dream_high
Moderator
- Xu
- 0
Phát triển nhiên liệu sinh học: Cần cơ chế đặc thù cho cả doanh nghiệp và người dân
Thiếu đầu vào, bí đầu ra Nghịch cảnh này đang khiến cho đề án phát triển nhiên liệu sinh học trong 3 năm qua chưa có sự bứt phá lớn. Theo ông Phạm Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 109 cơ sở chế biến tinh bột sắn theo quy mô công nghiệp với công suất 7,6 triệu tấn sắn củ tươi/năm. Tuy nhiên, chỉ một số nhà máy có vùng nguyên liệu được quy hoạch với tổng sản lượng khoảng 2,8 triệu tấn, chỉ đạt khoảng 37,8% nhu cầu nguyên liệu của các nhà máy.
Nhiều nhà máy không có vùng nguyên liệu được quy hoạch ổn định phải mua gom sắn nguyên liệu với cự ly xa hoặc cạnh tranh mua nguyên liệu với các nhà máy đã có quy hoạch vùng nguyên liệu và đã có đầu tư. Đặc biệt là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, nhiều nhà máy chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu hoặc đã quy hoạch nhưng không có đầu tư nên năng suất và sản lượng sắn không đáp ứng được nhu cầu. Nếu không có biện pháp kịp thời thì tình trạng thiếu nguyên liệu chế biến sẽ ngày càng trở nên gay gắt.
Theo tính toán của Bộ công thương, để thực hiện phương án thay thế 5% bằng Ethanol theo Quyết định 177/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì nhu cầu sắn nguyên liệu cho sản xuất Ethanol trong nước như sau: đến năm 2015 cần khoảng 3,2 đến 4 triệu tấn; năm 2020 cần khoảng 5,1 đến 5,5 triệu tấn và đến năm 2025 cần khoảng 6,8 đến 8,0 triệu tấn. Trong khi đó, với mức sản lượng sắn như hiện tại thì đến năm 2025, khi các nhà máy đồng loạt đi vào hoạt động và sản xuất dự kiến 1.000 triệu lít/năm sẽ thiếu khoảng 2,2 đến 2,5 triệu tấn sắn tươi nguyên liệu, hoặc phải giảm công suất chế biến tinh bột của các nhà máy do không đủ nguyên liệu.
Như vậy, bên cạnh nhu cầu sắn nguyên liệu cho sản xuất thực phẩm, thức ăn chăn nuôi và chế biến tinh bột như trước đây thì nhu cầu nguyên liệu sắn cho sản xuất Ethanol trong những năm tiếp theo là rất lớn. Nếu không có giải pháp tăng sản lượng thì các cơ sở chế biến sẽ thiếu nguyên liệu trầm trọng.
Tình hình trên đòi hỏi các địa phương và các doanh nghiệp có dự kiến tiếp tục đầu tư các nhà máy sản xuất Ethanol vượt quá sản lượng 1.000 triệu lít/năm cần cân nhắc kỹ về chủ trương đầu tư để đảm bảo đủ nguyên liệu chế biến.
Nguyên liệu đầu vào đã hiếm, nhưng việc tiêu thụ sản phẩm xăng xăng sinh học E5 cũng bí bách không kém. Theo ông Lê Xuân Trình- Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Dầu (PVoil): Khi mới bán “chào hàng” sản phẩm xăng E5, PVoil đã giảm giá bán lẻ thấp hơn 500 đồng/lít so với giá bán lẻ xăng RON 92 tại cùng thời điểm. Tuy nhiên, sau 5 tháng triển khai kinh doanh thí điểm, sản lượng bán ra chỉ đạt khoảng 4.200 m3. Đây là mức tiêu thụ quá chậm so với các sản phẩm xăng khác. Điều đó chứng tỏ người dân chưa mặn mà với sản phẩm này, mặc dù theo đánh giá của các cơ quan chức năng, xăng E5 có tính kích nổ tốt hơn, động cơ chạy êm và bốc hơn xăng thường, lại vừa bảo vệ được môi trường. Theo các chuyên gia, những xe chạy xăng E5, vẫn có thể dùng xăng A92 và các loại xăng bình thường khác, điều này rất thuận tiện và dễ dàng cho người tiêu dùng.
Mặc dù càng bán chạy hàng, PVoil càng lỗ, nhưng để tạo thói quen cho khách hàng, PVoil sẵn sàng chấp nhận và đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng bán xăng E5. Năm 2010 được mở đầu với 12 điểm bán, đến nay, PVoil đã mở rộng thành 50 điểm bán tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tuy nhiên, trước 3 rào cản: người tiêu dùng chưa quen với sản phẩm nhiên liệu sinh học; những quy định giá bán xăng dầu trong nước thấp hơn giá vốn nhập khẩu và càng đẩy mạnh tiêu thụ xăng sinh học sẽ làm tăng chi phí khiến Pvoil và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ.
Doanh nghiệp và người dân trồng nguyên liệu cần được ưu tiên
Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn để sản xuất nhiên liệu sinh học, trong khi người dân đang cảm thấy sự ô nhiễm mô trường và biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng trực tiếp, hàng ngày đến họ thì việc sử dụng nhiên liệu sạch, nhiên liệu sinh học cũng đã nhận thức được tầm quan trọng và lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học.
Nhiên liệu sinh học là loại nhiên liệu được chế xuất từ chất béo của động thực vật (mỡ động vật, dầu dừa...), ngũ cốc, chất thải trong nông nghiệp như rơm rạ, sản phẩm thải trong công nghiệp (mùn cưa, sản phẩm gỗ thải...). Đó là những nhiên liệu đã có rất nhiều tại Việt Nam, nhất là những vùng nông thôn, miền núi. Tuy nhiên, việc quy hoạch, sử dụng và mời nhà nông cùng “vào cuộc” như thế nào là một bài toán khiến các doanh nghiệp sản xuất nhiên liệu cần lựa chọn.
Theo TS Đinh La Thăng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí: Một cuộc khảo sát mới đây cho thấy, người nông dân miền núi đói giáp hạt vì thiếu lúa gạo, trong khi đó, trong nhà vẫn còn chất đầy sắn khô. Nếu các doanh nghiệp, các đầu mối thu mua không có một sự thoả thuận và bao tiêu sản phẩm cho người nông dân thì vừa bỏ phí nguyên liệu, trong khi người nông dân phải chịu thiếu đói. Trên thực tế, trong những năm qua, từ khi có Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025" của Chính phủ cũng đã có quy hoạch vùng nguyên liệu. Vấn đề là ở chỗ làm cách nào để nâng cao năng suất cho các loại cây này trên diện tích không được mở rộng thêm, thậm chí còn bị thu hẹp do nhiều yếu tố? Để đảm bảo chủ động nguyên liệu cho các Nhà máy sản xuất Ethanol của Tập đoàn Dầu khí, các doanh nghiệp trực thuộc như Dung Quất, Bình Phước, Phú Thọ…đã đầu tư giúp nông dân nâng cao năng suất gấp 3 lần hiện tại giúp nông dân yên tâm trồng và cung cấp sắn nguyên liệu. Cũng xuất phát từ chi phí sản xuất nhiên liệu sinh học khi mới bắt đầu, giá thành khá cao, do phải đầu tư cho vùng nguyên liệu cùng các trang thiết bị sản xuất rất tốn kém. Trong khi đó năng suất của vùng nguyên liệu lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố như giống, quy trình trồng và chăm sóc, thời tiết... Bên cạnh đó, nhiên liệu sinh học chỉ có thể vận chuyển bằng ôtô đến các điểm bán chứ không thể vận chuyển bằng đường ống như xăng dầu thông thường... Tất cả những điều này đã làm tăng chi phí đáng kể, khiến cho nhiên liệu sinh học khó cạnh tranh với xăng dầu thông thường, trong khi các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư chưa có, vì vậy không thể đầu tư.
Ông Lê Xuân Trình - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) Thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam- DN sản xuất xăng E5 chia sẻ: Khó khăn lớn nhất của những đơn vị sản xuất, kinh doanh xăng sinh học hiện nay là do sản phẩm mới, chưa có quy định ưu đãi về thuế nên giá thành khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống. Để đầu tư cho sản xuất xăng E5, PV Oil đang tìm mọi cách để tiết giảm chi phí trong mọi khâu liên quan. Các đơn vị tham gia sản xuất, phân phối và bán lẻ nhiên liệu sinh học đều mong muốn nhận được những hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy tiến trình này.
Tại Hội thảo này, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Đinh La Thăng cũng đề nghị Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng cho việc sử dụng xăng E5, E10 để các doanh nghiệp chủ động điều tiết sản xuất và kinh doanh. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có cơ chế nhằm tạo sự gắn kết lâu dài, hài hòa lợi ích giữa
Sử dụng nhiên liệu sinh học so với xăng dầu bình thường sẽ giảm khoảng 70% khí CO2 và 30% khí độc hại do chúng chứa lượng lưu huỳnh cực nhỏ nên cháy sạch hơn. Riêng nhiên liệu sinh học sản xuất từ mía đường giảm đến 89% khí CO2.
nhà sản xuất, người thu mua và nông dân. Đồng tình với quan điểm này, đại diện Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính cho rằng: Các nước lớn đã dùng xăng sinh học từ rất lâu nhưng Việt Nam vẫn chưa thể phát triển. Vì vậy, nếu các cơ quan chức năng đã có cơ sở vững chắc đảm bảo xăng E5 không gây thiệt hại cho người tiêu dùng thì Chính phủ và các cơ quan ăn lương ngân sách cần phải làm gương trong việc sử dụng loại nhiên liệu cho các xe công biển xanh.
Đề án “Phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015 tầm nhìn đến năm 2025" của Chính phủ với mục tiêu đề ra, đến năm 2010, xây dựng và phát triển được các mô hình sản xuất thử nghiệm và sử dụng nhiên liệu sinh học quy mô 100 nghìn tấn E5 và 50 nghìn tấn B5/năm bảo đảm đáp ứng 0,4% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Đến năm 2015, sản phẩm nhiên liệu sinh học sẽ đáp ứng được 1% nhu cầu xăng dầu cả nước và đến 2025 sẽ đáp ứng 5% nhu cầu. Tầm nhìn đến năm 2025, công nghệ sản xuất nhiên liệu sinh học ở nước ta đạt trình độ tiên tiến trên thế giới. Sản lượng ethanol và dầu thực vật đạt 1,8 triệu tấn, đáp ứng khoảng 5% nhu cầu xăng dầu của cả nước. Để đạt được những mục tiêu đó, ngay từ bây giờ, Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cần có các biện pháp cụ thể hơn giúp doanh nghiệp và người dân trồng nguyên liệu có lộ trình phát triển bền vững hơn./.
(Hiền Hòa - ĐCSVN)