Phân tích bài thơ Mẹ Tơm - Tố Hữu

ButNghien

Học tập suốt đời!
Thành viên BQT
Xu
46
PHÂN TÍCH BÀI THƠ MẸ TƠM - TỐ HỮU




* Những bà mẹ có vị trí đặc biệt quan trọng trong thơ Tố Hữu : thông qua hình tượng người mẹ, người đọc có thể nhận ra chất ân tình ngọt ngào sâu lắng của thơ Tố Hữu.

Hầu như trong tập thơ nào của Tố Hữu cũng có những bà mẹ được khắc họa bằng những chi tiết cảm động khó quên : Bà má Hậu Giang (tập thơ Từ Ấy); bà Bầm, bà Bủ, Bà mẹ Việt Bắc (tập thơ Việt Bắc)... Những người mẹ gắn bó với cách mạng, kháng chiến, tình cảm chân thành giản dị, được thể hiện trong thơ Tố Hữu rất đẹp và rất tự nhiên, sáng ngời phẩm chất bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong số những bà mẹ ấy, nổi lên hình ảnh mẹ Tơm trong bài thơ cùng tên. Tiếng gọi "Mẹ Tơm" là tấm lòng củaq một đứa con cách mạng trong ngày về thăm mẹ. Ân tình riêng cũng là thái độ biết ơn chung của cách mạng, của Đảng với những quần chúng cách mạng trung kiên âm thầm hy sinh cho sự nghiệp lớn.

* Bài thơ ra đời trong không khí cả miền Bắc bắt tay xây dựng chủ nghĩa xã hội, năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961 -1965). Đồng thời, miền Nam chuyển sang giai đoạn đấu tranh vũ trang. Hòa trong niềm vui chung đó, bài thơ cũng thể hiện rõ nét không khí , bước chuyển của thời đại.

Mạch thơ đằm thắm, tự nhiên theo dòng cảm xúc của nhà thơ, là tấm lòng đến với tấm lòng tạo ra âm hưởng đồng điệu trong tâm hồn người đọc. Là sự minh chứng rõ nét quan niệm thơ của Tố Hữu "thơ hay là thơ đọc lên không còn cảm thấy câu chữ, chỉ còn cảm thấy tình người..."
Bài thơ mở đầu "không chỉ là âm vang của sóng, của gió mà là âm vang của một tấm lòng"(Tố Hữu) :
Tôi lại về quê mẹ nuôi xưa
Một buổi trưa nắng dài bãi cát
Gió lộng xôn xao, sóng biển đu đưa
Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát

Đứa con về với mẹ, biết bao bồi hồi xúc động. Chúng ta cảm nhận được ngay nỗi niềm tác giả từ tiếng tôi rất đỗi riêng tư. Ngày xưa đã về, ngày nay lại về. Một chữ lại gợi lên biết bao là nhung nhớ. Không gian hiện ra thật tươi sáng rực rỡ cùng nắng trưa, gió và sóng biển. Không gian cảnh vật cũng là không gian tâm trạng rất náo nức, rất bồn chồn như chính nhà thơ đang trên đường về với mẹ. Đó là cảm xúc quen thuộc ta từng gặp trong thơ Chế Lan Viên :
Cho con về gặp lại mẹ yêu thương
và : Con với mế không phải hòn máu cắt
Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi
(Tiếng hát con tàu )

Trời đất trong một ngày mới thật êm ả, thanh bình. Lòng người như đang ngất ngây trong niềm vui bất tận mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát. Hòa cùng gió xôn xao, sóng đu đưa là âm vang ngân nga như bản hòa âm của tình người đằm thắm thiết tha. Không vui sao được, khi quay về mảnh đất quê hương, quay về với những ân tình đắng ngọt một thời, với "mây của ta, trời thắm của ta" (Tố Hữu). Đáng tự hào lắm chứ !
Đến khổ tiếp theo, mạch thơ lắng sâu trong giọng suy tưởng như nối liền quá khứ - hiện tại :
Mười chín năm rồi. Hôm nay lại bước
Đoạn đường xưa cát bỏng lưng đồi
Ôi có phải sông bồi thêm bãi trước
Hay biển đau xưa rút nước xa rồi

Câu thơ đầu của khổ thứ hai như chia đều hai khoảng thời gian bằng dấu chấm ngắt giữa dòng. Một bên là mười chín năm - một bên là hôm nay. Giữa hai khoảng thời gian ấy dường như ký ức vẫn vẹn nguyên kỷ niệm buổi đầu tiên. Chao ôi là thương nhớ ! Chỉ một dòng thơ đã dồn nén bao tâm trạng, cảm xúc. Nhà thơ đang làm một cuộc hành hương "về nguồn", sống cùng ngày đầu vượt ngục tìm mối Đảng. Vẫn như ngày nào, đoạn đường xưa cát bỏng lưng đồi, như không có gì thay đổi trong cảm giác. Có khác chăng là suy tưởng từ câu hỏi vọng về những tháng năm xưa.Con đường nhà thơ lại bước không đơn thuần chỉ là hình ảnh thực của miền quê Hậu Lộc, Thanh Hóa mà đã ẩn chứa một ý nghĩa biểu tượng, khi nhà thơ gắn suy tưởng về chuyện ngày xưa, chuyện hôm nay. Sóng bồi và biển đau xưa đã gắn với nhãn quan về cuộc sống mới, nhãn quan chính trị rất Tố Hữu. Sóng bồi, phải chăng đó chính là ân tình của dân với Đảng trong thời kỳ đen tối, càng lúc càng đầy, để làm nên phù sa trù phú của cuộc sống hôm nay. Cái nhìn trước cảnh vừa quen, vừa lạ, như chứa đựng cảm xúc tự hào về ngày ta làm chủ tương lai.

Nhà thơ đã không kìm nén được lòng mình, thốt lên thành tiếng reo hân hoan chào quê hương xưa. Những địa danh, những cảnh sắc của ngày xưa như cũng đang chào đón bước chân của đứa con xa trở về. Cả một đoạn thơ đậm đặc những tiếng xưng hô chào mời sôi nổi háo hức reo vui. Lúc thiết tha Hòn Nẹ ta ơi ! lúc trìu mến nhớ nhau chăng, lúc gấp gáp mãnh liệt hỡi rừng, hỡi đồi, hỡi những vườn dưa. Nhà thơ trò chuyện với mảnh đất bằng cách gọi nhân xưng hỡi các anh. Niềm vui quá lớn nên giọng thơ không hề che giấu thái độ hồ hởi phấn khởi. Quả thật "khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn" (Chế Lan Viên), nay trở về với mảnh đất xưa, nhà thơ chỉ biết thốt lên những tiếng hân hoan cho thỏa lòng nhung nhớ.
Từ hiện tại quay về quá khứ ,giọng thơ trầm lắng với chuyện của mười chín năm về trước. Hiện lên trong tâm tưởng là hình ảnh làng quê nghèo Hậu Lộc cùng hình ảnh bà mẹ Tơm vụt sáng :
Như đứa con đi biệt xóm làng
Nửa đời bỗng nhớ bóng quê hương
Nhớ lều rơm ướt sương khuya sớm
Bãi vắng đìu hiu lạc dấu đường
Con đã về đây ơi mẹ Tơm
Hỡi người mẹ khổ đã dành cơm
Cho con cho Đảng ngày xưa ấy
Không sợ tù gông , chấp súng gươm

Nỗi buồn và cảnh khổ trong nỗi nhớ dường như càng đậm dấu ấn hơn. "Ăn cơm mới, nói chuyện cũ" vốn là một tâm lý truyền thống của người Việt Nam. Chuyện cũ là chuyện buồn nhưng đáng trân trọng, cảm phục ở tấm lòng người mẹ. Sáng lên giữa đói nghèo tăm tối là sự hy sinh lặng thầm của người mẹ Việt Nam anh dũng. Tố Hữu đang ngậm ngùi nhưng cũng hết sức xúc động trong tâm trạng đứa con xa trở về. Theo bước chân nhà thơ, ta gặp hình ảnh một quê cũ ngày xưa giờ đang bừng tươi trong gió lộng của một ngày mới.

Hình ảnh làng quê Hậu Lộc của hiện tại là sự thể hiện sức sống mới và sự đổi thay toàn diện của đất nước khi được tắm mình trong không khí xây dựng khẩn trương. Nhà thơ hòa cảm xúc vui sướng trước sự thay đổi hết sức tự nhiên.

Cảnh vật đẹp và giàu sức sống với nhà mới, tường vôi trắng là sự tương phản đậm nét với lều rơm ngày trước. Và đây, sóng bồi thêm bãi thuyền thêm bến - Gió lộng đường khơi rộng đất trời là một nét tương phản với bãi vắng đìu hiu lạc dấu đường. Mười chín năm trước, Tố Hữu là một người tù trốn trại. Mười chín năm sau, nhà thơ bước đi trên mảnh đất cách mạng đổi đời, cảm xúc tự hào và cảm nhận bay bổng là một điều dễ hiểu.

Cuộc sống mới không chỉ hiện hình ở bề mặt mà còn được cảm nhận từ nhiều góc độ khác nhau. Đó là sự thay da đổi thịt của làng quê ngồn ngộn sân phơi khoai dát nắng. Trong cách nhìn của Tố Hữu, có phút say mê khám phá vẻ đẹp hiện ra trên chính mảnh đất thân thuộc gắn bó với quãng đời xưa kia. Giữa nền cuộc sống đổi mới ấy là hình ảnh thiếu nữ tràn trề sinh lực đượ phác bằng những nét thơ chắc khỏe :
Ngơ ngác trông quanh lạ mấy lần
Hỏi thăm cô gái má bồ quân
Mái đầu tóc xõa xanh bên giếng
- Vâng, đúng nhà em, bác nghỉ chân

Cô gái như một mầm xuân, sức xuân vươn lên từ mảnh đất đang được xây dựng phát triển từng ngày. Vẻ đẹp má bồ quân chứa đựng cái giòn xinh của cô gái thôn quê và mái tóc xanh như hình ảnh của một đất nước đang trong mùa xuân xanh và tràn trề nhiệt huyết sức trẻ. Sự thay đổi diệu kỳ khiến nhà thơ lạ mấy lần, ngơ ngác chứng tỏ sự thay đổi ấy hết sức lớn lao. Thời gian trong ký ức, với những kỷ niệm ân tình vẫn vẹn nguyên, thế nhưng thực tại trôi qua đã hai mươi năm khiến tác giả ngỡ ngàng. Đoạn thơ ngắt nhịp diễn tả lời đối thoại giữa tác giả và cô gái Hậu Lộc như một thoáng bồi hồi trước sự trưởng thành của một thế hệ. Cũng chính từ đó, cái còn gợi ra cái mất, hình ảnh mẹ Tơm - người đã khuất sống lại mạnh mẽ nhất. Trong thành quả, hạnh phúc, nhớ lại cả một quá trình, ở đó là lòng biết ơn vô bờ bến của nhà thơ với người mẹ Cách mạng.

Ngược thời gian là câu chuyện mười chín năm về trước được kể lại trong mạch suy tưởng trầm lắng như một cuốn phim quay chậm về cuộc đời của người mẹ nghèo khó. Hình ảnh mẹ Tơm được diễn tả bằng những chi tiết tiêu biểu nhất để sáng lên một tấm lòng yêu nước, một lòng vì cách mạng:
Thương người cộng sản, căm Tây Nhật
Buồng Mẹ - buồng tim - giấu chúng con
Đêm đêm chó sủa ... Làng bên động ?
Bóng Mẹ ngồi canh lẩn bóng cồn...
Khổ hơ này đã thể hiện rất đẹp tình cảm của mẹ Tơm với cách mạng. Người Mẹ nuôi giấu cán bộ, tác giả so sánh buồng Mẹ - buồng tim là cách so sánh đắt giá. Ở đó chứa đựng cái lớn lao của tình Mẹ, vượt qua cái cơ cực nhỏ bé của một kiếp người. Bóng Mẹ như hòa cùng nước non, vẻ đẹp có tầm cao và chiều sâu của tấm lòng yêu nước, căm thù giặc sâu sắc.

Mẹ Tơm được khắc họa qua những nét giản dị đời thường nhất nhưng không hề làm giảm đi cái vĩ đại của người mẹ cách mạng này. Một hình ảnh thật đẹp khái quát vóc dáng mẹ :
Bãi cát vàng thau in bóng Mẹ
Chiều về ... Hòn Nẹ... biển reo quanh...

Trong dáng vẻ người mẹ, rực sáng hào quang của tinh thần yêu nước. Có cái thư thái nhẹ nhàng của một người đã hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với cách mạng. Một chữ in như ghi tạc hình mẹ vào lòng đất nước quê hương.

Theo lời kể của Tố Hữu, người đọc như thấu hiểu cả niềm vui và nỗi buồn của mẹ Tơm. Trong cuộc đời của người mẹ anh dũng ấy dường như không có điều gì dành cho riêng mình mà toàn tâm toàn ý cho cách mạng. Mẹ sống cùng quê hương, và quê hương là nguồn vui chia sẻ cùng Mẹ:
Sóng hãy gầm lên, gió thét lên
Triều dâng. Chèo mạnh, thuyền ơi thuyền
Vui chăng, hỡi Mẹ, đời vui đó
Cờ đỏ ta lay động mọi miền
Cả khổ thơ diễn đạt bằng nhịp chắc khỏe và dùng nhiều động từ mạnh để diễn tả không khí cách mạng vùng lên. Sóng và gió như chứa đựng sức mạnh của trăm kiếp người cực khổ như mẹ Tơm để làm thành bão táp cách mạng chôn vùi quân giặc. Niềm vui hòa cùng nỗi đau, ta càng cảm phục tinh thần hy sinh của Mẹ :
Máu con đỏ cát đường thôn lạnh
Bóng Mẹ ngồi trông vọng nước non

Vì cách mạng hy sinh, có người mẹ nào lại chịu đựng được khi con mình bị giặc bắt? Thế nhưng nỗi đau như dồn nén trong đôi mắt mẹ, để giữ trọn lòng trung kiên với cách mạng. Vọng là cái nhìn sâu thẳm, ở đó là cả một niềm tin sắt đá vào một ngày mai.

Về thăm Mẹ, chỉ còn lại đôi nấm đất trắng chân đồi, nỗi niềm ấy được nhà thơ diễn tả cảm động và chân thành trong hai khổ thơ kết, để tạo nên một tượng đài bất tử về Mẹ :
Sống trong cát, chết vùi trong cát
Những trái tim như ngọc sáng ngời

Có một chữ gây nhiều tranh cãi : hòa hay vùi? Chết vùi trong cát - sự thật đau lòng gợi lên một ý nghĩ ghê rợn trong Kinh Thánh "Thân cát bụi lại trở về cát bụi". Sau sự mất mát tưởng chừng là hư vô, là vô nghĩa. Nhưng chết hòa trong cát thì cảm giác mất mát có giảm đi. Thế nhưng dụng tâm của tác giả đâu phải ở hòa hay vùi, chủ yếu cái còn lại là những trái tim như ngọc sáng ngời là phẩm chất trong sáng tuyệt vời của người mẹ hy sinh một đời vì cách mạng. oó là cái chết mở ra ý nghĩa của sự sống.
Bước chân mười chín năm sau, điều còn lại là:
Nắng tươi xóm ngói, tường vôi mới
Phấp phới buồm dong, nắng biển khơi

Đó là vẻ đẹp cuộc sống mới đang thay đổi từng ngày, là điều hy vọng từng lóe trong đôi mắt Mẹ vọng nước non giờ đây đã thành hiện thực. Từ tâm linh tỏa ra làn hương tưởng nhớ biết ơn, để nhà thơ suy ngẫm về một cuộc đời đầy ý nghĩa. Mượn nén hương thơm - tâm hương, nhà thơ tự trái tim mình đã thay mặt cả một dân tộc cảm tạ người mẹ đã góp trái tim ngọc cho cách mạng.

* Từ góc độ riêng tư, tình mẹ con sâu nặng, Tố Hữu đã nói lên đầy đủ vẻ đẹp của người mẹ Việt Nam qua hình ảnh bà mẹ quê nghèo. Những phẩm chất được phát hiện, nâng niu, truyền qua bao thế hệ giúp người đọc hiểu thêm một chân lý yêu nước giản đơn và biết ơn Người Mẹ Việt Nam - người anh hùng thầm lặng./.


Bài viết sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top