Phê bình văn học hay là vương quốc của cái tranh luận

vanchuong83

New member
Xu
0
PHÊ BÌNH VĂN HỌC HAY LÀ VƯƠNG QUỐC CỦA CÁI TRANH LUẬN
La Khắc Hòa

1. Tôi nghi ngờ cơ sở khoa học của những kết luận quá mơ hồ, chung chung, kiểu như thế này: đối tượng của phê bình là tác phẩm văn học. Bởi vì chỉ cần tính riêng ở một nước như nước ta thì đã thấy, không biết cơ man nào là tác phẩm được in ấn trong mỗi tháng, mỗi năm. Mà có phải tác phẩm nào cũng dễ dàng trở thành đối tượng của phê bình đâu! Xung quanh câu chuyện về đối tượng của phê bình, chỉ cần nhìn lại tiến trình văn học Việt Nam từ sau 1975 đến nay, ta đã có thể rút ra một vài nhận xét bổ ích.


Văn học từ 1975 cho đến nay được gọi là văn học của thời kì đổi mới. Thực ra, sự đổi mới của văn học chỉ diễn ra rầm rộ trong vòng mấy năm kể từ sau Đại hội VI của Đảng (1986) cho đến năm 1992. Đó là lúc tinh thần phê bình trở thành tinh thần thời đại. Tinh thần thời đại thổi vào đời sống văn học một luồng sinh khí mới khiến hoạt động của cả sáng tác lẫn phê bình trở nên sôi nổi lạ thường. Chắc nhiều người còn nhớ, đối tượng thực sự của phê bình lúc này là toàn bộ văn học 1945-1975, xa hơn chút nữa là Thơ mới lãng mạn trước Cách mạng và những tác phẩm văn xuôi mới ra lò còn thơm nguyên mùi giấy mực, thoạt đầu là phóng sự, sau đó là truyện ngắn. Có rất nhiều bài phê bình xuất hiện trên mặt báo để phát biểu một ý kiến nào đó về những phóng sự, ví như Người đàn bà quỳ, Vua lốp, Làng giáo có gì vui… Có lẽ tác phẩm văn học gây ồn ào nhiều nhất trên mặt báo lúc ấy là Cái đêm hôm ấy đêm gì? của Phùng Gia Lộc. Cùng với những tác phẩm phóng sự như thế, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài thường xuyên là đối tượng của phê bình cả trên mặt báo lẫn các cuộc hội thảo. Đến khi một loạt tác phẩm như Thời xa vắng của Lê Lựu, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú của Ma Văn Kháng, Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Thân phận tình yêu của Bảo Ninh ra mắt công chúng, thì câu chuyện của giới phê bình lại chuyển sang tiểu thuyết. Có điều rất lạ là trong thời kì văn học đổi mới rầm rộ nhất, thơ vẫn tiếp tục được báo chí và các nhà xuất bản đăng tải với số lượng rất lớn, nhưng thể loại này hầu như nằm bên ngoài phạm vi quan sát của phê bình.

Nhìn vào bất kì giai đoạn nào của lịch sử văn học Việt Nam, trước hay sau Cách mạng, sau hay trước 1975, cũng thấy những tác phẩm thu hút được sự chú ý của phê bình chủ yếu vẫn là những tác phẩm có vấn đề tranh luận. Có thể nói, cái tranh luận là đối tượng chính yếu của phê bình. Tôi không có ý đồng nhất cái tranh luận với cái hay, cái tuyệt tác. Bởi vì, có nhiều tác phẩm rất hay mà vẫn không thể trở thành đối tượng của phê bình. Ví như, từ những năm 80 trở về trước, sáng tác của Nguyễn Khải thường nằm ở vị trí trung tâm của đời sống phê bình. Đến khi văn học chuyển vào thời kì đổi mới, Nguyễn Khải tiếp tục cho ra mắt bạn đọc nhiều tác phẩm rất hay. Người ta vẫn mặn mà với các sáng tác của ông, nhưng giờ đây những tác phẩm ấy không còn là đối tượng lên tiếng của phê bình. Tôi tin rằng, những tác phẩm Lê Lựu viết sau này không thua kém Thời xa vắng. Truyện ngắn của Bùi Hiển, Vũ Tú Nam, Nguyễn Kiên, Phan Thị Vàng Anh, Lê Minh Khuê, Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Nguyễn Thị Thu Huệ, thơ Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Bằng Việt, Nguyễn Đức Mậu, Nguyễn Trọng Tạo cùng nhiều, rất nhiều tác giả khác đều rất hay. Nhưng những tác phẩm rất hay ấy đều không thể gọi được giới phê bình vào cuộc để tạo nên một cao trào trong đời sống phê bình văn học. Có tình trạng như thế, theo tôi, nguyên nhân chủ yếu vẫn là ở chỗ, những tác phẩm rất hay kia chưa đặt ra được những vấn đề buộc người ta phải bàn bạc, tranh luận. Nếu tác phẩm không có gì để tranh luận thì lọt được vào mục điểm sách của một số tờ báo đối với nó đã là may lắm rồi! Dĩ nhiên, cái tranh luận vừa là cái có cơ sở ở tác phẩm của nhà văn, vừa là cái được phê bình phát hiện trong quá trình đọc. Khi sáng tác không có gì để tranh luận, khi phê bình không còn khả năng nhìn ra cái tranh luận trong sáng tác, thì…, chao ôi, đó sẽ là điểm chết khủng khiếp nhất, chỗ dừng buồn tẻ nhất của một nền văn học.

2. Vì sao đối tượng của phê bình thường là cái tranh luận? Đó là cả một câu chuyện rất dài liên quan tới các vấn đề về bản chất, chức năng của phê bình văn học.

Xung quanh câu chuyện bản chất và chức năng của phê bình hiện đang có rất nhiều quan niệm. Thử giở những cuốn giáo trình viết cho bậc đại học hoặc một vài cuốn từ điển, ví như Bách khoa văn học giản yếu của Nga (Moskva, 1967), hay Từ điển văn học của Việt Nam (Nxb. KHXH, Hà Nội, 1984), ta sẽ bắt gặp một quan niệm rất phổ biến, xem phê bình là một phân nhánh của nghiên cứu văn học, tồn tại song song với lí luận và lịch sử văn học. Theo quan điểm này, nghiên cứu văn học và phê bình văn học chẳng có gì phân biệt về chức năng, vì chúng đều là khoa học có nhiệm vụ nhận thức thực tiễn sáng tác. Nếu giữa chúng có một sự khác nhau nào đó thì chủ yếu là ở đối tượng nhận thức. Đối tượng của phê bình là “quá trình văn học đương đại, bao gồm toàn bộ những hiện tượng đang xẩy ra trước mắt”. Đối tượng của nghiên cứu văn học là qu¸ trình văn học sử gồm những hiện tượng đã ổn định, đã trở thành tài sản riêng của lịch sử văn học. Thực tiễn chứng tỏ, qúa trình văn học đương đại vừa không phải là đối tượng duy nhất của phê bình, vừa không phải là khu vực tự trị riêng của nó. Vả lại, về lí, không ai có thể xác định được cột mốc thời gian để giải đáp câu hỏi: quá trình văn học đương đại bắt đầu từ đâu và quá trình văn học sử dừng lại ở chỗ nào? Nó là năm ngoái, năm kia, là mười, hai mươi, hay năm mươi năm về trước?. Cho nên, quan điểm trên khó đứng vững trước bất kì một sự phê phán khoa học nào.

Có một quan niệm khác cũng rất phổ biến. Quan niệm này xem phê bình là một dạng đặc biệt của tiếp nhận văn học. Người ta chỉ ra rất nhiều điểm giống nhau và khác nhau giữa tiếp nhận văn học và phê bình văn học. Chẳng hạn, phê bình văn học và tiếp nhận văn học có chung một hạt nhân lôgic tạo nên sự thống nhất, ấy là công đoạn cảm thụ, định giá thẩm mĩ. Nhưng tiếp nhận văn học mang tính đại chúng và phê bình chuyên nghiệp là hai loại hình, hai cấp độ cảm thụ nghệ thuật, định giá thẩm mĩ khác nhau(1). Tuy nhiên, những người ủng hộ quan điểm nói trên thường không nhận ra sự khác nhau cơ bản trong chức năng của tiếp nhận văn học và phê bình văn học. Sản phẩm sáng tạo của nhà văn là một văn bản nghệ thuật. Chức năng cơ bản của tiếp nhận văn học ở mọi cấp độ, mọi hình thức chỉ là biến nội dung của cái văn bản nghệ thuật ấy thành một tác phẩm, một thế giới tinh thần tồn tại trong ý thức cá nhân và xã hội. Đây là giai đoạn tồn tại cuối cùng của hình tượng, giai đoạn hoàn tất một quá trình sáng tác – giao tiếp văn học. Phê bình văn học cũng là một loại tiếp nhận. Nhưng kết thúc, hoàn tất quá trình sáng tạo, mang lại cho tác phẩm một sinh mệnh lịch sử không phải là chức năng cơ bản của phê bình văn học. Bởi vì, sau khi cảm thụ, định giá, phê bình có nhiệm vụ trả tác phẩm nghệ thuật – cái thế giới tinh thần đã được tiếp nhận kia quay trở về với quá trình đã sinh ra nó. Thế là, hoạt động phê bình mở ra nơi hoạt động tiếp nhận văn học khép lại. Chức năng quan trọng nhất của phê bình là thúc đẩy quá trình văn học vận động và phát triển. Đây là cơ sở của quan điểm cho rằng, cần tách phê bình ra khỏi hoạt động tiếp nhận và hệ thống các khoa học về văn học để xem xét nó như một dạng hoạt động tác động(2). Có thể khảo sát tác động của phê bình đối với quá trình văn học ở hai phương diện sau đây.

Thứ nhất: Phê bình tác động tới tất cả các khâu của quá trình sáng tạo nghệ thuật gồm một chuỗi mắt xích liên quan mật thiết với nhau: hiện thực – nhà văn – tác phẩm – người đọc – hiện thực.

Phê bình tác động tới sự thụ cảm thế giới của nhà văn. Nó hướng nhà văn tới phương diện này hay phương diện kia của hiện thực đời sống. Nó gợi mở hệ thống đề tài, đặt ra những vấn đề triết học đời sống, những vấn đề chính trị – xã hội bức thiết. Trường phái xã hội học dung tục thường tuyệt đối hoá phương diện này của hoạt động phê bình. Họ khẳng định ý nghĩa toàn năng của hiện thực và vai trò thụ động của nghệ sĩ. Khi phân tích tác phẩm văn học, họ chỉ chú ý các bình diện xã hội, mà không quan tâm tới các bình diện nghệ thuật, thi pháp.

Phê bình tác động và có ảnh hưởng trực tiếp tới cá tính sáng tạo của nhà văn. Nó tạo nên sự giám sát của xã hội đối với hoạt động sáng tạo của người cầm bút. Bằng cách ấy nó buộc nhà văn phải tự giám sát, tự điều chỉnh hoạt động sáng tạo nghệ thuật của mình. Ta hiểu vì sao việc phân tích cá tính sáng tạo của nhà văn trở thành một trong những nội dung quan trọng của phê bình. Trường phái phê bình phân tâm, phê bình tiểu sử thường tuyệt đối hoá phương diện này của hoạt động phê bình văn học.
Phê bình có ảnh hưởng tới quá trình sáng tạo ra tác phẩm. Bởi vì, khi phân tích tác phẩm, nó không bỏ qua phương diện tâm lí sáng tạo nghệ thuật, chuyện bếp núc, vấn đề kĩ thuật của tác phẩm văn học. Chủ nghĩa hình thức thường tuyệt đối hoá phương diện này của hoạt động phê bình.

Phê bình tác động trực tiếp tới tác phẩm văn học. Nó phân tích, giải thích, cắt nghĩa để nắm bắt quan niệm và tư tưởng nghệ thuật chìm sâu trong các tầng vỉa của tác phẩm, bằng cách ấy nó biến tác phẩm tồn tại dưới dạng một văn bản thành tác phẩm tồn tại trong ý thức của chủ thể tiếp nhận. Nó tạo ra xung quanh tác phẩm một khu vực “từ trường” của dư luận xã hội để tác phẩm vừa tồn tại như một đối tượng hiện hữu cụ thể, vừa như một hiện tượng tinh thần đầy chất lí tưởng. Phê bình mang lại cho tác phẩm một số phận lịch sử, làm cho các kiệt tác không ngừng lớn lên cùng thời gian.

Phê bình có tác động giáo dục đối với người đọc. Phê bình giúp người đọc hình thành thị hiếu và các định hướng nghệ thuật. Nó đặt người đọc và tác phẩm văn học vào vị trí trung tâm của đời sống hiện thực và đấu tranh xã hội. Bởi thế, Đôxtôiepxki cho rằng, mỗi nhà phê bình phải trở thành một cây bút chính luận.

Phê bình có tác động tới hiện thực ®ời sống. Biêlinxki viết: “Không phải nghệ thuật sinh ra phê bình, cũng không phải phê bình sinh ra nghệ thuật, mà cả hai đều là con đẻ của tinh thần thời đại. Cả hai đều là sự nhận thức thời đại, khác nhau là ở chỗ, phê bình là nhận thức triết học, nghệ thuật là sự nhận thức trực tiếp(3). Cho nên, phê bình rất quan tâm tới tính chân thực của hiện thực được văn học phản ánh. Nó thường xuyên so sánh đối chiếu tác phẩm văn học với hiện thực đời sống, bằng cách ấy nó can dự trực tiếp vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Thứ hai: Phê bình tác động tới tiến trình văn học. Nói tới tiến trình văn học là nói tới sự tồn tại, vận động, tiến hoá của bản thân văn học trong các thời kì, giai đoạn lịch sử của từng vùng, từng dân tộc và của toàn thế giới. Phê bình văn học tác động tới sự tồn tại, vận động và tiến hoá của văn học thông qua vai trò của một nhân tố tổ chức. Cũng có thể nói, phê bình văn học chính là nhân tố tổ chức của tiến trình văn học. Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm riêng lẻ. Phê bình đưa những tác phẩm riêng lẻ vào một hệ thống văn học để chúng trở thành một chỉnh thể vận động. Người đọc phát biểu ý kiến cá nhân về tác phẩm văn học. Phê bình tổ chức ý kiến cá nhân thành dư luận xã hội, tạo ra những tình huống văn học nhiều khi có tác dụng quyết định tới số phận sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ. Động lực thúc đẩy sự vận động, tiến hoá của văn học là cuộc đấu tranh lâu dài giữa khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng cách tân, giữa những nguyên tắc nhận thức con người, nhận thức thế giới, những tư tưởng, những hình thức nghệ thuật đã trở nên già cỗi, lạc hậu với những nguyên tắc nhận thức hiện thực cuộc sống, những tư tưởng và hình thức mới mẻ. Phê bình văn học tác động một cách tích cực nhất vào động lực vận động của văn học tạo nên sự tiến hoá của nó. Chính phê bình chứ không phải bộ phận nào khác thường xuyên tiến hành các cuộc đấu tranh văn học, tổ chức các trào lưu, khuynh hướng sáng tác, phát ngôn cho các quan niệm văn chương, tuyên bố về sự mở đầu hay kết thúc một giai đoạn nghệ thuật. Không phải ngẫu nhiên, để phân biệt các khuynh hướng phê bình, người ta thường gắn chúng với tên gọi của những trào lưu văn học cụ thể: phê bình cổ điển, phê bình lãng mạn, phê bình hiện thực.

Đồng nhất phê bình với nghiên cứu văn học và tiếp nhận văn học là tự thủ tiêu sức mạnh của nó. Phê bình sở dĩ có chỗ đứng riêng trong đời sống văn học, vì đó là một dạng hoạt động tác động, là nhân tố tổ chức của tiến trình văn học. Hiểu như thế, ta sẽ phát huy được lợi thế của phê bình chân chính, đồng thời kiên quyết chống lại những khuynh hướng phê bình làm phương hại tới sự phát triển của văn học, ví như khuynh hướng biến phê bình thành hoạt động quảng cáo nặng tính chất thương mại, hoặc lối phê bình cơ hội luôn tìm cách đón gió chờ thời.

3. Sau khi xác định được bản chất và chức năng của phê bình thì ngoài cơ sở thực tiễn, ta lại có thêm cơ sở lí thuyết để bàn về vấn đề ấy. Là nhân tố tổ chức tiến trình văn học, phê bình hiện đại dồn sức tìm kiếm chỗ ®ậm đà, điểm tựa đi tới cho cả một trào lưu, khuynh hướng hay trường phái nghệ thuật. Puskin gọi “phê bình là khoa học khám phá những vẻ đẹp và nhược điểm của tác phẩm”(4). Tôi muốn nói thêm, vẻ đẹp mà phê bình không tiếc công khám phá phải là những vẻ đẹp mới, những giá trị nghệ thuật mới mà trước đó chưa từng có. Nhược điểm mà phê bình tập trung phát hiện là nhược điểm làm cho tác phẩm không đáp ứng những nhu cầu của xã hội, của thời đại và của bản thân văn học. Đây là chỗ khác nhau cơ bản giữa nghiên cứu văn học, tiếp nhận văn học và phê bình văn học. Tác phẩm văn học là chỉnh thể trung tâm, là khách thể tìm kiếm, khám phá của tất cả các lĩnh vực hoạt động ấy. Nhưng nghiên cứu văn học mãi mãi là khoa học về quá khứ lịch sử của văn học. Nó có nhiệm vụ khám phá những giá trị nghệ thuật do văn học nhiều thời đại tạo ra, đã ®ược thời gian kiểm nghiệm, là khoa học về tính chất và khuynh hướng phát triển thuộc những giai đoạn đã qua của văn học. Phê bình lại là khoa học về tương lai của văn học. Nó có nhiệm vụ phát hiện những giá trị nghệ thuật có khả năng tạo nên một bước ngoặt, mở ra một giai đoạn phát triển mới của tiến trình văn học. Phê bình không chỉ khám phá, phát hiện mà còn kêu gọi nhà văn sáng tạo ra cái mới. Cho nên Biêlinxki nhiều lần nhấn mạnh, rằng sứ mệnh của phê bình là “giết cái cũ (…), chuẩn bị cho một nền nghệ thuật mới ra đời”(5). Ở những thời kì khác nhau, phê bình có thể phát huy sức mạnh tác động, vai trò tổ chức của mình với những mức độ khác nhau, nhưng nhìn chung, lịch sử của nó là lịch sử cách mạng nghệ thuật, lập pháp cho cái mới. Những giá trị đã trở thành lịch sử thường là cái đã được xếp hạng, đã được thừa nhận, ít có khả năng gây tranh luận. Cái mới, cái mở đường thường là cái chưa phổ biến, không phải ai cũng tiếp nhận dễ dàng. Tôi nói đối tượng của phê bình là cái tranh luận với ý nghĩa như thế.

4. Bàn về phê bình, không thể bỏ qua vấn đề hệ thống chuẩn mực định giá thẩm mĩ. Trên báo chí thấy xuất hiện nhiều tiếng nói tỏ ý lo ngại về tình trạng “loạn chuẩn” hiện nay của phê bình. Tôi nghĩ, lo ngại như thế là có căn cứ, nhưng chưa hẳn đã là cần thiết. Bởi vì chuẩn mực định giá của phê bình cũng thuộc phạm vi của cái đời đời tranh luận. Phê bình dựa vào chuẩn không phải chỉ để định giá đúng sai, hay dở, mà chủ yếu để phát hiện cái mới, mở đường cho văn học đi tới. Cho nên, Biêlinxki gọi “phê bình và sự nghi ngờ là chị em sinh đôi”(6). Ý ông muốn nói, phê bình không thể tin vào hệ thống lí thuyết đã có, không thể lấy đó làm chuẩn mực định giá thẩm mĩ. Ngay từ năm 1835, trong một bài viết in trên tờ Viễn kính, Biêlinxki giải thích: “Lí luận là một khối cân đối, có tính hệ thống của những quy luật về cái đẹp, nhưng nó có chỗ bất cập là bao giờ cũng bị đóng khung trong một giới hạn thời gian cụ thể, còn phê bình thì không ngừng vận động, tiến lên phía trước (…). Đó là mĩ học vận động…”(7). “Mĩ học vận động” dựa vào đâu để định giá nghệ thuật? Ông nói: “Phê bình là sự xét đoán, so sánh hiện tượng với lí tưởng về nó”. Phát triển quan điểm của Biêlinxki, V.A. Giucôpxki cho rằng, nhà phê bình “không được phép nô lệ vào các mẫu mực và luật lệ”, rằng “anh ta phải có lí tưởng riêng để so sánh với bất kì tác phẩm nào của nghệ sĩ, phải có lí tưởng về cái có thể có làm mực thước tin cậy để xác định mức độ cách tân”(8). Thế là đã rõ. Lí tưởng về tương lai văn học được xem là chuẩn mực định giá thẩm mĩ của phê bình. Cho nên, nếu lịch sử văn học có thể dõi về quá khứ, tìm trong đó mực thước cân đo, thì phê bình luôn luôn phải vượt lên phía trước, đứng trên đỉnh cao của tương lai mà lắng nghe nhịp đập trong mạch nổi, mạch chìm của dòng chảy văn học. Tiếp nhận và nghiên cứu văn học không cần phải hình dung ra trước mắt bức tranh tương lai của đời sống văn học. Nhưng nếu thiếu khả năng tiên đoán, giả định để hình dung ra viễn cảnh phát triển của văn học, phê bình sẽ đánh mất chỗ dựa duy nhất để định giá thẩm mĩ và khi ấy nó sẽ khó tránh khỏi chủ nghĩa giáo điều, công thức hoặc sa vào những chi tiết tủn mủn vụn vặt. Thử hỏi, lúc nào cũng chăm chắm đưa ra những giả định về xu hướng vận động của văn học, thì liệu phê bình có tránh được tranh luận hay không?

5. Phê bình là vương quốc của cái tranh luận. Ta hiểu vì sao giới phê bình văn học thường nói tới văn hoá tranh luận và lúc nào cũng khát khao được có một bầu không khí dân chủ đến thế! Nhưng ngay cả khi văn hoá tranh luận chưa hình thành, tinh thần dân chủ bị các giai cấp thống trị của xã hội cũ bóp nghẹt thì tranh luận vẫn là cái nghiệp khó tránh của phê bình. Cho nên lịch sử phê bình là lịch sử của những cuộc tranh luận. Nhìn lại những cuộc tranh luận trong lịch sử phê bình, ta cũng sẽ rút ra được không ít bài học bổ ích.

Hơn hai nghìn mấy trăm năm, từ thế kỉ XIX đổ về trước, tranh luận văn học thường bị biến thành những cuộc đấu tranh tư tưởng giữa những kẻ chính giới và rất nhiều thành phần ngoại đạo. Những kẻ chính giới là nhà thơ, nhà văn, là nghệ sĩ và tất cả những ai lấy văn chương nghệ thuật làm sự nghiệp đời mình. Thành phần ngoại đạo có thể là vua, là quan, là vô khối những thần dân. Họ có thể không viết văn, chẳng làm thơ, nhưng ai cũng rất am hiểu lợi ích mà văn thơ có thể mang đến. Puskin có lần than thở: “Ở ta, làm công việc phê bình phần đông là nhà báo, là entrepreneurs (trong văn cảnh ở đây, chữ này nghĩa là “kẻ doanh lợi”, “kẻ mưu lợi”.- L.N.), là những người hiểu rất rõ lợi ích của mình, có điều họ tuyệt nhiên không phải là nhà phê bình, cũng chẳng phải là văn sĩ”. Ngoài ý thức lợi ích, chỗ dựa tranh luận của những thành phần ngoại đạo này thường là sức mạnh của cả cỗ máy quyền lực. Trong khi đó, chấp nhận tranh luận, ngoài sự hiểu biết, sự sành sỏi và tình yêu đối với văn chương, những kẻ chính giới không có một chỗ dựa nào khác. Kết quả của những cuộc đấu tranh như thế thường không phải là chân lí được phát hiện, mà là sự thắng thua, nhiều khi là những văn án rất thảm khốc. Chỉ cần lục lại kho lưu trữ của một vài triều đại phong kiến Trung Quốc, ví như nhà Thanh qua mấy đời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long, ta đã thấy loại “văn tự ngục” có thể chất cao thành núi.
Tình trạng phê bình và tranh luận văn học phản ánh trung thành ý thức nghệ thuật của thời đại. Từ thế kỉ XIX đổ về trước, mĩ học chưa bao giờ được tách thành một lĩnh vực chuyên môn riêng biệt. Trong di sản của các nhà tư tưởng , từ Trang Tử, Khổng Tử ở phương Đông; Platôn, Aritxtôt, Đêcác, Hêghen, Phơbách, Vônte, Điđơrô ở phương Tây, cho đến các vị kinh điển của chủ nghĩa Mác, mĩ học chỉ là phần ứng dụng, là bộ phận mở rộng của triết học, hoặc đạo đức học. Hệ quy chiếu của nó bao giờ cũng là các vấn đề nhận thức luận, quyết định luận. Trọng tâm lí thuyết của những hệ thống mĩ học ấy thường dồn vào các phạm trù ngoài văn nghệ như “đạo”, “tự nhiên”, “hiện thực xã hội”, “ý niệm tuyệt đối”, “cá tính sáng tạo”, “thế giới quan”, “lập trường tư tưởng”, “quan điểm xã hội”…Với những đặc điểm chung như thế, có thể xếp mĩ học trước thế kỉ XX vào phạm trù truyền thống. Được bao bọc trong không khí văn hoá của mĩ học truyền thống, ý thức nghệ thuật của nhiều thời đại chủ yếu là ý thức về một nền văn nghệ chức năng. Cho nên, tranh luận văn học bao giờ cũng chuyển thành đấu tranh tư tưởng là một tất yếu.
Thế kỉ XX đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi hệ quy chiếu của mĩ học. Mĩ học giờ đây dồn trọng tâm lí thuyết vào các vấn đề bản thể của nghệ thuật. Ý thức nghệ thuật thoát dần khỏi những mục đích vụ lợi trực tiếp của nền văn học chức năng. Tranh luận văn học vì thế thực sự trở thành đối thoại khoa học thể hiện một trình độ chuyên môn rất cao. Ngoài triết học, xã hội học, phê bình thường xuyên sử dụng nhiều lĩnh vực tri thức liên ngành, như ngôn ngữ học, văn bản học, phong cách học, gi¸ trị học, kí hiệu học… Cho nên, tiếp tục mở rộng hệ quy chiếu của mĩ học, dân chủ hoá tri thức, không ngừng đổi mới ý thức nghệ thuật của thời đại là những tiền đề quan trọng tạo ra cho phê bình văn học – vương quốc của cái tranh luận, một môi trường tồn tại bình thường để nó có thể phát triển mạnh mẽ./.
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 7 năm 2004

(1) Xem: La Khắc Hòa – Phê bình văn học, một loại tiếp nhận đặc biệt. Trong sách: Lí luận văn học, t.1 (Phương Lựu chủ biên), Nxb ĐHSP, H, 2002.
(2) Xem: Lã Nguyên: “Phê bình – Một nhân tố tổ chức quá trình văn học”, Tạp chí Văn học, số 5-1987.
(3) V.G. Biêlinxki: Toàn tập, t.2, M, 1948, tr.348.
(4) A.X. Puskin : Toàn tập, t.6, M, 1958, tr.320.
(5) V.G. Biêlinxki: Toàn tập, t.2, tr.364.
(6) V.G. Biêlinxki: Toàn tập, t.2, tr.9
(7) V.G. Biêlinxki: Toàn tập, t.6, tr.287.
(8) V.A. Giucôpxki: Toàn tập, t.3, Peterburg, 1906, tr.9.
Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top