Phát hiện thú vị về cơ thể con người
Bạn nhìn mọi người và nhìn bạn trong gương sẽ thấy cơ thể chúng ta có vẻ như rất đối xứng: trên mặt, hai bên có hai tai, hai mắt, mũi ở giữa… Vậy thực ra cơ thể chúng ta có đối xứng hay không? Bạn bảo có, tôi bảo không. Đọc bài dưới đây xem ai đúng nhé.
Hình thức có vẻ đối xứng, nhưng chất lượng thì không
Chúng ta cùng xem xét từ trên xuống dưới để xem cơ thể chúng ta đối xứng và không đối xứng thế nào.
Tai phải xử lý thông tin tốt hơn tai trái: nghiên cứu của TS. Luca Tommasi và Daniele Marzoli thuộc Đại học Chieti (Italia) tiến hành quan sát thái độ của hàng trăm người về cách họ lắng nghe và cách họ phản ứng, cho thấy, con người thích nghe ở phía tai phải hơn bởi khi đó họ dễ xử lý thông tin hơn và dễ thực hiện yêu cầu được đề ra. Các nhà khoa học tin rằng “lợi thế tai phải”, là thông tin nhận qua tai phải được xử lý bằng bán cầu não trái có xu hướng giải mã thông tin bằng lời nói logic hơn và tốt hơn bán cầu não phải. Vì vậy, bí quyết để muốn ai đó thực hiện theo yêu cầu đặt ra là hãy nói vào tai phải của họ.
Mắt phải tinh hơn mắt trái: nghiên cứu của Đại học Vinhius (Liên Xô cũ) cho mỗi người thử nhìn ba vật thể khác nhau lần lượt bằng mắt phải, rồi mắt trái, cuối cùng là bằng cả hai mắt nhìn độc lập với nhau (dùng một tấm ngăn giữa hai mắt). Kết quả là ở tất cả mọi người, mắt phải đều xác định vật thể tốt hơn mắt trái. Từ đó kết luận rằng: Bán cầu não phải nhận thông tin thị giác nhanh nhạy hơn bán cầu não trái. Một thực tế là khi tập bắn súng, chúng ta dễ thấy hai mắt không đồng đều và có sức nhìn rất khác nhau. Nheo mắt phải thấy gượng, khó khăn và không kín bằng mắt trái. Nhưng mở mắt phải mà ngắm thì dễ bắt mục tiêu và bắn trúng hơn là nheo mắt phải, ngắm bằng mắt trái. Rõ ràng là mắt phải tinh hơn nhiều.
Qua hình thức bề ngoài đối xứng, cơ thể giấu kín sự không đối xứng bên trong. Hai bán cầu não có hình dạng tương tự, song nửa não phải có những trung tâm chỉ huy các chức năng khác với chức năng do nửa não trái đảm nhiệm. Trái tim chỉ có một và không tròn trĩnh, lại còn đặt lệch sang ngực trái. Phổi phải to hơn phổi trái và có nhiều thùy hơn. Có một buồng gan thì lại xếp lệch sang bên bụng phải. Một lá lách, xếp lệch bên trái, một tụy tạng để lệch ở bên phải. Ruột non, ruột già sắp xếp ở hai bên phải trái chả cân đối tí nào. Hai quả thận thì quả to quả bé, thận trái cao hơn thận phải một đốt sống. Hai tinh hoàn ở nam cũng “kẻ 8 lạng người nửa cân”. Ở trình độ phân tử, đơn cử chất hữu cơ anilin tổng hợp thì có cả hai dạng phân tử quay phải và quay trái, nhưng trong cơ thể sống chỉ tồn tại một dạng phân tử anilin quay trái mà thôi.
Đại thể thì đối xứng nhưng chi tiết lại so lệch
Hai tay về đại thể rất cân xứng, nhưng về chi tiết, đường nét thì không: Nếu bạn thuận tay phải thì tay phải bao giờ cũng to hơn tay trái và ngược lại, bạn thuận tay trái thì tay trái rõ ràng to hơn tay phải. Bàn tay và các ngón tay, đường chỉ tay, đường vân tay khác nhau rất nhiều giữa hai bên phải trái. Bình thường, huyết áp ở hai cánh tay có thể chênh lệch nhau 10mmHg. Còn khi mắc bệnh, huyết áp hai tay hơn kém nhau tới 50mmHg, nhất là ở phụ nữ bị nhiễm độc thai nghén. Hai chân cũng y chang như thế. Nhìn chung, nửa người bên phải mạnh hơn nửa trái: hàm bên phải nhai nhiều và khỏe hơn, chân tay phải cũng cứng cáp hơn chân tay trái. Quả thận trái hay bị ứ nước và viêm bể thận hơn quả thận phải do các mạch máu vào thận trái được bố trí khác thận phải. Ở phụ nữ, tử cung thường vặn từ trái sang phải, làm cho dây chằng rộng bên trái căng hơn, cản trở tuần hoàn máu, do đó khi mang thai, chân trái hay bị phù hơn chân phải.
Có chuyện kể rằng, một em bé đi theo cha vào rừng kiếm củi, mải mê với tiếng chim kêu vượn hót không may bị lạc. Người cha trở lại chỗ con đứng lúc trước, rồi cứ xiên tay trái mà đi, quả nhiên tìm thấy con. Một người nhắm mắt hay bịt mắt mà đi thì thế nào cũng hướng về bên trái, vì chân phải khoẻ hơn chân trái, đẩy xuống đất mạnh hơn nên đã lái người sang trái. Còn có một giả thuyết cho rằng, ưu thế của nửa người phải là do một lực sinh ra khi trái đất quay. Minh chứng cho điều này người ta thấy số người thuận tay trái ở Bắc bán cầu chỉ có khoảng 3%, nhưng ở Nam bán cầu lại rất nhiều, chẳng hạn ở Nam Phi tới 26%.
Như vậy là ý kiến của bạn và tôi đều đúng nhưng chưa đủ. Chúng ta lấy ý kiến của bạn và tôi bổ sung cho nhau là nhận thức đúng về cơ thể vừa đối xứng vừa không đối xứng của mình.
Theo Sức khỏe Đời sống