Phát hiện loài khỉ hay hắt xì hơi
Một loài khỉ mũi hếch mới vừa được tìm thấy trong những cánh rừng xa xôi ở phía bắc Myanmar, các nhà bảo tồn thông báo.
Cặp lỗ mũi hếch khiến loài khỉ mới được phát hiện tại Myanmar rất dễ hắt hơi khi trời mưa. Ảnh: AFP.
AFP dẫn lời Tổ chức Bảo tồn Thực vật Quốc tế (FFI) cho hay, các nhà linh trưởng học đã tìm thấy loài khỉ nói trên trong những khu rừng thuộc bang Kachin của Myanmar. Chúng được bao phủ gần như hoàn toàn bởi bộ lông màu đen, nhưng các khóm lông màu trắng lại mọc trên cằm và tai.
“Những con khỉ mới được phát hiện có những đặc điểm mà chúng ta chưa từng thấy ở các loài linh trưởng mũi hếch khác”, FFI khẳng định.
Theo Telegraph, khỉ mũi hếch Myanmar có chiều cao chừng 60 cm và đuôi dài hơn thân. Chúng không có sống mũi song lại có cặp môi rất dày. Do thiếu sống mũi nên hai lỗ mũi của khỉ hướng lên phía trên khiến nước mưa rất dễ lọt vào và gây hiện tượng hắt hơi. Những cánh rừng mà khỉ mũi hếch Myanmar sinh sống có độ cao tới 3.000 m.
Tuy khỉ mũi hếch tại Myanmar là loài mới đối với giới khoa học, song người dân địa phương đã biết chúng từ lâu. Vào những ngày có mưa, chúng thường úp mặt vào đầu gối để nước không lọt vào mũi. Người dân nhận thấy khỉ hắt hơi rất nhiều khi trời mưa. Họ săn và bắt chúng để lấy thịt.
Hình vẽ minh họa khỉ mũi hếch tại Myanmar. Ảnh: AFP.
Các chuyên gia linh trưởng tin rằng chúng thường sống ở những khu rừng cao vào mùa hè. Chúng di chuyển tới gần các làng vào mùa đông do thức ăn trong rừng trở nên khan hiếm trong quãng thời gian đó.
Frank Momberg, một điều phối viên của FFI tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nói rằng các chuyên gia đã hỏi thợ săn địa phương để thu thập thông tin về số lượng khỉ mũi hếch Myanmar. Kết quả của những cuộc phỏng vấn cho thấy số lượng của chúng chỉ vào khoảng 260 tới 330. Điều đó cho thấy chúng có nguy cơ tuyệt chủng cao.
Khỉ mũi hếch Myanmar sống trong một khu vực thuộc bang Kachin của Myanmar - nơi hầu như bị cô lập với thế giới bên ngoài trong nhiều thập kỷ. Ngoài ra chúng còn bị cô lập với các loài khỉ khác bởi sông Mekong và Salween. Điều đó giải thích tại sao mãi tới bây giờ chúng mới được phát hiện.
Nhiều loài khỉ mũi hếch sống tại Việt Nam, Trung Quốc và tất cả chúng đều thuộc diện có nguy cơ tuyệt chủng. Giới bảo tồn nói đây là lần đầu tiên khỉ mũi hếch được tìm thấy tại Myanmar. Ngoài việc bị dân địa phương săn bắt, chúng còn có thể chết vì nạn chặt phá rừng và những thợ săn Trung Quốc.
Minh Long - VnExpress