Phân tích vẻ đẹp sử thi của tác phẩm “Rừng xà nu”

  • Thread starter Thread starter nang moi
  • Ngày gửi Ngày gửi

nang moi

New member
Đề bài: Phân tích vẻ đẹp sử thi của tác phẩm “Rừng xà nu”
Bài làm​
So với tiểu thuyết “Đất nước đứng lên”, “Rừng xà nu” có dung lượng hẹp hơn nhiều nhưng vẫn gây cho người đọc niềm kinh ngạc đặc biệt bởi tính chất ngắn mà lại chứa đựng được cái dài, cái lớn một cách xuất sắc, làm nên thành công ta phải kể đến cảm hứng sử thi và bút pháp sử thi điêu luyện được Nguyễn Trung Thành thể hiện thành công trong tác phẩm.
Sử thi vốn là một thể loại văn học có từ thời cổ đại với những tác phẩm nổi tiếng như “Ôđixê” (Hi Lạp), “Ramayanna” (Ấn Độ), “Đăm Săn”, “Sinh Nhã” (Việt Nam)… Về sau những đặc điểm của sử thi cổ đại được văn học hiện đại tiếp nhận và cải biến thành sử thi hiện đại. Theo từ điển Hán Việt sử thi có nghĩa là thơ ca lấy lịch sử làm đề tài và chép sự tích nhân vật. Còn trong lí luận văn học, sử thi gọi là anh hùng ca phản ánh những sự kiện trọng đại của cộng đồng, những sự kiện lùi sâu vào quá khứ nhưng vẫn được xem là bài học vẻ vang của dân tộc là niềm tự hào kiêu hãnh của con người. Với cách hiểu về sử thi như vậy, ta thấy “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành không phải là tác phẩm sử thi mà là tác phẩm mang vẻ đẹp sử thi, tính sử thi.
Tác phẩm “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân Tây Nguyên, tác phẩm đã hướng vào đề tài mang tầm vóc lớn lao, đề tài của tác phẩm mang tầm vóc sử thi.
Vẻ đẹp sử thi còn thể hiện trong chủ đề của tác phẩm. Lời cụ Mết âm vang hùng tráng mà tha thiết giữa đại ngàn Tây Nguyên như lời phán truyền của lịch sử: “nhớ lấy, ghi lấy… chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo” đây là chân lý của thời đại, là chủ đề chính trị, là cảm hứng chủ đạo của tác phẩm thể hiện quy luật có áp bức có chiến tranh. Chỉ có bạo lực cách mạng mới là con đường sống duy nhất cho cách mạng miền Nam những năm đau thương. Chủ đề này mang đậm tính sử thi.
Tính sử thi biểu hiện rõ nhất trong hệ thống hình tượng tác phẩm. Trong truyện ngắn có hai hình tượng nồng quyện vào nhau, gắn bó rất chặt chẽ đó là hình tượng thiên nhiên và hình tượng con người. Xà nu đau thương như con người Tây Nguyên đau thương: Trong chiến tranh cây xà nu được nhà văn khắc họa như đại diện cho những con người Tây Nguyên đau thương mà anh hùng. Thương tích chiến tranh mà xà nu gánh chịu thể hiện ở ngay câu mở đầu của tác phẩm: “Làng ở trong tầm đại bác của giặc”, câu văn như một đường đạn bác khắc tạc một tư thế: “Sự sống trong cuộc đối đầu với cái chết, đặt xà nu vào thế hiểm của hoàn cảnh báo hiệu một cuộc quyết đấu căng thẳng nhập ngay cảm xúc người đọc vào cơn bão táp của thiên nhiên. Xà nu hàng ngày phải chịu những trận đại bác của kẻ thù “Hầu hết đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu” – đó chính là bằng chứng sống động mà kẻ thù đã gây ra. Thương tích của xà nu gợi cho ta nghĩ đến những con người Tây Nguyên cũng như xà nu chịu bao cảnh đầu rơi máu chảy, khắp núi rừng đều in dấu tội ác của kẻ thù. Bên cạnh những đau thương, xà nu có sức sống mãnh liệt như con người Tây Nguyên có sức sống mãnh liệt: Hình ảnh những cây con mọc lên, những vết thương của những cây xà nu chóng lành như một cơ thể cường tráng là hình ảnh tuyệt đẹp gợi lên sức sống mãnh của xà nu. Nó là bằng chứng cho sự sống mạnh hơn cái chết, cái đẹp bất diệt ngay trong lòng của sự hủy diệt. Thiên truyện còn kết lại bằng hình ảnh những cây con mọc lên nhọn hoắt như những mũi lê, lời thách thức của cụ Mết: để chúng giết hết được rừng xà nu chỉ có một dân tộc đang ngày đêm chống trả quyết liệt với kẻ thù mới có cách cảm thụ thiên nhiên đặc biệt như vậy. Với cách miêu tả rừng xà nu của tác giả như trên làm cho chúng ta liên tưởng đến những con người Tây Nguyên trong những năm tháng chiến tranh kiên cường, bất khuất: Anh Sút, bà Nhạn hy sinh thì đã có Mai và Tnú thay họ. Mai ngã xuống thì Dít đã kịp thời thay thế chị, bé Heng cũng sẵn sàng kế tục đúng là:
“Lớp cha trước, lớp con sau
Đã thành đồng chí chung câu quân hành”
Tố Hữu
Truyện đưa ta đến vùng đất có bao điều kì lạ. Bên cạnh vẻ đẹp kì vĩ của núi rừng Tây Nguyên là những con người mang vẻ đẹp sử thi. Họ đều là những con người yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc hiên ngang bất khuất trước kẻ thù. Có thể nói họ đều là những dũng sĩ tiêu biểu cho sức mạnh của thế hệ nhân dân Tây Nguyên trong thời chống Mỹ: Cụ Mết, Tnú, Mai, Dít, Heng… Có thể nói, “Rừng xà nu” đã xây dựng được các thế hệ con người Tây Nguyên anh hùng như cụ Mết – linh hồn của cuộc cách mạng, người nuôi dưỡng khát vọng tự do. Mai, Dít là người phụ nữ mới của Tây Nguyên, bé Heng là thế hệ măng non của cách mạng, đặc biệt là nhân vật Tnú cuộc đời của anh tiêu biểu cho số phận nhân dân Tây Nguyên từ đau thương giành lấy quyền sống cho mình. Như vậy, thế hệ trẻ Tây Nguyên được Nguyễn Trung Thành thể hiện trong tác phẩm là những con người gan góc, dũng cảm, sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng đất nước.
“Rừng xà nu” tiêu biểu cho cảm hứng sử thi trong sáng tác của Nguyễn Trung Thành và khuynh hướng sử thi của văn học (1945 – 1975). Điều tạo nên thành công vững chắc cho tác phẩm là nhà văn đã kết hợp được cảm hứng sử thi với bút pháp sử thi điêu luyện, khái quát được tầm vóc lịch sử của một giai đoạn cách mạng, một vùng đất đậm đà bản sắc Tây Nguyên.
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top