Phát hoảng những bài văn tốt nghiệp 'kinh dị'
Nhiều giáo viên chấm thi phát hoảng khi đọc những bài văn của các sĩ tử trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) 2010 - 2011. Thí sinh “sáng tác” ra những câu văn mà giáo viên chấm thi đọc xong phải nổi da gà.
Còn những cách miêu tả mà các tác giả của tác phẩm được chọn để làm đề thi tốt nghiệp có lẽ không bao giờ ngờ tới được.
Với các giáo viên chấm thi việc gặp các bài văn cười ra nước mắt không phải là hiếm (Ảnh minh họa)
Cười ra nước mắt
Theo cô N.H giáo viên môn Văn, trường THPT Minh Khai (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng đã đi chấm thi tốt nghiệp rất nhiều năm. Mỗi kỳ thi để lại cho tôi ấn tượng về những bài văn rất lạ. Năm nay cũng vậy, tôi trực tiếp chấm nhiều bài văn khi đọc lên mà không nhịn được cười khiến cho các đồng nghiệp của tôi không hiểu chuyện gì xảy ra. Năm nào cũng vậy, cứ mỗi khi chấm điểm môn văn, những giáo viên chấm thi như chúng tôi lại được những trận cười ra nước mắt".
Giáo viên H. trích dẫn: “Trong câu 3b của đề thi tốt nghiệp THPT năm nay đề bài là "Phân tích nhân vật Tràng trong truyện ngắn "Vợ nhặt" của Kim Lân". Tôi đọc nhiều bài thi cùng đề bài về phân tích nhân vật Tràng, tuy nhiên có trường hợp, học sinh phân tích ngoại hình của nhân vật vợ nhặt của Tràng đến gần 2 trang giấy mà "tụ hội" tất cả những gì xấu xa nhất.
Tôi nhớ câu: "Quần áo của cô gái này rách tả tơi như tổ đỉa, thân hình gầy còm, ốm yếu đến mức chỉ có da bọc xương. Khuôn mặt thị gầy xọp như hình lưỡi cày. Nhìn cô, chúng ta chỉ có thể thấy được hai con mắt. Dáng người, "vẻ đẹp" của thị (nhân vật người vợ - pv) cũng tương đương "vẻ đẹp" của vợ Chí Phèo (nhân vật Thị Nở trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao - PV)". Sau đó học sinh thản nhiên kết luận: "Có lẽ thị là hình tượng của một con "ma đói" năm 1945". Đây là một câu văn tôi cảm thấy rất "ấn tượng", đọc đi đọc lại vẫn cảm thấy buồn cười”.
Giáo viên H. cũng cho biết thêm, năm nay câu 3a thuộc phần II (phần riêng - phần tự chọn) hệ số điểm là 5 điểm, đề bài yêu cầu thí sinh phân tích đoạn thơ từ câu: "Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi" đến câu: "Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Đây là đoạn trích trong bài thơ Tây Tiến của tác giả Quang Dũng. Khi làm bài, các thí sinh thi nhau tán về vẻ đẹp của đoàn quân Tây Tiến. Có thí sinh bình câu thơ: "Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/Quân xanh màu lá dữ oai hùm" như sau: " Có lẽ giữa trời hè nóng nực, cộng với khói lửa chiến tranh các chiến binh Tây Tiến đã quyết định "gọt" trọc để thoải mái thoáng mát hơn và tiện cho việc vệ sinh"(!?).
Còn cô N.T.K, giáo viên văn của một trường cấp III Minh Khai (Quốc Oai) cho hay: "Tôi nhớ như in trong bài thi của một thí sinh bình về câu thơ: "Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói/ Mai Châu mùa em thơm nếp xôi". Thí sinh này nhầm tưởng địa danh Mai Châu thành tên của một cô gái nào đó sinh sống ở địa bàn mà các chiến binh Tây Tiến đóng quân. Thí sinh này bình: "Có lẽ dù chiến tranh có đi qua, các chiến binh Tây Tiến trở lại làng quê cũ nhưng hình ảnh cô em gái Mai Châu ngày đêm tảo tần nấu món xôi nếp cho họ ăn sẽ không bao giờ phai trong lòng các anh bộ đội". Khi đọc đến đây, tôi thật sự cảm thấy choáng, không dám tin vào mắt mình nữa".
Vì đâu đến nỗi
Theo đánh giá của các giáo viên chấm thi tốt nghiệp THPT thì việc có nhiều bài thi có những câu văn dở khóc dở cười có rất nhiều nguyên nhân. Theo cô T. D, giáo viên dạy văn trường THPT Vân Tảo (Thường Tín, Hà Nội) thì việc các thí sinh sáng tác những câu văn... lạ, thường là những thí sinh không có kiến thức cơ bản về môn văn. Có thể trong quá trình làm bài thi, những thí sinh này bất chợt nhớ đến một nhân vật nào đó gần giống như nhân vật trong đề bài thì lập tức chép vào ngay.
Giáo viên N.H (trường THPT Minh Khai, Quốc Oai) nhận xét: "Nhiều sĩ tử mặc dù đã cạn... văn nhưng vì "câu giấy" nên bịa ra những câu chuyện. Vì các thí sinh này có quan niệm văn càng dài thì điểm càng cao (!?). Tuy nhiên, tất cả cấu trúc điểm đã có sẵn barem chấm thi. Đúng ý, chúng tôi mới có thể cho điểm chứ hoàn toàn không có chuyện chấm điểm theo số lượng trang giấy như nhiều thí sinh lầm tưởng”, cô H. khẳng định.
Theo lý giải của các giáo viên chấm thi, một nguyên nhân khác dẫn đến việc xuất hiện nhiều câu văn kinh dị trong đợt thi tốt nghiệp THPT lần này là do chuyện học lệch của các thí sinh. Có nghĩa là, nhiều học sinh có ý định thi đại học khối A, B (các môn toán, lý, hoá, sinh) thì chỉ muốn môn văn thoát khỏi điểm liệt còn lấy các môn khác bù điểm vào.
Chính vì thế, việc cầm cuốn sách văn để ôn cũng chỉ là bất đắc dĩ, học kiểu chống đối, học vẹt được mấy câu rồi vào phòng thi bịa theo tâm lý “nhỡ đâu lại trúng”. Thế mới có chuyện, anh Tràng vạ vật trong nạn đói năm 1945, thời kỳ chống Pháp lại được “bê” đi chiến đấu chống Mỹ ở chiến trường Tây Nguyên vào những năm 70 (?!). Đúng là “miễn bình luận”.
Nhầm lẫn khó tin nhưng giáo viên không thể trừ điểm
Cô giáo D., trường THPT Vân Tảo, Thường Tín (Hà Nội) cho biết, có bài thi "râu ông nọ cắm cằm bà kia", nhầm nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân sang nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Bỗng nhiên nhân vật "anh cu Tràng" lại được tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, đối với những bài thi như thế này, khi chấm, chúng tôi không được phép trừ điểm vì trong đáp án của Bộ Giáo dục và đào tạo không có quy chế về việc trừ điểm đối với những bài thi viết nhầm hoặc sai.
(Theo Người đưa tin)
báo vietnamnet.vn
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: