Phân tích các đặc tính hậu hiện đại trong 1 số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp

Phân tích các đặc tính hậu hiện đại trong 1 số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp.

- ĐHSP Hà Nội 2 - HPU2-​

Bài làm

Chủ nghĩa hậu hiện đại là hiện tượng văn hóa độc đáo và có ảnh hưởng rộng lớn đến nhiều lĩnh vực: triết học, mỹ học, nghệ thuật thế kỉ XX. Trong văn học chủ nghĩa hậu hiện đại đem đến những sự đột phá ngoạn mục mà từ trước đến giờ người ta chưa từng chứng kiến. Các cây bút từ nhiều nơi trên thế giới đã làm một cuộc cách mạng về quan niệm, về cách viết, thực hiện cuộc phản công vào tất cả những gì lâu nay vẫn trói buộc hoạt động sáng tạo. Trào lưu hậu hiện đại đã trở thành một trào lưu có ảnh hưởng lớn trên phạm vi toàn cầu. Ở Việt Nam, hậu hiện đại xuất hiện như một khuynh hướng mà chúng ta có thể tìm thấy dấu vết hậu hiện đại trong thơ Nguyễn Thế Hoàng Linh, Trần Dần, Vi Thùy Linh....trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, trong tiểu thuyết của Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài, Thuận, Nguyễn Bình Phương....Trong giới hạn bài viết này, xin được phân tích một số đặc tính hậu hiện đại trong một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp (Vàng lửa, Trương Chi, Kiếm sắc, Chút thoáng Xuân Hương, Tướng về hưu).

Cái “Hậu hiện đại” nổi bật nhất chính là cảm quan hậu hiện đại- đó là một kiểu cảm nhận đời sống đặc thù thể hiện trạng thái, tinh thần của thời đaị: nhận thấy sự đổ vỡ của những trật tự đời sống, tính áp đặt của cái chính thống, của các phát ngôn lớn, sự đảo lộn trong các thang bảng giá trị đời sống, sự mất niềm tin, bơ vơ, lạc loài, vong thân, tâm trạng hồ nghi tồn tại và tình trạng bất an của con người. Đấy là tinh thần chung nhất. Trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, nó được biểu hiện bằng những câu chuyện vô nghĩa của cuộc đời, sự bê tha, nhếch nhác của con người, sự lạc loài của cái đẹp. Nguyễn Thuấn – một viên tướng về hưu (Tướng về hưu) cảm thấy “sao tôi cứ như lạc loài” khi ở ngay chính gia đình mình, con cháu như người xa lạ, bà vợ ông mất mà có mỗi cô Lài là khóc thương thực sự, các giá trị gia đình phá vỡ, ông cảm thấy người ta vì đồng tiền mà tình cảm con người cũng “lạnh” dần (khi biết cô Thủy xay thai nhi người nấu cho chó). Sự hoài nghi, lạc loài trong cảm thức của ông khiến ông chọn cách chết ở đơn vị, sống cùng đồng đội mình.

Hiện thực trong truyện Nguyễn Huy Thiệp mang tính phi trọng tâm. Lịch sử được nhìn nhận từ nhiều góc độ, không còn là cái lịch sử “đáng tin” như chúng ta vẫn nghĩ trước đây, Nguyễn Huy Thiệp đã tạo ra những “lịch sử giả” (từ của Đặng Anh Đào), nhào nặn lại lịch sử. Ngay cả các vĩ nhân, các “đại tự sự” cũng được nhìn bằng cái nhìn thẩm mĩ “hậu hiện đại”: quan hệ suống sã và phi sử thi. Dựng lên lịch sử giả cũng có nghĩa là đi theo tiếng gọi của trò chơi – một hình thức lại hóa nhằm tổ chức một thế giới nghệ thuật in đậm dấu ấn chủ thể sáng tạo mà những cây bút non tay không bao giờ vươn tới được. Nguyễn Huy Thiệp gọi thẳng tên của Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh là Huệ, Ánh, những nhân vật lịch sử đó cũng chỉ đóng vai trò tạo dựng không gian để nổi bật những cái tên không sử sách nào nói đến giống như Đặng Phú Lân trong “Kiếm sắc”. Nhà văn cũng không miêu tả lịch sử của nhà Nguyễn (cả Nguyễn Ánh, Nguyễn Huệ) ở thời điểm rực rỡ , chói lọi của hào quang chiến thắng mà là những câu chuyện rất “đời thường”, biến những nhân vật mang ánh hào quang sáng chói của vị anh hùng dân tộc, vị vua của một đất nước trở về với đúng bản chất của con người bình thường.

Để chuyên chở, thể hiện thái độ hậu hiện đại, Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng những hình thức nghệ thuật đặc thù, trước hết là sự đa dạng, chuyển đổi liên tục điểm nhìn nghệ thuật. Các nhân vật có khả năng thế chỗ nhà văn để kể lại câu chuyện. Trong “Chút thoáng Xuân Hương”, nhà văn đã tạo ra ít nhất 3 điểm nhìn để tạo nên hình tượng Xuân Hương. Dưới cái nhìn của Tổng Cóc, Xuân Hương “to lớn hơn ông, mạnh mẽ hơn, sống có dũng hơn”; dưới điểm nhìn của Ấm Huy – người em chồng thì Xuân Hương là người đáng trọng, đáng kính, còn dưới điểm nhìn của anh diễn viên đóng vai Chiêu Hổ, anh ta cảm thấy người ta đã quá “sáng tác”, “đắp điếm ...những tư tưởng cao siêu”, anh ta cho rằng Xuân Hương cũng chỉ là một người đàn bà, cuộc đời đau khổ giống như người mà buổi chiều đó anh ta vác ngô hộ.

Trong ngôn ngữ, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng ngôn ngữ đối thoại hết sức ngắn, cực hạn, chỉ đủ nêu thông tin, đôi khi gắn những phát ngôn tục tĩu, những lời bỗ bã cho những quan hệ tôn ti không thể bỗ bã:

“Mỵ Nương bảo:
- Hay lắm!
Bọn hoạn quan đứng quanh cười ré lên:
- Hát như cứt!” (Trương Chi)

Nguyễn Huy Thiệp dùng nhiều câu trần thuật ngắn gọn, súc tích, mang đậm tính liệt kê. Nguyễn Huy Thiệp rất chuộng dùng câu đơn. Đối với loại câu đơn có xuất hiện thành phần phụ thì thành phần phụ thường được tách ra bằng dấu phẩy. Riêng câu ghép, các vế cũng được tách ra rạch ròi. Điển hình: “Cha tôi tên Thuấn, con trưởng họ Nguyễn. Trong làng, họ Nguyễn là họ lớn, số lượng trai đinh có lẽ chỉ thua họ Vũ. Ông nội tôi trước kia học Nho, sau về dạy học. Ông nội tôi có hai vợ. Bà cả sinh được cha tôi ít ngày thì mất, vì vậy ông nội tôi phải tục huyền. Bà hai làm nghề nhuộm vải…” (Tướng về hưu); hay: “Cấn là con trưởng. Dưới Cấn có bốn em trai, chênh nhau một, hai tuổi. Đoài là công chức ngành giáo dục, Khiêm là nhân viên lò mổ thuộc Công ty thực phẩm, Khảm là sinh viên đại học. Tốn, con út, bị bệnh thần kinh, người teo tóp, dị dạng. Nhà lão Kiền sáu người. Toàn đàn ông.” (Không có vua). Có thể nói, những câu văn sắc lạnh dửng dưng như thế có mặt khắp các trang văn của Nguyễn Huy Thiệp tạo ra một giọng điệu lạnh lùng, khách quan, cho bạn đọc tự phán đoán câu chuyện, nhà văn không định hướng, không phán xét bất cứ điều gì, đó cũng là tinh thần hậu hiện đại nâng người đọc lên vị trí cao hơn.

Một đặc tính “hậu hiện đại” không thể không nói đến đó là kết cấu phân mảnh và người kể chuyện không đáng tin: Ở “Vàng lửa” mô hình cốt truyện đã bị phân tán, thậm chí gẫy vụn bởi sự bất lực của người kể chuyện. Người kể chuyện trở nên không đáng tin, khi những câu chuyện được kể ra mà chính người kể cũng không biết rõ, chỉ là những mẩu chuyện nghe nói, nghe đồn...Các đánh giá, nhận xét, các ý kiến đan cài, chồng chất lên nhau, thậm chí là đối ngược. Tác giả đưa ra 3 sự kết thúc như một giải pháp cho sự bất lực trong việc tìm kiếm tư liệu của người kể. Đoạn kết 1: nhân vật Phăng bị vua Gia Long đầu độc chết. Đoạn kết 2: Nhân vật Phăng được vua Gia Long cho hồi hương về Pháp và sống đến già trong vinh hoa phú quý. Đoạn kết 3: tác giả không nhắc đến nhân vật Phăng, chỉ cho là Gia Long không muốn người đời biết được mối quan hệ của nhà vua với người châu Âu. Có thể thấy, với ba kiểu kết thúc như vậy, Nguyễn Huy Thiệp đã hoàn toàn tách mình ra khỏi vai trò phán quyết đối với các nhân vật trung tâm. Quyền ấy được trao lại cho độc giả. Trong nhiều truyện khác, tác giả cũng có cách kết thúc mở tương tự. Để tạo ra kết thúc mở, Nguyễn Huy Thiệp thường dùng những yếu tố mang tính hư cấu, mang đậm chất huyền thoại hoặc những lời đồn không đáng tin cậy. Ta có thể bắt gặp điều này trong các truyện: Chảy đi sông ơi; Con gái thủy thần, Vàng lửa, Kiếm sắc, Phẩm tiết…

Trong khuôn khổ bài viết này, rất khó để chuyển tải một cách toàn diện, thấu đáo những đặc tính hậu hiện đại qua một số tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Tuy nhiên, với những kiến giải trong bài viết, cũng ít nhiều đã chỉ ra vài đặc tính tiêu biểu, nổi bật của cái hậu hiện đại.

Chủ nghĩa hậu hiện đại đã cho thấy những ảnh hưởng của nó đến truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp trên cả nội dung và hình thức. Khả năng dung chứa mức độ đậm nhạt sự thể hiện dấu hiệu của “hậu hiện đại” trong từng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp là không giống nhau. Đi tìm dấu ấn “hậu hiện đại” trong truyện ngắn NHT đã cho ta thấy rõ hơn những ảnh hưởng của nó trong nền văn học Việt Nam nói chung và Nguyễn Huy Thiệp nói riêng.
(Phong Cầm :black_eyed: )​
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top