Phát hiện hành tinh giống Trái đất

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92

TM74942973.jpg

Hành tinh G có vị trí thích hợp để có sự sống - Ảnh: Lynette Cook

Tọa lạc trong một hệ mặt trời tương tự như của chúng ta, hành tinh mới được phát hiện có thể thích hợp cho sự sống phát triển, hoặc thậm chí đã có sự sống.

Các chuyên gia của Đại học California Santa Cruz (Mỹ) đã xác định được một thành viên mới trong gia đình hành tinh quay quanh ngôi sao lùn đỏ cách hệ mặt trời của chúng ta khoảng 20 năm ánh sáng.

Hành tinh này được gọi là Gliese 581g, hay còn gọi tắt là hành tinh G. Theo đánh giá của giới thiên văn học, Gliese 581g là thế giới đầu tiên ngoài Trái đất có kích thước đúng và vị trí cực chuẩn cho sự sống có thể sinh sôi và phát triển.

"Với tư cách cá nhân, tôi cho rằng cơ hội có sự sống trên hành tinh này là 100%. Hầu như không thể nghi ngờ về điều đó”, chuyên san Astrophysical dẫn lời Steven Vogt, giáo sư chuyên ngành thiên văn và vật lý học thiên thể tại Đại học California Santa Cruz.

Phát hiện trên đánh dấu 11 năm nỗ lực của đội ngũ chuyên gia Mỹ trong việc phân tích thông tin từ các kính thiên văn trên mặt đất. Những thiết bị này có nhiệm vụ đo đạc sự khác biệt từng phút của ánh sáng phát ra từ các ngôi sao dưới tác động của những lực hấp dẫn bởi các hành tinh xoay xung quanh.

Hành tinh G, thành viên thứ sáu trong gia đình Gliese 581, có quỹ đạo đúng ngay tâm của khu vực có thể có sự sống của hệ mặt trời này, nơi nhiệt độ hoàn toàn thích hợp cho nước ở dạng lỏng tích hợp lại trên bề mặt hành tinh.

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 29.9 tại Washington (Mỹ), nhà thiên văn học Paul Butler của Viện Carnegie phấn khích khẳng định đây thực sự là hành tinh Goldilocks đầu tiên, nằm ở đúng vị trí cần thiết (có khoảng cách thích hợp đối với mặt trời) và có kích thước hết sức chuẩn cho phép nước ở dạng lỏng xuất hiện trên bề mặt hành tinh, mà ở đâu có nước là ở đó có sự sống.

Với khối lượng lớn gấp ba lần Trái đất, hành tinh mới được phát hiện có khả năng giữ được bầu khí quyển. Chưa hết, không những mặt trời của nó có đời sống đặc biệt dài lâu, Gliese 581g nằm ở vị trí cố định với mặt trời, tương tự như cách mặt trăng luôn xoay 1 phía hướng về Trái đất. Điều này khiến phân nửa hành tinh trên luôn được rọi sáng và nửa còn lại nằm trong bóng tối. Kết quả là nhiệt độ trên hành tinh này cực kỳ ổn định và đa dạng.

"Hành tinh đó không có ngày và đêm. Bạn sẽ có những khu vực ổn định nơi hệ sinh thái luôn tồn tại trong một nhiệt độ giống nhau”, chuyên gia Vogt nói. Cũng theo nhà khoa học này, nếu sự sống xuất hiện thì nó cần phải trải qua hàng tỉ năm để thích ứng với bề mặt hành tinh.

Nếu xét về sự tồn tại khắp nơi của nước, hoàn toàn có khả năng nước có mặt trên hành tinh G. Trên bề mặt của Trái đất, nơi nào có nước thì nơi đó có sự sống, Vogt nói thêm.

Công nghệ hiện nay chưa cho phép giới khoa học nghiên cứu khí quyển của hành tinh trên để tìm kiếm sự sống, nhưng các nhà thiên văn học dự đoán sắp tới sẽ phát hiện thêm nhiều hành tinh thân thiện với sự sống.
Hạo Nhiên - TNO
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top