những nhịp bình thường. Cô sẽ lẫm chẫm tập đi trên các hành lang chật ních quần áo giữa những tiếng chào mời đẩy đưa. Đi học, học giỏi, rồi đi làm, và sẽ yêu…
Nhưng những cái hành lang hẳn rồi mấy chục năm nữa cũng sẽ ám ảnh cô, như tôi. Thở ra một hơi lạnh, tôi bay vội về phòng mình. Bé An đang thắp nhang. Một giọt nước lăn trên má. Tôi vươn tay ra. Giọt nước rơi qua lòng tay tôi xuống đất. 18 tuổi, cô bằng tuổi tôi khi đặt chân đến nước Nga. Cha của cô là bạn cùng phòng tôi, một người đàn ông mới qua tuổi 50, một thượng tá quân đội. Ông mất vì ung thư, rất nhanh, chỉ tròn một tháng sau khi có kết quả xét nghiệm. Con gái chưa kịp hiểu điều gì đang đến, thì ông đã đi. Hai năm rồi, cô vẫn rơi nước mắt. Nước mắt làm hồn nặng trĩu, không thể bay lên. Nhưng lẽ nào người cha có thể nói với cô điều ấy! Ngược lại, nếu không còn một ai muốn nhỏ nước mắt vì mình nữa, thì hồn cũng không đi nổi. Cõi này cũng cần trải qua nhiều thủ tục phiền phức chẳng kém cõi dương. Thiếu một ý nghĩ, thiếu một bàn tay thành tâm thắp nén nhang, thiếu sự giao tiếp đàm tâm của hai cõi âm dương, không ai có thể đi tiếp được... An trò chuyện với bố, gần như hàng ngày. Rồi ý nghĩ của cô chạm đến cả chúng tôi. Ban đầu rất dè dặt, càng ngày càng nhẹ nhõm, thông suốt. Đôi khi những ý nghĩ cũng có tiếng vang lanh lảnh, như tiếng chuông, như tiếng vọng của một miền vui nhộn ồn ào chúng tôi từng biết. Tôi những muốn mỉm cười. Tôi những muốn khóc. Tiếc thay không còn hình hài để nụ cười và nước mắt được hiện hình! 3. - Chị 70… - Ơi… Cái tiếng “ơi” vang vọng từ đâu đó trên tầng không nghe mới da diết đáng sợ làm sao. Nó hớn hở mừng rỡ, là tiếng “ơi” của người nhiều ngày chỉ đợi một tiếng gọi. Chị 70 thường hay thút thít, vào những ngày trời u ám. Gương mặt trên ảnh của chị cũng u uẩn, u uẩn đến nỗi có khi… ma cũng phải sợ. Chị sang Nga để tìm đường đi Đức, đi lần đầu bị kẹt ở biên giới, bị “na-dạt”[SUP](3)[/SUP], sau mãi không đi được, ở lại, buôn xanh[SUP](4)[/SUP] từ ốp nọ sang ốp kia. Một ngày, xe taxi Niva cũ chị vẫy giữa đường bị chiếc xe tải khuỳnh khoàng húc vào từ đằng sau. Cảnh sát kết luận, tài xế say rượu. Nhưng trong cơn say, gã ta cũng kịp trốn đi cùng cái túi xách đen của khách. Người ta bảo có đứa “phím” cho Tây. Buôn xanh buôn đỏ[SUP](5)[/SUP] độc lắm, bất đắc kỳ tử như chơi. Chị nằm nhà xác rồi mà còn có người đòi nợ đến bệnh viện hỏi thăm. Số tiền trong túi phần nhiều là của người ta. Chị cũng có muốn vậy đâu. Nhiều ngày, An nghe chị khóc lóc ân hận. Em ơi, chết đi để người ta nhớ thì mới siêu thoát được, bị người ta oán khổ lắm em à. Mà chị đâu có muốn vậy. Chị chết rồi, nhiều người vẫn nghĩ chị kịp tuồn tiền về nhà cho chồng. Chị đánh đổi cuộc sống lấy tiền sao hả em? Không ai nỡ nghĩ vậy đâu, chị. An an ủi, nhưng chính cô cũng không tin vào lời nói của mình. Mỗi khi An thắp hương, những làn khói rất lâu không tan đi, cô đặc, co cụm buồn bã. Những người còn lại trong phòng, có người chết từ cái thời Liên Xô chưa tan rã, ngơ ngác khi An nhắc đến những chuyện xảy ra mới hơn, chuyện đôm[SUP](6)[/SUP] 10, đôm 11, chuyện chợ Vòm...
Đôi khi họ chơi trò nhập hồn vào đường dây điện, làm đèn sáng chập chờn vào sẩm tối những buổi chiều mùa đông. Khi ấy chỉ có mẹ con bà quét rác là còn làm việc. Họ thảng thốt nhìn những đốm sáng lom rom cháy lên rồi phụt tắt dọc các sảnh của ngôi nhà. Bên ngoài tuyết ẩm rơi ào ào. Buồn cháy ruột. Nhưng ông gác cổng của khu nhà lại hay kể với An, hằng đêm có người hát ở ngay cầu thang tầng hai. Giọng lè nhà lè nhè, nhưng vang lắm. “Vì thế bác phải nuôi đàn chó hoang này trong sân. Chúng nó nghe động sủa lên, ma hay người đều sợ tuốt, hết hát ngay!”. An thừa biết ông ta dụ chó hoang vào sân làm gì. Bà vợ vẫn thỉnh thoảng nhờ người lên ốp mua riềng tươi. Vì sao, bố nhỉ? Chẳng lẽ kiếp người ở xứ lạ buồn vậy sao? Đừng nghĩ thế, con hãy nhìn thấy cả những niềm vui! Ở đâu, hả bố? 4. Có ai đó thở dài.
Chiều chạng vạng, đứng trong hành lang tranh tối tranh sáng của sứ quán, hai vợ chồng kiên nhẫn xếp hàng đợi làm giấy khai sinh cho con. Trước họ còn gần chục người nữa, ngồi im lìm trên mấy chiếc ghế, chừng như đã mệt mỏi vì chờ đợi. Một vài người cầm tờ báo in giấy trắng cỡ A4 có dập ghim đã nhem nhếch do truyền tay, hí hoáy chơi ô chữ. Một ông tóc bạc úp tờ báo cũng kiểu như thế vào mặt, đầu ngoẹo trên lưng ghế, ngáy khe khẽ. Những tờ báo có những cái tên thường rất kêu, Nhân Hòa hay Ngày Mới gì đó. Hai vợ chồng không ngồi, đứng kiên nhẫn cạnh ô cửa sổ nhỏ nhìn vào phòng Lãnh sự. Người chồng cằn nhằn với vợ, đã bảo ở nhà trông hàng, không chịu, đi thế này mất hết cả buổi chiều. Con gái thì gửi bà nhianhia[SUP](7)[/SUP] đã một tháng nay. “Dù gì cũng con đầu, bố mẹ cùng đi khai sinh không phải tình cảm hơn à?” - Chị vợ dịu dàng phân bua. “Vẽ chuyện!” - Anh chồng lẩm bẩm: “Biết lâu thế này nộp béng tiền cho dịch vụ, có mấy chục xanh mà nhanh việc”. “Thế thì đẻ cũng nhờ dịch vụ luôn đi!”. “Ý hay!” – Anh chàng đùa nhả. An chạy lên tầng ba lấy chìa khóa, đi ngang qua họ, thấy vui vui bèn dừng lại. Ngó qua cửa, An thấy người đàn ông đứng tuổi đang hí hoáy viết, cộp dấu, lầm bầm với một thanh niên đeo kính đứng cạnh: - Hôm nay đông thế nhỉ? - Đông thì đông, cứ năm giờ là đóng cửa, tự giải tán. Anh làm gì mà lâu thế? - Giấy chứng tử. - Lại chết người à? Tai nạn hay bệnh? - Chết trong tù. Bệnh lao. Hai mống. - Trời ẩm thế này dễ viêm phổi lắm. Tù mà không có tiếp tế áo ấm thì dính là chuyện thường. Phạm tội gì? - Đòi nợ thuê. Dân ốp Zil… Bị án mấy năm rồi. (Người chồng giật thót, quay ra nói với vợ: - Ốp cũ của mình em ạ. - Ai nhỉ, có phải ở phòng…?) - Nhà có ai sang đón không? - Không. Chưa… Mấy hôm nữa đưa tro về đây. - Chậc, rồi đến lúc hết chỗ. Cái phòng khí chật! - Ồi, cũng phải tính xóa sổ cái phòng ấy thôi. Rợn lắm! Khóa chặt mà vẫn thấy lạnh lưng mỗi lần qua tầng hai! An đứng dậy, hấp tấp lao xuống tầng dưới. 5. SOS... Có chuyện rồi! - Alô, chìa khóa phòng 13 để đâu, sao cửa lại mở toang ra thế này? Con bé An à? Gọi nó lên đây cho tôi! … - Thưa chú, cháu… - Cháu thắp hương xong sao không khóa cửa lại mà để hương khói bay hết ra ngoài, còn gì là chỗ làm việc nữa? - Dạ, cháu... Cháu xin lỗi chú. Lúc trưa có một anh muốn vào thăm bạn, cháu lại phải đi học gấp nên đưa chìa khóa, nói anh ấy xong việc thì đưa cho cô Lanh rồi mà... - À, có phải cái thằng cao cao gầy gầy, má hóp môi thâm, mặc vét carô xám không? Cả tuần nay đến năn nỉ xin mang tro của bạn về nước, nhưng không giải quyết được. Phải đợi gia đình có ý kiến hay ủy nhiệm gì chứ! Cô Lanh đâu?! Căn phòng nhỏ đã nhanh chóng được khóa lại, nhưng trước đó cũng đã có một túm người đi làm giấy tờ hộ chiếu, tò mò ngó vào. Và điều kinh hoàng nhất đối với An là mất tích một lọ tro! Lọ tro của anh 69, một lưu học sinh, mặt đẹp như tượng David, mất vì ngã từ trên tầng 8 ký túc xá sinh viên xuống, trong một đám cháy. Đúng hơn là anh nhảy xuống. Theo hồ sơ còn lại ở y tế trường, thì trước đó, sau lần gặp bọn thanh niên choai choai xin thuốc, anh không có mà cho, bị chúng hò nhau nện giày vào bụng, anh rơi vào tình trạng trầm uất liên miên, hay lo sợ, thậm chí chỉ một điểm 3 cũng khiến anh mất ăn mất ngủ mà lang thang dưới sân rất lâu. Hôm cháy, chỉ chập điện tầng một thôi, nhưng có lẽ khói mù lên làm anh quá hoảng hốt. Người ở tòa nhà đối diện bảo thấy anh kêu cứu. Rồi loay hoay rất lâu bên cửa sổ. Bấy giờ cửa sổ nào cũng ngập hơi khói. Buổi trưa hôm đó, một thanh niên lạ ăn vận rất lịch sự đến tìm An. Không hiểu sao anh ta biết cô có giữ chìa khóa phòng, và xin được vào thắp hương cho bạn. Cô đồng ý ngay. Anh 69 thường ít liên hệ với cô nhất. Chuyện của anh, cô nghe lỏm được ở phòng Lãnh sự.
An chỉ thấy ánh mắt anh sâu hút trên bức ảnh. Anh còn ai ở quê nhà? An tự hỏi. Chắc không còn ai, vì ánh nhìn của anh hoăm hoắm, cô độc. An lập bập khấn bố. Bố ơi, làm sao bây giờ? Làn hương khói khẽ khàng trườn qua cửa phòng An vừa để hé. Rất khẽ, như sợ ai bắt gặp. An yên tâm ngồi lại. Căn phòng tối dần. Bóng tối làm gian phòng như rộng hơn ra. An chờ đợi mà không hiểu cụ thể mình đang đợi điều gì. 6. Trước khi về phép, An ở lại trong căn phòng 13 lâu hơn. Một sự lưu luyến khó tả khiến cô cứ tần ngần vuốt ve những chiếc bình. Bình số 72, người bạn gái đáng thương, đôi khi thoắt nặng thoắt nhẹ trên tay An. Khổ thân chị, chị luôn bị những âm thanh hành hạ. Bây giờ không phải tiếng nhạc. Mà là một tiếng gọi. - Hồn về đi… - Ai kêu tôi? Tiếng kêu này nhiều ngày nay tôi đã nghe, nhưng tôi không tin là người ta kêu tôi… Qua làn mây cuồn cuộn, tôi thấy một thiếu phụ đang hướng về tôi. Cô ấy thoạt nhìn khó đoán tuổi, thoắt trẻ thoắt già, mắt sáng, dáng vẻ hiện đại, mặc váy dài quá đầu gối, tóc dài ép suôn, người dịu dàng tha thướt. Tôi thấy khó cưỡng lại lời gọi. Tôi băng qua những đám mây. Bay lên trên chúng. Tôi bay rất lâu. Mà hình như cũng không lâu, chỉ một buổi sáng. Trên đường đi tôi gặp những đội tuần. Họ cũng nghiêm trang như những đội tuần trần gian. Chỉ khác là họ không mặc đồng phục và không biết cò kè trả giá. Họ nhìn tôi chòng chọc khi tôi khai nơi thác, mắt ánh lên những tia xanh lè. Tôi làm sai gì chăng? Họ muốn bắt tôi? Không. Họ lắc đầu, bỏ đi. Biến mất rất nhanh theo những đám mây mang nặng nỗi buồn đang vần vũ từ Đông sang Tây, cuồn cuộn. Tôi thấy mình bước vào một ngôi nhà lạ hoắc nằm giữa xóm. Không phải quê tôi. Là một làng miền Bắc. Những cây rơm khô xác xếp quanh nhà. Dưới chân các cây rơm là rất nhiều người ngồi chảng hảng, cơm đùm cơm nắm, nước uống, trái cây… Họ cố gắng không làm rộn. Một bầu không khí im lặng bao trùm khắp sân. Đến cả gió cũng thổi rất khẽ. Bậc thềm có con chó vàng. Nó cũng căng thẳng, không sủa, đứng nép vào cái cột nhà gỗ sứt sẹo, đuôi dựng lên và khẽ run. Nó cảm thấy tôi… - Hồn về… Thiếu phụ đưa tay về phía tôi, mắt nhắm nghiền. Tức thì, một luồng khí rất mạnh bỏng rát cuốn phăng tôi đi. Tôi chui tuột vào hàng trăm cái hố sâu đen ngòm đang mở ra trước mắt, hồn vía tả tơi trăm hướng. Tôi gào khóc. Tôi nức nở. Tôi thấy đau đớn, nghẹn ngào, giận dữ, tủi hờn… những cảm xúc đều đã trải qua, sao giờ đây nặng nề và khó chịu đựng đến vậy. Vì sao không ai muốn tìm thấy tôi? Vì sao không ai nhớ? Vì sao?... Cứ thế, khóc lóc, kể lể, vạ vật… Cái thân thể mà tôi nhập vào bơ phờ trong cơn cuồng nộ bi thương của phần hồn mà người ấy không hề quen biết. Người ấy, một cô gái mới lớn, tóc dài, cài băng-đô màu tím, cũng khóc lóc, kể lể, vạ vật. Mắt lúc nhắm lúc mở. Hết té lại dậy. Hết lạnh lại nóng. Tôi hờ: “Lạnh... quá…” rồi lại: “Nóng… quá…”. Kinh động những con người. Kinh động cả những vong hồn đang thấp thoáng ẩn hiện quanh sân. Bọn họ thảy đều giật mình mà rút lên tận ngọn cây.
Nắng từ ngọn cây kết chùm đong đưa chiếu xuống sân gạch. Anh bảo rằng anh vẫn yêu tôi. Anh nhớ tất cả những kỷ niệm chúng tôi đã có. Hàng cây nhỏ trên đồi Lenin, nơi chúng tôi hôn nhau trong một cơn giông. Tất cả quay vòng, cả gió cát và những cọng cỏ khô bay lên từ dưới chân đồi. Anh bùi ngùi nói đến những đứa con chúng tôi bỏ lại ở một bệnh viện gần ngoại ô, tường nhà tróc lở và giường sắt lạnh đến nỗi khi tỉnh lại trên đó, tôi có cảm tưởng như mình đang ở dưới địa ngục. Hai lần, vào một ngày mưa dầm, và một ngày tuyết rơi quay cuồng trong nắng. Tôi nấc lên bảo anh đừng nói nữa. Anh không cần nhắc tôi cũng có quên được gì đâu. Nhưng anh vẫn nhắc, thỉnh thoảng lại nói nhịu, mồ hôi chạy thành giọt từ trán xuống. Ngược lại với cái thân thể đường bệ và bộ mặt phương phi đẹp đẽ của anh, tôi thấy nét mệt mỏi trong mắt, một đường xẻ dài bên má, và hàng ria đã lốm đốm bạc. Anh bảo rằng anh vẫn khấn tôi, những ngày rằm tháng Bảy. Tôi càng khóc lóc tợn. Nhớ năm xưa tôi và anh tranh cãi mãi, gọi là lễ Vu lan hay ngày Xá tội vong nhân…
Tôi có tội gì mà phải chờ đại xá? Nhưng giờ tôi không tranh cãi, chỉ thấy mình mềm đi và sẵn sàng bay lên. Anh vuốt tóc tôi, không, mái tóc của cô gái bé xa lạ. - Em cứ tưởng không ai từng nhớ rằng em đã có trên đời! - Bậy nào, em vẫn hay nói năng ngốc nghếch như hồi… - … Hồi còn là người! - Tôi cười. Anh hơi sững lại, ngượng ngùng: - Anh chầu chực ở nhà cô Hiên mãi mới gặp được em đấy… - Cảm ơn anh. Anh tìm ba má giùm em, anh nhắn ba má tìm qua bên kia đem tro em về, nha? Đường vạn dặm, hồn và phách đâu thể xa lâu. Chết ở nước người tức tưởi lắm, anh ơi. - Ai bảo em! Tại em! Em làm khổ mình. - Biết trước được thì đã không vậy… Anh liên tục rùng mình. Tôi thấy tội nghiệp anh. Níu tay áp bàn tay quen thuộc của anh vào má cô gái nhỏ, tôi đặt thoáng lên đó nụ hôn rồi nói, đã đến lúc tôi phải về, lập tức thoát ra khỏi thân xác mượn. Trước khi đi, tôi hứa sẽ phù hộ cho anh và gia đình anh. Tôi thoáng nhìn thấy người đàn bà của anh trong ngôi nhà hai tầng xinh xắn, giữa một khu vườn nhỏ ở Thái Bình. Một đứa bé trai còm nhom mặt mũi rầu rĩ, đứng nhìn xuống đường. Con trai đầu đã lớn, lên Hà Nội học… Phải rồi. Đây sẽ là gia đình của tôi. Anh hứa sẽ làm giỗ cho tôi nữa mà. Anh bảo anh nhớ tôi thích bún bò xào… Làm giỗ bằng bún bò xào cũng được, lại độc đáo nữa. Tôi cảm động, rưng rưng, dựa đầu vào ngực anh. Anh lại rùng mình, bất giác đưa tay ôm lấy ngực. Anh thắp thêm nhang lên ban thờ. Rồi xoa hai bàn tay vào nhau, anh khấn thêm, vừa khấn vừa xít nước miếng một cách cần mẫn: “Dự án mới của bọn anh ở X. Em nhớ xem giùm anh xem có trúng không. Hôm nào anh lại gọi em. Anh không dám mạnh dạn đầu tư, vì…” Chút nữa thì phá lên cười. Gió. Một làn gió đắng đã đưa tôi đi. Phải rồi. Đắng ngắt. Sau nhiều năm không sống trên dương thế, tôi mới lấy được lại cảm nhận về mùi vị một cách rõ ràng đến thế. Tôi lộn về chỗ cũ của mình, căn phòng số 13. Lần này chuyến bay khó nhọc và u ám. Mây thì đen và thế giới xung quanh ầm ào những tiếng sấm khô khốc vang rền lẫn tiếng sóng biển. Tôi chỉ còn đủ sức chui qua ô cửa hẹp và thả mình là là dưới sàn nhà. Sàn nhà ẩm, sực lên mùi thuốc khử trùng. Có người vừa thắp một nén nhang. Mùi nhang làm tôi trấn tĩnh lại. Nhìn quanh. Thấy trái cây và những tập tiền vàng. - Để làm gì? Tôi rít lên…
- Có những điều chẳng để làm gì, nhưng nếu không có thì lại rất thiếu… – Vị thượng tá nói, giọng vẫn điềm đạm như mọi ngày, kể cả lúc ông nói lời chia tay – Phải kiên nhẫn chờ đợi, con nhé. Chú tin sẽ có người nhớ đến con, mong mỏi con, để con được trở về. Hẹn gặp ở nhà mình. Ở Việt Nam… 7. Trời đã thu. Những cơn mưa mải miết vùi dập lá vàng. Thi thoảng một đợt gió lại quăng đám lá ướt át qua ô cửa kính. Cửa sổ buồn thỉu đi. Hương tàn, An thắp thêm một nén nữa. Khói hương làm ô cửa vui hơn. Một làn mong mỏng trắng vấn vít các góc ô cửa, trườn mình chạm vào từng bình tro.
An lấy khăn ẩm lau từng chiếc bình, chậm rãi, kỹ lưỡng. Cô thấy gương mặt thanh tân của mình trên vỏ bình đã bóng loáng. Có lẽ đây là lần cuối cùng An làm việc này. Những ánh mắt nhìn cô thân thuộc. Cô từng nhìn vào mắt họ trên những bức ảnh và cố đoán xem, cớ gì khiến họ ở mãi nơi đây. Hiền hậu, đanh rắn, ngơ ngác, những nét mặt nhạt nhòa, lâu ngày An bỗng có cảm tưởng họ rất giống nhau. Họ là người một nhà rồi mà – Nước mắt An trào ra vì khói. Dừng lại lâu hơn bên ảnh một người đàn ông mặc chiếc áo carô cũ nhàu nhĩ có nụ cười méo mó, cô nói khẽ: “Em sẽ tìm người nhà hộ anh”. An thấy bàn tay mình mơ hồ ướt. - Tìm làm chi! Biết chỗ mô mà tìm, em! Anh muốn mạ thằng cu chưởi anh tham vàng bỏ ngãi, ruồng rẫy hắn, rồi còn đi kiếm chồng nữa tề. 10 năm tự xoay xỏa con dại mệ đau, anh đâu nỡ bắt mạ hắn dính vô cái oan hồn vất vưởng ni, em nghe không hí? An nhớ lại cái ngày người đàn ông mang mã số 67 nhập phòng. An biết anh từ trước, một gương mặt quen vẫn vạ vật ở cổng Salut 3. Nhân viên sứ quán đặt anh ta lên nóc tủ, rồi lại hì hụi tìm chỗ cho anh ta ở cánh tủ nhỏ. “Sao vậy chú, cứ để anh ấy trên đó, còn rộng mà?”. “Vô gia cư, cửu vạn thuê, không họ hàng anh em, say khướt suốt ngày, chết vì rượu, người ta kéo ra được đã đông cứng trong đống tuyết gần Sokol 5 ấy, thì để ở dưới thôi. Trên nóc tủ này là những người đàng hoàng, như bố cháu!”. An rùng mình, hơi lùi ra xa cái tủ ọp ẹp màu cánh gián đã hơn chục năm bình thản đứng trong phòng. Người âm không hẹp bụng như người trần đâu con! - Giọng bố. An nài: - Không tìm người nhà, em làm gì được cho anh thì anh bảo em. - Như vầy nì, nếu không phiền, em qua phòng… Sokol 5, lục cho anh tập thơ của mạ hắn, rồi hóa đi giùm anh hí! Lâu không được đọc thơ… An nhớ hình ảnh anh 67 ngày trước. Suốt ngày hát nhạc sến ông ổng. Râu ria xồm xoàm, mùa nóng mùa lạnh cũng chỉ bận đúng một chiếc áo gió xám khoác ra ngoài áo phông. Thi thoảng chụp giật được kiện hàng, bê nghiêng bê ngả cũng lên được tầng hai, nhận tiền, và lại say. Làm đủ ăn và uống cho một ngày, còn lại thì kiếm một xó khuất đỡ gió mà lôi một tệp thư nhàu nhĩ ngồi đọc. Đọc say sưa, đọc đi đọc lại rồi mà những lá thư vẫn cứ như mới nhận. Mùa đông, đọc mê mải cho đến khi râu tóc đóng băng lạo xạo tự lúc nào mới xoa mặt run rẩy đứng lên. Những lá thư toàn viết bằng mực đỏ! - Sao chị ấy lại viết bằng mực đỏ? - Để hối anh về. Đọc nhức mắt cha là nhức. Có những lá viết in hệt nhau, hắn chép đến chục cái, rồi gởi dần, cứ có ai qua là gởi. Bực… Nhưng rồi dần không biết răng lại thích.. Thơ kể về con. - Sao anh không hồi âm? Tội chị… - Hai năm đầu có chút tiền, đầu tư ra chợ, số xui bị thâm vốn cả. Rồi làm thuê cho người ta, không hiểu răng mọi người làm được mà mình cứ đuội. Nhớ thằng con đau cả ruột mà không dám về phép. Tiền mô ra! Năm kia anh đau phổi, trận đó xém chết, cấp cứu ở Bodkina. Rồi thân anh thành ốm o xo bại, nuôi mình không nổi về răng được nữa trời! Anh cậy mấy cha cùng đội về phao tin anh lập phòng nhì bên ni. Cho mạ hắn yên dạ đi kiếm chồng. Anh khôn hí? An thoáng nghe một tiếng cười, cứ như thể việc lập “phòng nhì” đối với anh là vẻ vang hơn cả. Nhưng rồi anh thêm: “Kiếm cha cho thằng con anh nữa nì…” Tiếng cười tắt. Dư âm của nó vẫn vang dài chát chúa trong đầu An. Mấy hôm sau, đi học về, An đáp Metro đến ốp Sokol, tìm ngay được phòng anh 67 chỉ. Một cô người Tàu da trắng nhẽo nhẹt uể oải hé cửa, lấy tay gạt sạp rau cỏ, thịt tươi sang một bên, mời cô vào nhà. Xì xồ một hồi bằng tiếng Nga với những âm “tờ”, “đờ” lẫn lộn, rồi thất vọng khi thấy An chẳng hiểu gì cả, cô ta giật phắt cái ri-đô gác xép, gọi anh chồng người Việt đang ngáy pho pho trên đó dậy. - Thư hả? Thư gì? Ai viết thư? Mất một lúc lâu anh ta mới hiểu vấn đề, lắc đầu: - Cái thằng say ấy, nó chết thì đồ của nó cũng vứt đi cả, ai mà giữ làm gì. An thất thểu đi xuống cầu thang. Gió từ những ô cửa hở hoác lùa vào khiến cô buốt đỉnh đầu. Vừa chụp cái mũ áo khoác lên, cổ rụt lại cho đỡ lạnh, thì cô thấy một bóng ngật ngưỡng đi đằng trước, trong nắng chiều chiếu dài thành vệt hắt từ ngoài vào, của một ngày thu có nắng. Nắng lạnh. Bất giác, cô cứ đi theo người ấy. Hành lang tầng năm ốp Sokol bỗng vắng tanh, lạnh đến rởn gai ốc. Người đằng trước bước lật ngật thế mà cũng nhanh, thoắt cái đã đi hết cầu thang, ngoặt vào dãy phòng vệ sinh và biến mất. Chắc anh ta vào nhà mất rồi. An nghĩ thầm. Bấy giờ mới giật mình tự hỏi, sao mình bám theo anh ta làm gì. Quay lại, va phải ống đựng rác ngập ngụa những rác rơi vãi xung quanh, bốc mùi hôi rình. Gần đó là mấy chiếc túi dứa xanh đỏ đã sờn với một đống sách vở cũ. Những cuốn tạp chí Đất nước ngả màu vàng. Tò mò đến gần, An mỉm cười thấy cuốn tạp chí được giở đúng trang có in bài thơ của cô. Sinh viên trường cô hay gửi bài vở cộng tác với tạp chí này. Đưa tay bới chồng tạp chí, cô bất thần nhìn thấy một chiếc papka[SUP](8)[/SUP] nhựa trong lộn xộn giấy tờ, có những tờ giấy nhàu nát và dòng chữ mực đỏ. Mực đỏ! An sáng ngay ra. Vội vàng lục cái papka. Đây rồi, những thứ cô đang tìm. Kỳ lạ thật, đã cả năm trời rồi mà những thứ này vẫn lỏng chỏng ở đây mà không ai dọn đi. Điều này mãi về sau cô vẫn không thể lý giải nổi. Thường người quét rác ngày nào chẳng làm việc! An ghé vào một quán ăn dưới tầng bốn. Sau khi lịch sự gọi một bát mì nóng, cô mới thẽ thọt nhờ anh chị chủ quán đốt hộ đống thư từ và xin giữ lại tro. Hai người ái ngại nhìn cô nghi ngờ, rồi cũng giúp. An cố tình không đọc những lá thư. Chỉ thấy nét chữ cứng cỏi và bay bướm, những cái đuôi chữ “g” vòng rộng ra rồi bẻ góc, nhìn rối cả mắt. Màu mực đỏ lại càng khiến con mắt mệt hơn. Như là một lời gọi. Một sự trách oán. Hay một mệnh lệnh…
Trên đường về lại ốp của trường, An ghé lên đồi Lenin. Chiều xám thẫm, một vài ngôi sao muộn đã lên. Matxcơva chìm trong một màn sương mong mỏng. Không khóc mà mắt mang mang hơi nước. An bước xuống phía dưới, đến thảm cỏ ngay dưới bậc đá hoa cương, mở gói giấy báo đựng tro và ngồi xuống bên cạnh. Những mảnh tình yêu của vợ con anh 67 lập tức bay lạt sạt trên cỏ, nặng nhọc chứ không nhẹ bỗng bay lên cao như An nghĩ. Tàn tro của những con chữ có lẽ còn nặng hơn cả tiền vàng. Tiếng phong cầm dìu dặt vọng từ trên đồi xuống. An ngồi rất lâu nhìn về phía bờ sông. Những quầng lá sũng nước, màu vàng cũ kỹ tỏa ánh sáng nhờ nhờ. Ánh sáng hiu hắt cũng tỏa ra từ bầu trời, trên đó có một vầng trăng sớm, trăng lưỡi liềm, mảnh và mờ. An ngồi bất động không nghĩ đến bất cứ điều gì, cứ ngắm Matxcơva trải rộng dưới kia, thành phố đã lên đèn, ánh sáng nhòa nhòa trước mắt An. Cho đến khi người cóng lạnh cả, quần bò đẫm ướt vì sương giá, An mới ra về.
* * *
Máy bay rùng rùng đứng rung bần bật một hồi lâu rồi mới cất mình lên được. An ôm chặt lấy chiếc ba lô trước ngực. Ngó ra ngoài trời sáng chói. Tất thảy những đám mây đã ở phía dưới. Ở đằng sau. Mặt đất không bình an lùi tận về nơi nào xa lắc. Dưới kia là đất khách. An nhớ đến anh thanh niên đã trộm lọ tro của bạn, định mang về Việt Nam. Nhưng cuối cùng người ta cũng phát hiện ra khi anh đi qua cửa hải quan. Người Nga họ không cho anh lên máy bay vì lọ tro không nhân thân, không giấy tờ ấy. Đã là người, hay từng là người, đều phải đăng ký chứ! Nhất là ở nước Nga, nơi người nước ngoài đi đâu cũng phải khư khư cái hộ chiếu như một vật quý, quý ngang mạng người. An sực nhớ chuyện chị 72 kể, chị trốn ra ngoài đi dạo metro cho đỡ nhớ, mà nghe tim đập thùm thụp đau tận đến xương sườn vì thoáng thấy bóng công an. Chỉ đến khi về lại phòng 13 mới hiểu rằng nỗi đau thân xác ấy chỉ là ký ức.An cũng không hỏi kỹ thêm vụ trộm lọ tro nữa, vì dù sao cũng có một phần lỗi của cô, nên mỗi lần lên sứ, cô không dám mở miệng. Thâm tâm, An thấy buồn. Giá như anh chàng ấy đi lọt, thì hẳn bây giờ, anh 69 đã siêu thoát rồi… Cô nhắm mắt tưởng tượng ra căn phòng nhỏ và chiếc tủ cũ nặng nề, khẽ rên lên một tiếng. Trên máy bay, đèn đã tắt. Hành khách người co, người duỗi, người gác chân lên lưng ghế trước, người nhớn nhác nhìn quanh tìm hàng ghế trống để duỗi dài cái thân thể nhức mỏi vì đã gồng căng suốt những ngày đông dài ở xứ tuyết. An không sao chợp mắt được. Cô liên tục xin nước uống, nuốt mãi mà không hết cảm giác nặng ở cổ họng, ở ngực. Cô bật đèn con đọc báo. Bỗng thấy buồn buồn ở khuỷu tay. Rồi thấy một con ngài nhỏ màu nâu liệng qua, đáp xuống tờ báo, dừng ở đó một phút rồi bay đậu vào quai chiếc ba lô cô đang ôm. Một con nữa… Một luồng khí lạnh chạy dọc xương sống. Những con ngài trên máy bay! Bác ơi?… Chú ơi?... Chị ơi?... Anh ơi?... Em ơi?... Một, hai, ba...
An nghe tiếng điểm danh thánh thót. An mong nghe lời đáp “Có, vong đi”. Người ta gọi những âm hồn lên đường về thế giới cực lạc để siêu thoát mà họ thì chỉ một mực muốn về lại quê hương… An chìm vào giấc ngủ nặng nề, gối đầu vào chiếc ba lô. Trong tiếng âm âm bí ẩn, cô nghe giọng nói chậm rãi của người cha: “Con hãy nhìn thấy những nụ cười...”. Và tiếng chị 72: “Về nghen…”.
Trại sáng tác Văn nghệ Quân đội
Hạ Long tháng 4/2009
T.A
————
1: Zizel: Vở ballet kể về những cô gái trinh bị phụ tình, cứ đêm đêm hiện lên bên đầm lầy, nhảy một điệu múa ma. Nếu khi ấy có người đàn ông nào lạc đến đó sẽ bị cuốn vào điệu nhảy cho đến sáng, kiệt sức mà chết.
2: Ốp: Viết tắt của từ ký túc xá tiếng Nga, cũng có nghĩa là nơi ở tập trung của những người Việt Nam ở Nga, sau này Ốp còn mang nghĩa là trung tâm buôn bán của người Việt.
3: Na-dạt: Quay lại.
4: Xanh: Từ lóng chỉ đôla Mỹ.
5: Đỏ: Từ lóng chỉ vàng.
6: Đôm: Nhà, được dùng với nghĩa Trung tâm chợ, buôn bán của người Việt.
7: Nhianhia: Nhũ mẫu, người trông trẻ.
8: Papka: File đựng giấy tờ.
Sửa lần cuối: