Phân tích "bài thơ số 28" của R.Tago

ngan trang

New member
Phân tích "bài thơ số 28" của R.Tago


Sau tập Thơ Dâng được giải thưởng Nobel, năm 1914, Tago xuất bản tập thơ “Người làm vườn - tập thơ tình, gồm 85 bài thơ, chỉ đánh số, không có nhan đề. Bài thơ sơ 28 này rút trong tập “Người làm vườn”, được truyền tụng và ngợi ca là “một trong những bài thơ tình hay nhất trên thế giới”.

"1. Đôi mắt băn khoăn của em buồn

Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh.

Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.

Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em,

Anh không giấu em một điều gì.

Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.

2. Nếu đời anh chỉ là viên ngọc,

anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh

và xâu thành một chuỗi

quàng vào cổ em.

Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa

tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng,

anh sẽ hái nó ra đặt lên mái tóc em.

3. Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim

Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó,

Em là nữ hoàng của vương quốc đó

Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu.

4. Nếu trái tim anh là một phút giây lạc thú

Nó sẽ nở ra thành một nụ cười nhẹ nhõm

Và em thấu suốt rất nhanh.

Nếu trái tim anh chỉ là khổ đau

Nó sẽ tan ra thành lệ trong

Và lặng im phản chiếu nỗi niềm u ẩn.

5. Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu,

Nỗi vui sướng khổ đau của nó là vô biên.

Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu

Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu."

Đào Xuân Quý dịch

Toàn bài thơ vẫn là lời tỏ tình của người con trai, của “anh”. Còn người con gái chỉ “lắng nghe lời nói như ru” và qua “đôi mắt”, qua cái nhìn “băn khoăn… buồn” - được nói đến mà thôi.

1. Sáu câu thơ đầu cho thấy một mối tình đầu rất đẹp và thơ mộng. Cô gái duyên dáng, ngỡ ngàng và “băn khoăn”. Vẻ đẹp dịu hiền được thể hiện qua đôi mắt và cái nhìn chan chứa yêu thương: “muốn nhìn vào tâm tưởng của anh”. Rụt rè và thăm dò.

Tình yêu đến, “Thần Ái tình đã gõ cửa trái tim” nhưng em vào đã hay, đã biết gì nhiều về anh. Em là ánh trăng, anh là mặt biển (trong xanh) - Hai hình ảnh so sánh này diễn tả rất hay một tình yêu trong sáng chân thành, dào dạt và sự khao khát yêu thương. Cô gái có đôi mắt huyền mới có cái nhìn lung linh của ánh trăng kia. Và chàng trai có tình yêu nồng nàn, chân thành, trong sáng thì ánh trăng kia mới có thể soi vào tận đáy biển cả. Hình ảnh ánh trăng và biển cả đã thể hiện tài tình men say ái tình: niềm khao khát hạnh phúc và sự hòa hợp tâm hồn lứa đôi trong “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Lời tỏ tình nồng nàn yêu thương, đàng hoàng và tin cậy. Tình yêu đâu chỉ là “tìm kiếm” mà còn là “phát hiện” những vẻ đẹp tiềm ẩn trong tâm hồn, trong tính cách người tình của em. Như một lời nhắc khẽ mà rung động:

“…Đôi mắt em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh.

Như trăng kia muốn vào sâu biển cả.

Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em,

Anh không giấu em một điều gì.

Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh.”

2. Bảy dòng thơ tiếp theo là lời tỏ tình rất đẹp. Sử dụng hình ảnh ẩn dụ về “ngọc”, về “hoa” và giả định: “nếu… anh sẽ…” để biểu lộ một tình yêu nồng cháy, mãnh liệt và dâng hiến. Có gì quý hơn ngọc, giá trị bằng ngọc? Nếu đời anh là viên ngọc thì anh sẽ đập vỡ làm trăm mảnh, xâu thàn chuỗi quàng vào cổ em yêu. Có gì đẹp và thơm bằng hoa? Nếu đời anh chỉ là bông hoa nhỏ bé, tròn xinh, thơm tho, anh sẽ ngắt nó ra cài lên mái tóc em. Các động từ: “đập ra”, “xâu thành”, “quàng vào”, “ngắt ra”, “cài lên” - diễn tả một “tấm lòng”, một cử chỉ trân trọng và dâng hiến trong tình yêu. Tago viết bài thơ này cách chúng ta ngày nay ngót một thế kỷ mà hình ảnh thơ vẫn mới mẻ, thú vị vô cùng:

“Nếu đời anh chỉ là viên ngọc,

anh sẽ đập nó ra làm trăm mảnh

và xâu thành một chuỗi

quàng vào cổ em.

Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa

tròn trịa, dịu dàng và bé bỏng,

anh sẽ hái nó ra đặt lên mái tóc em.”

Lời thơ dịch khá sát và hay. Có điều trong nguyên tác chữ “cài” (cài lên mái tóc em), dịch giả đã chuyển thành “đặt lên mái tóc em”, là cho lời thơ thô, làm giảm đi phong cách tao nhã, phong tình của chàng trai!

3. Đoạn thơ thứ ba, chàng trai khẳng định tình yêu của mình qua hình ảnh so sánh: “Trái tim”. Ba tiếng “Nhưng em ơi!” vang lên thiết tha, đắm say. Lời tỏ tình được nâng lên một tầm cao mới, một chiều sâu thăm thẳm. Tình yêu ấy sâu sắc và mênh mông. Em là thần tượng, là nữ hoàng đang ngự trị vương quốc tình yêu - đời anh. Là một lời nhắc khẽ em yêu! Nhẹ nhàng và tế nhị. Gần mà xa, xa mà gần biết trân trọng và phát hiện mọi phẩm chất cao quý tiềm ẩn trong tâm tình người yêu. Lời tỏ tình sang trọng quá, chứng tỏ chàng trai có một trái tim rất nhân văn! Cả đời anh, tâm hồn anh, tình yêu của anh đã thuộc về em:

“Nhưng em ơi, đời anh là một trái tim

Nào ai biết chiều sâu và bến bờ của nó,

Em là nữ hoàng của vương quốc đó

Ấy thế mà em có biết gì biên giới của nó đâu!”


Đầu bài thơ, thi sĩ đã dùng hình ảnh “biển cả”, đến khổ thơ này, ông lại tạo ra những khái niệm bổ sung: “bến bờ”, “vương quốc”, “biên giới” - tạo ra một hệ thống ngôn ngữ diễn tả một không gian nghệ thuật để nói lên niềm tự hào của người con trai có một tình yêu trong sáng mênh mông.

4. Tình yêu không thể tầm thường và đơn giản. Đâu chỉ là “một phút giây lạc thú” để làm “nở ra thành một nụ cười nhẹ nhõm”, tầm thường, thoảng qua! Tình yêu cũng không phải là sự hèn hạ, van xin, cầu mong một sự “ban ơn”, một sự yếu mềm. Giọt lệ trong, nỗi thương đau, nỗi sầu u ẩn mà người con trai mang lại trong mỗi cuộc tình chỉ là sự hèn hạ mà thôi. Mà đâu chỉ là lĩnh vực tình yêu, mọi sự quỳ lạy, van xin trong ứng xử đều hèn hạ, đáng khinh. Đoạn thơ này mang tính chất “phản đề”, nhiều người viết sách lâu nay đã hiểu không đúng. Chàng trai muốn tâm tình với người yêu là trái tim anh không phải như thế này đâu:

“Nếu trái tim anh chỉ là phút giây sướng vui, nó sẽ nở nụ cười dịu hiền và em sẽ thấu hiểu nó nhanh - Nếu trái tim anh chỉ là nỗi thương đau, nó sẽ tan ra thành lệ trong phản ánh nỗi sầu thầm kín”.

5. Hai đoạn thơ thứ 4 và thứ 5 tương phản đối lập. Từ phủ định đi đến khẳng định. Không nên như thế này mà phải như thế này. Người con trai đã mang đến cho người con gái một tình yêu tuyệt đẹp. Anh tự hào thổ lộ:

“Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu,

Nỗi vui sướng khổ đau của nó là vô biên.

Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu

Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu!”


Trong nguyên tắc: “những gì tình yêu cầu mong” được người dịch thơ viết thành: “những đòi hỏi” dễ làm nhiều độc giả hiểu không đẹp ý thơ. Chàng trai tự hào về trái tim của mình “lại là tình yêu”, tình yêu đích thực, đâu phải thứ “trái tim chỉ là giây phút lạc thú”. Tình yêu của em đã và đang mang đến cho anh bao cảm xúc kỳ diệu, lúc thì vui sướng, lúc thì khổ đau… Tình yêu đâu chỉ toàn vị ngọt? Vui sướng và khổ đau mà tình yêu mang đến là mênh mông, là vô biên. Những cầu mong và sự giàu có mà tình yêu, mà trái tim của chàng trai là bất tận, là trường cửu. Chàng trai cầu mong ở người tình một tình yêu đằm thắm, chân thành và thủy chung. Cầu mong con thuyền tình của anh và em sẽ cập bến bờ hạnh phúc giữa mùa trăng? Nhẹ nhàng thổ lộ và trách móc: gần đấy sao mà xa xôi. Hình như em vẫn chưa hiểu tình yêu của anh đã dành cho em. Phải biết phát hiện sự cầu mong và giàu sang trong tình yêu, Năm dòng cuối là một “tuyên ngôn” đẹp của tình yêu. Thơ tình của Tago mang thêm màu sắc triết lý.

Có biết chiếm lĩnh trái tim người yêu mới thật sự có và được sống trong một tình yêu đẹp, trọn vẹn.

Bài thơ tình số “28” của Tago rất đẹp và sáng tạo trong hình tượng: “đôi mắt buồn, băn khoăn” - “ánh trăng soi vào biển cả” - "viên ngọc và chuỗi ngọc”, “đóa hoa thơm và vòng hoa” - trái tim yêu thương mênh mông… Ý tưởng phong phú và sâu sắc: cái ngần ngại, băn khoăn của thiếu nữ trong mối tình đầu; sự chân thành, say đắm, nồng nàn, khát khao trong tình yêu của chàng trai. Không thể tầm thường, đơn giản trong tình yêu. Bài thơ tình còn là một sự đúc kết, chiêm nghiệm: Yêu là tìm kiếm, là phát hiện và chiếm lĩnh. Tình yêu là sung sướng và khổ đau, là thiếu thốn và giàu sang, gần mà xa, xa mà gần. Phải biết phát hiện để chiếm lĩnh tình yêu, có thế mới thật sự đi tới mái ấm hạnh phúc trong tình yêu đôi lứa.

Cũng như “Biển” của Xuân Diệu, “Sóng” của Xuân Quỳnh, “Tôi yêu em” của Puskin,… bài thơ này của Tago không thể thiếu trong hành trang - tâm hồn “tuổi áo trắng” mộng mơ./.
 
Hướng dẫn làm bài 2

Hướng dẫn làm bài 2

Có thể phân tích bài thơ theo ba đoạn chính: câu 1 - câu 6, câu 7 - câu 16 và câu 17 - câu 21.

A. Tổng

1. Bài thơ không có nhan đề, được đánh số 28, trích trong tập thơ Người làm vườn (The Gardener) tập thơ gồm 85 bài do Tago sáng tác bằng tiếng Bengan và tự dịch sang tiếng Anh năm 1914. Nhà thơ chính là người giữ gìn, vun trồng khu vườn tình yêu, kêu gọi hãy tin tưởng vào cuộc sống và tình yêu, tình yêu giữa con người với con người, với cuộc đời và với thiên nhiên vũ trụ.

2. Đây là bài thơ trữ tình giàu chất triết lý. Tác giả đặt vấn đề (nếu đời anh..., nếu trái tim anh...), rồi nêu phản đề (nhưng em ơi..., nhưng em ơi...) để khẳng định chân lý (nó sẽ trở thành một nụ cười nhẹ nhõm, nó sẽ tan ra tàn lệ trong...).

- Giọng điệu triết lý còn thể hiện trong đoạn cuối của bài thơ (Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu...).

B. Phân

1. Đoạn câu 1 - 6

- Mở đầu bài thơ là hình ảnh đôi mắt được sử dụng như một hình ảnh so sánh và tượng trưng:

Như trăng kia muốn vào sâu biển cả

Đôi mắt có thể ví như ánh sáng kì diệu của trời đất chiếu rọi chốn sâu thăm thẳm của trái tim người, như trăng kia muốn vào sâu biển cả. Trăng lặn xuống biển, hòa nhập vào cõi mênh mông, tỏa ánh sáng lung linh. Chính đó là sự biểu hiện nỗi khát khao hòa hợp tâm hồn.

- Anh đã để cuộc đời anh trần trụi dưới mắt em. Anh không giấu em một điều gì. Nghịch lý xảy ra: cái mà em biết về anh chỉ là cái bề ngoài, còn tận đáy sâu thẳm của hồn anh, con tim anh, em dễ đâu nắm được "chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh".

2. Đoạn câu 7 - 16

Cặp từ nếu - nhưng trong hai câu 7,8 và 9 được sử dụng để khẳng định nguyện ước cao quý của chàng trai là hiến dâng cho người yêu:

Nếu đời anh chỉ là viên ngọc...
(If it were only a gem...)
Nếu đời anh chỉ là một đóa hoa...
(If it were only a flower...)


- Viên ngọc, đóa hoa là những vật vừa quý giá, vừa đẹp đẽ mà tạo hóa ban cho con người. Đời anh cũng đẹp và quý giá như vậy. Nhưng nếu cần làm cho xinh đẹp hơn, quý giá hơn, anh cũng nguyện ước hiến dâng cho em.

Em là nữ hoàng của vương quốc đó

Cái quý giá nhất của chàng trai là một trái tim - một vương quốc mà em là nữ hoàng, người làm chủ nó cũng không thể biết được biên giới của nó. Đây chính là khoảng cách không bao giờ phá vỡ nổi, một đỉnh cao không bao giờ chinh phục nổi của tình yêu.

- Cặp từ nếu - nhưng trong câu 13, 16 và 19 được tiếp tục sử dụng để tiếp tục khẳng định, lý giải những đòi hỏi tưởng như nghịch lý mà ngẫm ra lại rất có lý: trái tim chàng trai có những phút giây lạc thú, chỉ là khổ đau thì người yêu cũng dễ chia vui bằng nụ cười nhẹ nhõm, cũng cảm thông bằng hạt lệ trong.

3. Đoạn câu 17 - 21

Nhưng chàng trai tự biết mình có một trái tim phức tạp hơn nhiều: Trái tim anh lại là tình yêu, trong đó tiềm ẩn mầm mống đối lập, mâu thuẫn vừa sung sức vừa đâu khổ, vừa thiếu thốn, vừa giàu sang. Sự đối lập này mãi mãi tồn tại trong tình yêu, do đó tình yêu đòi hỏi phải thống nhất sự đối lập này như một quy luật. Cho nên, chàng trai khẳng định:

Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy,
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu.

C. Hợp

1. Sự trọn vẹn trong tình yêu là vô hạn. Dù khẳng định:

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu


Tình yêu vẫn luôn khát khao được biết trọn nó. Nếu mỗi người yêu đều biết hướng về cái trọn vẹn để nắm bắt, khám phá, sáng tạo, chính là đạt đến hạnh phúc. Muốn có hạnh phúc trong tình yêu, hãnh nhân lòng tin yêu lên, nhân sự hiểu biết hòa hợp nhau như rót đầy cốc rượu nồng, tà Tago đã từng ví:

Tình yêu là cuộc đời trong trạng thái tràn đầy như cốc rượu chăng?

2. Tuy giàu chất trí tuệ, thơ Tago bao giờ cũng đậm nét trữ tình. Nghệ thuật thơ ông đặc sắc với hình ảnh thơ sinh động, cấu trúc chặt chẽ, thủ pháp tượng trưng, so sánh, ẩn dụ được vận dụng, tạo sức rung cảm mạnh mẽ cho thơ.

Theo Ths. Phạm Ngọc Thắm*


 
Hướng dẫn làm bài 3

HƯỚNG DẪN 3

A. Giới thiệu tác giả và sự nghiệp sáng tác:

1. Tác giả:

+ Là nhà thơ lớn, nhà văn hóa lỗi lạc của Ấn Độ;
+ Tago xuất thân trong một gia đình quý tộc, Tago thông minh, cần cù, hiếu học;
+ Những năm 1902 về sau, gặp nhiều mất mát đau xót (nhiều người thân trong gia đình qua đời);
+ Trong đại chiến thế giới thứ hai, dù bị bệnh ông vẫn sáng tác lên án chiến tranh, bảo vệ hòa bình thế giới;
+ Tago nhà nhân bản chủ nghĩa vĩ đại. (Giaoahaclan Neerru - nhà cách mạng lỗi lạc của Ấn Độ)

2. Sự nghiệp sáng tác:

Sự nghiệp sáng tác của Tago rất đồ sộ. Ông là người đầu tiên ở Châu Á được tặng giải thưởng Noben về văn chương năm 1913 với tập Thơ Dâng (Gitanjali).

Thành tựu xuất sắc của ông là thơ: ông để lại 52 tập thơ. Ngoài Thơ Dâng còn có Người làm vườn (1914), Mùa hái quả (1915), Trăng non (1915), Tặng phẩm của người yêu (1918) và những tác phẩm tiêu biểu.

Tago viết kịch khá sớm, vở kịch đầu tay Sự trả thù của tự nhiên (1883), tiếp đó nhiều vở kịch xuất sắc khác lần lượt ra đời như Vua và hoàng hậu (1889), Lễ máu (1892), Sitra (1914), Xuân tuần hoàn (1922)...Tất cả có 42 vở.

Tago viết 12 bộ tiểu thuyết nổi tiếng. Goorra, Đắm thuyền, Binôdini, ra đời vào những năm 1905 - 1910. Ông còn để lại gần 100 truyện ngắn, hàng trăm ca khúc, hàng nghìn bức họa đang được giữ gìn trong các bảo tàng mỹ thuật.

Những công trình văn học nghệ thuật mà Tago để lại nói lên tài năng và sức sáng tạo vô tận của ông. Tập Thơ Dâng được nhân dân Ấn Độ xem là kỳ công thứ hai của văn học Ấn Độ. Ông xứng đnags là một trong những thiên tài nhân loại thế kỷ XX. Năm 1961, Tổ chức Văn hóa - Khoa học - Giáo dục của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.

B. Phân tích

1. Những nghịch lý muôn đời của trái tim

Nghĩa bài thơ được diễn giải theo tầng bậc từ thấp đến cao, từ cụ thể đến trừu tượng, từ nghĩa thực đến nghĩa triết lý và cảm xúc trong bài cũng được nâng dần theo các tầng nghĩa của bài. Sự đan chéo giữa lời lẽ của một người tình pha lẫn triết gia làm cho ý nghĩa và cảm xúc trong bài thơ càng thêm sâu sắc, cao siêu.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh đôi mắt - cửa sổ tâm hồn. Đôi mắt ấy, dưới con mắt nhà thơ, như ánh sáng kì diệu của trời đất, đang muốn rọi sáng tận đáy sâu của trái tim người yêu,như trăng kia muốn vào sâu biển cả. Đó chính là niềm khát khao hòa hợp tâm hồn, là khát vọng muốn chan hòa và thấu hiểu người mình yêu. Nhưng đôi mắt ấy cũng đủ chứa một nỗi băn khoăn.

Rất chân thành, chàng trai thổ lộ: Anh đã để cuộc đời anh trần trụi trước mắt em, Anh không muốn giấu em một điều gì. Nhưng một nghịch lý xảy ra: Chính vì thế mà em không biết gì tất cả về anh. Vì sao vậy? Bởi vì tất cả những điều em biết về anh đều chỉ mới là cái bề ngoài (ví như ăn mặc, hành động, lời nói...), còn cái đáy sâu thăm thẳm của tâm hồn anh, trái tim anh (những suy nghĩ, cảm xúc) dễ đâu nắm bắt được.

2. Đoạn thơ là những lời nguyện ước thiêng liêng với những hình ảnh, từ ngữ đẹp đẽ, sang trọng. Nhưng cái phần cuộc đời ấy vẫn chỉ là những cái có thể nắm bắt được, dù rất quý giá, cao sang. Một phản đề được đưa ra: cái quý giá nhất của cuộc đời chàng trai lại là một trái tim - một thế giới tinh thần bí ẩn, vô biên, một vương quốc mà em là nữ hoàng, là người làm chủ nó mà cũng không thể biết được biên giới của nó xa gần, rộng hẹp đến đâu. Đây chính là một khoảng cách không bao giờ phá vỡ nổi, một đỉnh cao không bao giờ bị chinh phục của tình yêu. Niềm hòa hợp, đồng cảm dù đẹp đẽ đến đâu cũng không bao giờ trọn vẹn bởi đặc tính này của trái tim con người.

3. Một giả thuyết lại được nêu lên: nếu trái tim chàng trai có những phút giây lạc thú, thì người yêu cũng thông cảm bằng hàng lệ trong.

Nhưng chàng trai tự biết mình có một trái tim phức tạp hơn nhiều: trái tim anh lại là tình yêu. Một trái tim đâu chỉ có những vui sướng, khổ đau dễ chia sẻ, cảm thông, mà bao gồm nhiều đối lập, mâu thuẫn: vừa sung sướng - vừa khổ đau, vừa thiếu thốn - vừa giàu sang, mà tất cả đều vô biên, trường cửu; một thế giới bí ẩn, không giới hạn, không ai có thể đo đếm được.

Bài thơ được kết cấu theo tầng bậc. Ý một: anh xin dâng hiến trọn vẹn cuộc đời anh cho em. Ý hai: không bao giờ em có thể chiếm lĩnh trọn vẹn trái tim anh. Hai ý này ngày càng được bổ sung ở mức độ cao hơn trong những lập luận của toàn bài.

Sự đối lập giữa khát vọng giãi bày, dâng hiến, chan hòa vào tâm hồn người yêu và cái bí ẩn không gì khám phá nổi của trái tim là những đối lập tồn tại mãi mãi trong tình yêu. Sự hòa hợp trọn vẹn trong tình yêu là điều không thể đến, nhưng tình yêu luôn khao khát cái trọn vẹn ấy.

Nếu mỗi người đang yêu đều biết hướng về cái trọn vẹn để nắm bắt, dựng xây, điều đó sẽ đem đến hạnh phúc trong tình yêu.

Phải chăng đây là triết lí tiềm ẩn của thơ tình Tago?

Nghệ thuật:

Sức mê hoặc, quyến rũ của nghệ thuật bài thơ 28:

Bài thơ là một hệ thống tầng tầng lớp lớp những hình ảnh tượng trưng và so sánh: đôi mắt em muốn nhìn...như trăng kia muốn vào sâu biển cả (sự khao khát hòa hợp, thấu hiểu tâm hồn), đời anh là viên ngọc, đóa hoa (những gì đẹp đẽ nhất, quý giá nhất của đời anh), em là nữ hoàng của vương quốc đó (em là người làm chủ trái tim anh), em có biết gì biên giới của nó đâu (cái bí ẩn vô biên của trái tim anh)...Hệ thống những hình ảnh tượng trưng, so sánh này làm cho những hình ảnh tình yêu, cả tâm hồn, của trái tim người đang yêu được mỹ lệ hóa, lung linh những sắc màu huyền diệu. Bài thơ mang tính chất mê hoặc vì lẽ đó.

C. Kết luận:

Đây là một bài thơ trữ tình giáu chất triết lý. Chất triết lý của bài thơ thể hiện trên nhiều bình diện: đó là những lập luận, đưa ra giả thuyết rồi phản bác lại với những mẫu câu lặp lại: nếu...chỉ là...nhưng....Sự vật của đời sống không chỉ được nhìn nhận theo một chiều mà luôn đặt trong sự nghi vấn để tìm sự thật cuối cùng. Nhà thơ hướng về cái vô hạn của vũ trụ (biển cả - vương quốc) để xác định giới hạn, bản chất của thế giới tâm linh...

Trong giấc mơ anh là hoàng đế
Anh mất ngai vàng mỗi lần tỉnh dậy

(Shakespeare)

Khi Tônxtôi viết Anna Karêna thì tất cả cho rằng bí mật của đàn bà đã được khám phá, không còn gì để nói nữa. Đến Sôlôkốp viết Sông đông êm đềm với người đàn bà Côdắc Acxinhia thì cả thế giới cho rằng bí mật của đàn bà mới được khám phá! Con Tago? Hiểu đàn bà như thế này cũng đã tận cùng:

Nếu trái tim anh chỉ là một phút giây lạc thú,
Nó sẽ nở ra thành một nụ cười nhẹ nhõm
Và em thấu suốt rất nhanh.


Nhưng không phải là trái tim của lạc thú, cũng chẳng phải là trái tim của khổ đau, mà là trái tim tình yêu làm cho em phải hoang mang:

Nhưng em ơi, trái tim anh lại là tình yêu
Nỗi vui sướng khổ đau của nó là vô biên
Những đòi hỏi và sự giàu sang của nó là trường cửu


Không một gã triệu phú nào biết sử dụng hết sự giàu có như tình yêu. Làm sao biết tiêu đến giọt tài sản cuối cùng rồi phút chốc trở nên giàu có? Chỉ có phép màu của sự sống.

Cuối cùng, nhà thơ an ủi, vỗ về nhưng cũng không thể né tránh được điều bí mật này:

Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy
Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu


Tago cũng như triết lý Ấn Độ rất thích luận về bí mật của vũ trụ, của sự sống. Trái tim, biểu tượng của tiểu vũ trụ cũng đầy bí mật như đại vũ trụ. Cách làm cho trái tim đập cũng là cái làm cho bông hoa nở. Vậy mà mấy ai biết đứng trước trái tim con người như đứng trước bông hoa nở!

Theo Ths. Phạm Ngọc Thắm*
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top