Phân tích bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển trong bài “Chiều tối” của Hồ Chí Minh.

nang moi

New member
Đề bài: Phân tích bức tranh thiên nhiên mang phong vị cổ điển trong bài “Chiều tối” của Hồ Chí Minh.
Bài làm
Bức tranh thiên nhiên lúc chiều buồn được Bác đột phá bằng hai hình ảnh cánh chim và chòm mây:
“Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ
Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không”
Có ý kiến cho rằng, cánh chim về tổ gợi sự xum họp, quần tụ ấm áp, tâm hồn Bác nhẹ tênh như du khách thưởng ngoạn. Đây là cách hiểu chưa thỏa đáng vì người phân tích mới chỉ dựa vào hai câu thơ dịch thiếu chính xác. Bản dịch đáng mất nghệ thuật đảo ngữ “quyện điểu” và chưa dịch sát “cô vân mạn mạn”.
Thực chất đây là buổi chiều buồn man mác được thể hiện bằng bút pháp cổ điển đặc sắc, bởi ngược dòng thời gian trở về với thượng nguồn văn học ta thường bắt gặp những dáng chim bay, những chòm mây lạ mang tín hiệu biểu trưng cho buổi chiều. Ca dao từng khắc khoải:
“Chim bay về núi tối rồi”
Trong thơ Nguyễn Du cũng có hình ảnh chim bay:
“Chim hôm thoi thóp về rừng”
Đặc biệt hai câu thơ của Bác rất gần với hai câu thơ của Lý Bạch:
“Chúng điểu cao phi tận
Cô vân độc khứ nhàn”
Dịch:
“Bầy chim nhất loạt bay cao
Lưng trời thơ thẩn đám mây một mình”
Cũng là “chúng điểu”, cũng là “cô vân” song chỉ giống nhau ở hình xác thi liệu. Đọc kĩ mới thấy thơ Bác và thơ Lý Bạch khác xa nhau bởi hai thế giới cảm xúc. Cánh chim trong thơ Lý Bạch “cao phi tận” tức là bay vào cõi hư vô, lạnh buốt mang cảm xúc thoát tục, lánh đời. Còn cánh chim trong thơ Bác có điểm đến rất rõ ràng: “về rừng” tức là trở về cõi trần gian với đời thường gần gũi. Còn “cô vân” của Lí Bạch (độc khứ nhân) nhàn tả ung dung thoát tục, còn “cô vân” của Bác thì lại trôi chầm chậm giữa bầu trời như mang nặng nỗi niềm suy tư. Hai cõi thơ ấy là hai cõi ấm – lạnh thật khác xa nhau.
Như vậy, hai câu thơ mở đầu của bài “Chiều tối” mở ra trước mắt người đọc một bức tranh thiên nhiên đẹp nhưng đượm buồn được chi phối bởi quy luật:
“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”
Ở đây, Người buồn vì xa Tổ quốc, quê hương, lại gặp một buổi chiều tàn nơi xóm núi. Cái tình ấy, cái cảnh ấy không làm cho Người vui lên được. Bác tả cảnh để ngụ tình – một bút pháp cổ điển được Người sử dụng thành công trong “Chiều tối”. Đồng thời qua hai câu thơ này, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn của Hồ Chí Minh, đó là tình yêu thiên nhiên sâu sắc của Người. Người nâng niu, trân trọng từng giọt sự sống chân chính ở đời. Nhìn cánh chim bay, Người cảm nhận được sự mệt mỏi của nó thì quả là một tâm hồn thơ tinh tế, nhạy cảm. Mặt khác, nếu đặt hai câu thơ vào hoàn cảnh ra đời của nó, ta mới thấy được bản lĩnh phi thường của người tù chiến sĩ Hồ Chí Minh. Nếu không tự do hoàn toàn về mặt tinh thần thì không thể nào có được những câu thơ viết về thiên nhiên hay như vậy.
Mệt mỏi, đau đớn và chán chường, vậy mà cảm hứng thơ vẫn đến với Bác. Không có chân dung người tù khổ ải mà chỉ hiện ra cái dáng vẻ, phong độ của bậc tao nhân mặc khách đang ung dung, thư thái thưởng ngoạn cảnh chiều hôm nơi núi rừng. Những câu thơ mềm mại nhưng thật ra lại có “chất thép” bên trong. Nếu không có ý chí và nghị lực phi thường vượt lên trên hoàn cảnh, có bản lĩnh kiên cường và sự tự chủ, tự do hoàn toàn về tinh thần ở Bác thì cũng khó có được những vần thơ cảm nhận thiên nhiên sâu sắc, tinh tế như thế trong hoàn cảnh tù đầy khắc nghiệt
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top