Từ lâu các nhà khoa học đã biết về sắc tố mật có tên gọi bilirubin. Bình thường, có một lượng nhỏ bilirubin lưu thông trong máu. Bilirubin huyết thanh được xem là một xét nghiệm chức năng gan thực sự, vì nó phản ánh khả năng hấp thu, xử lý và bài tiết bilirubin vào mật của gan.
Mới đây, các nhà khoa học đã phát hiện không chỉ động vật mà thực vật cũng có bilirubin. Một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học quốc tế Florida (FIU) do Cary Pirone lãnh đạo đã phát hiện chất bilirubin trong loài thực vật có tên gọi rất ấn tượng là "chim thiên đường" (tên khác là "hoa chim sếu") vì hình dáng đặc biệt của nó khi nở hoa (ảnh 1).
Trước đây, người ta thường nghĩ rằng bilirubin chỉ có trong động vật, dễ thấy nhất là nó liên quan đến các vết bầm tím do chấn thương hoặc bệnh vàng da. Nhưng, phát hiện của các nhà nghiên cứu tại FIU đã làm xáo trộn bản đồ khoa học.
Loài thực vật "chim thiên đường" mọc thành cụm, có nguồn gốc từ Nam Phi, hiện được trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới và ôn đới ấm. Nhưng, tương phản với vẻ rực rỡ của sắc hoa thì quả của nó lại nhợt nhạt và bị che khuất bởi lá bắc trong quá trình phát triển. Tuy nhiên khi quả vỡ lại để lộ những hạt với lớp áo có sắc cam rất lạ, và màu sắc này vẫn giữ nguyên dù cây có chết đi hàng thập niên (ảnh 2).
Sử dụng kỹ thuật sắc khí lỏng hiệu năng cao và quang phổ ion hóa, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bilirubin trong màu của lớp áo hạt từ quả cây "chim thiên đường", một lượng nhỏ khác của bilirubin cũng được tìm thấy trong mô của lá đài. Trước đây, các nhà khoa học cũng từng ghi nhận vị trí đó có chứa hoạt chất carotenoids.
Từ phát hiện này các nhà khoa học sẽ nghiên cứu về chức năng, phân phối và tổng hợp bilirubin trong thực vật để ứng dụng vào nghiên cứu giống và di truyền.(Theo Physorg)
Tạ Xuân Quan - TNO