Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết.

Ngọc Suka

Cộng tác viên
Chủ đề: Anh (chị) hãy phân tích đặc điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết.

Bài làm

Tiểu thuyết là một hình thức tự sự cỡ lớn, có khả năng riêng trong việc tái hiện với một quy mô lớn những bức tranh hiện thực đời sống, trong đó chứa đựng nhiều vấn đề sâu sắc của đời sống xã hội, của số phận con người, của lịch sử… Nghĩa là tiểu thuyết có năng lực phản ánh hiện thực một cách bao quát và sinh động theo hướng tiếp cận trên cả bề rộng lẫn bề sâu của nó. Chính vì vậy đây là một thể loại then chốt trong đời sống văn học toàn nhân loại.

Ở nước ta, tiểu thuyết chỉ thực sự khẳng định nhờ tài năng của các cây bút Tự lực Văn đoàn và các nhà hiện thực giai đoạn 1930 – 1945. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1945 tự điều chỉnh hướng đi để trở thành một vũ khí đắc dụng trước yêu cầu phục vụ kháng chiến và công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa. Các tác phẩm mang tinh thần sử thi trở thành dạng thức tiểu thuyết điển hình trong giai đoạn hai cuộc kháng chiến vệ quốc. Tiểu thuyết từ sau năm 1986 đến nay không cắt lìa truyền thống đã và đang trở thành khát vọng, nhu cầu mạnh mẽ của hầu hết người viết.

Từ hoàn cảnh lịch sử đất nước đã tác động lớn đến đời sống văn học, mỗi một giai đoạn văn học sẽ mang một màu sắc thẩm mĩ riêng đặc biệt là về ngôn ngữ trong tiểu thuyết Việt Nam hiện đại đã có sự cách tân mạnh mẽ. Ngôn ngữ trong tiểu thuyết được thể hiện qua ngôn ngữ trần thuật và ngôn ngữ nhân vật. Ở bài thảo luận này, nhóm chúng tôi xin làm sáng tỏ đặc điểm của ngôn ngữ tiểu thuyết trong sự tương quan so sánh với ngôn ngữ tiểu thuyết giai đoạn 1930 – 1975 và ngôn ngữ tiểu thuyết sau 1986.

Ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết chẳng những có vai trò then chốt trong phương thức tự sự mà còn là yếu tố cơ bản thể hiện phong cách nhà văn, truyền đạt cái nhìn, giọng điệu, cá tính của tác giả.

Trong tác phẩm tự sự, trần thuật là thành phần lời của tác giả, của người kể chuyện (toàn bộ văn bản tác phẩm, ngoại trừ các lời nói trực tiếp của nhân vật), bao gồm việc kể và miêu tả các hành động và các biến cố trong thời gian; mô tả chân dung, hoàn cảnh hành động, tả ngoại cảnh, tả nội thất, v.v...; bàn luận; lời nói bán trực tiếp của nhân vật. Nghĩa là những phát ngôn của người kể chuyện chủ yếu tồn tại dưới dạng lời kể, lời tả, lời bình luận hay lời gián tiếp tự do (còn gọi là lời nửa trực tiếp hay lời nói bán trực tiếp).

Lời kể: Trong tiểu thuyết, lời kể chiếm một tỉ lệ lớn và có vai trò quan trọng, giúp người kể chuyện tổ chức nên một cấu trúc tự sự. Về cơ bản, nội dung chuyện được hoàn chỉnh dần theo mạch trần thuật của những người tham gia kể. Thông thường, kiểu phát ngôn này tồn tại dưới hai hình thức: lời trung tính của người kể chuyện giấu mặt và lời chủ quan của người kể chuyện ngôi thứ nhất. Tiểu thuyết Việt Nam đương đại trọng về kể hơn tả. Trong Và khi tro bụi (Đoàn Minh Phượng) những câu kể có lúc lặp đi lặp lại một cách cố ý như một trò chơi ngôn ngữ: Tôi là một đứa trẻ mồ côi. Tôi đến từ một đất nước có chiến tranh; Tôi là khách lạ bất cứ đâu. Con người không có quê hương giống như một hạt cỏ gió đưa đến bám rễ trên vách đá, tôi biết thân phận của mình rất dễ vỡ; (Nhân vật tôi- người kể chuyện kể về đời mình: Sau cái chết của người chồng, An Mi, kể về hành trình đi tìm cái chết của chính mình). Lời kể xuất hiện với mật độ dày đặc tạo hiệu quả trần thuật cao, khắc họa đậm nét bi kịch cô đơn của con người tha hương.

Hay lời tả: Trong tác phẩm tự sự, ngoài lời kể còn có lời tả của người kể chuyện, hỗ trợ việc kể, khiến chuyện được kể (qua cái nhìn miêu tả) sống động hơn. Khác với lời kể - dạng phát ngôn không thể thiếu của người kể chuyện - trong tiểu thuyết, lời tả xuất hiện ít hay nhiều phụ thuộc vào ý đồ nghệ thuật của nhà văn. Lời tả góp phần nâng cao hiệu quả trần thuật, như là một chiến lược trần thuật của người kể chuyện. Việc miêu tả góp phần làm cho câu chuyện kể thêm sinh động, nhân vật trở thành có máu thịt, có môi trường sống. Miêu tả còn cho thấy cách tổ chức thời gian của người kể chuyện. Đoạn văn dưới đây của Hồ Anh Thái chứng minh cho hiệu quả trần thuật của người kể chuyện khi sử dụng lời tả. Để làm rõ tâm trạng của nhân vật Mai Trừng khi đã thoát khỏi lời nguyền của cha mẹ, người kể chuyện vừa kể, vừa tả với giọng điệu trữ tình, ẩn chứa một tình yêu thương nằm sâu dưới bề mặt câu chữ: Cô chạy sang bên đường nở đầy hoa sặc sỡ, cô ôm một bó hoa trên ngực, nhảy chân sáo quay trở về. Mái tóc tung bay tinh nghịch trong nắng sớm. Gương mặt rạng rỡ vô tội và hồn nhiên. Cả thân hình thiếu nữ mới lớn tràn ngập mùi hoa rừng (Cõi người rung chuông tận thế).

Như vậy, lời người kể chuyện thường có sự đan xen của các dạng phát ngôn trên, nhằm đạt đến cái cuối cùng là kể lại chuyện sao cho hiệu quả nhất. Bởi suy cho cùng, lời người kể chuyện bao gồm tất cả những phát biểu trần thuật kể câu chuyện (không bằng lời) về các sự kiện, cũng là sự trình bày đánh giá hoặc diễn giải của người kể chuyện.

Nếu tiểu thuyết truyền thống có một điểm nhìn và một ngôi kể thì bước sang thời kì hiện đại với xu hướng tìm tòi cách tân về nghệ thuật trần thuật thì trong cấu trúc thể loại tiểu thuyết có sự gia tăng và xê dịch các điểm nhìn. Như trong tác phẩm Cơ hội của Chúa của Nguyễn Việt Hà điểm nhìn thay đổi luân phiên từ điểm nhìn tác giả chuyển sang điểm nhìn nhân vật như điểm nhìn của Hoàng, Nhã, Thủy, Tâm… Như vậy, đã có sự hòa trộn giữa điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn nhân vật. Sự hòa trộn nhiều dạng phát ngôn trong lời người kể chuyện được nhìn từ góc nhìn đa chiều. Ngôn ngữ trần thuật trong tiểu thuyết đương đại đã hướng đến tính đa thanh của ngôn ngữ văn xuôi hiện đại.

Bên cạnh ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ nhân vật cũng đóng vai trò chủ yếu trong ngôn ngữ. Ngôn ngữ nhân vật chính là phát ngôn của từng nhân vật, mỗi nhân vật có một lai lịch, trình độ, quan niệm sống riêng… Nó là một trong các phương tiện quan trọng được nhà văn sử dụng nhằm thể hiện cuộc sống và cá tính nhân vật.

Ngôn ngữ đối thoại là lời phát ngôn của nhân vật nói với người khác: Nếu như ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết truyền thống có sự khu biệt rõ ràng dễ xác định tính thiện ác thì ngôn ngữ đối thoại trong tiểu thuyết đương đại trở nên phức tạp, đa nghĩa hơn.

Ví dụ như: Trong tiểu thuyết Đất nước đứng lên của Nguyên Ngọc: là câu chuyện kể về cuộc đấu tranh giữ đất nước, giữ làng của dân làng Kông Hoa một buôn làng của người Ba – na ở Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhân vật chính trong tiểu thuyết là anh hùng Núp. Qua cuộc đối thoại giữa anh hùng Núp và chị Liêu ta thấy rõ kẻ thù lớn nhất của dân làng là bọn Pháp:

Anh đi An-khê, Liêu mở tròn hai con mắt lớn:

  • Đi An-khê làm chi? Anh không sợ thằng Pháp à?...

  • Nó làm chết người Ba-na mình nhiều quá Liêu ạ! Anh đi coi thử đánh có được không?
Đến tác phẩm Thiên thần sám hối của Tạ Duy Anh, qua cuộc đối thoại giữa một người phụ nữ ân hận vì những chuyện đã làm trong quá khứ tâm sự với bác sĩ:

  • Tôi muốn chuộc lại tội lỗi – cô gái nói gần như mê sảng – chính tôi đã giết con tôi khi nó chưa thành người.

  • Đừng ám ảnh về những chuyện đã qua – chính ông bác sĩ nhân từ khuyên cô.

  • Có lẽ tôi không còn cơ hội nữa bác sĩ ạ. Có những điều càng sống càng phải nhớ!
Đó chính là lời tự vấn lương tâm của cô gái trong Thiên thần sám hối, bên cạnh đó qua ngôn ngữ đối thoại còn cảnh tỉnh bạn đọc về một vấn nạn của cuộc sống đó là cha mẹ không có trách nhiệm với con cái, coi bào thai là một tai họa lớn đối với họ.

Nếu như ngôn ngữ độc thoại nội tâm giai đoạn 1930-1975, nhà văn đi sâu vào việc miêu tả ngôn ngữ để thấy được tâm lí, tình cảm của nhân vật thì ngôn ngữ độc thoại nội tâm sau 1986 với tính chất hướng nội, sự phát triển tâm lí phức tạp mang tính lưỡng lự nước đôi cùng với sự đa dạng, phức tạp của các quá trình ý thức và vô thức là đặc trưng tinh thần thời đại của con người hiện đại nên có nhiều cách tân đổi mới.

Như trong tiểu thuyết Sống mòn của Nam Cao, độc thoại nội tâm xuất hiện khá dày đặc, dai dẳng, kéo dài gây cảm giác bức bối. Nó giữ vai trò quan trọng trong việc tái hiện những giằng xé của hai tiếng nói trong con người Thứ.

Đến với tiểu thuyết Việt Nam hiện đại đã vận dụng thủ pháp dòng ý thức như một phương tiện đi sâu vào thế giới tâm linh một cách hiệu quả, kĩ thuật dòng ý thức sử dụng thời gian đồng hiện, hồi ức, hoài niệm, dòng suy tưởng, giấc chiêm bao nhằm để nhân vật bộc lộ những niểm sâu kín của tâm hồn. Như trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh: hình ảnh người phụ nữ trở đi trở lại trong hồi ức của anh, đồng hiện qua những giấc mơ. Có lúc là những nỗi day dứt của anh trước số phận của họ, có lúc lại là tình yêu nhục cảm: Trong màn sương mù đặc của giấc mơ, tôi chỉ thấy Hòa thấp thoáng, xa vời nhưng với một tình yêu, một niềm đắm say và cảm giác gần gũi, da diết mà ngay hồi đó tôi không hề cảm thấy. Như vậy, Hòa hiện lên trong giấc mơ của Kiên, bóng ma đó làm nảy sinh trong anh một tình cảm khác hẳn với thực tế lúc anh chết.

Ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại trong tiểu thuyết có sự đan xen, hòa quyện vào nhau: nếu đưa đối thoại về đúng dạng của nó, các đối thoại sẽ luôn thuộc về thời hiện tại, nếu kéo đối thoại vào những dòng độc thoại nội tâm, đối thoại đã thuộc về những dòng hồi tưởng miên man của nhân vật.

Qua bài thảo luận, chúng tôi thấy rằng sự phân chia chỉ mang tính tương đối. Ngôn ngữ tiểu thuyết là sự kết hợp thể hiện tính đa năng về thể loại. Nó vừa là yếu tố hình thức với ý nghĩa là phương tiện chất liệu của hình tượng vừa là nội dung với ý nghĩa cá tính cảm quan tư tưởng của nhà văn – nó như cái lí của hình thức đã thực sự có nhiều thay đổi. Do đó, ngôn ngữ tiểu thuyết Việt Nam hiện đại đã nỗ lực hướng đến sự đa thanh đến tính đa âm nhưng hầu như đó là sự đa âm về sắc điệu cảm xúc, về sắc thái thẩm mĩ hơn là khuynh hướng tư tưởng.
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top