Phong cách nghệ thuật thơ Khương Hữu Dụng
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài:
Kế thừa và phát huy truyền thống văn học dân tộc, nền thơ hiện đại Việt Nam đã phát triển với nhiều thành tựu nối tiếp qua các thế hệ nhà thơ; trong đó có nhà thơ mà cuộc đời và sự nghiệp dường như lặng lẽ, không chạy theo thời thượng, nhưng lại không kém phần sâu lắng và gắn liền với hành trình của cả nền thơ gần một thế kỷ. Khương Hữu Dụng (1907-2005) là một nhà thơ như thế. Ông sinh giữa đêm giao thừa năm Đinh Mùi, trong một gia đình nghèo ở phố cổ Hội An, Quảng Nam.
Mồ côi mẹ từ bé, lớn lên trong tình thương của bố và bà nội, Khương Hữu Dụng yêu thơ từ thuở còn đi học do ảnh hưởng truyền thống của gia đình và quê hương xứ sở. Sau khi học xong Sơ đẳng tiểu học ở quê nhà, năm 1922, ông thi vào trường Quốc học Huế, học hết ban Thành chung. Cũng từ nơi đây ông đã được gặp nhà yêu nước Phan Bội Châu, tình cảm yêu nước và ý thức giác ngộ cách mạng cũng khơi nguồn từ đó. Những năm tháng làm nghề dạy học cũng đã giúp cho người thanh niên ấy thêm nhiều vốn sống và trải nghiệm để bước vào đường đời hòa với đường thơ thấm đượm truyền thống yêu nước và cách mạng của gia đình. Ông bắt đầu cuộc đời của nhà thơ - chiến sĩ từ thời kỳ Mặt trận Dân Chủ Đông Dương (1936-1939) cho đến những năm đầu của thế kỷ XXI.
Chính vì vậy, tìm hiểu phong cách nghệ thuật thơ Khương Hữu Dụng không chỉ có ý nghĩa khẳng định đóng góp của một nhà thơ đã có một hành trình sáng tạo gần trọn một thế kỷ, và đã để lại một sự nghiệp thơ ca phong phú bao gồm nhiều thể loại cả sáng tác và dịch thuật; mà qua đó còn có thể thấy được quá trình vận động, phát triển và tính chất đa dạng, phong phú của nền thơ đương đại Việt Nam trong thế kỷ XX.
Mặt khác, Khương Hữu Dụng là người con của quê hương đất Quảng, một người con ưu tú, xứng đáng là nhà thơ chiến sĩ, suốt cuộc đời gắn bó với quê hương, đất nước. Tìm hiểu, nghiên cứu phong cách nghệ thuật thơ Khương Hữu Dụng còn để tìm ra nét đẹp riêng của chất Quảng Nam, điều làm nên bản sắc riêng của thơ ông trong vẻ đẹp dân tộc mà hiện đại của nền thơ đất nước. Đồng thời, qua nghiên cứu, góp thêm kiến thức trong thực tiễn giảng dạy thơ văn Việt Nam hiện đại, giảng dạy phần văn học địa phương trong nhà trường.
2. Lịch sử vấn đề:
Hầu hết các bài viết, nghiên cứu về nhà thơ Khương Hữu Dụng được tập hợp trong tập phê bình và tiểu luận Khương Hữu Dụng một đời thơ do Nhà xuất bản Đà Nẵng in năm 2006. Ngoài ra có nhiều bài viết rải rác trên các tạp chí Đất Quảng, Non Nước, các bài phê bình in chung khi nghiên cứu về các nhà thơ đất Quảng, các nhà thơ kháng chiến.
2.1. Các bài viết nghiên cứu chung về Khương Hữu Dụng
Nhiều ý kiến đánh giá cao về trường ca Từ đêm Mười chín. Trong đó có ý kiến của Lê Trí Viễn, Nguyễn Chí Trung, Võ Quảng, Lý Công Uẩn, Tế Hanh, Xuân Diệu, Vũ Văn Sĩ, Võ Gia Trị, Trinh Đường, Thanh Thảo, ... Nhìn chung, các tác giả đều thống nhất cho rằng trường ca Từ đêm Mười chín là một tác phẩm xuất sắc của văn học thời kháng chiến chống Pháp, đã tái hiện được không khí hào hùng trong cuộc chiến của nhân dân Quảng Nam Đà Nẵng nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Cùng với trường ca Từ đêm Mười chín, nhiều nhà nghiên cứu, phê bình còn nhắc nhiều đến tập Kinh nhật tụng của người chiến sĩ như Lê Trí Viễn, Thanh Quế, Hồ Hoàng Thanh. Đặc biệt là hàng loạt bài viết, bức thư của các chiến sĩ đã từng có mặt trong tù, đã từng xem tác phẩm là kim chỉ nam cho hành động của mình trong những tháng ngày tù ngục. Nhiều bài viết đề cập đến mảng thơ dịch của tác giả như Nguyên Ngọc, Khổng Đức, Thanh Thảo và gần như cùng thống nhất Khương Hữu Dụng dịch thơ để học thơ, để tìm sự đồng điệu của tâm hồn, để sáng tác trong dịch, như chính quan niệm của ông “Dịch là đối thoại”.
2.2. Các bài viết nghiên cứu liên quan trực tiếp đến đề tài
Nhiều nhà phê bình quan tâm đến những nét phong cách thống nhất của nhà thơ như Trinh Đường, Tế Hanh, Võ Quảng, Lý Công Uẩn Lê Trí Viễn, Vũ Văn Sỹ, Thanh Thảo, Đỗ Bạch Mai, Thanh Quế, Võ Gia Trị, Hoài Anh, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Bùi Vợi.
Nhìn chung, các nghiên cứu về Khương Hữu Dụng phần lớn đánh giá cao nhà thơ ở mảng thơ cách mạng, thơ phục vụ kháng chiến, coi ông là nhà thơ chiến sĩ. Đánh giá đó là chính xác, công bằng đối với nỗ lực của một nhà thơ hết lòng vì dân, vì nước. Song như thế là chưa đủ. Theo người viết, cái phần sâu thẳm thể hiện chất người, thể hiện nét phong cách riêng của nhà thơ là ở mảng thơ tâm tình, mảng thơ về đời tư, thế sự. Đã có nhiều bài nghiên cứu đề cập đến vấn đề này - trong đó có những ý kiến rất xác đáng - nhưng chỉ là những ý kiến riêng lẻ, chưa xâu chuỗi thành hệ thống. Về cuộc đời và về tác phẩm của ông, có thể nói vẫn chưa có được một sự nghiên cứu, đánh giá tương xứng, đầy đủ, chưa có một công trình nào trực tiếp nghiên cứu phong cách nghệ thuật thơ Khương Hữu Dụng một cách hệ thống.
3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Sự nghiệp thơ Khương Hữu Dụng gồm hai mảng sáng tác và dịch. Luận văn này tập trung nghiên cứu thơ Khương Hữu Dụng ở phần sáng tác.
Luận văn đi vào tìm hiểu những điểm nổi bật trong phong cách thơ Khương Hữu Dụng qua các chặng sáng tác, dựa vào các tác phẩm trong Khương Hữu Dụng tuyển tập (phần sáng tác) do NXB Văn học xuất bản năm 2004.
4. Phương pháp nghiên cứu
Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu: Phương pháp phân tích tổng hợp, Phương pháp tiếp cận hệ thống, Phương pháp so sánh, Phương pháp thống kê. Luận văn còn sử dụng lý thuyết thi pháp học trong tìm hiểu phong cách tác giả.
5. Giới thuyết thuật ngữ
Trên cơ sở khái niệm “phong cách nghệ thuật” của Từ điển thuật ngữ văn học (chủ biên Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi) và Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) người viết khái quát phong cách nghệ thuật của một nhà văn là nét riêng, nét độc đáo (có giá trị), nét ổn định tạo thành hệ thống trong sáng tác của một tác giả. Hai đặc điểm chính làm nên phong cách một nhà văn là tính độc đáo và tính ổn định thể hiện trong tư tưởng, quan điểm nghệ thuật, hình thức thể hiện. Những đặc điểm ấy được hình thành từ nhiều yếu tố trong đó có thể kể đến sự tác động của hoàn cảnh, môi trường gia đình; đặc biệt là cá tính, sở trường và tư chất của nhà văn.
6. Đóng góp của luận văn
- Góp một cái nhìn tương đối toàn diện, hệ thống về thơ Khương Hữu Dụng.
- Thấy được những đóng góp cụ thể cho văn học hiện đại Việt Nam của Khương Hữu Dụng ở mảng thơ sáng tác.
- Nắm bắt được hành trình thơ gần một thế kỷ của nhà thơ qua đó phần nào thấy được sự vận động của thơ Việt qua các thời kỳ.
- Góp thêm tư liệu trong thực tiễn giảng dạy thơ văn Việt Nam hiện đại, giảng dạy phần văn học địa phương trong nhà trường.
7. Bố cục của luận văn
Ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, bố cục luận văn gồm 3 chương:
- Chương 1: Khương Hữu Dụng - Một đời thơ gần trọn thế kỷ.
- Chương 2: Khương Hữu Dụng - Một hồn thơ giàu chất liệu đời sống và sâu lắng cảm xúc.
- Chương 3: Khương Hữu Dụng - Một hồn thơ đa dạng trong nghệ thuật biểu hiện.
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: