• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Huỳnh Trúc

New member
Xu
0
Phân tích tác phẩm " Tuyên ngôn độc lập " của Hồ Chí Minh

View attachment 14719



Ngày 19 tháng 8 năm 1945 , tổng khởi nghĩa thắng lợi , chính quyền về tay nhân dân . Ngày 2 tháng 9 năm 1945 , Chủ Tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đọc bản " Tuyên ngôn độc lập " khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trước năm vạn nhân dân thủ đô Hà Nội tại quảng trường Ba Đình . Bản " Tuyên ngôn độc lập " là kết quả của bao nhiêu máu , bao nhiêu tính mệnh của những người con anh dũng của Việt Nam trong nhà tù , trong trại tập trung , trên những hải đảo xa xôi , trên máy chém , trên chiến trường . Là kết quả cũa biết bao hi vong , cố gắng và sự tin tưởng của tất cả nhân dân Việt Nam .

Mở đầu bản " Tuyên ngôn độc lập " Bác đã đưa ra " những lẽ phải không ai có thể chối cãi được " , bất ngờ hơn là " những lẽ phải " đó được Bác rút ra từ hai bản tuyên ngôn nổi tiếng của nước Pháp và Mĩ . Không chỉ người dân Việt Nam , mà ngay nhân dân trên thế giới đều bàng hoàng khi nghe lời mở đầu của bản " Tuyên ngôn độc lập " của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một " lời bất hủ " trong bản " Tuyên ngôn độc lập" năm 1776 của nước Mĩ : " Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng . Tạo hóa cho họ những quyền mà không ai có thể xâm phạm được , trong những quyền ấy , có quyền sống , quyền tự do , và quyền mưu cầu hạnh phúc " . Để làm nổi bật tính phổ biến của những lẽ phải , Bác đã nêu lên một lời trong bản " Tuyên ngôn Dân quyền " của Cách mạng Pháp năm 1791 : " Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi , và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi " .

Bác mở đầu bản Tuyên ngôn vì mấy lẽ : Trước hết bản " Tuyên ngôn độc lập " không chỉ nói với đồng bào nhân dân nước Việt Nam mà còn là lời tuyên bố trước nhân dân quốc tế , trước bọn thù địch phản động và đế quốc thực dân đang lăm le cướp nước ta một lần nữa . Một lẽ nữa là Bác muốn cho nhân dân ta và nhân dân thế giới biết là dân tộc Việt Nam đứng về phía " lẽ phải " , về phía văn minh của nhân loại .

Với lập luận chặt chẽ trong lời mởi đầu bản Tuyên ngôn , Bác đã đưa ra được những căn cứ để kết tội thực dân Pháp . Những " lời bất hủ " trong bản tuyên ngôn của Mĩ và Pháp đã trở thành cơ sở pháp lý để Bác kết tội chúng . Bác đã nói trong bản Tuyên ngôn : " Thế mà hơn 80 năm nay , bọn thực dân Pháp đã lợi dụng lá cờ tự do , bình đẳng , bác ái đến cướp đất nước ta , áp bức đồng bào ta . Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa " . Sau khi khái quát những tội ác của thực dân Pháp , Bác đã đi sâu vào từng mặt để lột mặt nạ " bảo hộ " của thực dân Pháp trước toàn thể nhân loại . " Về chính trị , chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào " . Lời kể tội của Bác hùng hồn và đanh thép . Cách lập luận trùng điệp như : " Chúng thi hành ... " , " Chúng lập ra ... " , " Chúng thẳng tay chém giết ... " thể hiện được tội ác chồng chất của thực dân Pháp đối với nhân dân ta . Cách dùng hình ảnh của tác giả làm nội bật sự tàn bạo của thực dân Pháp ." Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta . Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu " .

Về kinh tế , Bác cũng kết tội thực dân Pháp từ khái quát đến cụ thể :
" Chúng bóc lột nhân dân ta đến tận xương tủy . Khiến cho nhân dân ta nghèo nàn thiếu thốn , nước ta xơ xác tiêu điều " . Bác quan tâm đến tất cả tầng lớp người trong xã hội nước ta như: " dân cày và dân buôn trở nên bần cùng " , " chúng không cho các nhà tư sản nước ta ngóc đầu lên " . Lập luận như vậy là Bác muốn tranh thủ sự ủng hộ của khối đoàn kết toàn dân trong công cuộc bảo vệ nền độc lập của nước ta .

Tội ác lớn nhất của thực dân Pháp là đã gây nên nạn đói khủng khiến năm 1945 :" Mùa thu năm 1940 , Phát xít Nhận đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh , thì bọn thực dân Pháp quì gối đầu hàng , mở cửa nước ta rước Nhật . Từ đó nhân dân ta phải chịu hai tầng xiềng xích : Pháp và Nhật . Từ đó , dân ta sống cực khổ , nghèo nàn . Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay , từ Quãng Trị đến Bắc Kì hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói " .
Bác cũng không bỏ sót những tội ác khác của bọn thực dân Pháp như :" trong năm năm chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật " , " thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa " , " giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng " .

Kết tội thực dân Pháp một cách hùng hồn và đanh thép như vậy , Bác nhằm đạt được những ý nghĩa sau đây : phơi bày bản chất tàn bạo , dã man của thực dân Pháp , lột mặt nạ " khai hóa " , " bảo hộ " của chúng trước nhân dân toàn thế giới . Khơi dậy lòng căm thù giặc của nhân dân ta đối với thực dân Pháp để nhân dân ta quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới đạt được .

Bác đã biểu dương sức mạnh của nhân dân ta trong công cuộc chống thực dân phong kiến để giành lấy quyền độc lập " Pháp chạy , Nhật hàng vua Bảo Đại thoái vị . Dân ta đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập . Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỉ mà lập nên chế độ dân chủ cộng hòa " .

Biểu dương truyền thống bất khuất của dân tộc , Bác nhằm kích thích tinh thần tự hào dân tộc , kích thích ý chí đấu tranh để nhân dân ta quyết tâm chống lại âm mưu của thực dân Pháp . Mặt khác , nhằm cảnh cáo những kẻ thù ngoại bang và kẻ thù trước mắt là đế quốc Pháp bấy giờ ( thực dân Pháp vẫn chưa từ bỏ mộng" bảo hộ " nước ta một lần nữa ) . Đoạn văn này , Bác diễn tả đầy hào khí . Chỉ với chín chữ " Pháp chạy , Nhật hàng vua Bảo Đại thoái vị " , Bác đã dựng lại một giai đoạn lịch sử đầy biến cố và cực kì oanh liệt của dân tộc ta . Lời tuyên bố của Bác thật hùng hồn " Bởi thế cho nên chúng tôi , Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới , đại biểu cho toàn dân Việt Nam tuyên bố thoát li hẳn quan hệ với Pháp , xóa bỏ hết hiệp ước mà Pháp đã kí về Việt Nam , xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam " .

Bác cũng khéo léo tranh thủ sự ủng hộ của Đồng Minh đối với nền độc lập mà dân tộc đã đánh đổi bằng xương máu để giành lại : " Chúng tôi tin rằng các nước Đồng Minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn , quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân tộc Việt Nam " .

Sau khi trình bày những lý lẽ đanh thép và hùng hồn , thấu tình đạt lí , Người tuyên bố độc lập :" Vì những lẽ trên , chúng tôi , Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng : Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do và độc lập , và sự thật đã thành một nước tự do , độc lập . Toàn thể dân tộc VIệt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng , tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy " .

Với lời tuyên bố hùng hồn và đanh thép đó , một lần nữa , Người đã dẹp tan mối hoài nghi của một số nhân dân trong nước và nhân dân thế giới về nền độc lập của dân tộc Việt Nam . Người cũng nêu lên nhiệm vụ trọng đại của dân tộc ta trong giai đoạn này là : " quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng , tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy " .

"Tuyên ngôn độc lập " là kiệt tác của Hồ Chí Minh . Bằng tâm huyết và tài hoa , Người đã thể hiện được khí phách của cả một dân tộc đang vùng lên chống đế quốc thực dân , chế độ phong kiến , giành độc lập tự do cho nước nhà . Với " Tuyên ngôn độc lập " , lần đầu tiên nước Việt Nam hiện diện trên trường quốc tế với tư cách là một nước tự do và độc lập ; bên cạnh đó , nhân dân thế giới cũng thấy được tinh thần quyết tâm bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam .

" Tuyên ngôn độc lập "
là một tác phẩm chính luận mẫu mực , kết cấu chặt chẽ , lí lẽ đanh thép hùng hồn , thấu tình đạt lí . Câu văn ngắn gọn , súc tích , trong sáng một cách kì lạ , thuyết phục người nghe , người đọc bằng những lí lẽ hùng hồn kết hợp với hình ảnh sinh động . Và điều đặc biệt là Người đã giải quyết nhiều vấn đề trọng đại của lịch sử trong một bản Tuyên ngôn khoảng 1000 chữ .
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Trong cuộc đấu tranh giành độc lập nhiều gian khổ, phải đối mặt với những kẻ thù vô cùng nguy hiểm, nhưng dân tộc ta vẫn kiên cường chiến đấu làm nên những thắng lợi lịch sử. Cách mạng tháng tám tháng công, với hoàn cảnh rộng và hẹp rất thuận lợi, chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo và đọc bản tuyên ngôn độc lập trên quảng trường Ba Đình lịch sử, mở ra một thời kì mới cho dân tộc Việt Nam.

Bản tuyên ngôn được chia làm ba phần hết sức rõ ràng, mạch lạc: phần một nêu lên cơ sở lí luận cho bản tuyên ngôn; phần 2 nêu cơ sở thực tiễn của bản tuyên ngôn; phần ba là lời tuyên ngôn dõng dạc, đanh thép. Ngay từ phương diện bố cục ta đã nhận thấy sự chặt chẽ, logic của bản tuyên ngôn. Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết tạo nên sự thành công cho tác phẩm.

Phần một có vị trí, ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi nó đưa ra cở sở lí luận, tư tưởng cho bản tuyên ngôn độc lập của Việt Nam. Để tạo cơ sở, Bác đã trích dẫn câu nói nổi tiếng, quan trọng nhất trong hai bản tuyên ngôn Pháp và Mĩ. “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mĩ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Việc trích dẫn này nhằm những dụng ý sâu sắc của Bác. Trước hết hai bản tuyên ngôn này từ lâu đã được cả thế giới thừa nhận là chân lí, là hằng số không thay đổi. Bởi vậy trích dẫn hai bản tuyên ngôn, Hồ Chí Minh đã tạo cơ sở pháp lí vững chắc, với lí lẽ vô cùng khách quan và giàu sức thuyết phục. Không chỉ vậy, khi trích dẫn Hồ Chí Minh đã sử dụng lối nói “Gậy ông đập lưng ông”, Bác dùng chính lí lẽ của kẻ đang lăm le xâm lược ta để thuyết phục chúng. Nhưng hơn thế nó còn có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh những kẻ đi xâm lược nước khác tất yếu sẽ chuốc lấy bại vong. Việc dùng hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ –cường quốc trên thế giới để suy ra nên độc lập của Việt Nam, Bác đã khéo léo đặt ngang hàng Việt Nam với những cường quốc đó, nhằm tôn cao vị thế, tầm vóc của dân tộc. Và cũng vì thế mà cuộc cách mạng tháng tám vừa tiến hành cũng được sánh ngang với những cuộc cánh mạng được đánh giá là vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới. Đồng thời việc sử dụng hai bản tuyên ngôn vốn được coi là tinh hoa trí tuệ của nhân loại thì Hồ Chí Minh còn đập tan luận điệu bịp bợm, xảo trá của Thực dân Pháp cho dân ta chỉ là lũ Annammit ngu dốt. Người đã sử dụng không chỉ nhuần nhuyền mà hết sức sáng tạo khò tang tri thưc thế giới và nhân loại để làm giàu cho tri thức quốc gia, dân tộc mình. Cuối cùng việc trích dẫn đầy đủ hai bản tuyên ngôn kèm theo đó là lời răn đe, cảnh tỉnh đã cho thấy sách lược chính trị độc đáo, tài giỏi của Hồ Chí Minh, vừa mềm dẻo vừa kiên quyết.

Sau khi trích dẫn hai bản tuyên ngôn, Bác đã suy ra Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳg dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sug sướg và quyền tự do”. Nhìn về mặt hình thức, câu suy ra của Hồ Chí Minh chỉ như là hệ quả tấ yếu của hai bản tuyên ngôn độc lập của Pháp và Mĩ. Nhưng thực chất câu suy rộng ra của Hồ Chí Minh không chỉ là sự lặp lại mà đó là cả một bước phát triển lớn. Bởi từ quyền của con người Bác đã nâng lên khẳng định, nhấn mạnh quyền quốc gia, dân tộc. Ý suy rộng ra đó là kết tinh cao độ của trí tuệ và tài năng vĩ đại của Người. Nó còn có ý nghĩa đặc biệt quan trong không chỉ với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, mà có đối với các nước khác trên thế giới. Bởi sau khi bản tuyên ngôn độc lập ra đời, thì phong trào đấu tranh diễn ra vô cùng sổi nổi, mạnh mẽ. Bằng hai thao tác ngắn gọn Hồ Chí Minh đã tạo ra cơ sở về mặt tư tưởng, pháp lí vô cùng vững chắc cho nền tảng độc lập của dân tộc Việt am. Cơ sở này đã tạo thành xương sống để nâng đỡ toàn bộ lí lẽ, dẫn chứng sau đó.

Để tạo nên cơ sở thực tiễn cho nền độc lập cũng như bản tuyên ngôn Bác đã thực hiện đối thọai ngầm với tất cả những luận điệu xảo trá, bịp bợm của thực dân Pháp, để phủ định toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ của chúng trên Việt Nam. Đồng thời Bác cũng khẳng định sức mạnh, tư cách của mặt trận Việt Minh.

Bác đối thoại ngầm với từng luận điệu bịp bợm của thực dân pháp. Luận điệu đầu tiên Thực dân Pháp tung ra khi đến Việt Nam là để khai hóa, tức là dùng văn minh nhân loại để làm cho xã hội Việt Nam phát triển tiến bộ. Nhưng Bác đã đáp trả luận điệu bịp bợm đó bằng hệ thống lập luận hết sức mạch lạc: về chính trị chúng thực hiện thủ đoạn hà khắc, thâm độc, về kinh tế thực chất các chính sách kinh tế là để bóc lột nhân dân ta, rút cạn của cải, tiền bạc của nhân dân; về văn hóa xã hội chúng dùng những chính sách độc ác, dã man không chỉ ảnh hưởng một thế hế mà ảnh hưởng đến cả nòi giống Việt. Trên tất cả các phương diện Bác đã đưa ra dẫn chứng hết sức điển hình, nghệ thuật liệt kê trong đoạn trích khi đã diễn tả được tội ác chồng chất, liên tiếp của thực dân Pháp. Ngoài ra Bác còn sử dụng kiểu câu cùng một cấu trúc với đại từ “chúng” đặt ở đầu câu có tác dụng nhấn mạnh vào đối tượng mà Bác hướng đến. Nó cũng cho thấy đây không phải là những lời tố cáo gián tiếp mà là lời tố cáo trực tiếp, đanh thép.

Với luận điệu thứ hai của kẻ thù, đến Việt Nam để bảo hộ, Bác đã bác bỏ luận điểm này bằng hai dẫn chứng rõ ràng, xác đáng, đó là hai lần Pháp bán Việt Nam cho Nhật. Bác đã chứng minh vô cùng thuyết phúc, Thực dân Pháp không bảo hộ nước ta như chúng đã nêu mà thực chất chúng chỉ coi Việt Nam như một quân bài chính trị có thể mua bán bán cứ lúc nào.

Không chỉ vậy, với luận điệu chúng thuốc phe đồng minh, Bác tiếp tục lột trần bộ mặt thật của chúng. Hai lần chúng bán nước ta cho Nhật cũng là hai lần chúng thỏa hiệp với Phát xít, phản bội phe đồng minh. Chúng đã quỳ gối mở cửa cho Nhật, bằng lối diễn đạt giàu hình ảnh Bác đã tô đậm bản chất hèn nhát, bạc nhược của thực dân Pháp. Hơn nữa Bác còn đập tan luận điệu này bằng việc đưa ra dẫn chứng: trong hoàn cảnh thua chạy, chúng vẫn tìm cách khủng bố Việt Minh và giết vô số tù chính trị của ta.

Ngoài ra với luận điệu, nước ta là thuộc địa của Pháp Bác đã đập tan luận điệu này bằng cách nhấn mạnh vào sự thật, mùa thu 1940 Pháp bán nước ta cho Nhật, ta là thuộc địa của Nhật chứng không phải của Pháp. Điều này đã được Bác diễn tả bằng hai câu văn lặp cấu trúc “sự thật là…” nhấn mạnh, tạo giọng tố cáo hùng hồn, đanh thép.

Bằng những lập luận sắc sảo, dẫn chứng chân thực, giọng điệu đanh thép, Hồ chí Minh đã chủ động, bình tĩnh đập tan luận điệu xảo trá của Thực dân Pháp, để phủ nhận toàn bộ quyền lợi, nghĩa vụ của chúng ở Việt Nam. Đây là thực tế quan trọng để Bác đưa ra lời tuyên ngôn ở phần sau.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở lí luận và thực tiễn, Bác đã đưa ra lời tuyên ngôn vô cùng hào hùng, sảng khoái. Trước hết bác đưa lời tuyên ngôn xóa bỏ tất cả quyền lợi và nghĩa vụ của Pháp trên đất Việt Nam. Thứ hai Bác tuyên bố quyết tâm chống lại tất cả sự xâm lược của thực dân Pháp đối với nước ta. Và cuối cùng là sự khẳng định độc lập của dân tộc Việt Nam.

Bằng những lí lẽ , dẫn chứng hùng hồn, sắc sảo Hồ Chí Minh đã không chỉ vạch trần bộ mặt bịp bợm của thực dân Pháp, mà còn mở ra mộ cách cửa mới cho dân tộc. Bản tuyên ngôn độc lập không chỉ có giá trị chính trị lớn lao mà còn là văn bản chính luận mẫu mực.
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top