• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Phân tích hình ảnh cao đẹp của nghĩa sĩ trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Phân tích hình ảnh cao đẹp của nghĩa sĩ trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” của Nguyễn Đình Chiểu.
Bài làm

Trên bầu trời văn chương Việt Nam, Nguyễn Đình Chiểu như một ngôi sao sáng, càng nhìn càng sáng. Văn chương của ông sáng ngời đạo lí dân tộc và tư tưởng yêu nước. Ông đã để lại cho hậu thế những tác phẩm bất hủ như: Lục Vân Tiên, Ngư tiều thuật y vấn đáp, nhiều bài thơ, bài văn tế…Nổi tiếng và gây xúc động nhất là Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Ở bài văn này, lần đầu tiên, hình ảnh người nông dân nghĩa sĩ được coi như “một phát hiện mới, nhà thơ dành cho chọ vị trí chưa từng có trong tác phẩm”: họ trở thành nhân vật chính – anh hùng thời đại.

Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Đình Chiểu dùng một bài văn tế theo thể luật, gọi đúng là thể phú Đường luật (phú cận thể), một thể loại dùng trong tang ma phúng điếu với nội dung chủ yếu là ca ngợi công đức người được tế…để nói về những người nghĩa sĩ. Có lẽ, nhân vật nghĩa sĩ hy sinh vì nước có tầm vóc lớn lao, đáng kính phục…thích hợp với một hình thức diễn đạt như vậy? Hãy khoan bàn đến vấn đề này. Ta cần xem xét một cách toàn diện về nhân vật mà Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên trong tác phẩm.

Ở phần Lung khởi (phần mở đầu), Nguyễn Đình Chiểu đã nói về thời cuộc, khái quát về cuộc đời nhân vật. Trong câu mở đầu Súng giặc đất rền – Lòng dân trời tỏ…Lời và ý đối nhau một cách hoàn chỉnh, diễn đạt hai nội dung của thời đại rất cụ thể: giặc xâm lược, có vũ khí hiện đại – dân ta chống xâm lược, chỉ bằng lòng yêu nước. Người nghĩa sĩ trong bài văn buộc phải tỏ lòng yêu nước của mình trong bối cảnh như thế. Câu văn như báo trước sự hi sinh của nhân vật là tất yếu. Cho nên “mười năm công vỡ ruộng”, ít ai biết đến họ. Thế mà chỉ “một trận nghĩa đánh tây – tuy là mất”, là chết – danh tiếng họ đã “vang như mõ”. Từ những con người bình thường sống sau lũy tre, rặng dừa, mái nhà…họ vụt trở thành anh hùng, vì nghĩa lớn mà hi sinh. Và họ trở thành đối tượng của sự chú ý, trở thành nhân vật để nhà văn ca ngợi.

Lời ca ngợi họ, bắt đầu từ cuộc sống lao động lặng thầm, cực khổ đến một thời chiến đấu anh dũng, vẻ vang. Cuộc sống lao động vất vả trong cuộc đời họ được nhà văn thâu tóm trong hai câu thực khá trọn vẹn: Côi cút làm ăn – Toan lo nghèo khó. Hai nét bản chất ấy được triển khai làm rõ hơn ở những chi tiết giản dị, cụ thể, mộc mạc nhưng tiêu biểu, chọn lọc:

“Chưa quen cung ngựa, đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ.
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy…tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ…mắt chưa từng ngó”.


Ở đây có hai loại chi tiết: những cái họ biết, họ quen (ở trong làng bộ, cày, cuốc, bừa) và những cái họ chưa từng quen, chưa từng ngó (cung, ngựa, trường nhung, khiên, mác, cờ…). Với hai loại chi tiết đối lập này, có thể kết luận rằng: họ chỉ là những người nông dân nghèo khổ, cần cù, gắn bó với làng quê thanh bình, chưa hề biết việc binh đao.

Cho nên, khi giặc Pháp kéo tới với tàu sắt, tàu đồng, họ đã phải trai qua tâm trạng lo âu, phấp phỏng. Họ “trông tin quan như trời hạn trông mưa”. Và họ đã thất vọng vì đã “hơn mười tháng”, triều đình vẫn không thực hiện trách nhiệm cứu dân, cứu nước vốn là nghĩa vụ của vua, quan. Họ đã bị bỏ rơi!

Sống trong một vùng giặc chiếm đóng mùi tinh chiên vấy vá đã ba năm, họ căm ghét “thói mọi” một cách cảm tính, tự nhiên như nhà nông ghét cỏ. Nỗi căm ghét ngày một lớn lên trước sự nghênh ngang khiêu khích của những “bòng bong che trắng lốp”, những “ống khói chạy đen sì” trông đến nhức mắt. Họ đã muốn “tới ăn gan”, muốn “ra cắn cổ”, giết và xóa sạch chúng đi.

Bị triều đình bỏ rơi trong vùng đất giặc chiếm đóng, họ đã ý thức được vai trò của cá nhân và ý thức được trách nhiệm đối với nền độc lập của Tổ quốc. Tổ quốc (một mối xa thư đồ sộ) và chân lí độc lập đã được khẳng định (hai vầng nhật nguyệt chói lòa) không thể bị xâm phạm như một chốn không người. Họ “há để ai chém rắn đuổi hươu”. Họ “đâu dung lũ treo dê bán chó”. Triều đình không đánh giặc thì họ phải nhận lấy trách nhiệm thiêng liêng này. Việc đầu binh trở thành việc tự nguyện hoàn toàn:

“Nào đợi ai đòi ai bắt, phen này ra sức đoạn kình:
Chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”.

Những từ “xin ra sức, dốc ra tay” diễn tả thật sinh động và chính xác ý thức tự nguyện của họ. Thời cuộc và hoàn cảnh sống cụ thể, nỗi nhức nhối về cái nhục mất nước, ý thức dân tộc và đất nước đã biến những người nông dân hiền lành thành những người chiến đấu vì đại nghĩa. Họ trở thành người nghĩa binh tự nguyện gánh vác việc đánh giặc cứu nước.

Trở thành “quân chiêu mộ”, họ vẫn là “dân ấp, dân lân” chưa hề được “tập rèn võ nghệ”, không hề biết đến binh thư. Học chỉ có một tấm lòng “mến nghĩa”, vì đại nghĩa – trang bị thay cho những điều cơ bản của việc binh dao! Cuộc đời nghèo khó của họ thế nào thì họ xuất hiện trên chiến trường như vậy. Họ chỉ có “một manh áo vải, trong tay cầm một ngọn tầm vông”, hay “rơm con cúi, lưỡi dao phay”…Đó không phải là vũ khí mà là những vật dụng hàng ngày trong sinh hoạt và lao động. So sánh với những đạn nhỏ đạn to, tàu sắt tàu đồng của quân thù, ta không khỏi kinh ngạc và ngậm ngùi bởi cuộc chiến không cân sức. Lòng dân trời tỏ là ở chỗ này chăng?

Với những câu văn đối nhau bị ngắt vụn, tơi tả, với hàng loạt động từ nhanh và mạnh, với những chi tiết dồn dập…Nguyễn Đình Chiểu đã khắc họa được khoảnh khắc hào hùng của người nghĩa sĩ trên chiến trận:

Chi nhọc quan quản gióng trống kì trống giục, đạp rao lướt tới, coi giặc cũng như không;
Nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có/
…; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu sắt tàu đồng súng nổ.

Hai câu văn tế vừa khắc họa dũng khí, sự can đảm đến liều lĩnh của người nghĩa sĩ khiến quân thù khiếp sợ, vừa diễn tả cách đánh đâm ngang, chém ngược của những người nông dân chưa thạo chiến trận. Và tất yếu, tuy tỏ được lòng mình nhưng họ đã hy sinh! Ngậm ngùi thay! Cảnh mẹ già ngồi khóc trẻ, vợ yếu chạy tìm chồng…khiến ta đau xót thấu hiểu sâu sắc hơn sự hi sinh của họ vì đại nghĩa lớn đến chừng nào.

Tóm lại, hình ảnh người nghĩa sĩ phần lớn được thể hiện ở phần thích thực của bài văn tế. Ở phần này, cuộc đời của nhân vật đã được kể lại khá rõ như đã nói ở trên. Tuy nhiên, ở những phần khác của bài văn, qua lời than tiếc (ai điếu) và lời vĩnh biệt (ai vãn) của tác giả…hình bóng họ vẫn thấp thoáng ẩn hiện trong lòng người, trong lòng non sông đất nước. Họ ra đi nhưng còn để lại sau mình mẹ già, vợ yếu (gánh nặng gia đình), để lại Bến Nghé, Đồng Nai còn bốn phía mây đen (trách nhiệm đối với đất nước). Tuy vậy, họ vẫn là những con người sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen…Họ đã trở thành nhân vật bất tử.

Qua những điều vừa phân tích trên, có thể nói trong văn chương Việt Nam, lần đầu tiên nhân vật người nông dân vì nghĩa được khắc họa sâu đậm và toàn diện. Trước Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Trãi đã nói tới dân: dân đen, con đỏ, kẻ cấy cày, nhân dân bốn cõi…nhưng hình bóng của họ là bóng dáng chung, chưa cụ thể như là những người dân ấp, dân lân vị nghĩa này. Những người lính cứ ba xuất đinh thì chọn lấy một người ở Nghệ An do Quang Trung tuyển, cũng được xếp vào trung quân trong hàng ngũ chỉnh tề trong cuộc hành quân được chỉ huy chặt chẽ: tiền, hậu, tả, hữu…(Hoàng Lê nhất thống chí – Ngô Gia Văn Phái). Nhưng trong tác phẩm này, người nghĩa binh lại chưa quen cung ngựa, đánh giặc chỉ bằng dao phay, rơm con cúi…Vai trò của dân trong các tác phẩm tiến bộ trước đó là cùng giai cấp phong kiến làm ra lịch sử. Ở đây, người nông dân đơn phương đánh giặc, hi sinh vì nước khi họ bị triều đình bỏ rơi. Họ góp vào trang sử dân tộc những trang máu lửa của sự tạm thời thất bại trước một kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội. Họ như tro than ủ mồi lửa yêu nước cho các thế hệ sau…Quả vậy, sau này, trong văn chương Đồ Chiểu và văn chương của nhiều tác giả khác, hình ảnh người sĩ phu, trí thức, nông dân chống Pháp, lại một lần nữa tỏa sáng trong các bài: Văn tế Trương Định, Điếu Phan Tòng, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh, Hịch đánh tây…

Bằng một bài văn tế điển hình, đạt tới trình độ nghệ thuật cao, Nguyễn Đình Chiểu đã hết lòng ca ngợi người nghĩa sĩ hi sinh vì nước trong những ngày đầu chống Pháp. Tình cảm mà ông dành cho họ nói lên lòng yêu nước, quan điểm chống Pháp mà ông đã theo đuổi đến trọn đời. Nhân vật và cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu đã trở thành tấm gương sáng vì nước quên mình cho các thế hệ sau noi theo. Nhân vật và chính ông thật xứng đáng với nhận xét là “những ngôi sao càng nhìn càng sáng” (Phạm Văn Đồng).

Vũ Thư Hiên
(Lớp 11, PTTH Trần Hưng Đạo, Nam Định)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top