Phân tích và bình giảng văn học

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
PHÂN TÍCH VÀ BÌNH GIẢNG VĂN HỌC - PHÂN TÍCH VÀ BÌNH GIẢNG TÁC PHẨM VĂN HỌC 12


BÀI THAM KHẢO


Khái niệm

Bình giảng cũng là một kiểu bài phân tích văn học nhưng là kiểu bài phân tích đặc biệt. Người viết cảm thụ văn chương theo cách riêng của mình, vừa phân tích vừa giảng giải, vừa bình cái hay, cái đẹp của thơ văn để cho người đọc cùng tán thưởng về tư tưởng và nghệ thuật của một đoạn văn, đoạn thơ hay một tác phẩm trọn vẹn. Trong nhà trường, những đề văn bình giảng thường chỉ hướng về một đoạn thơ hay, một đoạn văn hay, một bài thơ ngắn đặc sắc. Thơ văn không hay, hoặc có ít giá trị tư tưởng nghệ thuật thì không thể bình giảng được. Đã có những đề văn bình giảng như sau:

Bình giảng bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi.

Bình giảng bài thơ Tỳ bà hành của Bạch Cư Dị

Những đề dạng như vậy tuy không sai, nhưng với các tác phẩm dài như thế, nên đưa về phân tích văn học.

Phân biệt giữa phân tích văn học và bình giảng

Phân tích tác phẩm văn học là từ sự phân tích đặc điểm tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật để làm sáng tỏ giá trị của tác phẩm, hoặc làm sáng tỏ một vấn đề, một khía cạnh của tác phẩm.

Ví dụ:

+ Phân tích bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng (mục đích là làm sáng tỏ và đánh giá giá trị của tác phẩm).

+ Phân tích vẻ đẹp lãng mạn trong truyện Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu (Cái đích của bài văn là làm sáng tỏ một khía cạnh của tác phẩm).

+ Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị để cho thấy giá trị nhân đạo của truyện Vợ chồng A Phủ (Đích đi tới là làm sáng tỏ một vấn đề của tác phẩm).

Bình giảng là từ việc giảng và bình các chi tiết ngôn ngữ nghệ thuật, tư tưởng tình cảm chứa trong tác phẩm hay một phần của tác phẩm, làm rõ cái hay, cái đẹp của văn chương.
Phân tích và bình giảng đều phải sử dụng các thao tác sau: phân tích, giảng giải – trích dẫn, so sánh đối chiếu, liên tưởng mở rộng, bình, đánh giá. Tuy nhiên mức độ, sắc thái có chỗ hơi khác nhau.

+ Bình giảng: yếu tố bình phải sắc, đậm hơn.

+ Phân tích: đòi hỏi người viết phải phân tích, giảng giải kĩ hơn, sâu hơn các chi tiết. Có những đề văn chỉ có hai câu thơ, nên người viết phải biết sử dụng các thao tác trên tinh thần “chẻ sợi tóc làm tư” mới có thể làm nên một bài văn 4, 5 trang.

Ví dụ:

Bình giảng hai câu thơ sau:
Ôi những cánh đồng quê chảy máu,
Dây thép gai đâm nát trời chiều.

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

+ Nói chung giọng văn, chất văn của hai kiểu bài phân tích văn học và bình giảng phải lưu loát, uyển chuyển, mượt mà, giàu cảm xúc. Vốn dĩ câu thơ, câu văn trong đề bài bình giảng đưa ra đã hay, rất hay, rất đẹp, do đó người viết cũng phải diễn đạt bằng những lời văn, câu văn giàu hình ảnh, biểu cảm mới tương xứng.

Các tiêu chí trên đây chỉ là sự khu biệt tương đối. Các bài văn mẫu hiện nay, xét cho cùng, các bài bình giảng cũng không khác gì bài phân tích; đặc biệt chất văn, giọng văn chưa được “bay”, thậm chí yếu tố bình (khen, chê) chưa có, chưa rõ.

Đối với những bài ca dao ngắn, bài tứ tuyệt hoặc bát cú Đường luật thì phân tích hay bình giảng đều có thể viết giống nhau, tương tự nhau.

Ví dụ:

+ Bình giảng bài ca dao Bài ca chàng thợ mộc.
+ Bình giảng bài thơ Mộ (Chiều tối) của Hồ Chí Minh.
+ Phân tích bài thơ Canh cá trầu của Chế Lan Viên.

Phương pháp làm bài cụ thể

Bình giảng từng chi tiết, từng bộ phận, từng phần một.
Giảng trước, bình sau ở mỗi chi tiết, bộ phận, từng phần.
Phải bám vào ngôn ngữ, hình ảnh… để giảng. Và trên cơ sở đó để bình.
Cần có kiến thức lí luận văn học và thuộc nhiều thơ văn để so sánh đối chiếu, liên tưởng mở rộng khi giảng và bình, không thể khen, chê một cách vu vơ, tùy tiện.
Bố cục dàn ý một bài bình giảng cũng giống như bài phân tích văn học.


DƯỚI ĐÂY LÀ BÀI BÌNH CỦA CHẾ LAN VIÊN VỀ THƠ TỐ HỮU

“Phong cách dân tộc ở Tố Hữu thể hiện ở chỗ thơ anh giàu chất nhạc, anh nắm rất vững cái âm điệu, vần điệu của dân tộc. Tố Hữu không những suy nghĩ qua âm nhạc, trong âm nhạc, mà anh còn suy nghĩ bằng âm nhạc nữa:

Ai về Hưng Hóa
Ai xuống Khu Ba
Ai vào Khu Bốn
Đường ta đó, tự do cuồn cuộn
Bốt đồn Tây đã cuốn sạch rồi!...


Phân tích theo lối hình thức, thì cả đoạn này, chỉ là những tên địa danh kèm theo ở đầu chữ Ai. Nhưng hãy đọc to lên, hãy để cho hồn thơ, nhạc điệu lôi cuốn ta đi, ta sẽ thấy rằng nhạc điệu ở đây đã tạo cho ta một tình cảm rất sâu: đó là lòng yêu đắm say đất nước, yêu như tát mãi không cạn, gọi mãi không cùng, yêu như muốn nêu tên lên mãi mà gọi, chỉ một cái tên thôi cũng đủ chấn động lòng rồi. Mỗi tiếng “Ai” kia như đào sâu thêm tình yêu đó.

Rất nhiều lúc tác giả dùng lối gọi tên như vậy: “Tháng Tám vùng lên Huế của ta – Quảng Phong ơi, Hương Thủy, Hương Trà”, “Chào những buồm nâu thuyền câu Diêm Phố! Nhớ nhau chăng, hỡi Hanh Cát, Hanh Cù?”… Cho cả đến những lần chỉ có tên là tên:

Po Tào, Mường Khủa, Mường Thanh
Mường La, Hát Lót, chân anh đã từng.


Và lần nào tác giả cũng thành công – Chỉ vì sau cái nhạc điệu dân tộc, anh đã biết để một quả tim dân tộc, sau âm thanh là có cả tâm hồn.

Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý.

Ai đi Nam Bộ
Tiền Giang, Hậu Giang
Ai vô thành phố
Hồ Chí Minh
Rực rỡ tên vàng…
Ai về thăm bưng biền Đồng Tháp
Việt Bắc, miền Nam, mồ ma giặc Pháp
Nơi chôn nhau cắt rốn của ta…
Ai đi Nam Ngãi, Bình Phú, Khánh Hòa.


Trong sóng nhạc cuồn cuộn, những ý nổi lên, như đẩy nhạc đi, như giữ nhạc lại. Và chính là cái hơi nhạc đã thức dậy rồi lại phủ lên những ý này. Một đoạn thơ mà chỉ xem thôi thì không hiểu hết cái hay, phải đọc nó lên, để cho tất cả khả năng của nó biểu hiện ra trong âm nhạc”.

Chế Lan Viên – Trích Thơ Tố Hữu – Nghĩ cạnh dòng thơ*


 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top