Cách mạng Việt Nam là một phong trào thống nhất, được lãnh đạo bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam. Đảng tập hợp tất cả các giai cấp trong xã hội, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt.
Ngay từ khi mới ra đời, ĐCS Việt Nam đã được trang bị bằng tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh quyết định mở Hội nghị thành lập ĐCS Việt Nam và soạn thảo các văn kiện của Hội nghị — và sau này được coi là Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Các văn kiện đó tuy rất vắn tắt, nhưng hội đủ những vấn đề cốt yếu nhất của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của một đảng theo chủ nghĩa Mác – Lênin. Và, xét cả quá trình hoạt động của Hồ Chí Minh kể từ khi ra đi tìm đường cứu nước và đã tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn với mốc Đại hội lần thứ XVIII Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua (12-1920) – con đường giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản, theo chủ nghĩa Mác – Lênin; xét cả quá trình Hồ Chí Minh truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, chuẩn bị cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của ĐCS Việt Nam; xét cả hoạt động của Người khi trực tiếp đứng ra chủ trì thống nhất các tổ chức cộng sản để cho ra đời một ĐCS Việt Nam duy nhất, đưa giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị và nắm chắc vai trò lãnh đạo cách mạng; xét cả quá trình lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, kể cả giai đoạn Đảng cầm quyền, thì tư tưởng Hồ Chí Minh rất xứng đáng được trở thành một yếu tố không thể tách rời (yếu tố thứ tư) trong một tổ hợp các yếu tố cho sự ra đời và phát triển của ĐCS Việt Nam.
Học theo cách diễn đạt của Hồ Chí Minh, chúng ta có thể trình bày điều trên đây như sau: Chủ nghĩa Mác – Lênin, phong trào công nhân, phong trào yêu nước, tư tưởng Hồ Chí Minh kết hợp với nhau là quy luật hình thành và phát triển của ĐCS Việt Nam.