Đồng quê trong thơ Trần Đăng Khoa
Vũ Nho
Vũ Nho
Cánh đồng làng là một mảnh hồn làng quê. Bên cạnh cây đa, luỹ tre, sân đình, cánh đồng từ ngàn xưa đã gắn bó với cuộc sống lao động và trở thành một hình ảnh thân thuộc của thơ ca.
- Trên đồng cạn
Dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
- Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng
mênh mông bát ngát
Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng
cũng bát ngát mênh mông
Với chú bé lớn lên ở nông thôn như Trần Đăng Khoa, cánh đồng không chỉ là hình ảnh từ thơ ca, mà nó còn hết sức chân thực, hết sức cụ thể. Là nơi cắt cỏ chăn trâu, nơi gánh phân, tát nước, nơi bắt cua mò ốc, nơi nghịch ngợm đánh trận, thả diều và nuôi những ước mơ. Theo lẽ tự nhiên, cánh đồng trở thành đối tượng cho nhà thơ bé con Trần Đăng Khoa thả buông cảm xúc. Lấp lánh nhiều vẻ, nhiều gương mặt, nhiều sắc màu, nhiều khoảnh khắc đồng quê.
Đây là đồng chiều vào phút giây đặc biệt:
Mặt trời chìm cuối đồng xa
Sương lên mờ mịt như là khói bay
Đất trời cách một gang mây
Và tôi cùng với luống cày tỏa hương
(Đồng chiều)
Đây là đồng thời khắc mưa khi chớm vào hè:
Rộn ràng là một cơn mưa
Trên đồng bông lúa cũng vừa uốn câu
(Mùa Xuân mùa Hè)
Khi cánh đồng là một "cánh đồng vui reo", ôm ụ pháo lảnh lót tiếng chích chòe.
Bao nhiêu khẩu pháo đều rê rê nòng
Cánh đồng vui reo
Gió đồng rộng rãi
(Tiếng chim chích choè)
Khi cánh đồng là cánh đồng rộn rịp náo nức cảnh lao động tấp nập:
Tiếng trâu và tiếng người
Vang ruộng dài lõm bõm
(Cánh đồng làng Điền Trì)
Một cánh đồng tươi tốt lúa trổ hoa - nơi hoang vu xưa kia người nữ anh hùng du kích từng qua:
Đồng lầy dày lác cô qua
Mấy mùa lúa đã trổ hoa thơm lừng
(Về thăm cô Bưởi)
Một cánh đồng của cô Thị Màu trên sân khấu và trong đời thực:
Người xem thoáng như quên chị
Chiều nay gánh lúa trên đồng
Tần tảo nuôi con, nuôi mẹ
Mười năm ròng rã chờ chồng.
(Cô Thị Màu)
Cánh đồng lúa chín có cây đa, mương nước. Lá đa xanh, mương nước bạc, và màu vàng lúa như một bức tranh
... cây đa
Bên mương nước giữa đồng
Lá xanh dòng nước bạc
Biển lúa vàng mênh mông
(Cây đa)
Cánh đồng đầy chim khi vào mùa gặt:
Hạt mẩy uốn cong bông
Chim ngói bay đầy đồng
(Thôn xóm vào mùa)
Lúa chiêm vào mẩy, chim ri bay về
(Gửi theo các chú bộ đội)
Cánh đồng đang vụ gặt ven Cầu Cầm những năm tháng đạn bom của chiến tranh:
Rối rít tiếng ai chào
Cánh đồng đang mùa gặt
Lúa vàng trong đáy mắt
Trời xanh trong lưỡi liềm
(Cầu Cầm)
Cánh đồng của chú bé thả diều so sánh với bầu trời khi có cái diều bay:
Trời như cánh đồng
Sau mùa gặt hái
Diều em lưỡi liềm
Ai quên bỏ lại
(Thả diều)
Cánh đồng của bầu trời soi gương hay là cánh đồng lên trời, còn trời xuống ruộng:
Đường cày ai rạch
Thành dòng sông Ngân
Sao như gốc rạ
Lô nhô xa gần
(Hương đồng)
Bài thơ "Hương đồng" đã có những cảm nhận rất tinh tế về đất đai gieo trồng với các mùi đặc biệt.
Đồng ẩm trăng non
Luống cày sực nức
....
Mùi bùn đang ngấu
Mùi phân đang hoại
Vôi chưa tan hẳn
Còn hăng rãnh cày
Hạt giống mùa qua
Bốc men trong đất
Giọt giọt mồ hôi
ủ lâu thành mật
Bốn bề lên hương
Chỉ có người con của ruộng đồng, đất đai mới có thể cảm nhận những mùi đó là hương, và mới thấy chúng là "ngào ngạt" (Đi trong ngào ngạt. Niềm vui gieo trồng). Tất nhiên có thể hiểu đây là hương của niềm vui, ngào ngạt của niềm vui.
Có thể nói "Đồng quê" - bài thơ về cánh đồng sau vụ gặt là một bức tranh đẹp, mang nhiều nét đặc trưng của những phác thảo cánh đồng muôn vẻ trước đó của Trần Đăng Khoa:
Làng quê lúa gặt xong rồi
Mây hong trên gốc rạ phơi trắng đồng
Chiều lên lặng ngắt bầu không
Trâu ai no cỏ thả rông bên trời
Hơi thu đã chạm mặt người
Bạch đàn đôi ngọn đứng soi xanh đầm
Luống cày còn thở sùi tăm
Sương buông cho đống hoang nằm chiêm bao
Có con châu chấu phương nào
Bâng khuâng nhớ lúa, đậu vào vai em.
Chỉ non tay một chút thôi câu thơ "Làng quê lúa gặt xong rồi" sẽ được viết thành "Làng quê gặt lúa xong rồi" liền một mạch chủ ngữ - vị ngữ, nhưng vì thế mà mất cái mờ ảo không rành mạch rất cần ở trong thơ, nhất là bài thơ tả cánh đồng vắng lúa. Hơn nữa, như thế cũng phá vỡ mất sự tiểu đối của lúa gặt, mây hong, rạ phơi. Có cảm giác như không cần người, không có người, lúa tự gặt, mây tự hong, rạ tự phơi. Hai câu thơ tiếp theo cũng thế. Chiều tự lên, trâu tự đi ngao du (trâu ai no cỏ thả rông bên trời). Không có người, vắng người nên mới "lặng ngắt bầu không". Nhìn cảnh này, trong ta sẽ thấp thoáng câu thơ Huy Cận:
Nắng xuống trời lên sâu chót vót
Mấy con trâu no cỏ (hay chỉ có một con) thì bị đẩy ra xa tít tận "bên trời" để chỉ còn một cánh đồng rỗng lúa. Hình như hơi thu bắt đầu toả lan từ đây. Chỉ là hơi thu chứ chưa phải là sương thu, cho nên cảnh vật sáng lắm, nét lắm
Bạch đàn đôi ngọn đứng soi xanh đầm
Lấp lánh vẻ đẹp buồn, đẹp xưa trong thơ mới của Thế Lữ "Hàng tùng rủ rỉ bên cồn đìu hiu". Nhưng Trần Đăng Khoa lúc này đã rất có nghề, rất chặt chẽ. Cái tiếng "rủ rỉ" có thể có lắm chứ. Nhưng Khoa đã viết "lặng ngắt bầu không" rồi, nên bạch đàn cũng chỉ lặng ngắt mà soi xanh mặt đầm thôi. Bạch đàn xanh, nước đầm xanh in thành ra màu xanh mới. Nếu không để tầm quan sát trên cao mà hạ thấp xuống "bạch đàn đôi gốc" thì sẽ đánh mất vẻ đẹp của từ "soi" (Nước gương trong soi tóc những hàng tre - Tế Hanh; Chị tre chải tóc bên ao. Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương - Trần Đăng Khoa).
Bạch đàn soi, luống cảy thở, sương buông (bây giờ mới có sương), đống hoang nằm chiêm bao. Sương buông màn cho đống hoang nằm ngủ. Một buổi chiều êm. Bao nhiêu hoạt động mà vẫn lặng lẽ êm đềm. Vì đó là hoạt động của vật vô tri được nhân hóa.
Chỉ có một con vật duy nhất là con châu chấu. Nó bâng khuâng, nó nhớ, nó đậu... xuống vai chú bé nhà thơ.
Bức tranh đồng quê sau vụ gặt vừa có vẻ đẹp xưa cổ điển nhưng cũng đẹp vẻ đẹp sống động, hiện đại của bây giờ. Con châu chấu bâng khuâng hay chính tác giả nhỏ tuổi bâng khuâng. Bươm bướm hóa Trang Chu hay chính Trang Chu là bươm bướm?
Nhà Trang 28/12/1998
Hà Nội 20/3/1999
in trong Vũ Nho - Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca, nxb Văn hóa thông tin, 2000.
Hà Nội 20/3/1999
in trong Vũ Nho - Trần Đăng Khoa thần đồng thơ ca, nxb Văn hóa thông tin, 2000.