Phân kì lịch sử văn học Việt Nam (Tổng kết và đề xuất)

Butlatre

Cộng tác viên
Xu
0
GS. Nguyễn Đình Chú
Khoa Ngữ văn, Đại học Sư phạm Hà Nội

Phân kỳ là một thao tác cơ bản của khoa văn học sử. Có khoa văn học sử là có việc phân kỳ. Kể từ ngày khoa văn học sử Việt Nam ra đời đến nay đã tồn tại nhiều cách phân kỳ nhưng yêu cầu khoa học vẫn đòi hỏi cải tiến nhằm tạo ra một cách phân kỳ mới hiện đại hơn.

I. Những cách phân kỳ đã có

1. Phân kỳ vừa theo vương triều vừa theo thời đại: ví dụ với Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu là gồm: văn học Lý - Trần (XI-XIV), văn học Lê - Mạc (XV-XVI), văn học Nam Bắc phân tranh (XVII-XVIII), văn học cận kim, văn học mới. Với Nguyễn Đổng Chi trong Việt Nam cổ văn học sử là gồm: thời đại từ Sĩ Nhiếp đến Ngô Quyền, thời đại Ngô Đinh Lê, thời đại nhà Lý, thời đại nhà Trần, thời đại nhà Hồ. Với Ngô Tất Tố là gồm: văn học đời Lý, văn học đời Trần, văn học đời Lê, văn học đời Nguyễn...

2. Phân kỳ theo thời gian bằng cách dựa trên các chặng đường lịch sử, các sự kiện lịch sử quan trọng: ví dụ Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam của nhóm Lê Quí Đôn là gồm; văn học thế kỷ XIII-XV, văn học thế kỷ XVI-XVII, văn học thế kỷ XVIII - đến đầu XIX, văn học đầu XIX đến giữa XIX, văn học từ 1858 đến 1930, văn học 1930-1945... Với Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam của Ban Văn Sử Địa là gồm: văn học từ đầu đến thế kỷ XV, văn học thế kỷ XV-XVIII, văn học thế kỷ XVIII, văn học nửa cuối thế kỷ XIX,... văn học 1930-1945. Với Lịch sử văn học Việt Nam của Văn Tân và Nguyễn Hồng Phong là gồm: văn học thế kỷ XI-XIV, văn học thế kỷ XV-XVII, văn học thế kỷ XVIII, văn học đầu thế kỷ XIX, văn học nửa sau thế kỷ XIX. Với giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam của Đại học Sư phạm Hà Nội là gồm: văn học giai đoạn XI-XIV, văn học giai đoạn XV - giữa XVIII, văn học giai đoạn giữa XVIII đến đầu XIX, văn học giai đoạn 1858 đến đầu XX, văn học đầu XX đến 1930, văn học giai đoạn 1930-1945, văn học giai đoạn 1945-1960 (sau này kéo đến 1975). Các mốc: 1858, 1930... đều là mốc lịch sử chứ không phải là mốc văn học.

3. Phân kỳ theo các chặng đường phát triển của chính văn học: Ví dụ với Phạm Văn Diêu trong Văn học Việt Nam là gồm: thời phôi thao (từ thế kỷ XIII đến đầu XV), thời xây dựng (thế kỷ XV-XVI), thời toàn thịnh (thế kỷ XVII-XVIII đầu XIX). Với Phạm Thế Ngũ trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên là gồm: thời kỳ sơ khởi (Trần-Lê), thời kỳ phát triển (Mạc đến hết Tây Sơn), thời kỳ thịnh đạt (triều Nguyễn), văn học hiện đại (1862-1945 gồm: giai đoạn 1862-1907, giai đoạn 1907-1932, giai đoạn 1932-1945).

4. Phân kỳ theo các thời kỳ lớn gắn với các hình thái xã hội trong lịch sử dân tộc: đây là cách phân kỳ riêng của bộ Lịch sử văn học Việt Nam thuộc công trình quốc gia do Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức biên soạn trong thời kỳ chống Mỹ với ý tưởng muốn chứng minh rằng: Việt Nam có 4000 năm lịch sử thì cũng có 4000 năm văn học do đó đã gộp hai khối văn học dân gian với văn học viết thành một và phân làm 4 thời kỳ lớn như sau:

- Văn học Việt Nam trong buổi đầu mở nước (từ thế kỷ X về trước).

- Văn học Việt Nam trong thời kỳ xây dựng quốc gia Đại Việt.

- Văn học Việt Nam trong thời kỳ chống ách thống trị của thực dân Pháp.

- Văn học Việt Nam từ khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay.

(bộ sách này đã có đủ bản thảo nhưng cho đến nay chỉ mới ra mắt bạn đọc tập 1 gồm hai thời kỳ đầu).

5. Các cách phân kỳ trên, cách nào cũng có căn cứ của nó. Nhưng nhìn chung, đều phân kỳ trên những bình diện liên quan tới văn học mà chưa trực tiếp là văn học. Về mặt khoa học, ở đây có hai phương diện liên quan đến việc phân kỳ:

a) Sự chi phối của xã hội, của lịch sử đối với sự tồn tại phát triển của văn học trong thời gian.

b) Bản thân sự vận động của chính văn học theo thời gian.

Trong hai phương diện đó, nhà văn học sử dựa trên phương diện nào là chính để phân kỳ. Rõ là hầu hết các cách phân kỳ nêu trên đã phân kỳ lịch sử văn học dựa trên phương diện thứ nhất là chính. Riêng hai ông Phạm Văn Diêu và Phạm Thế Ngũ thì đã ít nhiều muốn theo phương diện thứ hai. Trong cuộc hội thảo khoa học về vấn đề phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam do Ban cán sự bộ môn Văn thuộc bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp trước đây tổ chức, nhiều người tán thành phương diện thứ hai và có người đã đưa ra phương án phân kỳ dựa trên các mốc tác gia có độ kết tinh văn học cao nhất. Ví dụ: Văn học trước thời Nguyễn Trãi, văn học thời Nguyễn Trãi, văn học sau Nguyễn Trãi trước Nguyễn Du, văn học thời Nguyễn Du, văn học sau Nguyễn Du đến...??? Phương án này mới nghe thấy hay nhưng thực tế đã tắc ở phần sau. Bởi sau Nguyễn Du, ai sẽ là cái mốc, nhất là với văn học thời cận hiện đại. Sách giáo khoa Văn phổ thông trung học được viết lại theo yêu cầu cải cách vào năm 1990 (mà sau đó sách giáo khoa phổ thông cơ sở trong dịp chỉnh lý đã dựa theo), cũng đã đi theo hướng thứ hai này mà tạo ra một cách phân kỳ mới. Cách phân kỳ mới này, nhìn bề ngoài vẫn là theo thời gian nhưng thực chất bên trong là muốn phân kỳ dựa trên bản thân qui luật vận động của chính lịch sử văn học. Cụ thể, nó chia lịch sử văn học Việt Nam làm ba thời kỳ lớn:

- Thời kỳ từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX

- Thời kỳ từ đầu thế kỷ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945

- Thời kỳ từ Cách mạng tháng Tám đến nay (1975)

Giá trị của cách phân kỳ này trước hết là ở chỗ coi văn học từ thế kỷ X đến cuối thế kỷ XIX là một thời kỳ văn học bởi trên cấp độ vĩ mô nó chung một hình thái xã hội, một phạm trù văn hóa, một phạm trù ý thức hệ, một mẫu hình tác gia, một quan điểm nghệ thuật, một phong cách ngôn ngữ, một hệ thống thể loại... và có qui luật vận động riêng. Với cách phân kỳ này, giai đoạn văn học nửa sau thế kỷ XIX được xếp ngược lên với các giai đoạn trước chứ không đi liền với các giai đoạn sau như nhiều công trình văn học sử trước đây đã làm. Điều đó là đúng với qui luật vận động của lịch sử văn học.

II. Đề xuất bổ sung

Như đã nói, khuynh hướng phân kỳ bằng cách dựa trên chính bản thân sự vận động của lịch sử văn học đang là điều được nhiều người tán thành hơn bởi nó ăn nhịp với đà tiến trong nghiên cứu văn học nói chung mà tinh thần cơ bản là nhằm hạn chế tình trạng xã hội học dung tục, giản đơn, nhằm quán triệt sâu sắc hơn đặc trưng bản chất của văn học. Cách phân kỳ của sách giáo khoa trung học cải cách đã cố gắng đi theo khuynh hướng đó nhưng chưa triệt để, bởi chưa đủ độ sáng rõ về mức độ khác biệt giữa hai cái mốc chính của ba thời kỳ lớn là cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX và trước sau 1945. Phải thừa nhận một sự thật khách quan rằng về mặt lịch sử thì năm 1945 có cuộc Cách mạng tháng Tám thành công là một sự kiện lịch sử vô cùng trọng đại trong lịch sử dân tộc, nhưng về văn học thì cái mốc 1945 không thể đồng đẳng với cái mốc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Cho nên, từ thực tiễn văn học và cũng từ thực tiễn phân kỳ văn học như đã và đang có, chúng tôi đề nghị bổ sung thêm một khái niệm công cụ mới cho việc phân kỳ văn học sử. Đó là khái niệm phạm trù văn học. Có thêm khái niệm này, chúng ta sẽ nói: lịch sử văn học Việt Nam cho đến nay có ba thời kỳ lớn nhưng là thuộc hai phạm trù văn học. Vậy thì khái niệm phạm trù là gì? Nó vốn là khái niệm của triết học được một số người chuyển dụng trong nghiên cứu văn học mà thực tế chỉ có giá trị tu từ, vì nội hàm không khác gì nội hàm các thuật ngữ quen dùng như bộ phận, thành phần... Ví như trước thì nói văn học Việt Nam có hai bộ phận chính là văn học dân gian và văn học viết. Nay thì nói văn học Việt Nam có hai phạm trù là văn học dân gian và văn học viết. Đúng đây chỉ là việc thay thuật ngữ cho có vẻ sang trọng, lạ tai, chứ về ý nghĩa khoa học không có gì. Còn chúng tôi muốn sử dụng thuật ngữ có ý nghĩa là một khái niệm công cụ khoa học bằng cách tạo cho nó một nội hàm bao gồm một hệ thống yếu tố trong đó có ba bộ phận:

1) Những yếu tố gián tiếp chi phối văn học gồm:

- Hình thái xã hội

- Hình thái văn hóa của xã hội

- Ý thức hệ của thời đại

2) Những yếu tố trực tiếp liên quan tới văn học:

- Lực lượng sáng tác

- Công chúng văn học

- Phương tiện văn học (chữ viết, kỹ thuật in ấn, báo chí...)

- Phương thức lưu hành văn học (chưa thành hàng hóa, thành hàng hóa)

3) Những yếu tố thuộc chính bản thân văn học gồm:

- Cơ cấu của một nền văn học

- Hệ thống quan điểm văn học

- Phong cách ngôn ngữ văn học

- Hệ thống thể loại văn học và bút pháp, thủ pháp của mỗi thể loại văn học

- Những qui luật đặc thù của văn học

Với một khái niệm công cụ được giới thuyết có tính hệ thống và nghiêm ngặt như vậy, nhìn lại lịch sử văn học viết Việt Nam từ đầu đến nay, thấy nó đã đi qua hai phạm trù rõ rệt. Phạm trù thứ nhất là từ đầu đến cuối thế kỷ XIX. Phạm trù thứ hai là từ đầu thế kỷ XX đến nay và có thể là cả trong tương lai gần. Có thể gọi phạm trù thứ nhất là phạm trù trung đại, phạm trù thứ hai là phạm trù hiện đại. Phạm trù văn học trung đại là sản phẩm của hình thái xã hội phong kiến; của hình thái văn hóa thuộc thời đại phong kiến vốn mang tính chất khu vực mà chưa có tính chất toàn cầu; chịu sự chi phối của ý thức hệ phong kiến. Lực lượng sáng tác của nó tuy có tăng lữ, vua chúa, nhưng chính vẫn là văn sĩ nho gia bao gồm bốn loại hình: nhà nho nhập thế, nhà nho xuất thế, nhà nho tài tử, nhà nho nghĩa khí. Công chúng của nó chủ yếu cũng là nhà nho. Phương tiện của nó là chữ Hán và chữ Nôm. Với nó, đã có nghề in khắc gỗ nhưng năng xuất rất thấp. Nó chưa có báo chí để hỗ trợ cho sự phát triển văn học. Nó về cơ bản cũng chưa thành hàng hóa, do đó cũng chưa bị đồng tiền làm lem luốc nhưng vì thế mà cũng chậm phát triển về khối lượng. Viết văn chưa thành một nghề để sống. Người viết văn chưa biết khái niệm nhuận bút là gì. Cơ cấu nền văn học của nó chưa hoàn chỉnh. Bên cạnh bộ phận chủ công là văn học sáng tác, các bộ phận văn học bổ trợ khác như lý luận văn học, phê bình văn học, văn học sử chưa hình thành tới độ chuyên ngành. Văn vần, thơ ca, vẫn nổi trội hơn văn xuôi. Văn xuôi chủ yếu là văn chữ Hán. Văn xuôi tiếng Việt về cơ bản chưa có. Đến từ nửa sau thế kỷ XIX mới bắt đầu có. Trong hệ thống quan điểm văn chương, quan điểm văn dĩ tải đạo, thi ngôn chí vẫn là quan điểm cơ bản nhất. Độ tự giác về chức năng thẩm mỹ và chức năng phản ánh vẫn lép vế so với chức năng giáo huấn. Ngôn ngữ văn học, không kể phong cách cá nhân, vẫn có một phong cách chung trong đó nổi lên là tính chất ước lệ, bác học, lắm điển tích điển cố, công thức, trừu tượng. Ngôn ngữ đời thường đã có mặt nhưng còn đứng sau ngôn ngữ ước lệ, bác học. Hệ thống thể loại cùng với bút pháp văn pháp thi pháp của các thể loại nhìn chung là mang tính chất định hình nghiêm ngặt, chặt chẽ, gò bó. Văn học đã phát triển với tốc độ chậm. Hiện tượng văn sử bất phân, văn triết bất phân, văn sử triết bất phân (thậm chí còn là văn y bất phân như trường hợp Ngư Tiều y thuật vấn đáp của Nguyễn Đình Chiểu) trở thành qui luật đặc trưng nhất của nó mặc dù khả năng tách văn khỏi sử, khỏi triết đã xuất hiện. Thành tựu văn học trung đại với nhiều giá trị kiệt xuất mang dấu ấn phong cách cá nhân độc đáo nhưng vẫn thuộc một phạm trù.

So với phạm trù văn học trung đại, phạm trù văn học hiện đại đã đổi mới khác hẳn dù vẫn có sự kế thừa tiếp nối phạm trù văn học trung đại. Nó là sản phẩm của những hình thái xã hội mới: xã hội thực dân nửa phong kiến trong đó quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa dù mang tính chất thuộc địa nặng nề, vẫn đã chi phối đời sống xã hội nhất là ở các đô thị lúc này một cách rõ rệt, và là môi trường tồn tại chủ yếu của văn học. Sau Cách mạng tháng Tám 1945 là xã hội dân chủ cộng hòa trong đó nổi lên là tư tưởng đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, quyền sống của nhân dân ngày một được đề cao. Riêng ở miền Nam trong giai đoạn 1945-1975 thì về cơ bản vẫn chung hình thái xã hội với thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám. Nó cũng là sản phẩm thuộc phạm trù văn hóa tư sản, tiếp nữa là văn hóa vô sản, văn hóa xã hội chủ nghĩa, vốn có nét chung là mang tính chất toàn thế giới, khác với phạm trù văn hóa phong kiến vốn có tính chất khu vực như trên đã nói. Nó ly khai sự chi phối của ý thức hệ phong kiến để chuyển sang chịu sự chi phối của ý thức hệ tư sản và sau đó thêm nữa là ý thức hệ vô sản. Lực lượng sáng tác của nó là một lớp người mới gần gũi với những Bôđờle, Lamactin, Veclen, Ranhbô... với những Alphôngờ Đôđê, Vichto Huygô... tít tận bên trời Âu hơn là với Khuất Nguyên, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Vương Thực Phủ, Tào Tuyết Cần... của Trung Hoa như tầng lớp văn sĩ Nho gia ngày trước. Công chúng văn học của nó cũng đã khác trước, chủ yếu là tầng lớp thị dân, học sinh sinh viên, trí thức tiểu tư sản vừa mới đông đảo hẳn lên theo nhịp độ phát triển đô thị đang diễn khá nhanh chóng lúc này. Nó đặt văn học chữ Hán vào thế chợ chiều và chuyển hẳn sang văn học chữ quốc ngữ vốn đã được chuẩn bị từ nửa sau thế kỷ XIX. Nó đã có kỹ thuật in ấn hiện đại của phương Tây để góp phần tăng tốc độ phát triển. Nó đã có báo chí để nâng đỡ một cách rất tích cực cho sự phát triển văn học. Nó bắt đầu và nhanh chóng trở thành hàng hóa như mọi hàng hóa khác. Nghề văn trở thành một nghề sinh sống. Mẫu người nhà văn chuyên nghiệp ra đời. Kinh tế hàng hóa đã tạo điều kiện cho văn học phát triển nhanh hẳn lên so với trước mặc dù cũng làm cho văn học có phần lem luốc bởi đồng tiền. Nó đã tạo được một nền văn học có cơ cấu hoàn chỉnh đúng theo yêu cầu một nền văn học hiện đại của thế giới. Cùng với văn học sáng tác, văn học phê bình, lý luận văn học, văn học sử đã được định hình với tư cách chuyên ngành. Trong phạm vi văn học sáng tác, nó đi bằng cả hai chân vừa văn vần vừa văn xuôi, đều khỏe chắc, điều mà ở phạm trù trung đại chưa có. Trong hệ thống quan điểm văn chương của nó, chức năng giáo huấn vốn có vị trí hàng đầu ở thời trung đại đến đây có phần mờ nhạt đi và đó là điều đáng tiếc, song việc nó coi trọng chức năng thẩm mỹ và chức năng nhận thức một cách tự giác hơn trước cũng là dấu hiệu hiện đại. Nó chuyển từ phong cách ngôn ngữ ước lệ của phạm trù văn học trung đại sang phong cách ngôn ngữ hiện đại mà nét nổi bật là dựa trên cơ sở ngôn ngữ toàn dân, ngôn ngữ đời thường, đáng được gọi là một cuộc cách mạng ngôn ngữ trong văn học tựa như ở Nga với Lômônôxôp, với Puskin; ở Trung Hoa với phong trào Ngũ tứ vận động... Nó có hệ thống thể loại mới mặc dù không loại trừ hẳn các thể loại đã có trong thời trung đại và trong việc xây dựng hệ thống mới của thể loại, nó vẫn khai thác nhiều yếu tố trong các thể loại cũ. Đặc trưng chung của hệ thống thể loại mới này là ở tính chất tự do, sinh động và đa dạng theo qui luật tự do trong sáng tạo của văn chương hiện đại, khác với tính chất định hình, thiên về công thức ở hệ thống thể loại thuộc phạm trù trung đại. Thơ tự do lấn át hẳn thơ niêm luật. Trong văn xuôi, nó có đủ các hình thức thể loại của thế giới. Trong phạm vi thể loại truyện, nó tách truyện ngắn ra khỏi tiểu thuyết. Với tiểu thuyết, nó có các tiểu loại: tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết kiếm hiệp, tiểu thuyết phong tục, tiểu thuyết xã hội, tiểu thuyết hiện thực, tiểu thuyết lãng mạn, tiểu thuyết huyễn tưởng, tiểu thuyết ái tình, tiểu thuyết tâm lý... đành là phân loại chưa thật hệ thống chặt chẽ, nhưng dù sao cũng chứng tỏ một sự đa dạng trong thể loại tiểu thuyết hiện đại vốn mang đặc trưng là thể loại giàu khả năng nhất trong việc phản ánh cuộc sống thiên hình vạn trạng so với các thể loại khác của văn chương. Và cuối cùng thì phạm trù văn học hiện đại đã có những qui luật vận động riêng của nó. Đó là qui luật về sự gia tốc trong phát triển của văn học trên các phương diện: khối lượng tác gia tác phẩm, trường phái, khuynh hướng, kiểu sáng tác trong văn chương..., qui luật văn sử triết tách nhau, qui luật văn học phát triển trên cơ sở cái tôi cá thể trong đó có cái tôi cảm xúc, cái tôi trữ tình đã được giải phóng mặc dù sự kết hợp giữa cái tôi và cái ta tức là số phận dân tộc lúc này chưa phải đã tối ưu cần có.

Với góc nhìn từ khái niệm công cụ là phạm trù văn học được giới thuyết như trên, quả là chúng ta nhìn thấy rõ ràng hơn hẳn ranh giới giữa văn học từ cuối thế kỷ XIX về trước với văn học từ đầu thế kỷ XX trở đi so với trạng thái chỉ nhìn chúng qua khái niệm ba thời kỳ như đã có. Hiệu quả và tính năng của khái niệm phạm trù văn học không chỉ ngừng ở cấp độ vĩ mô mà quan trọng nữa là nó giúp người đọc nhận diện tác phẩm của mỗi phạm trù văn học đúng theo yêu cầu cá thể hóa một cách tự giác, tinh tế và có hiệu quả hơn. Ví như khi đến với tiểu thuyết Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái mà có thêm ý niệm đây là tiểu thuyết thuộc phạm trù văn học trung đại có qui luật văn sử bất phân, thuộc phạm trù tiểu thuyết trung đại vốn có hình thức chương hồi với cơ chế nghệ thuật riêng thì hẳn sẽ hiểu đúng, hiểu sâu tác phẩm hơn là chỉ ngừng ở khái niệm tiểu thuyết nói chung. Cũng vậy, trước Hoàng Lê nhất thống chí và trước Việt Thanh chiến sử của Nguyễn Tử Siêu chẳng hạn, đều có nội dung sử nhưng nếu có thêm ý niệm phạm trù văn học thì sẽ thấy yếu tố sử trong hai tác phẩm không phải là một. Bởi với Hoàng Lê nhất thống chí thì sử đúng là sử trong qui luật văn sử bất phân thuộc phạm trù văn học trung đại, còn trong Việt Thanh chiến sử thì sử không còn tư cách sử đích thực mà chỉ có tư cách phương tiện của văn. Các sử gia không ai coi nó là tư liệu của sử để tham khảo, để căn cứ. Cũng vậy, nếu có thêm khái niệm phạm trù văn học hiện đại trong đó có tiểu thuyết hiện đại, khi đến với Giông tố hay Số đỏ của Vũ Trọng Phụng, việc nhận diện tác phẩm cũng sẽ tường minh cặn kẽ hơn nhiều. Cũng vậy, nói đến yếu tố triết trong Truyện Kiều của Nguyễn Du và trong Chí Phèo của Nam Cao mà có thêm ý niệm về hai phạm trù văn học thì cũng phân biệt được hai trạng thái tồn tại khác nhau giữa chúng thể hiện ngay ở hai cách mở đầu của hai tác phẩm. Truyện Kiều dù đã là nơi chiến thắng vẻ vang của tư duy hình tượng nhưng vết tích của qui luật văn triết bất phân, của bút pháp tiên nghiệm thuộc phạm trù văn học trung đại không phải không còn một khi nó đã mở đầu là:

Trăm năm trong cõi người ta,

Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Ở đây, yếu tố triết vẫn tồn tại theo kiểu trực hiện. Trong khi mở đầu tác phẩm Chí Phèo, Nam Cao lại viết: “Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu hắn chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “chắc nó trừ mình ra”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật. Ơ, thế này thì tức thật. Tức chết đi được mất... Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo. Nhưng mà biết đứa nào đã đẻ ra Chí Phèo? Có mà trời biết. Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết”. Đúng là với Nam Cao, thuộc phạm trù văn học hiện đại, tiểu thuyết hiện đại thì yếu tố triết học - ở đây là sự tha hóa của người nông dân lao động trước sự đàn áp tàn bạo của bọn cường hào gian ác ở nông thôn - không tồn tại trực diện nữa mà đã tan biến vào hình tượng nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm.

Với phạm trù văn học hiện đại, cái mốc trước sau 1945 sẽ được nhìn nhận như thế nào trên tinh thần khách quan khoa học thực sự? Đúng đây cũng là một cái mốc quan trọng bởi văn học trước và sau Cách mạng tháng Tám có nhiều điều khác nhau rõ rệt. Đó là sự khác nhau từ hình thái xã hội, từ phạm trù văn hóa, từ ý thức hệ của thời đại, dẫn đến sự khác nhau về quan điểm nghệ thuật, về cảm hứng chủ đạo trong văn học, về đề tài, về thế giới nhân vật trong văn học... Nhưng còn ra thì về cơ bản vẫn không khác với thời kỳ trước cách mạng. Bởi văn học sau Cách mạng tháng Tám vẫn viết bằng chữ quốc ngữ, bằng phong cách ngôn ngữ, bằng những thể tài thể loại và bút pháp, thủ pháp nghệ thuật đã có trước Cách mạng tháng Tám. Các nhà thơ như Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Tế Hanh... từng có mặt trong phong trào Thơ mới bằng thể thơ tự do thì sau Cách mạng tháng Tám làm thơ chống Pháp chống Mỹ, ca ngợi chủ nghĩa xã hội vẫn bằng thể thơ tự do, chứ khác gì về cơ bản. Nam Cao viết Chí Phèo với Nam Cao viết Đôi mắt có khác nhau về tư tưởng nghệ thuật nhưng về bút pháp viết truyện nào khác gì nhau về cơ bản. Nguyễn Tuân viết Vang bóng một thời trước cách mạng và viết Tùy bút kháng chiến, Tùy bút sông Đà sau cách mạng khác nhau về tư tưởng thì quá rõ nhưng về thể loại, về bút pháp khác nhau gì e khó nói bởi chính sự khác biệt không rõ... Cho nên, với khái niệm phạm trù văn học đã được giới thuyết với một nội hàm mang tính hệ thống đầy đủ, nghiêm ngặt để đóng vai trò công cụ khoa học như đã nói thì vẫn phải coi văn học trước và sau Cách mạng tháng Tám là cùng chung phạm trù hiện đại và thiết tưởng đó là điều không thể khác. Qui luật về sự phát triển không đồng đều giữa chính trị và nghệ thuật mà học thuyết Mác xít từng nói đến cho ta thêm cơ sở lý luận về điều đang muốn nói đó.

*

Tóm lại, chúng ta có thể phân chia lịch sử văn học viết Việt Nam thành ba thời kỳ lớn như sách giáo khoa Văn phổ thông đã chia gần đây nhưng để nâng cao hiệu quả nhận thức tiến trình vận động của lịch sử văn học thì cần bổ sung thêm một khái niệm công cụ nữa là phạm trù văn học. Điều cần nói thêm: bản chất của văn học cũng như bất cứ ngành nghệ thuật nào là sáng tạo. Mà sáng tạo là đổi mới, cách tân. Lịch sử văn học là lịch sử của sự cách tân. Những tác gia lớn là những người đóng góp vào quá trình cách tân đó của lịch sử văn học nhiều nhất. Tuy nhiên phải chia quá trình cách tân trong lịch sử văn học thành hai mức độ: cách tân trong nội bộ một phạm trù văn học và cách tân làm thay đổi phạm trù văn học. Sự cách tân trong nội bộ một phạm trù văn học thì thiên hình vạn trạng. Còn sự cách tân làm thay đổi phạm trù văn học thì với lịch sử văn học Việt Nam là mới chỉ một lần. Còn tương lai sẽ có lần thứ hai nữa không? Điều đó xin để tương lai trả lời. Nhưng xem ra khó và có lẽ cũng không cần có.

Theo :Vienvanhoc
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top