Pbvh : Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc

Giao Su Vọc

New member
Xu
0
CÁI MÀ CHÚNG TA THIẾU NHẤT LÀ SỰ SÂU SẮC

Thử nhìn nhận tình hình phê bình tranh luận hiện thời

Một thời đại trong văn chương chỉ được đánh dấu đầy đủ thông qua những cuộc tranh luận.Tuỳ chất lượng những cuộc tranh luận ấy người ta có thể đánh giá văn chương tiến hoá đến đâu. Tranh luận để mở đường, tranh luận để cùng nhau làm mới những việc đã cũ. Có lẽ vì nghĩ thế mà chúng thường được các nhà văn học sử chăm chú ghi nhận. Vũ Đức Phúc ở Hà Nội(1971 ) và Thanh Lãng ở Sài Gòn (1973 )… từng viết nhiều về cái mà họ gọi là những cuộc đấu tranh tư tưởng hoặc đơn giản là những vụ án trong quá khứ. Gần đây, nhóm Nguyễn Ngọc Thiện cũng sưu tầm tới trên hai ngàn trang tài liệu, làm nên bộ sách mang tên Tranh luận văn nghệ thế kỷ XX ( sách ra ớ NXB Lao Động, 2002 )

Những cuộc tranh luận hôm nay thì sao? Một người nước ngoài sau khi dự những cuộc hội thảo về phố cổ Hà Nội phải kêu lên : Sao mà các chuyên gia lắm ý kiến thế ! Mỗi người một ý, chẳng ai giống ai, do vậy cũng chẳng ai nghe ai. Vào cuộc hội thảo, mỗi người đọc xong bài phát biểu của mình thì chuồn, và người chủ trì hội thảo — vốn thiếu chủ kiến rõ ràng –cũng chẳng đưa ra nổi một kết luận cho ra kết luận. Thành thử vẫn có hội thảo đấy mà lại như là chưa có.

Trên văn đàn dăm bảy năm gần đây, cũng có tình trạng tương tự. Vào thời điểm sự sáng tạo đang chuyển đổi, có bao nhiêu việc phải cùng bàn bạc lại. Trong khi đánh giá một vài hiện tượng văn chương mới nảy sinh, bàn thêm về một vài khái niệm mới được du nhập, nhất là khảo sát tình hình chung và bàn về cái hướng mà văn chương phải đi tới…các đầu óc nhạy cảm đã chạm tới đủ mọi vấn đề quan trọng. Lại nữa ở đó luôn luôn có những ý kiến khác nhau, nó là mầm mống cần thiết cho một cuộc tranh luận.

Thế nhưng có cái lạ là nhìn lại chả cuộc trao đổi nào ra đầu ra đũa. Toàn những tràng pháo xịt hoặc pháo tép mà không có lấy một tiếng pháo đùng chắc chắn sẽ vang vọng vào lịch sử. Nghĩa là chúng không đủ sức tác động vào đời sống, đến mức mà sau này các nhà văn học sử phải tính tới, khi viết về giai đoạn chúng ta đang sống.

Khi lý giải tình trạng bế tắc này, nhiều người đã nói tới cái khó của tranh luận thời nay : Không có đất, không có tờ báo nào chịu trận,tức dám theo đuổi một cuộc tranh luận đến cùng. Hoặc tranh cãi một hồi chẳng biết ai sai ai đúng và cũng chẳng có ai đủ sức đứng ra làm trọng tài phân giải. Nhiều người cũng đã than thở cho cái gọi là tình trạng thiếu văn hoá tranh luận vốn đã quá rõ ràng. Một ý kiến nêu ra, được người khác phản bác, thế là biến thành lời qua tiếng lại. Không thảo luận mà cãi vã. Xen vào nhiều động cơ cá nhân. Đầy ác ý khi bắt bẻ những sơ hở tầm thường. Lấy việc hạ nhục đối thủ làm sung sướng v.v… Những nhận xét đó đều đúng. Nhưng theo ý tôi sở dĩ một thời gian dài chúng ta không có được những cuộc tranh luận có chất lượng trước tiên vì các ý kiến ( kể cả người xướng lên ban đầu lẫn người phản bác lại ) bản thân nó không mấy khi tránh khỏi tình trạng hời hợt, người viết thường không đặt được vấn đề đúng với tầm vóc nó có thể có, lại càng không tìm được cách lý giải có sức thuyết phục. Chất lượng các ý kiến nêu ra càng thấp thì người ta càng dễ sa đà vào những cuộc cãi lộn vụn vặt và các báo càng thấy cần phải cho các cuộc đấu khẩu ấy kết thúc sớm. Thạch Lam từng viết từ hơn nửa thế kỷ trước, trong tập Theo dòng: “… ở nước ta, bất cứ phong trào gì đều có một tính chung là nông nổi, chỉ hời hợt bề ngoài. Cái mà chúng ta thiếu nhất là sự sâu sắc. Bởi ta không chịu phân tích và suy sét kỹ nên bất cứ vấn đề gì chúng ta cũng không biết được rõ ràng và chu đáo, biết một cách thấu suốt “. Ở lĩnh vực nào không biết, chứ riêng đối với những cuộc tranh luận hôm nay thì nhận xét đó giống như một sự tiên tri, không ai cãi lại nổi.


Nguồn : vuongtrihai.wordpress.com
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top