Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn

thich van hoc

Moderator
Thành viên BQT
Phân tích đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn.

Bài làm

Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ yêu nước sống ở cuối thế kỉ XIX , cuộc đời của ông gặp nhiều đau thương, bất hạnh. Xã hội nhiều biến động lớn lao, nhưng sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Đình Chiểu lại là những dấu ấn tinh thần lớn lao của thời đại và xã hội ấy trong đó tác phẩm Lục Vân Tiên là một truyện thơ Nôm điển hình.

Bên cạnh Lục Vân Tiên là nhân vật trung tâm, người anh hùng lý tưởng phò đời cứu dân lành, ta còn thấy nhân vật ông Ngư cũng mang nhiều vẻ đẹp trong sáng của người dân lương thiện hiền lành sống thanh cao, trong sạch được thể hiện rất rõ trong đoạn trích Lục Vân Tiên gặp nạn.

Trịnh Hâm là một tên bất nhân và bội nghĩa. Bất nhân vì Trịnh Hâm độc ác, đang tâm hãm hại một con người tội nghiệp, đang cơn hoạn nạn, không nơi nương tựa ( Vân Tiên lúc này đã mù mắt), tiền bạc không còn, may nhờ Tiểu đồng dìu dắt, tớ thầy đang bơ vơ “màn trời chiếu đất” rất khổ sở. Bội nghĩa vì Vân Tiên là bạn của Trịnh Hâm, từng gặp gỡ “trà rượu”, khi vừa tới trường gặp lại bạn, Vân Tiên đã có lời mời nhờ cậy “tình trước ngãi sau – có thương xin giúp nhau phen này”. Và Trịnh Hâm cũng đã từng hứa hẹn “Đương thơm hoạn nạn gặp nhau – Người lành nỡ bỏ người sau sao đành”. Vậy mà ngay lập tức Trịnh Hâm đã nuốt lời.

Kẻ gây tội ác không vô tình mà có âm mưu sắp đặt khá kĩ lưỡng, chặt chẽ.Hắn đã nói : “Hại Tiên phải dùng chiêu này mới xong”. Trước hết , hắn lừa tiểu đồng vào rừng hái lá thuốc, rồi trói vào gốc cây để cho hổ ăn thịt. Rồi giả bộ thương xót ,đưa Vân Tiên xuống thuyền, hứa sẽ đưa về đến nhà. Hắn đợi khi thuyền đã ra đến giữa ‘vời” , lại đêm tối mịt mùng (“nghing ngang sao mọc, mịt mờ sương bay”) mới ‘ra tay’ hành động. Đến lúc biết không có ai có thể cứu vớt Vân Tiên được nữa, hắn mới lên tiếng “kêu trời” để đánh lừa mọi người, che giấu tội ác của mình. Điều đó cho thấy TRịnh Hâm là đứa gian ngoa, xảo quyệt.

Trong cuộc hội ngộ uống rượu, làm thơ trong quán giữa bốn người bạn Vân Tiên, Tử Trực, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, thấy Vân Tiên tài cao, Trịnh Hâm đã tỏ rõ thái độ ghanh ghét, đố kị.

Kiệm Hâm là đứa so đo,
Thấy Tiên dường ấy âu lo trong lòng.
Khoa nầy Tiên ắt đầu công,
Hâm dầu có đậu cũng không xong rồi.

Đến lúc này điều lo ấy dường như đã không còn có cơ sở, vậy mà Trịnh Hâm vẫn tìm cách hãm hãi Vân Tiên, chứng tỏ cái ác tâm như đã trở thành bản chất của hắn, đã ngấm vào máu thịt hắn. Dục vọng thấp hèn đã biến hắn trở thành con người độc ác, nhẫn tâm.

Bên cạnh hành động tội ác của Trịnh Hâm thì còn có việc làm nhân đức và tính cách cao thượng của ông Ngư, ta phân tích hai câu thơ:

Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mạ hơ mặt mày.

Câu thơ mộc mạc, hầu như không đẽo gọt trau chuốt, chỉ kể lại sự việc một cách tự nhiên, giản dị, nhưng lại gợi tả được hết mối chân thành của cả một gia đình đối với người bị nạn: cả nhà hối hả chạy chữa để cứu sống Vân Tiên bằng những phương cách dân dã ‘vầy lửa’, ‘hơ bung dạ’, ‘hơ mặt mày’. Có thể thấy ở đâu một tình cảm thương xót, chăm chút rất ân cần chu đáo.
Sau khi đã cứu sống Vân Tiên, biết tình cảm của chàng, ông Ngư đã đề nghị Vân Tiên ở lại, sẵn sàng cưu mang chàng, dù cuộc sống của gia đình ông cũng chỉ “hẩm hút” rau cháo qua ngày. Ông cũng chảng hề tính toán đến cái ơn cứu mạng và Vân Tiên không biết lấy gì báo đáp.

Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn.

Trong tác phẩm Lục Vân Tiên, không phải chỉ một lần Nguyễn Đình Chiểu nói đến tấm lòng hào hiệp, trọng điều nhân nghĩa, không vụ lợi cá nhân này. Khi Lục Vân Tiên đánh tan lũ cướp, cứu thoát Kiều Nguyệt Nga, đã khảng khái tuyên bố:

Làm ơn há nghĩa trông người trả ơn

Và ông Tiều, sau khi cứu Vân Tiên ra khỏi hang Thương Tòng cũng đáp lời tạ ơn của chàng:

Làm ơn mà lại trông người sao hay?

Thấy việc nghĩa thì làm, không tính toán thiệt hơn, không chờ đợi báo đáp, đó cũng là một nét đẹp nhân cách của ông Ngư, một người lao động bình thường.

Cuộc sống của ngư ông là một cuộc đời lao động bình thường của dân chài lưới trên sông nước, được cảm nhận bằng con mắt và trái tim của nhà thơ nên có phần thi vị hóa. Đó là một cuộc sống trong sạch, ngoài vòng danh lợi ô trọc ; một cuộc sống tự do giữa thiên nhiên cao rộng, hòa nhập với thiên nhiên, bầu bạn với thiên nhiên, một cuộc sống lạc quan, ung dung, thanh thản, bởi con người tự mình làm chủ, có thể ứng phó với mọi tình thế tìm thấy niềm vui trong công việc lao động tự do của mình.

Phải nói rằng đây là một đoạn thơ hay của tác phẩm bởi nó chính là tiếng nói của ông – Nguyễn Đình Chiểu. Nhà thơ tô đậm nhân cách cao đẹp của ông Ngư không chỉ muốn nói lên một sự thực ở đời mà còn muốn nhân đó bộc lộ những quan niệm sống, những điều mong ước thiết tha nhất của mình. Ngôn ngữ trong đoạn thơ vẫn giữ được vẻ mộc mạc, bình dị, dân dã nhưng lời thơ thanh thoát, hình ảnh thơ đẹp gợi cảm ( “hứng gió”, ‘chơi trăng’, ‘một bầu trời đất’, ‘tắm mưa trải gió’…)

Theo 100 bài văn hay lớp 9*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
Phân tích đoạn Lục Vân Tiên gặp nạn trích truyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Bài làm

Lục Vân Tiên vì thương khóc mẹ mà mù cả hai mắt, đang bị cảnh cùng quẫn thì gặp Trịnh Hâm hỏng thi trở về. Hâm hậm hực vì thua tài Lục Vân Tiên, sinh lòng đố kỵ, bèn lập mưu hãm hại thầy trò Vân Tiên. Hắn lừa trói tiểu đồng vào cây cho hổ ăn thịt, lại lừa Vân Tiên lên thuyền để xô chàng xuống sông. Đoạn thơ này kể việc Vân Tiên bị xô ngã xuống sông, nhưng được giao long và và vợ chồng ông Ngư (ông chài) cứu mạng.

Việc Trịnh Hâm xô Vân Tiên xuống sông vẻn vẹn có tám dòng mà khắc họa được sự nham hiểm , giả dối của Hâm.
Khung cảnh ban đêm : “Nghinh ngang sao mọc mịt mờ sương bay” có cái gì không lành, nhất là những ngôi sao “nghinh ngang”. Xô ngã Vân Tiên xuống sông , Trịnh Hâm ‘giả tiếng kêu trời’ , cho mọi người thức dậy để ‘lấy lời phôi pha’ cho qua truyện. Thế là hắn trà trộn vào đám người thương khóc Vân Tiên thật. Và mọi người cũng không ai nhận ra bộ mặt gian dối của Hâm. Đố kỵ tới mức hãm hại một người đã mù lòa, không còn khả năng hoạt động nữa ,Trịnh Hâm đã hiện nguyên hình một kẻ ác độc, đê hèn, tang tận lương tâm. Cái việc giao long cứu dìu Vân Tiên vào bãi đã cho thấy loài thú vật còn tốt bụng hơn kẻ đố kỵ là con người như Hâm.

Cái cảnh cà nhà ông Ngư tíu tít cứu sống Vân Tiên thật là cảm động.

Ông chài xem thấy vớt ngay lên bờ
Hối con bầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ mụ hơ mặt mày

Đúng là những người lao động chất phác bao giờ cũng biết quý trọng con người. Đặc biệt hơn nữa, khi thấy hoàn cảnh Vân Tiên, ông Ngư đã nhận nuôi chàng:

Ngư rằng : “Người ở cùng ta,
Hôm mai hẩm hút với già cho vui”.

Những tiếng “hơ” , ‘hẩm hút’ thật chất phác, dễ thương, hòa với tiếng “mùi” trong câu: “Thân tôi như thể trái mùi trên cây” của Lục Vân Tiên tạo thành một không khí dân dã, mộc mạc.

Nhưng ông Ngư cũng là người sống theo đạo lý cao đẹp, cổ truyền, lấy câu “kinh luân đã sẵn” làm phương châm sống:

Ngư rằng : Lòng lão chẳng mơ,
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn?
Nước trong rửa ruột sạch trơn,
Một câu danh lợi chi sờn lòng đây.
...
Kinh luân đã sẵn trong tay,
Thung dung dưới thế vui say trong trời.

Ông Ngư là người sống theo lối hiền triết, một người đã hết kinh luân mọi đàng, nhưng nuôi chí sống ngoài vòng danh lợi. Ông tìm thú vui trong sự thanh thản với thiên nhiên. Trong mười dòng thơ tỏ chí, ông Ngư đã nói đến chữ “vui” ba lần : “vui vầy”, “vui thầm”, “vui say”. Cả cuộc sống là một thú vui liên tục với thiên nhiên, lúc nào cũng vui chơi thảnh thơi:

Rày doi mai vịnh vui vầy,
Ngày kia hứng gió, đêm nầy chơi trăng.
Một mình thong thả làm ăn,
Khỏe quơ chài kéo, mệt quăng câu dầm.
Nghêu ngao nay chích mai đầm,
Một bầu trời đất vui thầm ai hay.

Hãy chú ý các chữ “rày”, ‘mai’, “ngày kia”, ‘đêm này’, khi “khỏe” , khi “mệt”, “nay”, “mai” thông báo một khoảng thời gian triền miên , liên tục, có thể nói là bất tận. Và chú ý thêm các chữ “doi”, “vịnh” , “gió”, “trăng” , “chích”, “đầm”, rồi “một bầu trời đất” bao quát một không gian bao la. Con người ông Ngư như sống vĩnh viễn với đất trời mở rộng , vô tận. Cả đoạn văn này đã tạo thành một đối lập gay gắt giữa kẻ ham danh lợi tới mức độc ác, đố kỵ, hãm hại người tài và người ở ngoài vòng danh lợi, sống hòa với thiên nhiên, mênh mông, vô tận. Sự đối lập này vừa có tính chất đối lập ác và thiện trong cổ tích, lại vừa có tính chất triết lý sâu xa của văn học bác học –đối lập giữa danh lợi , dối trá và tự do, thanh thản, trong sạch giữa thiên nhiên. Sự đối lập này đã bộc lộ đặc sắc tư tưởng của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top