Thời cổ đại đã có những sản phẩm lập pháp rất đồ sộ và thể hiện tính pháp điển hóa cao như Bộ luật Hammurabi và Bộ luật Manu (ở Phương Đông), Luật 12 Bảng và Bộ pháp điển Corpus Iuris Civilis năm 533 SCN ở La Mã (ở Phương Tây). Đây là những thành tựu nổi bật về lập pháp thời cổ đại.
Điểm khác biệtrõ nhất giữa pháp luật Phương Đông và Phương Tây thời cổ đại là ở chỗ: Nếu so sánh với các nước Phương Tây thời cổ đại thì pháp luật dân sự ở Phương Đông kém phát triển hơn Phương Tây. Ở Phương Đông, lĩnh vực pháp luật hình sự với các qui định về tội phạm và hình phạt được qui định nhiều hơn hơn pháp luật dân sự.
Điểm hạn chếrõ nhất của các Bộ luật cổ là các chế định hình sự. Sự hàm hỗn giữa hình luật và dân luật chính là nét đặc trưng cơ bản của luật pháp thời kỳ này. Hay nói theo ngôn ngữ hiện đại là nhiều bộ luật (đặc biệt là các Bộ luật ở Phương Đông) đã hình sự hoá hầu hết các quan hệ xã hội. Ngoài ra các qui định hình sự cũng thể hiện sự bất bình đẳng rõ nét và sự tiếp thu các tàn dư của cách xử sự trong xã hội công xã nguyên thuỷ
Vượt ra khỏi tính giai cấp, pháp luật cổ đại chứa đựng nhiều điểm tiến bộ
- Trong Bộ luật Hammurabi có nhiều qui định tiến bộ như: 1) quan hệ hợp đồng khi qui định ba điều kiện bắt buộc đối với hợp đồng mua bán; 2) qui định con trai, con gái đều được hưởng quyền thừa kế ngang nhau; 3) kết hôn phải có giấy tờ; 4) người chồng không được bỏ vợ khi biết người vợ mắc bệnh phong hủi; 5) trách nhiệm của thẩm phán khi xử oan người vô tội v.v...
- Trong Luật 12 Bảngcũng có nhiều qui định đặc biệt tiến bộ như: 1). Qui định thủ tục xét xử bắt buộc và trách nhiệm của thẩm phán. (Ví dụ: Điều 6. Bảng IX : “Cấm xử tử hình một người mà chưa thông qua xét xử“. Điều 4. Bảng IX: “Thẩm phán sẽ bị xử tử hình nếu có bằng chứng về việc phạm tội nhận hối lộ”); 2). Qui định cụ thể về trình tự tố tụng như Điều 4 Bảng I: „Nếu các bên đã thỏa thuận giao kèo, thì phải công bố công khai thỏa thuận này. Nếu các bên có tranh chấp, thì họ phải đưa vụ kiện ra nơi công cộng trước buổi trưa. Họ sẽ cùng tự bào chữa cho mình. Sau buổi trưa, thẩm phán sẽ phán quyết. Nếu cả hai đều có mặt, vụ kiện sẽ kết thúc lúc mặt trời lặn"; 3). Xác định rõ thời hiệu, hiệu lực của thỏa thuận dân sự. (Ví dụ: Điều 1. Bảng III: „Trong trường hợp một khoản nợ đã được xác định trước hoặc khoản nợ mà Tòa án đã tuyên bố buộc phải trả, thì trong thời hạn ba mươi ngày khoản nợ đó phải được thanh toán“; Điều 1. Bảng VI: “Nếu một người làm một giao kèo hoặc chuyển nhượng và thông báo điều đó bằng lời nói, thì kể từ thời điểm đó quyền lợi được xác lập); 4). Xác định rõ quyền đối với bất động sản liền kề (Ví dụ: Điều 1. Bảng VII: “Một người chủ tài sản phải làm một con đường để đi lại (nếu tồn tại một quyền với lối đi - right-of-way); nếu người chủ từ chối không làm, khách qua đường vẫn có quyền đi qua cùng với gia súc bất cứ chỗ nào mà họ phải đi qua.”); 5). Xác định rõ đối tượng được hưởng thừa kế (Ví dụ: Điều 1. Bảng V: “Nếu một người qua đời không để lại di chúc mà cũng không có người thừa kế theo luật, thì người đàn ông tiếp theo thuộc họ hàng gần nhất sẽ hưởng thừa kế. Nếu không có người đàn ông kế tiếp thuộc họ hàng gần nhất, những người đàn ông thuộc dòng tộc còn lại sẽ được hưởng thừa kế”; Điều 2. Bảng V Luật 12 Bảng: “Nếu một người bị điên, thì người đàn ông tiếp theo thuộc họ hàng gần nhất của người đó sẽ có quyền đối với tài sản của anh ta")..
- Bộ pháp điển Corpus Iuris Civilis năm 533 SCN ở La Mã là đỉnh cao về lập pháp thời cổ đại. Đây được coi là cội nguồn của luật pháp Châu Âu thời Trung đại và Cận hiện đại. Sự tiến bộ của Bộ pháp điển này ở chỗ pháp luật bảo vệ tất cả các mặt của chế độ tư hữu, phạm vi điều chỉnh của luật rất sâu và rộng, liên quan đến cá nhân như sở hữu, hôn nhân và gia đình, hợp đồng, thừa kế. Điển hình là các qui định như: 1). Phân loại sở hữu đất đai thành sở hữu nhà nước, sở hữu công xã và tư hữu; 2). về qui định điều kiện hợp đồng phải thoả mãn 2 điều kiện là phải dựa trên cơ sở thoả thuận tự nguyện giữa hai bên, không được lừa dối, không được dùng bạo lực và nội dung của hợp đồng phải hợp pháp, phù hợp với các qui định của pháp luật, người kí kết phải có đủ năng lực theo qui định của pháp luật; 3). Các cách phân loại hợp đồng; 4). Qui định về cầm cố tài sản; 5). Cách qui định về giải quyết tranh chấp hợp đồng khi gặp phải trường hợp bất khả kháng; 6). Về thừa kế theo di chúc (Testato) và thừa kế theo luật (Intestato); 7. Về qui địnhtài sản riêng của vợ chồng; 8. Về việc cho phép người vợ có quyền li hôn và nhận lại của hồi môn của mình..
Thời phong kiến, các nhà nước phương Tây đã dựa vào những chế định của Luật La Mã để xây dựng luật riêng cho vương quốc họ. Đến thời cận hiện đại, các nhà làm luật cũng kế thừa Luật La Mã cổ đại để xây dựng thành Bộ luật dân sự của quốc gia mình. Điển hình là Bộ luật dân sự của Pháp do hoàng đế Napôlêông xây dựng năm 1804, Bộ luật dân sự của Đức năm 1900. Các Bộ luật dân sự đương đại trên thế giới hiện nay, kể cả Bộ luật dân sự của Việt Nam đều ít nhiều kế thừa những qui định tiến bộ đã có từ Luật La Mã thời cổ đại và pháp luật của các quốc gia Tây Âu hiện đại