Phê bình và chống phê bình
Từ khủng khoảng văn chương
Nói tới văn nghệ miền Nam những năm 60, của những ngày tháng gần đây nhất, không ai có thể phủ nhận được cái thực tế gần gũi, thân mật, không ngừng đập mạnh vào mắt vào tai. Đó là thực tế của một sinh hoạt mà có vẻ ngoài giàu có sôi nổi của nó không đánh thức được sự trì trệ, vẻ ngoài hãnh tiến của nó chỉ tố cáo những bước thụt lùi, sa đọa. Nó đến từ những xô bồ, hỗn tạp, bừa bãi của thị trường sách vở, chữ nghĩa. Người đọc có quá nhiều để học, người đọc bị tràn ngập bởi những sách ngày ngày một ồ ạt ra đời. Và đồng thời, họ cũng thiếu tác phẩm để đọc. Sách nhiều. Tác phẩm lại ít. Đó là hai khía cạnh buồn thảm của một thực tế đang trên đà lan rộng, chế ngự. Thực tế đó đang làm nên cuộc khủng hoảng…. Điều này gây khó chịu, điều làm cay mắt thực tế đó, cuộc khủng hoảng đó lại là cơ hội tạo nhiều ngộ nhận, thứ ngộ nhận đượm màu sắc trí thức nhưng phản động và nguy hại nhất. Sách nhiều. Nghĩa là sách vẫn được tiêu thụ nhiều. Nghĩa là lớp người thưởng ngoạn vẫn đông đủ. Nghĩa là sinh hoạt văn học nghệ thuật vẫn phát triển, lớn mạnh. Nghĩa là vấn đề còn lại bây giờ chỉ là làm sao tăng gia phát triển trên cái đà đó. Phải đi sát với quần chúng. Phải viết cho đám đông. Và đây là những tác giả ăn khách nhất, những tác phẩm được đọc nhiều nhất. Và kia nữa những cuốn sách, những tên tuổi đang thịnh hành bên Tây, bên Mỹ. Phải hiểu đây là những cuốn sách và những tác giả với những đề tài, những vấn đề nóng bỏng, lôi cuốn mọi người. Phải thi nhau viết. Thi nhau dịch. Thi nhau xuất bản. Để kịp đuổi theo nhu cầu “tiêu thụ” của mọi người. Đám đông. Nhu cầu. Tiêu thụ. Thử hỏi văn nghệ ở đây, bây giờ còn có những lời lo âu nào sâu xa hơn. Người ta chỉ còn biết viết cho nhu cầu, thị hiếu. Nghĩa là người ta không viết cho một ai. Nghĩa là người ta không viết nữa. Bạn thấy mâu thuẫn không? Người ta viết rất nhiều, đọc cũng rất nhiều và văn chương hầu đã biến mất.
Chỉ còn lại có sách để ảo tưởng gặp nhau và để người ta có cơ tiếp tục được yên ổn trong gian trá. Dĩ nhiên văn chương có thể đòi hỏi nhiều ngụy tín có thể nó chính là một ngụy tín cũng nên. Nhưng khi người ta thi nhau, tranh nhau cho ra đời những sách mà “tác dụng thực tê” chỉ có thể đủ để liên minh cho tội lỗi hoặc nhưng khuynh hướng hạ đẳng nhứt của con người để được mệnh danh là tả chân nhét hay táo bạo nhứt, trong trường hợp này vấn đề hoàn toàn đổi khác. Không còn ngụy tín. Cũng không còn văn chương. Chỉ còn sự dốt nát trơ trẽn và sự ghớm ghiếc. Bởi người viết văn đã mặc nhiên đứng ngoài. Tội nghiệp cho văn chương và có lẽ không riêng gì ở xã hội ta mới có hiện tượng trái ngược này: có những thành công trên những phương diện hoàn toàn xa lạ với văn chương.
Nhưng bạn có chấp nhận được điều đó? Bạn có quan niệm được một tác phẩm văn chương bất cần tới văn chương, một nghệ thuật bất cần tới nghệ thuật? Bạn thấy không, những câu hỏi thật khôi hài và có phần ấu trĩ cũng nên. Thế mà chúng đã chỉ nói lên một thực trạng, một sự thật. Trong cuộc hỗn thành của của văn học nghệ thuật ở đây có nhiều điều nghĩ ngợi và cay đắng. Dĩ nhiên bạn sẽ không quá hoài nghi, độc đoán, lệch lạc đến nỗi cho rằng văn nghệ miềnNambây giờ là con số không. Có thể dù sao nó vẫn là con số đáng kể hứa hẹn một số lượng đáng kể hơn. Tuy nhiên điều đáng nói là bên cạnh những nỗ lực, những công trình muốn làm cái gì cho văn chương, muốn làm mới thực sự, muốn làm cho nó trở lên giàu có thực sự, những nỗ lực những công trình vốn đã ít ỏi, luôn luôn có những thế lực phản động, mù quáng, lạc hậu vẫn ngang nhiên hoàn tất công tác phá hoại của chúng. Những thế lực đó xuất hiện, hay ẩn nấp dưới nhiều hình thức, bộ dạng khác nhau. Nếu cần phải gọi tên cho chúng chính là những cái dốt nát, giả ngụy đang tạo những thành tích rực rỡ nhất trong khung cảnh văn chương của những ngày tháng gần đây.
Trong cuộc khủng hoảng chúng nhận lãnh vai trò chính yếu, chúng rủ rê gọi mời tạo những niềm tin, những ngộ nhận nguy hiểm. Nhưng liệu người đọc có quá dễ tin và luôn luôn tìm kiếm những tình cảm yên ổn trong ngộ nhận. Liệu những trang dâm thư sẽ vẫn còn mãi mãi tiếp tục được trang hoàng dưới những lớp phấn son hiện sinh hay hiện thực? Liệu những quyển sách về tình dục được phiên dịch và cho ra đời hàng loạt kia có mang lại sự kiện nào mới lạ ngoài việc tố cáo một thực tế xã hội đáng hoài nghi: độc giả V.N. cần được giáo dục tìm hiểu về tình dục đến thế nào? Và những tiếng nỉ non, ai oán, và những điệu cười thô bạo và những tâm linh nhớp nhúa và những tiếng chửi thề kệch cỡm, và những lời văng tục ghớm ghiếc, và cả trăm, cả ngàn thứ tiếng động của sự giận giữ và nguyền rủa, chúng sẽ còn tiếp tục tới bao giờ, sẽ còn đưa người ta tới đâu, sẽ còn hứa hẹn những điều gì khác lạ hơn những hiện tượng buồn bã, nhàm chán kia.
Tới khủng hoảng phê bình
Tác phẩm ngày một nghèo nàn, sự nghèo nàn nằm trong rừng sách. Giá trị văn chương ngày một đi vào quên lãng của mọi người cả người viết lẫn người đọc, cả dự phóng, ý hướng văn chương và nói gọn lại cả văn chương dường như một ngày trở nên lỗi thời xa lạ ngay trong quang cảnh sinh hoạt mệnh danh là văn chương. Dường như trong những năm 60 này người ta viết không phải để đọc: người ta viết để được tiêu thụ, càng ngày càng tốt, bởi một quần chúng tiêu thụ. A! Văn chương trở thành một món hàng một thứ trang sức có phần xa xỉ. Đó là hiểm họa. Và ngay trong lòng của thứ hiểm họa mà ta gọi là khủng hoảng văn chương đó, một hiểm họa khác cũng cần được soi rõ mặt mày không kém: hiểm họa của một cuộc khủng hoảng phê bình. Trong cuộc khủng hoảng văn chương rộng lớn, phê bình dường như khó tránh được số phận èo uột, vất vả của nó. Sự việc này hầy như là hậu quả tức nhiên hay ít ra có thể hiểu được. Phê bình. Hai tiếng quen thuộc và đồng thời xa lạ bao nhiêu, đối với người cầm bút ở đây đối với quần chúng thưởng ngoạn ở đây; đối với sinh hoạt chữ nghĩa ở đây. Liệu có hay không một ngành văn học gọi là phê bình. Trong khoảng thời gian của những năm 60, liệu người ta có được phép nói về một sinh hoạt phê bình, và liệu người ta sẽ nói về nó trong điều kiện nào? Phê bình. Quả thật không có gì đáng hoài nghi hơn. Quả thật đó là một ngành văn học hoặc đang tàn tạ hặc chưa được khai sinh nên hình dáng bao giờ. Nói về phê bình trong hoàn cảnh bây giờ ở đây mà tôi cho là hoàn cảnh khốn khó chưa từng có ở ViệtNamđối với mọi người hầu như là nói về một cái gì đã lỗi thời hoặc không còn thật. Hơn một người đã thẳng thắn phát biểu điều đó. Trên thực tế từ mười năm trở lại đây phải nhìn nhận là văn nghệ miềnNamthiếu hẳn những tác phẩm phê bình đáng kể. Nghĩa là phê bình hầu như chưa được quan niệm một cách đúng đắn và công bình đến độ người ta không ngần ngại nói về một sự vắng bóng của nghành phê bình với những đáp ứng tối thiểu để được gọi là phê bình. Nhìn lại, hầu như đó đây chỉ có những bài đọc sách, những ghi nhận thoáng qua về những cuốn sách, những ghi nhận lại không đủ có lẽ không bao giờ đủ để gây dựng lên một phong trào, một sinh hoạt phê bình cần thiết, ấy là chưa kể đến nội dung, chiều hướng, tác phong của những bài viết đó thường chỉ có tính cách thông tin, thù tạc, thông qua, lấy lệ. Không nói gì đến những đặc tính chủ quan, thiên lệch, bất công. Những bài viết trong những kích thước eo hẹp, nghèo nàn như vậy tự chúng không thể sống sót. Ở một chỗ khác chúng chỉ là cơ hội của nghi kỵ và ngộ nhận, chúng chỉ được quan niệm, ngao ngán thay, như là dịp để người ta gây cho đậm một mối cảm tình hay đào sâu thêm những ngăn cách tị hiềm. Do đó nếu sinh hoạt phê bình đã thiếu hụt, sinh hoạt đọc sách (tạm gọi là vậy) ngày một trở nên khiêm nhường, nghèo nàn hơn, càng đẩy xa thêm dự phóng phê bình, càng biến phê bình thành một ảo tưởng.
Từ khủng hoảng văn chương đến khủng hoảng phê bình. Từ một mâu thuẫn này tới một mâu thuẫn khác. Một thực tế không yên ổn, đáng nghi ngờ, tới tất cả bộ mặt khó hiểu của nó, thế mà nó có thật, khủng hoảng văn chương năm ngay trong rừng sách vở và giờ đây lại phải nói tới sự khủng hoảng phê bình giữa một giai đoạn văn nghệ đầy sinh động và ồn ào. Nhưng nếu rừng sách kia đã chỉ làm nổi bật hình ảnh tiêu điều của tác phẩm, có lẽ người ta không thể tránh được thực trạng hao hụt gầy gò của phê bình giữa một khung cảnh nặng phần sôi nổi bề ngoài. Thử hỏi giữa giai đoạn hỗn thành của sách vở, giữa giai đoạn lạc loài của chính những giá trị văn chương, giữa giai đoạn mà văn học nghệ thuật chỉ còn là phương tiện như trăm ngàn phương tiện khác, giữa giai đoạn mà chính những nỗ lực khôi phục văn chương trong tư cách là văn chương lại bị mỉa mai, bài bác, kết tội, vâng, giữa giữa giai đoạn mà mọi người hầu đã quên lãng văn chương, thử hỏi phê bình văn chương còn có giá trị gì? Thử hỏi còn ai để phê bình, để nói về phê bình? Và nhất là thử hỏi khi văn chương ngày một vùi sâu trong quên lãng thì phê bình văn chương còn có ý nghĩa gì nếu không là một cái gì thừa thãi, nhảm nhí một cách nói nào đó, còn có văn chương đâu để mà nói chuyện phê bình. Bởi gì bạn không thấy sao, bộ mặt của sách vở bây giờ đã không ngừng thách thức ngạo nghễ với những giá trị bắt đầu từ đó người ta được phép nói tới văn chương.
Từ phê bình đến chống phê bình
Điều có thể hiểu được: khi văn chương bị hắt hủi, đến lượt phê bình cũng bị coi thường, bạc đãi. Không thiết đến văn chương, không thiết đến phê bình: hai thái độ này nếu không ăn khớp, đi đôi với nhau thì ít ra chúng cũng không mâu thuẫn nhau. Là chính là căn cơ của khủng hoảng và sa đọa. Bởi tự nó là một chối từ, một phủ nhận. Nhưng thử hỏi người ta có thể vừa viết văn, vừa phủ nhận văn chương, phủ nhận tư cách nhà văn ở chính mình, để khoác lên những tư cách khác. Thử hỏi nhà văn có thể có một sự chọn lựa nào tiên quyết hơn là chọn lựa được là người viết văn. Và văn chương có thể chọn lựa điều gì khác tiên quyết hơn là chính nó. Điều nói ở trên kia về sự vắng bóng phê bình thật ra chỉ là niềm im lặng của phê bình. Im lặng của phê bình. Im lặng của văn chương. Có lẽ ta cần phải nghiêng xuống, lắng nghe chúng giữa bao nhiêu tiếng động ồn ào, hung hăng. Có niềm im lặng của phê bình. Vậy thì phê bình hiện hữu. Vô ích nếu bạn cứ tiếp tục phủ nhận nó. Hoài công nếu bạn cứ tiếp tục quan niệm nó như một công việc vô bổ bên văn chương. Bây giờ có lẽ ta cần đến gần vấn đề hơn nữa. Những thách đố ngạo mạn và ấu trĩ kia, hãy tạm gạt chúng sang một bên. Bạn thấy gì? Bạn đồng ý rằng vấn đề bây giờ rất đơn giản. Chỉ cần có một quan niệm đúng đắn về phê bình. Nghĩa là đặt nó vào đúng quyền hạn và tầm vóc của nó. Niềm im lặng của phê bình. Tại sao? Tại nó chưa được thừa nhận đúng mức, tại sao nó chưa được thừa nhận đúng mức. Niềm im lặng của phê bình trong những năm 60. A! Bao nhiêu phức tạp dàn trải chung quanh niềm im lặng đó: những mâu thuẫn, những xung đột và bao nhiêu tấn tuồng nhảm nhí liên quan tới nó. Bạn thấy không, điều cay đắng là những sự kiện làm nên “sinh hoạt” phê bình ở đây, chính chúng nó lại lại không ngừng nhắc chúng ta nhớ rằng phê bình hãy còn là một niềm im lặng, chính chúng lại khẳng định sự vắng bóng của phê bình. Chúng phản phê bình tự bản chất. Nói tới một sinh hoạt phê bình ở VN hoặc chỉ cần nói tới hai tiếng phê bình thôi, người ta có thể mường tượng ngay những ngộ nhận. Ngộ nhận của những người được (bị?) phê bình. Ngộ nhận của những người phê bình. Ngộ nhận giữa những người phê bình với nhau: giữ những đường lối phê bình khác nhau. Chung quy đó là những ngộ nhận đến từ một ý thức phê bình không được quan niệm đúng tầm mức và giới hạn của nó. Hoặc chúng đến từ sự vắng bóng của mọi ý thức phê bình.
Ông Thanh Tâm Tuyền một lần nói về trường hợp những nhà văn không quen đón nhận phê bình, chỉ trích. Thế rồi từ một trạng thái tâm lý để xúc động, mỗi khi nghe ai đó nói về mình, người ta sẽ khó lòng quan niệm được phê bình trong ý nghĩa toàn vẹn của nó. Nghĩa là khó thừa nhận một khía cạnh nào đó của phê bình. Sau đó là phản ứng. Người ta có nhiều phản ứng khác nhau, trực tiếp hay gián tiếp, để “đáp lại” một bài phê bình đã phạm phải một trọng tội là vạch ra những chi tiết sai lầm, hư hỏng của tác phẩm mình. Có lẽ ta không nên mất thì giờ với những phản ứng đầy buồn nản, không còn gì xa lạ với tất cả mọi người. Điều đáng nói ở đây là một khi đã không dám đón nhận phê bình, một khi đã không dám thừa nhận (đừng nói chi tới chấp nhận) quan điểm trái ngược với mình, người ta đã vô tình phủ nhận chính mình như một nhà văn, chính cuốn sách mình viết ra như một tác phẩm. Bởi phê bình là gì nếu trước tiên không có nghĩa là đọc. Bởi nhà phê bình là ai trước tiên không phải là độc giả. Nếu nhà văn có đầy đủ tự do khi viết thì độc giả cũng có tự do lúc đọc. Độc giả có quyền hạn riêng của mình. Hắn có thể và có quyền (ai cấm hắn?) đọc một tác phẩm chống lại chính người sáng tạo nên nó. Bởi hắn đọc cho hắn. Không quan niệm được một độc giả và từ đó, một nhà phê bình trong tinh thần cởi mở và tự di, nhà văn vô tình đóng vai kẻ thù của chính tác phẩm mình. Bởi một tác phẩm không người đọc, điều này phi lý. Thế nào là một tác phẩm được phê bình? Đó là một tác phẩm đã được đọc tới, đã được thừa nhận như một hiện hữu, một thực tại. Đó là một tác phẩm đang đi vào thế giới của người đọc, đã chặm mặt cùng thế giới đó, không một lần cho xong, mà còn hứa hẹn không ngừng những cuộc gặp gỡ, chạm chán khác. Và nhà phê bình, hắn là ai? Hắn là người đọc, tức là tâm hồn bạn không ngớt đi cùng một đường với tác giả, tác phẩm, cho dù hắn có đọc trong bình yên, dù hắn có đọc trong thịnh nộ.
Nếu văn chương có năm bảy đường, phê bình không chỉ có một. Và nhất là phê bình không mang đến tiếng nói sau cùng cho một cuốn sách, cho một tác phẩm. Có thể nó chỉ là cơ hội cho một tiếng nói khác, những tiếng nói khác từ đó có dịp bộc lộ. Phê bình không phải là những cánh của đóng lại một công trình từ đây xong xuôi, yên nghỉ. Chính cánh của đó lại mở ra và hứa hẹn, kêu gọi những chân trời khác.
Phê bình và chống phê bình, khủng hoảng phê bình và khủng hoảng văn chương, vấn đề chỉ là một, đó là sự lãng quên trước một số ý niệm văn chương.
Sưu tầm.