Phép biện chứng duy vật

son_bg9x

New member
Xu
0
nội dung, mối quan hệ phép biện chứng và ý nghĩa của các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật (cái chung - cái riêng, nguyên nhân - kết quả, nội dung - hình thức, khả năng - hiện thực)??????:sweat:
cóa anh chị nào cao thủ thì trả lời giúp em câu này.thanks!!!!
 
nội dung, mối quan hệ phép biện chứng và ý nghĩa của các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật (cái chung - cái riêng, nguyên nhân - kết quả, nội dung - hình thức, khả năng - hiện thực)??????:sweat:
cóa anh chị nào cao thủ thì trả lời giúp em câu này.thanks!!!!

Dễ ợt! Bạn hãy dùng công cụ tìm kiếm google gõ những gì cần tìm ra tha hồ mà lấy tài liệu.
 
bạn son_bg9x ơi mình cũng cao thủ lắm nhưng mà gặp câu hỏi chung chung của bạn cũng dành chịu, mí lại trong giáo trình có hết rùi mà
 
CÁC CẶP PHẠM TRÙ CƠ BẢN CỦA PHÉP BIỆN CHỨNG DUY VẬT

Khái niệm là một hình thức của tư duy trừu tượng, phản ánh những mối liên hệ và thuộc tính bản chất, phổ biến của một tập hợp các sự vật, hiện tượng nào đó. Khái niệm có vai trò quan trọng trong tư duy khoa học bởi nó là vật liệu tạo thành ý thức, tư tưởng; là phương tiện để con người tích lũy thông tin, suy nghĩ và trao đổi tri thức với nhau[1]. Phạm trù là khái niệm rộng nhất, phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ chung, cơ bản nhất của các sự vật, hiện tượng thuộc một lĩnh vực hiện thực nhất định. Các phạm trù của phép biện chứng duy vật như vật chất, ý thức, chất, lượng, mâu thuẫn, nguyên nhân, kết quả, khả năng, hiện thực v.v là những khái niệm chung nhất, phản ánh những mặt, những thuộc tính, những mối liên hệ cơ bản nhất của toàn bộ thế giới hiện thực (bao gồm cả tự nhiên, xã hội và tư duy)[2].

Các cặp phạm trù của phép biện chứng duy vật là sự thể hiện một số mối liên hệ phổ biến cơ bản. Chúng hình thành và phát triển trong quá trình hoạt động nhận thức và cải tạo tự nhiên, xã hội của con người. Từ điểm xuất phát là thế giới khách quan tồn tại độc lập với ý thức con người, luôn vận động, phát triển, liên hệ, chuyển hoá lẫn nhau, phép biện chứng duy vật khẳng định, các phạm trù phản ánh những sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan cũng phải vận động và phát triển để phản ánh đúng đắn và đầy đủ về những sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan đó. Đồng thời sự nhận thức của con người về các sự vật, hiện tượng ngày càng trở nên sâu sắc hơn nên phép biện chứng duy vật ngày càng được bổ sung thêm những phạm trù mới. Như vậy, các phạm trù của phép biện chứng duy vật không phải là một hệ thống bất biến, mà chúng phát triển cùng với sự phát triển của khoa học. Mối liên hệ giữa các phạm trù của các ngành khoa học với các phạm trù của phép biện chứng là mối quan hệ giữa cái chung với cái riêng.

Nếu các cặp phạm trù cái riêng và cái chung, tất nhiên-ngẫu nhiên; bản chất-hiện tượng là cơ sở phương pháp luận của các phương pháp phân tích và tổng hợp; diễn dịch và quy nạp; khái quát hoá, trừu tượng hoá để từ đó nhận thức được toàn bộ các mối liên hệ theo hệ thống; còn các cặp phạm trù nguyên nhân-kết quả; khả năng-hiện thực là cơ sở phương pháp luận chỉ ra các mối liên hệ và sự phát triển của sự vật, hiện tượng là một quá trình tự nhiên thì cặp phạm trù nội dung-hình thức là cơ sở phương pháp luận để xây dựng các hình thức tồn tại trong sự phụ thuộc vào nội dung, phản ánh tính đa dạng của các phương pháp nhận thức và hoạt động thực tiễn.

1. Cái riêng và cái chung.

Cái riêng
(cái đặc thù) là phạm trù dùng để chỉ một sự vật, hiện tượng riêng lẻ nhất định.

Cái chung
(cái phổ biến) là phạm trù dùng để chỉ những mặt, những thuộc tính chung không những có ở một sự vật, hiện tượng nhất định mà còn được lặp lại trong nhiều sự vật, hiện tượng khác nữa.

Cái đơn nhất
là phạm trù dùng để chỉ những nét, những mặt, những thuộc tính chỉ có ở một sự vật, hiện tượng nào đó mà không lặp lại ở sự vật, hiện tượng khác.

Mối liên hệ biện chứng giữa cái riêng, cái chung, cái đơn nhất và ý nghĩa phương pháp luận của nó.

1) Cái chung chỉ tồn tại trong cái riêng, thông qua cái riêng cho nên chỉ có thể tìm cái chung trong cái riêng, trong các sự vật, hiện tượng cụ thể.

2) Cái riêng chỉ tồn tại trong mối liên hệ đưa đến cái chung. Cái chung là cái bản chất chi phối cái riêng, nên phải biết phát hiện ra cái chung, vận dụng cái chung để tạo ra cái riêng. Từ điều này rút ra kết luận là bất kỳ một cái chung nào khi được áp dụng vào từng trường hợp riêng cũng cần được cá biệt hoá.

3) Cái chung là một bộ phận của cái riêng, còn cái riêng không gia nhập hết vào cái chung cho nên để giải quyết hiệu quả các vấn đề riêng thì không thể không giải quyết những vấn đề chung, nghĩa là phải giải quyết những vấn đề lý luận liên quan đến vấn đề riêng đó để tránh sa vào tình trạng mò mẫm, tuỳ tiện, kinh nghiệm chủ nghĩa.

4) Trong những điều kiện nhất định, cái đơn nhất có thể chuyển hoá thành cái chung và ngược lại cái chung có thể chuyển hoá thành cái đơn nhất, nên trong hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn, nếu cái đơn nhất có lợi thì tạo điều kiện để nó chuyển hoá thành cái chung và ngược lại, nếu cái chung không còn là cái phù hợp thì tác động để cái chung chuyển hoá thành cái riêng.

2. Nguyên nhân-kết quả.

Nguyên nhân
là sự tương tác giữa các mặt trong một sự vật, hiện tượng hoặc giữa các sự vật, hiện tượng với nhau gây nên những biến đổi nhất định.

Kết quả
là những biến đổi xuất hiện do do sự tác động lẫn nhau của các mặt trong một sự vật, hiện tượng hoặc giữa các sự vật, hiện tượng với nhau. Mối liên hệ nhân quả có tính khách quan, phổ biến và tất yếu.

Mối liên hệ biện chứng giữa nguyên nhân với kết quả và ý nghĩa phương pháp luận của nó.

1) Nguyên nhân sinh ra kết quả (nguyên nhân có trước kết quả trong tính liên tục và kế tiếp nhau về thời gian) và quy định kết quả. Tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể, cùng một nguyên nhân có thể gây nên nhiều kết quả khác nhau; ngược lại, một kết quả có thể được gây nên bởi những nguyên nhân khác nhau tác động riêng lẻ hay tác động cùng một lúc. Tùy theo hướng tác động của các nguyên nhân lên sự vật, hiện tượng mà hiệu quả tác động của từng nguyên nhân tới sự hình thành kết quả sẽ cùng chiều, hoặc ngược chiều với sự hình thành kết quả. Vì vậy, cần tìm nguyên nhân trong những mặt, những sự kiện, những mối liên hệ đã xẩy ra trước khi hiện tượng đó xuất hiện; vì nguyên nhân sinh ra kết quả nên khi xác định nguyên nhân của hiện tượng, cần chú ý đến dấu hiệu đặc trưng này; vì một hiện tượng có thể do nhiều nguyên nhân sinh ra nên cần xác định nguyên nhân nào đã sinh ra hiện tượng.

Căn cứ vào tính chất, vai trò của nguyên nhân đối với sự hình thành kết quả, có thể phân loại các nguyên nhân thành:

a) Nguyên nhân chủ yếu là nguyên nhân mà thiếu chúng thì không thể có kết quả; nguyên nhân thứ yếu là nguyên nhân chỉ quy định những đặc điểm nhất thời, không ổn định, cá biệt của sự vật, hiện tượng.

b) Nguyên nhân bên trong là sự tác động lẫn nhau giữa những mặt hay những yếu tố của cùng một kết cấu vật chất gây ra những biến đổi nhất định; nguyên nhân bên ngoài là sự tác động lẫn nhau giữa những kết cấu vật chất khác nhau gây ra những biến đổi thích hợp trong những kết cấu vật chất ấy. Nguyên nhân bên trong quy định nguyên nhân bên ngoài đối với việc hình thành, tồn tại và phát triển của các kết cấu vật chất; nguyên nhân bên trong chỉ phát huy tác dụng khi thông qua nguyên nhân bên trong.

c) Nguyên nhân khách quan là nguyên nhân xuất hiện và tác động độc lập với ý thức con người; nguyên nhân chủ quan là nguyên nhân xuất hiện và tác động phụ thuộc vào ý thức con người nhằm kìm hãm sự xuất hiện, phát triển các quá trình xã hội.

2) Kết quả tác động trở lại nguyên nhân, có ảnh hưởng ngược trở lại đối với nguyên nhân.

3) Giữa nguyên nhân với kết quả, vị trí có thể thay đổi cho nhau. trong mối quan hệ này là nguyên nhân, trong mối quan hệ khác lại là kết quả.

3. Tất nhiên-ngẫu nhiên.

Tất nhiên
do mối liên hệ bản chất, những nguyên nhân cơ bản bên trong của sự vật, hiện tượng quy định và trong những điều kiện nhất định phải xẩy ra đúng như thế chứ không thể khác.

Ngẫu nhiên
là cái do mối liên hệ không bản chất, do những nguyên nhân, hoàn cảnh bên ngoài quy định, có thể xuất hiện, có thể không xuất hiện, có thể xuất hiện thế này hoặc có thể xuất hiện thế khác.

Cũng cần xét mối liên hệ của tất nhiên-ngẫu nhiên với các phạm trù cái chung, tính nhân quả và tính quy luật. Có cái chung là tất nhiên, nhưng cũng có cái chung là ngẫu nhiên; bất kỳ cái ngẫu nhiên nào cũng có nguyên nhân và mối liên hệ của nó với nguyên nhân ấy bao giờ cũng là tất yếu, nó được coi là hiện tượng ngẫu nhiên bởi nguyên nhân gâu ra nó là những nguyên nhân ngẫu nhiên; cả tất nhiên và ngẫu nhiên đều tuân theo quy luật, nhưng tất nhiên tuân theo quy luật động lực (đơn trị, ứng với một nguyên nhân chỉ có một kết quả, vì vậy nếu biết trạng thái ban đầu của một hệ thống nào đó, có thể dự đoán được chính xác trạng thái tương lai của nó); còn ngẫu nhiên tuân theo quy luật thống kê (đa trị, ứng với một nguyên nhân, thì kết quả có thể thế này, thế khác và chỉ có thể dự báo được với xác suất nhất định)

Mối liên hệ biện chứng giữa tất nhiên với ngẫu nhiên và ý nghĩa phương pháp luận của nó


1) cả tất nhiên và ngẫu nhiên đều tồn tại khách quan. Vì vậy, không tìm tất nhiên và ngẫu nhiên trong ý thức con người

2) tất nhiên chi phối sự phát triển của sự vật, hiện tượng; còn ngẫu nhiên có thể làm cho sự phát triển ấy diễn ra nhanh hoặc chậm. Vì vậy, cần dựa vào tất nhiên, nhưng không bỏ qua cái ngẫu nhiên

3) tất nhiên và ngẫu nhiên thống nhất hữu cơ với nhau bởi cái tất nhiên vạch đường đi cho mình xuyên qua vô số cái ngẫu nhiên; còn cái ngẫu nhiên là hình thức biểu hiện, là cái bổ sung cho cái tất nhiên. Vì vậy, muốn nhận thức cái tất nhiên phải bắt đầu từ cái ngẫu nhiên và chỉ vạch ra cái tất nhiên bằng cách nghiên cứu nhiều cái ngẫu nhiên

4) ranh giới giữa cái tất nhiên và cái ngẫu nhiên chỉ là tương đối, có cái ở nơi này, mặt này, mối liên hệ này là tất nhiên nhưng ở nơi kia, mặt kia, mối liên hệ kia lại là ngẫu nhiên và ngược lại; trong những điều kiện nhất định, chúng có thể chuyển hóa cho nhau. Vì vậy, cần chú ý tạo những điều kiện cần thiết để sự chuyển hóa đó diễn ra, hoặc ngăn cản, theo yêu cầu của hoạt động của mình.

4. Nội dung-hình thức.

Nội dung
là tổng hợp tất cả những mặt, những yếu tố tạo nên sự vật, hiện tượng.

Hình thức
là phương thức tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng, là hệ thống các mối liên hệ tương đối bền vững giữa các yếu tố của sự vật, hiện tượng và không chỉ là cái biểu hiện bên ngoài mà còn là cái biểu hiện cấu trúc bên trong của sự vật, hiện tượng. Tuy nhiên, cái hình thức nói ở đây là cái hình thức bên trong của sự vật, hiện tượng- tức cơ cấu bên trong của nội dung

Mối liên hệ biện chứng giữa nội dung với hình thức và ý nghĩa phương pháp luận của nó

1) Nội dung và hình thức thống nhất gắn bó chặt chẽ với nhau; cùng một nội dung nhưng trong tình trạng phát triển khác nhau có thể có nhiều hình thức, và ngược lại, cùng một hình thức có thể thể hiện những nội dung khác nhau. Vì vậy, cần chống lại cả hai khuynh hướng hoặc tuyệt đối hoá nội dung mà coi nhẹ hình thức, hoặc tuyệt đối hoá hình thức mà coi nhẹ nội dung; Vì một nội dung có thể có nhiều hình thức thể hiện và ngược lại, nên cần phải sử dụng mọi loại hình thức có thể có, mới cũng như cũ, kể cả việc phải cải biến những hình thức vốn có, lấy cái này bổ sung, thay thế cho cái kia để làm cho bất kỳ hình thức nào cũng trở thành công cụ để phục vụ cho nội dung mới.

2) nội dung quy định hình thức nên phải căn cứ vào nội dung để tác động, làm thay đổi nội dung của chúng; đồng thời, vì hình thức có tác động ngược lại lên nội dung, thúc đẩy hoặc kìm hãm nội dung phát triển nên cần luôn theo dõi để kịp thời can thiệp vào tiến trình biến đổi của hình thức để đẩy nhanh hoặc kìm hãm sự phát triển của nội dung.

5. Bản chất-hiện tượng.

Bản chất
là tổng hợp tất cả những mặt, những mối liên hệ tất nhiên tương đối ổn định bên trong quy định sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng đó.

Hiện tượng
là sự biểu hiện của những mặt, những mối liên hệ tất nhiên tương đối ổn định ở bên ngoài, mặt dễ biến đổi hơn và là hình thức biểu hiện bản chất của sự vật, hiện tượng.

Cũng cần phân biệt cái bản chất với cái chung; cái tạo nên bản chất của một lớp sự vật, hiện tượng cũng đồng thời là cái chung của chúng; tuy nhiên, không phải cái chung nào cũng là cái bản chất. Cái bản chất cũng là cái có tính quy luật; là phạm trù cùng bậc với phạm trù quy luật “Quy luật và bản chất là những khái niệm cùng một loại (cùng một bậc), hay nói đúng hơn, là cùng một trình độ, những khái niệm này biểu hiện con người nhận thức ngày càng sâu sắc các hiện tượng, thế giới”[3].

Mối liên hệ biện chứng giữa bản chất với hiện tượng và ý nghĩa phương pháp luận của nó

1) Bản chất và hiện tượng đều tồn tại khách quan bởi bất kỳ sự vật, hiện tượng nào cũng được tạo nên từ các yếu tố khách quan nằm trong mối liên hệ với nhau, trong đó có những mối liên hệ tạo thành bản chất. Vì vậy, chỉ có thể tìm bản chất ở bên trong sự vật, hiện tượng chứ không thể tìm ở bên ngoài sự vật, hiện tượng và khi đưa ra kết luận về bản chất của sự vật, hiện tượng tránh chủ quan, duy ý chí.

2) Bản chất và hiện tượng thống nhất với nhau; thể hiện ở chỗ bản chất bao giờ cũng bộc lộ ra qua hiện tượng, còn hiện tượng bao giờ cũng là sự biểu hiện của bản chất; bất kỳ bản chất nào cũng bộc lộ ra qua hiện tượng tương ứng, còn hiện tượng nào cũng là sự bộc lộ bản chất ở mức độ nào đó hoặc nhiều hay ít. Vì vậy, khi đi tìm bản chất, phải thông qua việc nghiên cứu các hiện tượng.

3) Tuy nhiên sự thống nhất giữa bản chất với hiện tượng có tính mâu thuẫn, chúng không bao giờ phù hợp nhau hoàn toàn; thể hiện ở chỗ:
a) bản chất phản ánh cái chung tất yếu, cái chung quyết định sự tồn tại và phát triển của sự vật, hiện tượng; hiện tượng phản ánh cái cá biệt
b) bản chất là mặt bên trong, ẩn giấu của sự vật, hiện tượng; hiện tượng là mặt bên ngoài của sự vật, hiện tượng ấy
c) bản chất tương đối ổn định, biến đổi chậm; hiện tượng không ổn định, biến đổi nhanh hơn bản chất. Vì vậy, để nhận thức được đầy đủ và đúng đắn về sự vật, hiện tượng không nên dừng lại ở hiện tượng mà phải đi sâu tìm hiểu bản chất, dựa vào bản chất.

4) Hiện tượng biểu hiện bản chất bao giờ cũng dưới dạng cải biến, nhiều khi bị xuyên tạc. Vì vậy, nhận thức bản chất của sự vật, hiện tượng phải đi từ các góc độ khác nhau của nhiều hiện tượng khác nhau, đặc biệt là những hiện tượng điển hình tồn tại trong những hoàn cảnh điển hình.

6. Khả năng-hiện thực.

Khả năng
là cái đang “tồn tại hiện thực” mà trong sự vận động nhất định sẽ có, sẽ xẩy ra khi có các điều kiện thích hợp tương ứng.

Hiện thực
là cái đang có, đang tồn tại thực sự bao gồm tất cả những sự vật, hiện tượng vật chất đang tồn tại khách quan trong thực tế và những hiện tượng chủ quan đang tồn tại trong ý thức. Phạm trù vật chất khác với phạm trù hiện thực, vật chất bao gồm tất cả những gì tồn tại ở bên ngoài và độc lập với ý thức con người; còn hiện thực bao gồm bao gồm tất cả những gì đang tồn tại khách quan (vật chất) lẫn những gì đang tồn tại chủ quan (ý thức); theo nghĩa này, hiện thực khách quan và hiện thực chủ quan được dùng để phân biệt các hiện tượng vật chất với các hiện tượng tinh thần.

Tùy thuộc vào sự hình thành khả năng, có khả năng tất nhiên (được gây nên bởi các tương tác tất nhiên như khi gieo đồng xu, xuất hiện một trong hai mặt) và khả năng ngẫu nhiên (được gây nên bởi các tương tác ngẫu nhiên, mặt xu sấp hay ngửa trong ví dụ trên). Khả năng tất nhiên còn được chia thành khả năng gần (đã gần đủ hoặc đủ điều kiện để chuyển thành hiện thực) và khả năng xa. Ngoài ra còn có các loại khả năng chủ yếu, thứ yếu; khả năng tốt, xấu; khả năng cùng tồn tại, không cùng tồn tại; khả năng thuận, khả năng nghịch v.v.

Mối liên hệ biện chứng giữa khả năng với hiện thực và ý nghĩa phương pháp luận của nó

1) Khả năng và hiện thực tồn tại trong mối quan hệ chặt chẽ với nhau, không tách rời nhau, luôn chuyển hóa cho nhau. Vì vậy, cần dựa vào hiện thực, nhưng cũng phải tính đến khả năng

2) ở cùng một sự vật, hiện tượng, có thể tồn tại một số khả năng. Vì vậy, cần lựa chọn và thực hiện khả năng

3) ngoài những khả năng vốn có, khi có thêm những điều kiện mới sẽ xuất hiện thêm những khả năng mới. Vì vậy, cần chú ý tới khả năng tất nhiên, khả năng gần

4) bản thân mỗi khả năng tăng lên hoặc giảm đi tùy thuộc vào sự biến đổi của sự vật, hiện tượng trong những điều kiện cụ thể.

5) trong lĩnh vực xã hội, khả năng không tự biến thành hiện thực. Vì vậy, cần tạo điều kiện cần thiết để nhân tố chủ quan tham gia vào quá trình đó.

Khi nghiên cứu các cặp phạm trù cần liên hệ chúng với nhau và với các quy luật cơ bản của phép biện chứng duy vật, bởi thế giới muôn hình, muôn vẻ, cho nên, dù quan trọng đến mấy, chỉ riêng các cặp phạm trù hoặc các quy luật cơ bản sẽ không phản ánh được các mối liên hệ bản chất của thế giới một cách đầy đủ bởi "Quy luật nắm lấy cái gì là yên tĩnh- mà chính vì vậy mà mỗi quy luật, mọi quy luật đều chật hẹp, không đầy đủ, gần đúng"[4].


[1] Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn Giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.355

[2] Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn Giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh: Giáo trình triết học Mác-Lênin, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1999, tr.233-234

[3] V.I.Lênin: Toàn tập, 2005, t.29, tr.161

[4] V.I.Lênin: Toàn tp, 2005, t..29, tr.160
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top