• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Ôn thi tốt nghiệp THPT: Vào giai đoạn tăng tốc

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Những ngày này, ở các trường THPT không khí ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng nhất của bậc học này đang bước vào giai đoạn cao điểm.

Tăng tiết, học "ca 3"

22 giờ, tại cổng trường THPT dân lập Nguyễn Khuyến TP.HCM, một nhóm phụ huynh đang chờ đón con. Chị H. - nhà ở Q.10, cho biết: "Học sinh (HS) các lớp 12 học bán trú phải ở lại trường ôn bài vào buổi tối. Dù cực khi phải đưa đón vào đêm khuya nhưng đổi lại chúng tôi thấy an tâm vì biết chắc rằng các cháu đã học thuộc bài trong ngày".

Ông Lê Hữu Khương - Tổng quản nhiệm cơ sở 1 của trường cho hay: "Ngày học bắt đầu lúc 7 giờ và kết thúc lúc 22 giờ 30. Trong đó, có 9 tiết học chính khóa vào ban ngày. Buổi tối, các em tự học với sự trợ giúp của quản nhiệm".

hoso1.jpg
Cô Bùi Thị Thanh Nhàn trường THPT DL Thanh Bình, Q.Tân Bình, TP.HCM hướng dẫn học sinh cách sử dụng Atlat môn Địa lý - Ảnh: Đ.N.T

Khánh Linh - HS lớp 12A1 cho biết: "Học suốt từ sáng sớm đến tối mịt, lúc đầu em không chịu nổi do quá căng thẳng nhưng riết rồi cũng quen. Với lại, phương pháp khảo bài của các thầy cô cũng rất nhẹ nhàng, chủ yếu là khuyến khích tụi em tự học nên không thấy áp lực thi cử".
Tại trường THPT dân lập Đăng Khoa TP.HCM, Nguyễn Ngọc Tân - lớp 12A4 nội trú nói: "Tụi em học suốt ngày đêm. Một ngày mới của em bắt đầu từ 4 giờ 30 với công việc đầu tiên là tự ôn bài, 7 giờ vô lớp học đến 17 giờ, 19 giờ tiếp tục giờ tự học, khảo bài đến 22 giờ 30 phút mới đi ngủ".

Ông Lê Trọng Chì - Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đăng Khoa lý giải: "Do đầu vào hơi yếu nên nhà trường phải tập trung ôn tập cho các em để vượt qua kỳ thi này". Tuy nhiên khi đặt vấn đề có chăng các trường dân lập đang nhồi nhét HS, ông Nguyễn Hai - giáo viên Toán của trường chia sẻ: "Đối với HS yếu, chúng tôi chỉ dạy cho các em làm bài thi được 5 điểm là đạt yêu cầu. Chứ đã yếu mà nhồi nhét thêm cũng phản tác dụng".

Tại Hà Nội, nhiều trường tăng trên 70 tiết/đợt ôn thi, bắt đầu từ khi công bố môn thi. Như vậy, ngoài việc tiếp tục học các môn khác để kết thúc chương trình, HS sẽ phải học bổ sung 5-6 tiết/tuần.

Trường THPT Phạm Hồng Thái (Q.Ba Đình) đã tăng thêm 1 tiết/tuần đối với 3 môn Toán, Văn, Anh từ cuối tháng 2, gần đến giai đoạn nước rút, tăng tiết cả 6 môn thi tốt nghiệp với thời lượng mỗi môn 2 tiết/tuần.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng có chất lượng đầu vào thấp so với các trường trên địa bàn thành phố nên việc ôn tập được tiến hành rất quyết liệt. Ông Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết đến cuối tháng 3, trường cơ bản kết thúc các môn học không thi để tập trung thời gian cho các môn sẽ thi tốt nghiệp. Do thiếu phòng học cho việc tăng tiết nên thời điểm này trường phải tổ chức học ca 3 cho HS, kéo dài tới khoảng 21 giờ.

Tập trung củng cố kiến thức

Ngay sau khi kết thúc đợt kiểm tra định kỳ cuối năm vào ngày 16.4, các trường THPT tại TP.HCM bước vào quá trình ôn tập các môn thi tốt nghiệp.

Ngay tại trường THPT Lương Thế Vinh, HS học 2 buổi/ngày với thời khóa biểu rải đều cho 6 môn thi. "Nhà trường tiến hành học đại trà tất cả HS từ thứ hai đến thứ sáu. Riêng ngày thứ bảy để giáo viên phụ đạo cho những HS yếu kém trong lớp", ông Kim Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng nhà trường nói.

HS Trần Ngọc Trâm - trường THPT Trần Khai Nguyên TP.HCM - có tâm trạng rất thoải mái: "Chúng em bước vào ôn thi tốt nghiệp sau khi thi xong học kỳ 2. Buổi sáng, ôn các môn như học bình thường, buổi chiều nếu thầy cô nào kêu đi dò bài thì đến lớp, gọi đến tên ai thì lên bảng dò, xong rồi về nhà tự học".

Ông Lê Ngọc Lập - Hiệu trưởng trường THPT Phan Đăng Lưu cho biết: "Nhà trường chỉ thực hiện việc ôn tập cho HS ở các buổi học chính khóa, thêm một buổi/tuần phụ đạo HS yếu. Chủ yếu là cho bài tập về nhà tự ôn luyện và khuyến khích tính tự học. Nếu phải dò bài thì khi nào đến sát ngày thi, giáo viên bộ môn thấy HS nào yếu mới dò".

Ở trường THPT Mạc Đĩnh Chi, trường tiến hành ôn tập trung cho HS 6 môn thi vào các buổi sáng. Trường đã sinh hoạt với phụ huynh và giáo viên để dành buổi chiều phụ đạo cho HS yếu kém. "Tuy nhiên, chúng tôi tập trung phụ đạo cho các em này 3 môn xã hội hòng kéo điểm chứ nếu ôn lan man sợ không hiệu quả", Hiệu trưởng Trần Trung Kiên cho biết thêm.

Tình hình cũng tương tự ở các trường có chất lượng đầu vào khá tại Hà Nội. Trường THPT Trần Phú (Q.Hoàn Kiếm) không tổ chức tăng tiết đối với các môn thi tốt nghiệp, chỉ yêu cầu HS nắm vững và củng cố kiến thức ngay trong quá trình học. Đến cuối tháng 4, khi kết thúc chương trình lớp 12 và hoàn thành kỳ kiểm tra học kỳ 2, trường mới dồn thời gian để ôn tập các môn thi tốt nghiệp.

Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Q.Long Biên) yêu cầu tổ trưởng và giáo viên ở các bộ môn có trách nhiệm nghiên cứu các tài liệu tham khảo về hướng dẫn ôn thi để chắt lọc những kiến thức cơ bản nhất, hướng dẫn hay nhất để ôn tập cho HS.

Theo Thanh Niên​
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top