Phân tích hình tượng người nông dân nghĩa sĩ trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu.
Bài làm 1
Người nông dân Việt Nam yêu nước chống ngoại xâm đã xuất hiện từ rất lâu, ít nhất cũng trên mười thế kỷ nay. Nhưng trong văn học, hình ảnh người nông dân ấy chỉ thực sự xuất hiện vào nửa cuối thế kỷ XIX với bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu. Có thể nói, với bài văn tế này, Nguyễn Đình Chiểu đã tạo nên bức tượng đài nghệ thuật đầu tiên về người nông dân – nghĩa sĩ Việt Nam. Đó là một hình tượng rất đẹp, rất chân thực đầy tính bi tráng, bi thương mà hào hùng đúng như cuộc chiến đấu bi tráng mà nhân dân việt Nam đã tiến hành suốt nửa sau thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX, vì cuộc sống, vì độc lập, tự chủ của Tổ quốc mình.
Nguyễn Đình Chiểu đã rất có lí, rất sâu sắc khi mở đầu khúc bi ca của mình:
“Hỡi ôi!
Súng giặc đất rền: lòng dân trời tỏ”.
Quả là, qua cuộc chiến đấu này, qua cái thử thách khắc nghiệt ngày, bản chất tốt đẹp, tấm lòng yêu nước của những người nông dân bình thường này, vẻ đẹp thực sự của tâm hồn họ được bộc lộ một cách trọn vẹn. Họ vẫn có đấy, vẫn sống đấy, nhưng sống trong thầm lặng của sự quên lãng. Nguyễn Đình Chiểu, với sự cảm thông cao độ, nhận ra rằng cuộc sống của họ đã từng vất vả xiết bao:
“Nhớ linh xưa:
Côi cút làm ăn, toan lo nghèo khó”.
Bao nhiêu lượng thông tin chứa đựng trong tám tiếng ngắn ngủi ấy đã nói với chúng ta rất đầy đủ về tình cảnh của người nông dân Cần Giuộc, người nông dân lục tỉnh, cũng là người nông dân Việt Nam ngày đó. Bóng dáng của họ, nhỏ bé và cô đơn trong cuộc sống, sự khắc nghiệt và những tài họa trong thiên nhiên, từ xã hội, như hiện lên rõ mồn một qua từng chữ. Tưởng như, chỉ chừng ấy lo toan vất vả cũng đã quá đủ đối với họ; tưởng như họ, những người nông dân vất vả ấy, chẳng còn có thể nghĩ gì thêm, lo toan gì thêm ngoài những “toan lo nghèo khó” vốn đã quá lớn lao ấy.
Thế mà không, quân xâm lược đã chiếm đất nước, đã đến tận xóm làng, đã đến tận ngôi nhà của họ. Và, những con người đang cúi xuống ấy bỗng đứng phắt dậy, vươn vai, và họ chợt trở thành người khổng lồ như chú bé làng Gióng mấy nghìn năm trước khi chợt nghe nghe lời truyền của sứ giả. Nhưng có một điều cơ bản rất khác xưa là tiếng rao truyền cứu nước không phải phát đi từ cung điện nhà vua mà đã được phát đi từ chính trái tim của những người nông dân Cần Giuộc. Nó chính là lòng căm thù sục sôi vì hành động cướp nước:
Mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, ghét thói mọi như nhà nông ghét cỏ. Bữa thấy bòng bong che trắng lốp; muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen xì muốn ra cắn cổ.
Như một phản ứng hạt nhân tất yếu, long căm thù giặc cao độ đã làm nảy sinh một khát vọng cao độ; khát vọng đánh giặc. Đó là ước muốn hoàn toàn tự nhiên và cũng hoàn toàn tự nguyện:
Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình;
Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ.
Người nông dân của Nguyễn Đình Chiểu thật đã khác hoàn toàn với người nông dân chỉ trước đó không bao lâu “Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa” khi phài sung làm lính đi biên thú phương xa bảo vệ cương thổ của nhà vua. Tự nguyện chiến đấu, ấy là nét bản chất nhất trong hành động của người nghĩa sĩ thực sự. Phải chăng đó là sự tiếp tục giữa nghĩa sĩ Cần Giuộc đánh ngoại xâm với tráng sĩ Lục Vân Tiên đánh cướp mà động cơ duy nhất:
Nhớ câu kiến ngãi bất vi
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.
Trong mọi việc nghĩa, không có việc nào lớn hơn việc cứu nước. Thấy việc nghĩa thì phải làm, làm một cách vô tư, không vụ lợi, không chần chừ, không cần đợi, có đủ điều kiện mới làm. Đó là chỗ bi kịch của người nông dân Cần Giuộc, đó cũng là chỗ hùng ca của người nghĩa sĩ Cần Giuộc. Bi kịch vì:
Tiếng phong hạc phập phồng hơn mười tháng.
Trông tin quan như trời hạn trông mưa.
Họ bắt đầu cuộc chiến đấu vào lúc lẽ ra triều đình phong kiến cùng quan quân của họ đã phải tiến hành cuộc chiến đấu ấy tư lâu nhưng lại “án binh bất động” một cách khó hiểu. Bi kịch còn cho họ là những người:
Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ, mắt chưa từng ngó.
Bước vào chỗ sống chết của chiến trường mà những con người ấy chỉ mang theo những trang bị chỉ đủ để làm những người cày ruộng.
Trước giặc dữ là những tên lính nhà nghề có đủ “tàu sắt tàu đồng”, “đạn nhỏ, đạn to”, họ chỉ là những người nông dân không có kiến thức gì về trận mạc, chỉ có “một manh áo vải”, “một ngọn tầm vông”, chỉ có “lưỡi dao phay”. Cuộc chiến đấu mới chênh lệch làm sao! Kết cục cuộc chiến đấu ấy như thế nào thì đã rõ ràng rồi. Đó là tấn bi kịch của những người nghĩa sĩ Cần Giuộc, cũng là tấn bi kịch của cuộc sống nước ta vào thời kì nghiệt ngã ấy, tấn bi kịch đã đưa đến cái họa mất nước kéo dài cả thế kỷ.
Nhưng chính trong cái bi kịch ấy, bản hùng ca của cuộc sống đã cất lên. Hùng ca trước hết là ở sự ngoan cường của những con người quyết chiến thắng, vượt lên trên nỗi lo thất bại để chiến thắng, lấy tinh thần xả thân vì nghĩa để bù đắp hết mọi sự thiếu hụt, chênh lệch của mình so với kẻ thù:
Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rao lướt tới, coi giặc cũng như không;
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có
…; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.
Thật là phấn chấn, thật là hào hùng, thật là hả dạ. Đúng là họ đã chiến đấu như những người lính tuyệt vời dũng cảm. Ở đây, sức mạnh tinh thần đã phát huy đến mức độ tối đa vaftrong một chừng mực nào đó, đã tỏ rõ hiệu quả của nó trước sức mạnh cùa chiến thuật, của vũ khí, trang bị:
Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rơi đầu quan hai nọ.
…kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh….
Trong văn chương Việt Nam, cho đến Nguyễn Đình Chiểu, quả chưa hề có một bức tranh hào hùng như thế về tư thế chiến đấu của người lính áo vải. Hình ảnh người nông dân ở đây là sự kết tinh và thăng hoa ở mức độ cao nhất những gì vốn là bản chất của họ. Trong những giây phút tuyệt vời ấy, người nông dân Cần Giuộc đã đi vào vĩnh cửu.
Quả Nguyễn Đình Chiểu đã tạc nên một bức tượng đài của người nông dân – nghĩa sĩ Cần Giuộc. Nhưng đây không phải là tượng đài của một người, mà của nhiều người, của một tập thể anh hùng. Không có cái tập thể ấy, không làm sao có được sự hòa hợp tuyệt đẹp, cái khí thế bừng bừng áp đảo hiểm nghèo, áp đảo cái chết, với những “đạp rào lướt tới”, “xô cửa xông vào”, với những “kẻ đâm ngang người chém ngược”, “bọn hè trước, lũ ó sau” như thế được.
Bức tượng đài của Nguyễn Đình Chiểu chỉ có một tên gọi chung là “nghĩa sĩ Cần Giuộc”, còn mỗi người nghĩa sĩ trên đó đều vô danh. Họ không hề tìm một điều gì cho riêng mình khi chiến đấu. Cái điều duy nhất họ gửi lại cho đời, điều mà Nguyễn Đình Chiểu nêu lên như là một tiêu chí chung bên dưới bức tượng đài của họ, ấy là cái triết lí sống: Chết vinh còn hơn sống nhục.
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.
Hoàn thành bức tượng của mình, Nguyễn Đình Chiểu đã để một phần cuối cho những lời ca ngợi, thương tiếc và thắp những nén hương kính trọng:
Nước mắt anh hùng lau chẳng ráo, thương vì hai chữ thiên dân; cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm, cám bởi một câu vương thổ.
Cuộc tấn công của mấy chục nghĩa quân vào đồn Cần Giuộc của thực dân Pháp năm 1863 là cuộc tấn công đầu tiên của quân dân Việt Nam mở đầu cho cuộc kháng chiến chống Pháp. Số lượng thiệt hại mà nghĩa quân đã gây cho giặc có lẽ cũng không là bao nhiêu. Song, hiệu quả thực sự mà họ tạo nên cho cuộc kháng chiến, cho lịch sử dân tộc, bằng lòng yêu nước that thiết và vô tư của họ, bằng tinh thần sẵn sáng chiến đấu, sự cũng cảm vô điều kiện và tuyệt vời của họ, thì to lớn vô cùng. Họ xứng đáng được tạc thành tượng đài để đi vào bất tử. Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ của người nghệ sĩ nhân dân khi tạc nên bức tượng đài ấy.
Theo Ths. Phạm Ngọc Thắm*
Sửa lần cuối bởi điều hành viên: