Phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều ( Truyện Kiều của Nguyễn Du)

thich van hoc

Moderator
Thành viên BQT
Phân tích đoạn trích Chị em Thúy Kiều ( Truyện Kiều của Nguyễn Du).

Bài làm

Đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du không ai quên được chân dung của hai chị em Thúy Kiều, Thúy Vân. Những bức chân dung chẳng những cho thấy cách hình dung người đẹp của nghệ thuật thời xưa, mà còn khơi gợi liên tưởng tới số phận, tính cách của mỗi người. Đồng thời hai bức chân dung cũng cho thấy nhiệt tình của nhà thơ Nguyễn Du đối với mỗi người trong hai chị em.

Trình tự giới thiệu , miêu tả hai chị em của nhà thơ rất cổ điển: mở đầu giới thiệu chung, sau đó tách ra miêu tả riêng, cuối cùng gộp lại kết luận chung.

Thúy Kiều và Thúy Vân trong Truyện Kiều là những nhân vật chính diện, nghĩa là nhân vật lí tưởng của tác giả. Do vậy, miêu tả chân dung cũng có nghĩa là ca ngợi sắc đẹp và tài năg nhân vật. Sau câu giới thiệu vị trí hai chị em trong gia đình, nhà thơ liền ca ngợi:

Mai cốt cách tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Đừng nghĩ rằng hễ bắt tay vào vẻ chân dung là người ta vẽ mặt, vẽ mắt, vẽ miệng ngay đâu!Tác giả chú ý trước hết đến “cốt cách” và “tinh thần”, sau đó mới dựa vào tinh thần chung của mỗi người mà lựa chọn chi tiết cho bức chân dung. “Mai cốt cách” là cốt cách, dáng vẻ thanh tú như mai, “tuyết tinh thần” là tinh thần trong trắng, thanh sạch như tuyết. Khó mà nói tác giả chỉ ai là mai, chỉ ai là tuyết, chỉ biết rằng, nhìn chung thì:

Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười

Mấy chữ “ mười phân vẹn mười” cho thấy ý thức lý tưởng hóa cao độ của nhà thơ. Bởi ở đời, mấy ai đã được mười phân vẹn mười?

Vẻ đẹp của Thúy Vân được giới thiệu vẻn vẹn trong bốn dòng , nhấn mạnh ở tính chất “trang trọng, đoan trang” của nàng:

Vân xem trang trọng khác vời,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.

Khuôn mặt Thúy Vân tròn trịa, như mặt trăng rằm, đầy đặn, phúc hậu. Lông mày nàng cong, đậm như con gái. Có ý kiến cho “ngài” là “người”, theo phương ngữ Nghệ - Tĩnh, nét ngài là chỉ vóc dáng người. Song ở đây cả ba dòng đều tả khuôn mặt : khuôn mặt, lông mày, môi, tóc, nước da, lẽ nào lại chen vào đó một nét tả người được? Lại nữa, mày ngài là biểu trưng chỉ lông mày phụ nữ, rồi chỉ phụ nữ nói chung, cũng như biểu trưng mày râu là chỉ đàn ông vậy ( xem Kho báu tri thức văn hóa Trung Quốc ). Miệng nàng cười tươi thắm như hoa, tiếng nói trong và đẹp như ngọc. Tóc nàng đen hơn mây và da trắng hơn tuyết. Nét đẹp nào của nàng cũng hoàn hảo và được đem so với các thứ quý giá, cao đẹp trên đời, tưởng như nàng là kết tinh của các thứ cao đẹp, quý giá ấy. Nhưng tất cả các nét đẹp ấy đều biểu hiện tính cách đoan trang, phúc hậu mà đường bệ, trang nghiêm và đứng đắn, một vẻ đẹp khiến người ta kính nể, chấp nhận một cách êm đẹp. Thật vậy, cười nói “đoan trang” là ngay thật, đúng mực, nghiêm trang, không quanh co, châm chọc làm người ta phật lòng. “Mây thua” , “tuyết nhường” cũng là vì vậy. Nguyễn Du không giới thiệu tài năng và tình cảm của Thúy Vân, đặc biệt là không “vẽ mắt” cho nàng. Đây là điểm khác với chân dung của Thúy Kiều được vẽ ra ngay sau đó.

Nguyễn Du khắc họa chân dung Thúy Kiều trong mười sáu dòng còn lại. Nhà thơ giới thiệu Kiều có vẻ đẹp “sắc sảo , mặn mà”, nghĩa là một vẻ đẹp nổi bật, có sức mạnh hấp dẫn, cuốn hút lòng người. Vẻ đẹp này thể hiện tập trung ở sắc và tài. Trước hết, Nguyễn Du vẽ đôi mắt, phần gợi cảm nhất trên khuôn mặt. Nhưng đây là một cách vẽ khác. Nếu như khi vẽ Thúy Vân, nhà thơ có thể chỉ ra bộ phận này đẹp, bộ phận kia đẹp một cách dễ dàng theo lối liệt kê, thì khi vẽ Thúy Kiều, nhà thơ chỉ vẽ lên một ấn tượng đẹp tổng hợp mà không tài nào chỉ ra một cách cụ thể:

Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh…
Một hai nghiêng nước nghiêng thành….

Suy ra có thể nói rằng Kiều có đôi mắt trong sáng, long lanh như nước mùa thu, đôi lông mày thanh thanh như nét núi mùa xuân, rất thanh tú và quyến rũ. Đôi môi đỏ thắm và mái tóc xanh mượt. ‘Nét xuân sơn” là nét lông mày như của nàng Trác Văn Quân xưa : “Mày như núi xa” , đen nhạt. Nhưng cái mà tác giả nhấn mạnh chỉ là “làn” và ‘nét”. Nguyễn Du không chỉ chú ý tới nét đẹp mà còn chú ý tới ảnh hưởng,tác động của vẻ đẹp. Đó là vẻ đẹp của môi và tóc làm cho “hoa ghen,liễu hờn”. Và đôi mắt nàng, một khi nhìn ai , thì có thể gây nên cảnh tai họa “nghiêng nước, nghiêng thành” ( theo điển tích của bài ca ngợi người đẹp của Lí Diên Niên, đời Hán). Ta có thể thấy khi tả sắc đẹp nàng Kiều, Nguyễn Du đặc biệt nhấn mạnh tới tác động của đôi mắt. Chỉ đôi mắt là nói lên rõ rệt nhất cái sắc sảo, mặn mà của nàng. Đó là bút pháp lựa chọn tinh vi, công phu của tác giả.
Thứ hai, Nguyễn Du đề cao sự toàn tài của Thúy Kiều, làm nền cho câu chuyện “đố tài” (ghen với tài) về sau:

Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.

Kiều làm được thơ, vẽ được tranh, biết ca ngâm, thành thạo âm nhạc, đặc biệt là thạo chơi hồ cầm ( một thứ đàn tì bà nhập trăng ). Tài của Kiều được giới thiệu lần lượt theo lối liệt kê. Đáng chú ý là các chữ : “Vốn sẵn tính trời”, “pha nghề”, “đủ mùi”, “làu”, “ăn đứt”, làm cho cái gì cũng có đủ và toàn vẹn. Ngoài ra Kiều còn có tài sáng tác nhạc, một khúc đàn tì bà ai oán lấy tên Thiên bạc mệnh, ai nghe cũng buồn thảm ,đau đớn. Các tài của Kiều chung lại là tài biểu hiện tình cảm.

Nhưng lời văn của Nguyễn Du đâu có đơn giản là lời giới thiệu tài năng của Kiều. Phải nói rằng đó là lời “tung hô” nhân vật của mình thì đúng hơn. Khi thì ông đề cao đến tột bậc : “làu”, “ăn đứt” cao vời, khi thì ông làm ra vẻ khiêm nhường : “pha nghề thi họa”, tức là nghề thêm, nhưng lại chính là tài lỗi lạc nhất của Kiều tài thơ. Sau khi Kiều nằm mộng làm thơ, được Đạm Tiên khen : “Ví đem vào tập Đoạn trường, Thì treo giải nhất chi nhường cho ai?”. Đó là giọng ca ngợi, có phần tâng bốc của tác giả và của nhân vật khác dành cho nhân vật thân yêu này của Nguyễn Du.

Mấy dòng giới thiệu chị em Thúy Kiều thuộc hạng phong lưu cũng theo giọng đề cao đó: “Phong lưu rất mực hồng quân”. Tuổi tuy đã đến độ lấy chồng (mười lăm tuổi bắt đầu cài cái kê (trâm) lên đầu, một dấu hiệu của con gái đến tuổi lấy chồng), nhưng vẫn rất cao giá, không săn đón, vồ vập một ai:

Êm đềm trướng rũ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

“Êm đềm” chỉ là tư thế đài các, chứ không phải là vô cảm trước những rạo rực của tuổi trẻ . “Mặc ai” cũng là một thái độ điềm nhiên đài các, cao giá của người đẹp. Đây cũng là cách ngợi ca kín đáo của nhà thơ.

Cả vẻ đẹp lẫn tài năng nhân vật, tuy đều được vẽ ra rất khéo léo, bút pháp đa dạng (mỗi nhân vật có một cách vẽ riêng), nhưng vẫn nằm trong khuôn khổ của nghệ thuật và tư tưởng thời trung đại, với những đường nét ước lệ, cao quý, hoàn hảo, lí tưởng. Nhưng đáng chú ý là dụng ý của tác giả khi phân biệt nét khác nhau của hai nhân vật, nhấn mạnh nét này, bỏ qua nét kia, làm hiện rõ hai bức chân dung, dự báo số phận về sau của mỗi người. Nàng Thúy Vân sẽ được hưởng phúc đầy, còn nàng Thúy Kiều sẽ bị tạo hóa đố kị, ghen ghét, làm cho đời nàng trôi dạt, tan nát suốt mười lăm năm. Đó là nghệ thuật “tả ý” tinh vi, thâm túy của thơ văn cổ điển.

Bố cục của đoạn thơ rất có lớp có lang mạch lạc, từ giới thiệu chung đến giới thiệu riêng. Thúy Vân được giới thiệu trước. Nếu giới thiệu sau thì mất thú, vì Vân kém Kiều. Giới thiệu Thúy Kiêu thì nói sắc đẹp trước, vì tương phản với Vân : “Kiều càng sắc sảo mặn mà”, sau mới nói đến tài. Cuối cùng kết lại ở tuổi cập kê, đang đợi người xứng đáng. Đoạn văn thể hiện một nghệ thuật giới thiệu, miêu tả bậc thầy.

Theo 100 bài làm văn hay lớp 9*
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top