Phan Châu Trinh - cuộc đời và sự nghiệp

Bút Nghiên

ButNghien.com
Phan Châu Trinh - cuộc đời và sự nghiệp​


Phan Châu Trinh là một nhân vật lịch sử tiêu biểu trong phong trào cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX. Từ trước đến nay đã có nhiều người trong nước và nước ngoài nghiên cứu về Cụ. Trong dịp dâng hương tưởng niệm 80 năm ngày mất của cụ (1926 -2006), thiết tưởng việc ôn lại cuộc đời và sự nghiệp Phan Châu Trinh để rút ra những bài học cho hôm nay cũng là một việc làm cần thiết và bổ ích.

Phan Châu Trinh sinh năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện miền núi Tiên Phước (nay là xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Mam), khi thực dân Pháp vừa nuốt gọn Nam kỳ (1867) đang ráo riết xúc tiến việc đánh chiếm toàn bộ Việt Nam. Hai hiệp ước Quý Mùi (25/8/1883) và Giáp Thân (6/6/1884) đánh dấu sự đầu hàng giai cấp phong kiến Việt Nam trước chủ nghĩa đế quốc Pháp. Nhưng những người yêu nước Việt Nam đâu chịu hạ vũ khí. Cao trào đấu tranh vũ trang Cần Vương đã bùng nổ mạnh mẽ ngay sau đó rồi kéo dài trong nhiều năm (1885 - 1896), với sự tham gia quên mình của đông đảo nhân dân cả nước. Quê hương Quảng Nam của Phan Châu Trinh là một địa phương sớm hưởng ứng phong trào và thân sinh của cụ là Phan Văn Bình, một võ quan triều đình cũng có tham gia, nhưng cũng hai năm sau thì Cụ mất không rõ vì sao. Đã vậy Phong trào trong tỉnh lúc này cũng đã sớm lâm vào giai đoạn thoái trào, cuộc khởi nghĩa Nguyễn Duy Hiệu chỉ sau hai năm hoạt động đã tan rã ( 1885 - 1887). Hoàn cảnh đó làm cho Phan Châu Trinh tuy lúc đó mới 15 tuổi không khỏi suy nghĩ về hiệu quả của con đường vũ trang bạo động. Rồi phong trào Cần Vương trong cả nước sau đó với hai đỉnh cao là Ba Đình - Hùng Lĩnh (Thanh Hóa) và Hương Sơn - Hương Khê (Hà Tĩnh) cũng lần lượt thất bại trước sự đàn áp man rợ của thực dân Pháp có tay sai phong bến tiếp sức. Tình hình đó càng thêm củng cố nhận thức của Phan Châu Trinh về sự bất lực của con đường bạo động Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX với một tương quan lực lượng địch ta hoàn toàn bất lợi cho ta. Trong thực tế, với sự thất bại của phong trào Cần Vương cuối thế kỷ XIX thì con đường vũ trang bạo động theo lối cũ là hoàn toàn ảo tưởng. Chuyển sang năm 1897, tư bản Pháp từ nay đã có điều kiện đầy mạnh khai thác Việt Nam trên quy mô lớn, làm cho cơ cấu kinh tế nước ta có những biến chuyển, tuy bước đầu nhưng rất cơ bản, vì sẽ quyết định phương hướng phát triển lâu dài của Việt Nam trong khuôn khổ một nước thuộc địa. Đồng thời xã hội Việt Nam cũng bất đầu phân hóa. Những mầm mống kinh tế và cơ sở xã hội mới của Quảng Nam, do những điều kiện riêng so với một số địa phương khác trong nước lại có phần xuất hiện sớm và đạt trình độ phát triển khá hơn. Hoàn cảnh đó giúp cho Phan Châu Trinh, trên cơ sở một tinh thần yêu nước thực tế, với khả năng tư duy của một trí thức cấp tiến, đã nhận rõ hơn đâu là nguồn gốc sức mạnh của kẻ thù, cũng như đâu là nguyên nhân sự thảm bại của dân tộc, từ đó suy nghĩ và chọn lựa con đường cứu nước thích hợp.

Lúc này thời cuộc Đông Nam Á cũng có nhiều biến động quan trọng, ảnh hưởng sâu sắc tới tình hình Việt Nam. Từ cuối thế kỷ XIX, Nhật Bản - một quốc gia phong kiến Châu Á - mới phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa từ sau cuộc Minh Trị duy tân năm 1868, cũng như sự hình thành nền kinh tế tư bản dân tộc Trung Quốc với sự trỗi dậy của tầng lớp công thương nghiệp lừ cuối thế kỷ XIX tạo điều kiện cho phong trào duy tân Trung Quốc phát triển, tình hình đó đã tác động sâu sắc đến các sĩ phu yêu nước Việt Nam sau phong trào Cần Vương thất bại đang tìm một con đường cứu nước mới. Tại Quảng Nam lúc đó, thông qua các cảng Đà Nẵng, Hội An, các tân thư, tân báo Trung Quốc giới thiệu tư tướng cách mạng tư sản phương Tây được đưa vào ngày càng nhiều, văn thân sĩ phu trong tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để làm quen với tư tưởng phương Tây, tất nhiên mức độ tác động của các sách báo đó đến các vị không đồng đều, mà có sự phân hóa đậm nhạt, sâu rộng tùy thuộc vào điều kiện chủ quan của từng người. Đó cũng là tình hình chung của cả nước dẫn tới sự phân hóa thành hai xu hướng bạo động và cải cách trong phong trào cách mạng Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX Trong sự phân hóa đó, Phan Châu Trinh đứng về phía cải cách, và là người có ý thức đầy đủ nhất về yêu cầu bức thiết cũng như mục tiêu cuối cùng của con đường cải cách. Chỉ gia nhập quan trường với một chức vụ nhỏ bé Thừa biện bộ Lễ trong một thời kỳ ngắn ngủi, nhưng thực tế quan trường thối nát cực độ, trở thành chỗ dựa vững chắc của thực dân Pháp trong thủ đoạn thống trị và bóc lột nhân dân, đã làm Cụ thất vọng. Cũng chính thời gian ở Huế, Phan Châu Trinh đã có dịp giao du với nhiều người yêu nước như Phan Bội Châu, Nguyễn Thượng Hiền... được đọc những điều trần của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Lộ Trạch, Phạm Phú Thứ và các tân thư, tân báo từ Trung Quốc, Nhật Bản sang. Cuối cùng, Cụ đã dứt khoát từ quan về quê cùng các bạn đồng tâm đồng chí (như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng) đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền vận động cải cách trong giới thân sĩ và nhân dân trong tỉnh. Sau chuyến Nam du khảo sát tình hình, khi trở về Cụ đã cùng Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng nhất trí với nhau là trước mắt cần phát động một cuộc duy tân rộng khắp trong nhân dân, mong đạt kết quả về lâu dài, không thể nôn nóng bạo động ngay. Chính vì nhận thức như vậy mà đối với chủ trương Đông Du của Phan Bội Châu, Cụ chỉ tán thành việc "viết sách... đề xướng dân quyền ", theo Cụ một khi "dân đã giác ngộ được quyền lợi của mình bấy giờ mới có thể dần dần mưu tính việc khác" (Phan Bội Châu, 1 957, tr.72). Và năm 1906, khi gặp Phan Bội Châu trên đất Nhật, Cụ đã kịch liệt công kích chủ trương bạo động cũng như chủ trương ngoại viện bằng một câu thơ đanh thép:

Bất bạo động, bạo động tắc tử
Bái vọng ngoại, vọng ngoại giả ngu.
(Không bạo động, bạo động ắt chết
Không hướng bên ngoài, hướng bên ngoài là ngu).


"Vọng ngoại" nói đây là theo lối cũ, chủ yếu là cầu viện quân sự đưa quân nước ngoài vào giúp, một việc làm vô cùng nguy hiểm.

Còn thái độ của Cụ đối với phong kiến triều Nguyễn lúc này cũng quyết liệt hơn, cho rằng "không đập tan được nền quân chủ thì dù có khôi phục được nước cũng không phải là hạnh phúc của dân " (Phan Bội Châu, 1957, tr.70).
Sau khi từ Nhật về nước, với ý định có sẵn, Cụ hăng hái đẩy mạnh công cuộc khai hóa đồng bào. Muốn được như vậy, Cụ chủ trương trước hết dựa vào Pháp để có thể tiến hành những cải cách cần thiết, đánh đổ quân chủ, xây dựng nhân quyền. Cụ gửi thư cho Toàn quyền Đông Dương Paul Beau bày tỏ tình trạng nước Việt Nam, yêu cầu Chính phủ Pháp cải cách chính trị và thành thực khai hóa cho nhân dân Việt Nam. Rõ ràng đó là một ảo tưởng chính trị, đế quốc Pháp cũng như bất cứ đế quốc nào khác không bao giờ tự nguyện làm cho dân tộc thuộc địa lớn mạnh dần lên để tiến tới tự giải phóng. Thế nhưng cũng hoàn toàn không thể căn cứ vào hành động đó để khẳng định Phan Châu Trinh trước sau cự tuyệt bạo động. Đọc thư văn của Cụ, thấy rõ Cụ không tỏ ý gì muốn tuyệt đối cấm bạo động cả, vấn đề đối với Cụ chỉ là bạo động khi có điều kiện, khi đã đủ sức, không bạo động non. Trong bức thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18/2/1922, cụm từ "vỗ tay đánh bộp một cái" thể hiện rõ tư tưởng đó.

Cuộc vận động đã thất bại, nhưng nhờ đáp ứng được một yêu cầu bức thiết của quần chúng và của thời đại, phong trào cách mạng nhanh chóng lan rộng trong tỉnh, các nông hội, hội buôn, xướng dệt, trường học theo lối mới ra đời ngày càng nhiều, đồng bào đua nhau cắt tóc ngắn, mặc áo ngấn, bỏ rượu chè, bài trừ hủ tục, dị đoan, cổ động dùng hàng nội hóa... Tất cả cũng mới chỉ là bắt đầu, nhưng đã biểu hiện một tinh thần mới, khẳng định một ý chí mới.
Thông qua con đường tuyên truyền phổ biến văn thơ yêu nước kêu gọi đoàn kết, giáo dục truyền thống dân tộc, cổ động thực hiện cải cách, các tư tưởng đổi mới ngày càng đi sâu vào quần chúng. Quần chúng ở đây chủ yếu lại là nông dân lâu nay chất chứa hờn căm vì sưu cao, thuế nặng, phu phen tạp dịch, vốn quen với đấu tranh bạo động truyền thống, nên tư tưởng mới đã tác động với một sức mạnh phi thường, lôi cuốn họ lên đường đấu tranh.

Trên đà đó, cuộc vận động cải cách ở Quảng Nam và dọc theo các tỉnh miền Trung chuyển hướng, tiến nhanh tới những cuộc biểu tình rộng lớn chống thuế trong năm 1908, huy động tới hàng vạn người lên đường đấu tranh trực diện chống lại thực dân Pháp và phong kiến tay sai.

Qua sự phát triển của phong trào, thấy rõ là trong hoàn cảnh Việt Nam lúc đó cùng lúc có hai xu hướng bạo động và cải lương song song tồn tại và phát triển, có tác dụng nương tựa và hỗ trợ cho nhau, là một điều hợp lý và có lợi. Hai xu hường này không đối lập nhau, mà suy cho đến cùng thì cải cách là chuẩn bị tích cực cho bạo động. Vì vậy, đến khi thẳng tay đàn áp phong trào, thực dân Pháp đâu có phân biệt bạo động với cải lương, bạo động hay cải lương với chúng đều nguy hiểm. Nhân dịp này, chúng bắt giam Phan Châu Trinh, rồi kết án đày ra Côn Đảo. Mặc dù thời gian vụ "xin xâu” xảy ra ở Quảng Nam (tháng 3/1908) Cụ đang ở ngoài Hà Nội.

Nhờ có sự vận động của Liên minh Nhân quyền tại Pháp, Phan Châu Trinh sớm được "ân xá", tháng 3/1911 Cụ được sang Pháp cư trú. Bằng quyết định này, nhà cầm quyền Pháp muốn cách ly Cụ với nhân dân Việt Nam yêu nước vừa mới trải qua bạo động thất bại càng thấm thía hơn sự cần thiết của một sự chuẩn bị lâu dài thông qua con đường cải cách về cả hai mặt tinh thần và vật chất. Còn đối với Phan Châu Trinh, đây là một cơ hội tết để thực hiện mong muốn vận động cải cách có kết quả ngay tại nước Pháp là nơi Cụ cho là "gốc của nhân quyền". Qua các nguồn tư liệu, thư từ, công văn trao đổi... sưu tầm được tại Pháp và cả ở trong nước, chúng ta thấy trong thời gian 1911 - 1914 Cụ hoạt động rất hăng hái, mở rộng giao thiệp với Đảng Xã hội Pháp, với Liên minh Nhân quyền, với các giới làm báo, viết văn gửi điều trần... Cũng trong thời gian này, Cụ giao thiệp với Nguyễn Tất Thành (tức Nguyễn Ái Quốc sau này) đang ở London (Anh).

Bị nhà cầm quyền Pháp vu cáo tội thông đồng với Đức để bắt giam trong Chiến tranh thế giới thứ nhất, mãi đến tháng 8/1915 chúng mới thả Cụ ra vì không tìm thấy cớ để buộc tội. Trong hoàn cảnh chiến tranh, sinh hoạt đất đỏ, sau khi ra tù Cụ phải lao động cực nhọc để kiếm sống, nhưng trong thời gian từ 1915 - 1919 có một sự kiện rất đáng được nêu lên là sự gặp gỡ tại Paris giữa Cụ với Nguyễn Tất Thành từ Anh sang vào giữa năm 1917, mở đầu cho một thời kỳ cùng chung sống và phối hợp hành động có hiệu quả và có lợi cho cả đôi bên. Ở đây vấn đề đánh giá mức độ ảnh hưởng qua lại giữa hai người trong thời kỳ này. Có người đã căn cứ vào bản “Yêu sách của nhân dân Việt Nam” năm 1919 "chưa đòi hỏi những thay đổi cách mạng cho nước Việt Nam" với nội dung khá gần 14 điểm của Tổng thống Wilson, mà trong một chừng mực nào đó như là sự vận dụng cụ thể vào hoàn cảnh Việt Nam (Charles Fourniau, 1970, tr. 24) để khẳng định rằng, trong giai đoạn 1917 - 1919 Nguyễn Tất Thành có chịu ảnh hưởng của Phan Châu Trinh. Điều đó cũng dễ hiểu. Đối với Nguyễn Ái Quốc đây còn là bước đầu dò đẫm tìm phương thức hành động, tìm chiến thuật thích hợp của một người còn đang xác định phương hướng hành động nên tranh thủ mọi cơ hội và mọi phương sách để đấu tranh có lợi cho đồng bào, cho Tổ quốc. Ra đi tìm con đường cứu nước mới trên cơ sở một tinh thần yêu nước mãnh liệt sau khi đã nhận rõ sự phá sản của con đường cứu nước cũ, lại hoạt động trong môi trường nước Pháp dân chủ, việc lúc đầu Nguyễn Ái Quốc chịu ảnh hưởng của Phan Châu Trinh là một người có tư tường dân chủ rõ rệt là một thực tế lịch sử không thể phủ nhận. Một nhà nghiên cứu nước ngoài khi đề cập tới vấn đề này cũng ghi nhận: "Trước 1920, Hồ Chí Minh là người khâm phục Phan Châu Trinh. Ông ta cũng vững tin vào sự ưu việt của mô hình văn minh đặt trên nền tảng khoa học - dân chủ, cũng giống như nội dung các yêu sách nổi tiếng của ông đã cùng nhóm những người Việt Nam yêu nước gởi tới Hòa hội 1919" (Đaniel Hémery, 1982). Nhưng vấn đề là chính trong quá trình hoạt động của phong trào yêu nước của đồng bào Việt Nam trên đất Pháp, đồng thời thâm nhập phong trào đấu tranh phản chiến và phong trào công nhân đang dâng cao ở Pháp sau chiến tranh, tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc đã nhanh chóng biến đổi, sự phân hóa tư tường giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc ngày càng rõ rệt. Báo cáo mật thám Pháp chuyên theo dõi ngôi nhà số 6 Villa de Gôbơlanh đã ghi nhận nhiều cuộc tranh luận gay gắt giữa Phan Châu Trinh và Nguyễn Ái Quốc trong năm 1919 về thái độ đối với thực dân Pháp, về đường lối hành động cần có. Thế nhưng vấn đề quan trọng ở đây là tìm hiểu thái độ của Phan Châu Trinh trước sự chuyển biến tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc. Qua các tài liệu trên, chúng ta thấy đã có tranh luận ý kiến giữa hai người. Nhưng đứng trước thực tế "tại Paris, Nguyễn Ái Quốc sớm trở thành trung tâm và đầu não của nhóm người Việt Nam nhỏ bé cư trú ở Pháp " (Charles Foumiau, 1970, tr. 21), đến ngay cả mật thám Pháp cũng xác nhận rằng "linh hồn của phong trào người Việt ở Paris là Nguyễn Ái Quốc (Nguyễn Phan Quang, Về một số tư liệu hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Pháp 1917 - 1923), Phan Châu Trinh tuy vẫn kiên trì con đường đi của mình, nhưng cũng đã biểu lộ sâu sắc lòng tin cậy, sự cảm phục của mình vào tài trí và khả năng của Nguyễn Ái Quốc là một thanh niên vào hàng con cháu mình. Cũng trong thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18/2/1922 Cụ viết: "Bây giờ tôi tựa như chim lồng cá chậu. Vả lại, cây già thì gió dễ lay, người già trí lẫn, cảnh tôi như hoa sắp tàn, hiềm vì quốc phá gia vong, mà hơi tàn cũng phải gào cho hả dạ, may ra có tỉnh giấc hôn mê. Còn anh như cây đương lộc, nghị lực có thừa, dày công học hỏi, lý thuyết tinh thông..." (Thu Trang, 1983, tr. 40).

Thật là một ý kiến thiết tha và chân tình, một khẳng định phương pháp mình đã lựa chọn là đúng và kiên quyết đi theo, sự khẳng định ở đây không phải là cố chấp, bảo thủ, mà vì chủ quan nhận thấy phương pháp đó vẫn còn có tác dụng cho sự nghiệp cứu nước, mặt khác cũng thành thực và công khai thừa nhận lịch sử đã sang trang và chuyển sang tay người khác có đường lối mới thích hợp hơn.

Trong những năm tháng cuối cùng trên đất Pháp, Phan Châu Trinh vẫn không ngừng hoạt động khi có cơ hội. Tháng 7/1922, khi bù nhìn Khải Định sang Pháp, với nhiều âm mưu ám muội bên trong, Cụ công khai vạch 7 tội đáng chém của Khải Định với dân, với nước.

Tiếp đó, năm 1924, sau khi ám sát hụt Toàn quyền Martial Merlin của nhóm Tâm Tâm xã ở Sa Điện (Quảng Châu, Trung Quốc), vấn đề Đông Dương được đưa ra Nghị viện Pháp, đế quốc Pháp nhận thấy cần phải nới tay và xoa dịu nhân dân thuộc địa. Kết hợp với đó, lúc này phong trào cách mạng Việt Nam cũng đang chuyển theo hướng mới với sự trưởng thành của giai cấp công nhân sau chiến tranh. Nhân trước đó Phan Châu Trinh cũng đã có đơn xin, nhà cầm quyền Pháp lúc này đã cho phép Cụ về nước, sau 15 năm lưu vong trên đất khách quê người (tháng 5/1925).

Sau hai lần tù tội trong nước và ở bên Pháp, thêm vào đó nhiều năm lao động kiếm sống cực nhọc trên đất khách quê người, lại bế tắc trong ý đồ chính trị, đau thương vì tình cảm gia đình, sức khỏe Cụ kém sút nhiều. Nhưng tình cảm gắn bó với đồng bào, sự giúp đỡ ân cần của bạn bè đồng chí đã động viên cổ vũ Cụ. Điều này cũng phù hợp với nguyện vọng của Cụ. Trước đó trong bức thư gửi Nguyễn Ái Quốc ngày 18/2/1922, Cụ có hứa hẹn: "... Rồi may ra có cơ hội tôi lại về (nước). Một khi mà tôi đặt chân lên quê hương xứ sở, tôi nguyện đem hết nghị lực bình sanh mà thức tỉnh dân khí ba kỳ đồng tâm hiệp lực đạp đổ cường quyền áp chế..." (Thu Trang, 1983, tr. 40). Nói chuyện ở Sài Gòn đả phá chế độ quân chủ và đề cao dân quyền, đánh điện cho Toàn quyền Alexandre Varenne yêu cầu ân xá cho Phan Bội Châu, đánh điện cho Khâm sứ Trung kỳ Pierre Pasquyer yêu cầu đình chỉ việc cử người kế vị Khải Định mới chết để thành lập Hội đồng nghiên cứu những cải cách cần thiết... những hoạt động hối hả đó của nhà cách mạng lão thành như muốn chạy đua với thời gian thật đáng cảm động. Sau chiến tranh, phong trào cách mạng Việt Nam đang chuyển mạnh sang một thời kỳ mới trong đó giai cấp công nhân đang vươn lên nấm quyền lãnh đạo cách mạng. Mặc dù vậy nhân dân trong cả nước vẫn dành cho Phan Châu Trinh những tình cảm trân trọng, đánh giá cao lòng yêu nước của Cụ. Khi Cụ mất (24/3/1926 tại Sài Gòn), đám tang Cụ có hàng chục vạn người tham gia và tiếp theo là các cuộc truy điệu lôi cuốn hàng vạn người ở khắp các tỉnh ba kỳ Trung - Nam - Bắc và cả Việt kiều ở Thái Lan, trong thực tế đã trở thành cuộc biểu dương lòng ái quốc vĩ đại của nhân dân muốn giải phóng dân tộc. Ý nghĩa to lớn của Lễ tang Phan Châu Trinh đã được khẳng định trong đôi đối viếng của anh công nhân Trần Quang Tặng (tức Khổng) làm công cho hãng tàu Bạch Thái Bưởi (Nam Định):

Truy điệu Tây Hồ nhật
Hoán cải quốc dân hồn.
(Ngày lễ truy điệu Cụ Tây Hồ
Làm cải đổi hồn dân cả nước).
(Thép Mới)

Nguyễn Ái Quốc cũng đánh giá cao: "năm 1926 có một sự thức tỉnh trong toàn quốc tiếp theo sau cái chết của một nhà quốc gia chủ nghĩa già Phan Châu Trinh" (Hồ Chí Minh, 1983, tập 3, tr. 20).

Thực vậy, lễ tang nhà ái quốc Phan Châu Trinh và các cuộc truy điệu cảm động, các cuộc bãi khóa sôi động sau đó đã thúc đẩy cả một thế hệ mới lên đường cách mạng. Tổng kết cuộc đời hoạt động yêu nước cách mạng của Phan Châu Trinh, có thể khẳng định rằng đặt trong những điều kiện lịch sử Việt Nam đầu thế kỷ XX, xu hướng chính trị và những hoạt động của Cụ đã có tác dụng tích cực đến phong trào cách mạng thời đó, do chỗ yêu cầu dân chủ, khát vọng dân quyền Cụ đề xướng là phù hợp với thời đại, phù hợp với bước tiến của cách mạng Việt Nam đang chuyển từ phạm trù cũ phong kiến sang phạm trù mới có tính chất tư sản. Dưới ảnh hướng của xu hướng chính trị và những hoạt động sôi nổi của Cụ, một cuộc vận động cải cách dân chủ rộng lớn đã được phát động tại miền Trung và nhanh chóng lan rộng ra cả nước, tấn công khá quyết liệt vào hệ tư tướng phong kiến, thực hiện cải cách phong tục. đẩy mạnh phát triển công thương nghiệp... Không còn nghi ngờ gì nữa, Phan Châu Trinh là người đầu tiên có tư tưởng dân chủ ở Việt Nam.
Phan Châu Trinh đã xuất hiện trên vũ đài chính trị nước ta đầu thế kỷ XX với tư cách một nhà yêu nước khảng khái, trung thực, bất khuất trước cường quyền, một sĩ phu tiến bộ suốt đời hăng hái và kiên trì phấn đấu cho việc phát huy dân chủ, dân quyền ở nước ta. Với tư cách đó, Phan Châu Trinh thật xứng đáng chiếm một vị trí cao trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Hơn bao giờ hết, trong công cuộc đổi mới hiện nay của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, những bài học về dân chủ, dân quyền từ thời gian Phan Châu Trinh vẫn còn giá trị, đã và đang có ý nghĩa to lớn.

Theo: Đinh Xuân Lâm
Nguồn: Tạp chí Khoa học xã hội
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top