• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Phân tích bài thơ Ông đồ - Vũ Đình Liên

Thandieu2

Thần Điêu
PHÂN TÍCH BÀI THƠ ÔNG ĐỒ - VŨ ĐÌNH LIÊN



ÔNG ĐỒ
(Vũ Đình Liên)

Sáng tác của Vũ Đình Liên là sự hoà quyện của hai nguồn cảm hứng: “Lòng thương người và tình hoài cổ” (Hoài Thanh).Tình hoài cổ khiến thơ ông có cái bâng khuâng tiếc nuối những truyền thống văn hoa mờ nhạt dần, những bi kịch “biết tìm đâu” “cảnh xưa rực rỡ trăm màu” (Hồn xưa). Còn lòng thương người khiến câu chữ như động cựa bởi nỗi xót xa trước những cảnh “thân tàn ma dại”. “Ông đồ”-một trong những bài thơ nổi tiếng của Vũ Đình Liên chính là sự thăng hoa của hai nguồn cảm hứng này.

Mỗi dịp tết đến xuân về, người Việt xưa thường có thói quen xin chữ để gửi gắm những mong ước, khát vọng cho năm mới. Đó là chữ nho, thứ chữ tượng hình giàu ý nghĩa. Học, hiểu được chữ nho đã khó, viết được cho thật đẹp lại càng khó hơn. Người có hoa tay, viết chữ mà tưởng như vẽ bức tranh. Đầu thế kỉ XX, trên các phố phường Hà Nội còn lưu giữa lại hình ảnh những cụ đồ nho cặm cụi đậm tô từng nét chữ “tròn, vuông tươi tắn” (chữ dùng của Nguyễn Tuân) trên giấy điều để bán cho dân Hà Thành đón Tết. Hình ảnh ấy đã in sâu vào tâm trí Vũ Đình Liên và hiện hình thành bức tranh thơ giản dị mà sinh động:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Trên phố đông người qua


Cấu trúc “mỗi...lại” cho ta thấy sự lặp đi lặp lại đã trở thành nếp, thành quy luật quen thuộc. Hoa đào từ lâu đa xtrơe thành sứ giả báo tin xuân. Bởi vậy nói “hoa đào nở” cũng là nhắc ta cái thời khắc chuyển giao thiêng liêng giữa năm cũ và năm mới đang đến gần. Cứ khi hoa đào nở là lại thấy ông đồ già xuất hiện cùng mực tàu, giấy đỏ bên phố nhộn nhịp người đi lại sắm tết.Lời thơ từ tốn mà chứa bao yêu thương. Dẫu chỉ chiếm một góc nhỏ thôi “trên phố” nhưng trong bức tranh thơ này, ông đò lại trở thành tâm điểm. điềm đạm và lặng lẽ, ông đồ hoà nhập vào sự náo nức, rộn ràng của cuộc đời bằng chính những cái quý giá nhất mà ông có. đoạn thơ hai mươi chữ giới thiệu được trọn vẹn không gian, thời gian, nhân vật, tạo tiền đề cho câu chuyện tiếp tục ở những khổ thơ sau:

Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay.

từ phố đông, không gian được thu hẹp lại quanh chỗ ông đò ngồi viết chữ.Câu thơ ấm ran sự sống bởi từ chỉ số lượng có tính chât phiếm định “bao nhiêu” và tính từ “tấm tắc”biểu đạt sự thán phục, ngợi cn, trân trọng. Ngươì xưa quan niệm chữ nho là thứ chữ thánh hiền. Học chữ ấy không phải đê kiếm sống mà mục đích cao nhất là để làm người, để có thể phò vua, trợ nước, giúp đời. Đầu thế kỉ XX, tình hình đất nước Việt Nam có sự biến động sâu sắc trên mọi lĩnh vực.Tình trạng “Âu học chưa vin được ngọn ngành mà Hán học đã đứt cả cội rễ” rồi khoa thi cuối cùng của triều đình phong kiến đã làm tiêu tan bao giấc mộng vinh quy bái tổ của các đệ tử của Khổng sân Trình. Để tìm kế sinh nhai, họ chỉ còn một cách duy nhất là đi bán chữ như hoàn cảnh của ông đồ trong bài thơ. Dẫu việc đánh đổi chữ thánh hiền để lấy miếng cơm manh áo chỉ là việc cùng bất đắc dĩ, chẳng phải vui sướng, danh giá gì nhưng cái tấm tắc ngợi khen của người đời cũng an ủi được phần nào nỗi niềm của những kẻ sinh bất phùng thời.Họ súm sít thuê ông viết chữ, trầm trồ trước cái tài hoa của ông cũng có nghĩa là còn biết trân trọng tài năng và cái đẹp.Hai câu tiếp theo, nhà thơ miêu tả cận cảnh, đặc tả nét bút tài hoa của ông đồ:

Hoa tay thảo những nét
Như phượng mua rống bay


Câu thơ gợi ta nhớ đến một hình ảnh tương tự mà Đoàn Văn Cừ ghi lại được trong phiên chợ tết:

Một thầy khoá ò lưng trên cánh phản
Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân


Người đọc tưởng như nhìn thấy trước mắt bàn tay có những ngón thon dài nhỏ nhắn của ông đồ uốn lượn cây bút.Theo đà đưa đẩy của bút lông từng nét chữ còn tươi màu mực dần dàn hiện ra mềm mại như “phượng múa rồng bay”.Dường như trongnét chữ ấy ông đồ gửi gắm tất cả cái anh hoa, khát vọng và lí tưởng của mình.Chính linh hồn và tâm huyết của người đã làm con chữ sống dậy.Câu thơ của vũ Đình Liên như cũng muốn bay lên với niềm hân hoan trong thời kì hoàng kim của ông đồ.

Nếu cứ tiếp tục nhủ thế thì nhà thơ cũng chẳng có gì để nói. Bất ngờ là đặc trưng cảu cuộc đời. Khổ thơ thứ ba bắt đầu bằng một từ “nhưng” dự báo biết bao thay đổi:

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?

Hai từ “mỗi” điệp lại trong một câu thơ diễn tả bước đi cảu thời gian.Nếu như trước đây : “Mỗi năm hoa đào nở” lại đưa đến cho ông đồ già “bao nhiêu người thuê viết” thì giờ đây “mỗi năm” lại “mỗi vắng”. Nhịp đi của thời gian bao hàm cả sự mài mòn, suy thoái.Thanh “sắc” kết hợp với âm “ắng” khép lại câu thứ nhất như một sự hẫng hụt, chênh chao, như đôi mắt nhìn lên đầy băn khoăn. Để rồi một cách tự nhiên, câu thứ hai phải bật ra thành câu hỏi: Những người thuê ông đồ viết chữ khi xưa nay đâu cả rồi? Câu hỏi buông ra không bao giờ có lời đáp nên cứ chạp chớn, cứ ám ảnh mãi. Người thuê viết không còn, giấy đỏ, mực thơm không được dùng đến nên :

Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu


Nỗi buồn của con người khiến các vật vô tri vô giác cũng như buồn lây. Mực ssầu tủi đọng lại trong nghiên, giấy điều phôi pha buồn không muốn thắm.Biện pháp nhân hoá góp phần nhấn mạnh tâm trạng của con người. Bởi chẳng phải mực và giấy là những đồ vật gắn bó thân thiết nhất với ông đồ hay sao? Quả là:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu
Người buồn cảnh có vui đau bao giờ
(Nguyễn Du-Truyện Kiều)


` Nếu như trước kia, sự xuất hiện của ông đồ làm không gian và lòng người thêm náo nức.Người ta đón nhận ông bằng tất cả sự trân trọng, kính yêu. Thì giờ đây:

Ông đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay

“Vẫn ngồi đấy” nghĩa là ông vẫn đến theo tín hiệu của hoa đào, vẫn “bày mực tàu giấy đỏ” trên con phố dông người lại qua sắm tết. Ông chờ đợi cái súm sít, tấm tắc của người đời nhưng đáp lại chỉ là sự thờ ơ đến đáng sợ. Nghệ thuật đảo ngũ cùng kết hợp phủ định “không ai” thể hiện rõ nét cái lạnh lùng, thờ ơ, vô cảm đến đáng sợ cảu người đời. Họ cứ đi lại, vui vẻ nói cười mà không có chút ý thức nào về sự tồn tại của ông đồ. ông đã bị họ lẵng quên, bị đẩy ra bên lề cuộc sống. Tình cảnh của ông đồ có khác gì những ông cống, ông nghề trong thơ Tú Xương:

Nào có ra gì cái chữ nho
Ông nghè ông cống cũng nằm co

Đã đau đớn chôn vùi giấc mộng vinh quy, bán dần chữ thánh hiền để kéo dài thêm kiếp sống vậy mà lại bị lãng quên ngay trong lúc đang còn tồn tại. Câu thơ có cái già đắng đót cho bi kịch được nhân tới hai lần của ông đồ. Người đọc bỗng nhói lòng bởi dáng ngồi như hoá đá của ông giữa một trời mưa bui bay bay và những chiếc lá vàng đậu trên trang giấy:

Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Ai đó đã nói: Khi con người lui bước thì thiên nhiên chế ngự. Bởi không còn được dùng đến, bởi sự chờ đợi trong yên lặng quá lâu nên lá vàng tha hồ thả mình trên giấy. Ở đây cũng là mưa xuân nhưng nó không “phơi phới bay” như trong thơ thi sĩ lãng mạn Nguyễn Bính sau này. Ông đồ hình như cứ bị chìm lấp, mờ nhạt dần trong màn mưa. Để rồi đến khổ cuối thì bóng hình ông hoàn toàn không còn nữa:

Năm nay hoa đào nở
Không thấy ông đò xưa

Khổ thơ chơi vơi trong cảm giác thiéu vắng, mất mát. Hoa đào vẫn nở, một năm mới lại đến nhưng không còn đượng vẹn nguyên như xưa nữa. Ngôn ngữ thơ có sự chuyển đổi tinh tế từ “ông đò già” đơn thuần chỉ tuổi tác thành “ông đồ xưa”, biến nhân vật vĩnh viễn thành ‘cái di tích tiều tuỵ, đáng thương của một thời tàn” (lời Vũ Đình Liên). Văn minh, Âu hoá kông chấp nhận ông, không cho ông một con đường sống nên ông phải lỗi hẹn với hoa đào.
Bài thơ khép lại bằng tiếng “gọi hồn” thao thiết của tác giả:

Những người muôn năm cũ
Hồn ở đau bây giờ?

“Những người muôn năm cũ” ấy là ai?Là ông đồ, là những ngơừi thuê ông đồ viết chữ hay là một thời đã đi qua nay chỉ còn “vang bóng”(chữ dùng của Nguyễn Tuân)? Dãu là gọi ai thì câu thơ cũng kết đọng bao tiếc nuối, xót xa cho sự phôi pha, tàn tạ của những nét đẹp trong văn hoá cổ truyền của dân tộc.Nhà thơ gọi để tiêc nuối và gọi để thức tỉnh hãy giữ lấy những giá trị truyền thống ngàn đời mà cha ông đã bao công bồi đắp. Tiếng gọi hồn ấy có giống với tiếng gọi đò u hoài của ông Tú Thành Nam vang trên sông Lấp khi xưa không?

Sử dung thể thơ ngũ ngôn và ngôn ngữ gợi cảm, giàu sức tạo hình, Vũ Đình Liên đã khiến cho tác phẩm của mình có dáng dấp một câu chuyện, kể vè cuộc đời một ông đò từ lúc còn được người đời trân trọng, cảm phục tới khi bị lãng quên. Qua hình tượng ông đồ, tác giả đã bày tỏ thật xuất sắc “lòng thương người” và “tình hoài cổ” của mình.

Sưu tầm
 
Tôi nhớ mãi câu nói của họa sĩ Hà Lan Van-Gốc: “Không có gì nghệ thuật hơn bản thân lòng yêu quý con người”. Đó là chân lý của cuộc sống, và cũng là chân lý của thi ca. Cho đến khi đọc những dòng thơ giản dị chân thành của Vũ Đình Liên, tôi lại càng cảm nhận sâu sắc hơn bao giờ chân lý vĩnh cửu và xanh tươi ấy.

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua

Bao nhiên người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
"Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay"

Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu?
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu...

Ông Đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bay giờ?

Vũ Đình Liên không phải là một tác giả lớn trong phong trào “thơ mới”. Nhưng giữa bao nhiêu cõi rộng mở, thiết tha, rạo rực băn khoăn, hay quê mùa. ảo nảo, hùng tráng và trong sáng của biết bao hồn thơ, ta vẫn thấy nhẹ nhàng, dung dị, sâu sắc một Vũ Đình Liên, một chất thơ đượm tình hoài cổ. Chính nhà thơ đã tự bộc bạch cho mình:

“Lòng ta là những thành quách cũ
Ngàn năm vẫn vọng tiếng loa xưa”

Vũ Đình Liên không đi vào những sắc màu lộng lẫy, những rung động ngàn cung bậc khác nhau của thiên nhiên và của tình yêu đôi lứa. Người thường đi sâu vào tâm hồn mình, tâm hồn u trầm đắm đuối trong một mối trăn trở lớn lao về thời đại, về số phận con người. Đọc bài thơ “Ông Đồ”, ta cảm nhận được tất cả những lo lắng mơ hồ, cảm nhận tâm sự bơ vơ của nhà thơ và cao hơn hết là một tình người lớn lao bap trùm cả không gian và thời gian. Nhẹ nhàng, tinh tế và sâu lắng, nhà thơ đưa ta vào một thế giới của riêng mình. Và cứ mỗi khi bước vào thế giới “gợi” nhiều hơn “thực” ấy, tôi lại thấy hiện ta biết bao nhiêu gương mặt thân quen, hiện ra biết bao biết bao năm tháng cuộc đời. Tôi nhớ đến đôi câu đối giấy đỏ trên bàn thờ tổ tiên, trong căn nhà cũ của bà ngoại tôi đã từ thời lâu lắm: tôi nhớ những bức tranh thủy mặc Trung Quốc của một họa sĩ nào đó mờ sương khói, nhớ cái tươi mát thiết tha của thơ Tản Đà, nhớ những chiều mùa thu se lạnh nhiều lá rơi với nỗi buồn man mác…Tại sao bài thơ lại có thể gợi nhiều đến thế? Có lẽ tại bài thơ đã viết bằng tất cả lòng mình, bằng tâm hồn của dân tộc, bằng cảm nhận riêng tư thiết tha và mới mẻ với một cuộc sống tưởng chừng như đã cũ. Không hiểu sao tôi lại hình dung đến một dòng sông đang lặng lẽ chảy, mặt nước phẳng lặng, sáng ngời lên giữa không gian cô quạnh đơn sơ…dòng sông ấy mang một sức sống diệu kì trong sâu thăm thẳm, sông chảy về quá khứ mà không lãng quên sông của tâm tư, cuộc sống, con người.

Vũ Đình Liên đứng giữa buổi giao thời, khi xã hội Việt Nam đang rung chuyển trong một sự thay đổi lớn lao. Đất nước mấy ngàn năm phong kiến với bao nhiêu tư tưởng, bao nhiêu lối sống, tập tục khác nhau và một nền văn hiến vô cùng đẹp đẽ. Trong không khí chung, người ta bước vào thời đại mới không một chút suy nghĩ suy toan tính. Tự do cá nhân , tình yêu đôi lứa, lối sống “văn minh” hào hứng vẫy gọi con người, hứa hẹn biết bao thay đổi lớn lao. Chỉ có những con người, những nhà thơ như Vũ Đình Liên tìm đến với một cái gì sâu lắng, tìm đến với cái mạch ngầm bên trong của cuộc đổi thay rất đúng quy luật ấy: đó là nỗi đau. Bài thơ “Ông Đồ” có thể là một thứ thơ kiếm tìm băn khoăn của cả một đời người , có thể là điểm gặp nhau bừng sáng của một đời người . có thể là điểm gặp nhau bừng sáng của sư việc vơi tâm hồn trăn trở, chứ quyết không phải là một chút tinh hoài cổ tầm thường. Vũ Đình Liên đã truyền đạt trọn vẹn rung động trong trái tim mình trước hình ảnh “ông Đồ” đến trái tim ta, đến tất cả cùng cảm nhận sâu sắc hiện thực những năm 30 ấy:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu lá đỏ
Bên phố đông người qua

Hình ảnh ông đồ gắn liền với mùa xuân , với bông hoa đào nở tươi mới và trong sáng gợi cho ta một cảm giác thật ấm cúng, thiên liêng.Xung quanh ông dàn ra một không gian nho nhỏ, giản dị và mỏng manh nhưng mang một chất đậm đà nồng nàn khó tả: bút nghiên mực và giấy hồng điều thân quen. Chỉ bằng vài nét đơn sơ, nhà thơ đã khắc họa chân dung ông đồ già với tất cả vẻ đẹp cao khiết, thanh tao đượm một tâm tình của người già - tâm tình ấy không nói mà bộc lộ bằng hành động, những hành động được phác vẽ như đơn sơ vô tình mà thấm đượm cả buồn vui của một đời người. Ấn tượng đầu tiên của ta với bài thơ là màu hồng tươi thắm của hoa, của giấy, màu đen của mực tàu sóng sánh…phải chăng đó là sắc đậm của tâm hồn nhà thơ ?

Hình ảnh ông Đồ được khắc họa suốt bài thơ với những bối cảnh khác nhau. Những tâm trạng khác nhau của Vũ Đình Liên. Ngoài hiện thực cuộc sống kia, dòng đời trôi náo động có thể có rất nhiều ông Đồ như thế. Có thể là một nhà thơ thất nghiệp lỗi thời, một ông đồ nghèo đi “bán chữ” để kiếm thêm cho cuộc sống chật hẹp của gia đình, và cho tới khi chữ Nho đã thực sự hết thời, thì xoay sang nghề khác kiếm sống….Cuộc sống đắng cay âm vang vào tác phẩm dư vị đắng cay; nhưng tràn đầy, nó bao phủ và hòa quyện vào nó là tình thương mến vô bờ đối với cuộc sống con người. Mở đầu bài thơ là hình ảnh ông đồ với không gian riêng, thế giới riêng hài hòa trong cảnh phố phường đông đúc “ông đồ” không phải là trọng tâm bật nổi dòng đời, nhưng là một phần thiêng liêng , một phần ái mộ không thể nào thiếu được. Câu thơ nhẹ nhẹ như bước chân hư vô, đầy vẻ khách quan nhưng gợi lại cho ta tâm trạng sâu kín trong lòng tác giả. Đã hơn một lần, đã nhiều lần nhà thơ gặp, nhớ và suy tư. Theo dòng tâm trạng nhà thơ, ta gặp một thế giới khác hẳn, một thế giới phủ mờ sương khói cách biệt hẳn với ngày thường. Trong ấy, ông đồ vẫn im không nói, không một chút thở dài, không một ánh nhìn tư lự…chỉ có tình cảm của nhà thơ làm nên bức tranh sâu lắng tình người. Ở đó, không gian, thời gian như ngưng đọng lại trong sự yên tĩnh đến vô biên. Câu thơ chùng xuống, nhịp thơ vẫn buồn tẻ nhưng hồn thơ cay đắng xót xa..

Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay

Nhà thơ đã dùng một chút cái động để nói đến cái tĩnh đến không cùng. Một chút lá vàng rơi nhẹ, một cái gì vừa lìa khỏi, vừa mất đi và chìm xuống cõi sâu lắng không bao giờ vươn dậy nổi nữa. Cũng là lá rơi nhưng Bích Khê miêu tả cái xôn xao, cái dâng trào không mất:

Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng
Vàng rơi…vàng rơi…thu mênh mông

“Lá vàng” của Vũ Đình Liên không bay
“Mưa bụi” của Vũ Đình Liên không phơi phới rộn ràng, mưa bụi phủ lên cuộc sống một bức màn hiu quạnh, thấm tháp một nỗi buồn sâu xa. Bức tranh thiên nhiên cuộc sống nặng trĩu tâm tình của nhà thơ và tất cả những tâm tình ấy được truyền vào trái tim ta như một ý niệm, một tình cảm với hình ảnh “ông đồ”. Nói rõ hơn, đso chính là bức tranh nội tâm của nhân vật chính, hình ảnh trữ tình chính của bài thơ. Nỗi buồn, nỗi nhớ của Vũ Đình Liên đậm đà chất suy tư và mang nặng cái hồn của một quá khứ xa xưa. Ta thoáng gặp một chút gì rất gần như thế, đại loại:

“Tôi nhớ mẹ tôi thuở thiếu thời
Lúc người còn sống tôi lên mười
Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội
Áo đỏ người đem trước đậu phơi”

Cũng giống như Lưu Trọng Lư, nhớ về người mệ và một tuổi thơ tươi đẹp, Vũ Đình Liên hướng về quá khứ, buồn nỗi buồn của một thời đã qua và nâng niu con người đẹp đẽ đã đi vào dĩ vãng nhưng vẫn sống mãi với phẩm chất và ân tình sâu nặng của chính mình
Bài thơ “Ông đồ” không chỉ viết về ông đồ. Ngoài hình ảnh ông đồ bao thương mến dành cho kiếp người, ta còn gặp hình ảnh song đôi: nghiên mực và giấy đỏ. Mở đầu bài thơ, ông đồ “bày mực tàu giấy đỏ” rồi ”giấy đỏ buồn không thắm”, không gian vĩnh viễn quanh con người. Nhà thơ đã khắc những nét đậm nhiều khi còn đậm hơn bản thân hình ảnh “ông đồ”, nhiều khi choáng hết cả hình ảnh “ông đồ”:

“Hoa tay thảo những nét
Như phượng múa rồng bay”

Câu thơ đang chật hẹp bỗng hồn nhiên mở rộng, cho mùa vào cái tráng khí tài hoa của con người. Đành rằng “phượng múa rồng bay” là một hình ảnh có tình ước lệ, nhưng nó là phát hiện của nhà thơ, nó hài hòa trong mạch cảm xúc bình dị của “ông đồ” và cho đến khi ta ngẫm suy kĩ lưỡng, nó bỗng bật lên ánh sáng chói ngời. Cái trăn trở suy tư sầu não cả cõi đời của Vũ Đình Liên, phải chăn là đây, là tập trung ở “nét chữ” này?

Không chỉ có Vũ Đình Liên đặt vấn đề “nét chữ”, cùng thời ấy, người ta thầm cảm phục, tôn thờ một “chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân. Con người tài ba đã dồn hết tâm lực vào đầu ngọn bút, dồn cả chí mình, đức minh, dồn cả sự từng trải với đài vào nét chữ vuông vắn mạnh mẽ tươi rói trên cái nên tinh khiết nguyên sơ. Chữ ấy cũng chỉ tùy người mà trao gửi. Người tử tù của Nguyễn Tuân, bằng nét chữ mình, trao gửi cái “thiên lương”. “Ông đồ già” của Vũ Đình Liên trao gửi cho ta điều gì đây? Phải chăng là mộ sự xót chua cay đắng với cuộc đời? Cũng có thể. Nhưng cái lớn lao hơn, cái làm nên ánh sáng cho bài thơ, làm nên tầm tư tưởng sâu sắc của Vũ Đình Liên , đó là sự băn khoăn trăn trở về tài năng và số phận con người. Đó là nỗi băn khoăn về con người và một thời gian đã qua, con người với những giá trị mình sáng tạo ra, những giá trị đẹp đẽ gắn bó không thể tách rời được. Bài thơ khép lại bằng tâm trạng nhớ thương:

“Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Trở lại với mùa xuân, với hoa đào nở, nhà thơ gieo vào lòng ta sự hụt hẫng gần như là một nỗi đau. Cái trống vắng của bức tranh không còn giấy đỏ mực tàu đằm thắm, không còn ông đồ, chỉ còn lại vài nét đơn sơ của hoa đào sao mà nhạt nhẽo lạnh lùng đến thế! Thay vào đó là cái tình của nhà thơ: “Hồn ở đâu bây giờ?” cái tình tan loãng vào vô biên, vẫn vương một niềm thương tiếc. Nhà thơ chẳng còn bao giờ thấy lại ông đồ. Chỉ còn tâm hồn, hồn người mãi mãi tìm nhau. Chỉ còn lại một nỗi đau thương to lớn như hại trai kết đọng một đời thơ, đó là nỗi đau thương về số phận con người. Vũ Đình Liên đã cảm nhận nỗi đau của mọi người xung quanh bằng những dây thần kinh phong trần, đã truyền đến với chúng ta tín hiệu của sự mất mát đau thương, tuy không kịp, không hề giúp cho chúng ta cứu lấy nhau trong thời đại ấy, những sẽ là tiếng nói nhân văn đẹp đẽ chọi mọi người mọi thời.
Trong văn học, bao giờ số phận con người cũng là mối quan tâm sâu sắc của nhà văn. Không có điều gì thuộc về cuộc sống con người không làm cho nhà văn suy nghĩ, bởi vì mỗi phút gây con người đang sống và sẽ sống có biết bao sự đe dọa, bao nhiêu hình ảnh của sự mất đi. Văn học có trách nhiệm giữ gìn cho hạnh phúc của con người, giữ cho cái đẹp , tình yêu và đạo đức chiến thắng bóng đêm và làm cho chúng ta rực rỗ như mặt trời không bao giờ tắt. Văn học phải giữ gìn cho ước mơ hoài bãi của con người, giữ gìn cho tâm hồn người bất tử. Chúng ta đã đọc những dòng thơ đẹp đẽ về cuộc sống được viết nên bằng khát vọng của nhà thơ:

“…Dưới cánh buồm làn nước xanh như ngọc
Trên bầu trời nắng vàng ruộm từng không
Nhưng buồm day dứt đời bão tố
Dường trong bão tố có bình yên”
(Cánh buồm – Lecmantop)

“Ông Đồ” của Vũ Đình Liên quả là một giọt nước trong biển cả, là một nét đơn sơ nhỏ bé trước bao nhiêu thành tựu lớn lao của văn học thế giới và văn học nước nhà. Nhưng đã hòa trong một biển “giọt nước” của nhà thơ Vũ Đình Liên vẫn mặn mà mà nồng thắm, vẫn âm vang nhịp đập thủy triều…Bài thơ nói về số phận con người, bài thơ nhắc nhở ta trong công cuộc đỏi thay to lớn ngày nay: hãy giữ gìn con người, giữ gìn tình thương và giá trị đẹp đẽ của con người để không bao giờ phải xót xa và luyến tiếc.

Đỗ Thị Khánh Phương
Trường THPT Trần Phú, Hải Phòng – Giải nhì
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top