Ông hoàng vật lý lười học khi còn bé
Giáo sư vật lý thiên văn Stephen Hawking là một trong những bộ óc thông thái nhất hành tinh, song tới 8 tuổi ông mới biết đọc và học hành chểnh mảng khi tới trường.
Báo Adelaide Now của Australia cho biết, Hawking diễn thuyết trước những người hâm mộ vào ngày 20/10 trong hội trường Royal Albert tại London, Anh. Trong buổi diễn thuyết ông kể nhiều điều về thời thơ ấu.
“Chị gái Philippa biết đọc khi mới 4 tuổi và sau này chị ấy cũng thông minh hơn tôi”, Hawking bắt đầu câu chuyện.
Nhà vật lý thiên văn 68 tuổi thừa nhận rằng khi còn học ở trường phổ thông ông không phải là học sinh nổi trội và luôn xếp ở nửa cuối của lớp về thành tích học tập.
“Những bài tập về nhà của tôi luôn được trình bày cẩu thả, còn chữ của tôi thì là nỗi thất vọng của các giáo viên. Nhưng các bạn cùng lớp lại gán cho tôi biệt danh Einstein. Có lẽ họ nhận thấy một thứ gì đó đáng chú ý ở tôi”, ông kể.
Mặc dù được trao bằng xuất sắc của Đại học Oxford danh giá, giáo sư nói với khán giả rằng ông "lười học đến mức khó tin" khi còn là sinh viên. Mỗi ngày Hawking chỉ dành khoảng một giờ để học.
“Tôi không tự hào về sự lười học của bản thân mà chỉ mô tả quan điểm học hành của tôi hồi đó”, ông nói.
Ở tuổi 21, Hawking được chẩn đoán mắc chứng liệt cơ bắp do mất các tế bào thần kinh – còn gọi là bệnh Lou Gehrig. Những người mắc bệnh này hầu như mất hết khả năng cử động.
Khi các bác sĩ nói Hawking chỉ còn sống thêm vài năm nữa, ông dồn toàn bộ thời gian và tâm huyết cho các nghiên cứu khoa học. Kết quả là năng suất làm việc của nhà khoa học trẻ tăng vọt và nhiều thành tựu mang tính đột phá. Chẳng hạn, trong khoảng thời gian từ năm 1965 tới 1975, giáo sư Hawking phát triển một giả thuyết mà theo đó các hố đen xuất hiện sau Vụ nổ lớn (sự kiện khai sinh vũ trụ). Ông cũng cho rằng có một loại bức xạ thoát ra từ những ngôi sao chết. Giới khoa học gọi nó là “bức xạ Hawking”.
“Khi đối mặt với nguy cơ chết sớm, bạn nhận ra rằng cuộc đời rất đáng quý và có nhiều thứ mà bạn muốn làm”, Hawking khẳng định.
Jim Al-Khalili, giáo sư vật lý của Đại học Surrey tại Anh, cũng tham gia buổi thuyết giảng của Hawking. Ông cho rằng trong trường hợp Hawking không mắc bệnh thì ông cũng vẫn trở thành nhà khoa học vĩ đại.
“Điều hiển nhiên là căn bệnh khiến Hawking dành toàn bộ tâm trí cho nghiên cứu khoa học, song nếu không mắc bệnh thì ông ấy vẫn sẽ là một nhà vật lý hàng đầu”, Al-Khalili phát biểu.
Stephen Hawking được coi là ông hoàng vật lý lý thuyết của thế giới trong suốt nhiều thập kỷ qua. Ông nổi tiếng với những công trình nghiên cứu về hố đen trong vũ trụ. Hawking cũng từng nỗ lực theo đuổi mục tiêu tìm ra một “lý thuyết thống nhất” để giải quyết các mâu thuẫn giữa thuyết tương đối của Albert Einstein và thuyết lượng tử. Hawking từng giữ vị trí giáo sư toán Lucasian tại Đại học Cambridge, Anh. Đây cũng là chức danh mà Newton từng đảm nhiệm. Ông hoàng vật lý nghỉ hưu năm ngoái.
Minh Long - VnExpress