Ôn thi theo bài Khái quát Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX

ngan trang

New member
Khái quát Văn học Việt Nam từ Cách mạng tháng Tám 1945 đến hết thế kỉ XX


I. Đọc - hiểu

1. Vài nét về hoàn cảnh lịch sử, xã hội, văn hoá

- Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do của dân tộc.
- Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1946 - 1954) đã ghi thêm nhiều chiến công vào trang sử vàng chói lọi của Tổ quốc Việt Nam: "Chín năm làm một Điện Biên - Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng" (Tố Hữu).
- Cuộc kháng chiến chống Mỹ vô cùng oanh liệt (1955 - 1975) mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng (30-4-1975) giành thống nhất đất nước.
- Kinh tế, văn hoá, giáo dục phát triển thu được nhiều thành tựu to lớn làm thay đổi hẳn bộ mặt đất nước, tạo nên sức mạnh về thế và lực của dân tộc ta trong 30 năm kháng chiến để chiến thắng.

2. Quá trình phát triển và những thành tựu chủ yếu


a. Chặng đường từ 1945 đến 1954

- Phản ánh và ca ngợi Tổ quốc và dân tộc được hồi sinh sau gần một thế kỉ mất nước, nô lệ (Tuyên ngôn Độc lập).
- Đề tài đánh giặc Pháp cứu nước, hình ảnh lãnh tụ, các hình ảnh về anh bộ đội Cụ Hồ trên tiền tuyến, về bà mẹ, người nông dân ở hậu phương... trở thành trung tâm của văn học kháng chiến. Tình yêu quê hương đất nước là cảm hứng chủ đạo.
- Thơ phát triển mạnh hơn văn xuôi. Một số tác phẩm hay: "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến" của Hồ Chủ tịch như hịch cứu nước, "Việt Bắc" (Tố Hữu), "Đêm nay Bác không ngủ" (Minh Huệ), "Thăm lúa" (Trần Hữu Thung), "Đèo Cả, "Màu tím hoa sim" (Hữu Loan), "Đồng chí" (Chính Hữu), "Bên kia sông Đuống" (Hoàng Cầm), "Đất nước" (Nguyễn Đình Thi), kịch "Những người ở lại", "Bắc Sơn" (Nguyễn Huy Tưởng), truyện "Tây Bắc" (Tô Hoài), "Làng" (Kim Lân)...

b. Chặng đường từ 1955 đến 1964

- Chặng đường mười năm xây dựng và phát triển kinh tế, văn hoá trên miền Bắc, trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt làm hai miền.
- Lao động sáng tạo xây dựng miền Bắc, ý chí đấu tranh và niềm tin thống nhất đất nước là chủ đề trung tâm của văn thơ.
- “Trời mỗi ngày lại sáng”, "Đất nở hoa" (Huy Cận), "Ngói mới", "Mũi Cà Mau" (Xuân Diệu), "ánh sáng và phù sa" (Chế Lan Viên), "Nhớ con sông quê hương" (Tế Hanh), "Nhớ mưa quê hương" (Lê Anh Xuân), "Sông Đà" (Nguyễn
Tuân),v.v... là tinh hoa văn học của chặng đường này.

c. Chặng đường từ 1965 đến 1975

- Miền Bắc trở thành hậu phương lớn vừa chi viện cho tiền tuyến lớn quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, vừa chống lại chiến tranh bằng hải quân và không quân của đế quốc Mỹ.
- .... Hình ảnh trung tâm của văn học là anh chiến sĩ Giải phóng quân, các cô gái, chàng trai thanh niên xung phong, người chiến sĩ lái xe trên con đường chiến lược Trường Sơn.
- "Dáng đứng Việt Nam" (Lê Anh Xuân), "Quê hương" (Giang Nam), "Máu và hoa" (Tố Hữu), "Vầng trăng quầng lửa" (Phạm Tiến Duật), "Góc sân và khoảng trời" (Trần Đăng Khoa), "Đất nước" (Nguyễn Khoa Điềm), "Hòn Đất", "Bức thư Cà Mau" (Anh Đức), "Tre Việt Nam" (Nguyễn Duy), "Dấu chân người lính" (Nguyễn Minh Châu) v.v... là những tác phẩm để lại nhiều dấu ấn một thời máu lửa ác liệt.
- Sự xuất hiện một số nhà văn, nhà thơ trẻ giàu tài năng đã làm cho bộ mặt văn học chặng đường này thêm rạng rỡ: Nguyễn Duy, Phạm Tiến Duật, Lê Anh Xuân, Bằng Việt, Anh Đức, Xuân Quỳnh,...
- Văn học ở các đô thị miền Nam với những tên tuổi như: Vũ Hạnh, Vũ Bằng, Sơn Nam, Nguyễn Hiến Lê,... đã thể hiện tâm huyết và tài năng đóng góp cho nền văn học dân tộc.

3. Đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam từ 1945 đến 197
5

a. Văn học vận động theo hướng cách mạng hoá, mang tính nhân dân sâu sắc

- “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là người chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh).
- Nhân dân lao động (anh bộ đội, người lái xe, cô thanh niên xung phong, bà mẹ ở hậu phương,...) là nhân vật – hình ảnh trung tâm của văn học.
- Lòng yêu nước, tinh thần hi sinh chiến đấu của nhân dân được miêu tả và ngợi ca, tô đậm nền văn học giàu tính nhân dân và nội dung nhân đạo mới.
Con ra tiền tuyến xa xôi,
Yêu bầm, yêu nước cả đôi mẹ hiền.
(Bầm ơi - Tố Hữu)

Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng.
(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

b. Văn học gắn bó mật thiết với vận mệnh chung của đất nước, tập trung vào hai đề tài chính: Tổ quốc và chủ nghĩa xã hội.

- Tổ quốc độc lập và tự do, đất nước thống nhất Bắc Nam liền một dải, Tổ quốc trong máu lửa, chiến thắng vinh quang:

Còn non, còn nước, còn người,
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay.
(Hồ Chí Minh)

- Con người mới, nền văn hoá mới:

Ta hát bài ca gọi ca vào,
Gõ thuyền đã có nhịp trăng cao.
Biển cho ta cá như lòng mẹ,
Nuôi lớn đời ta tự buổi nào
(Đoàn thuyền đánh cá – Huy Cận)

c. Văn học phản ánh hiện thực đời sống trong quá trình vận động và phát triển của cách mạng, kết hợp giữa khuynh hướng sử thicảm hứng lãng mạn.

- Miêu tả đất nước và con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh mang cốt cách anh hùng lẫm liệt hiên ngang. Thơ văn mang âm điệu anh hùng ca.
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng loà
(Đất nước - Nguyễn Đình Thi)

Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi
Nhìn đất nhìn trời nhìn thẳng

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính - Phạm Tiến Duật)

- Thể hiện tinh thần lạc quan, yêu đời, nói lên bao ước mơ về tương lai hạnh phúc của nhân dân ta. Thơ văn thấm đượm chất trữ tình, chất thơ lãng mạn.
" tận sông Hồng, em có biết
Quê hương anh cũng có dòng sông
Anh mãi gọi với lòng tha thiết
Vàm Cỏ Đông! ơi Vàm Cỏ Đông!"
(Vàm Cỏ Đông - Hoài Vũ)

"Đường ra trận mùa này đẹp lắm

Trường Sơn Đông với Trường Sơn Tây"
(Trường Sơn Đông - Trường Sơn Tây - Phạm Tiến Duật)


4. Văn học Việt Nam từ 1975 đến hết thế kỉ XX

- Vài nét về hoàn cảnh lịch sử, xã hội và văn hoá
- Ngày 30 tháng 4 năm 1975, ngày toàn thắng, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước được thống nhất.
- Trong suốt mười năm sau đó, nhân dân ta lại phải đối đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới phía Bắc và biên giới phía Tây Nam.
- Vết thương chiến tranh, nền kinh tế bao cấp lạc hậu, đời sống của nhân dân gặp nhiều thiếu thốn khó khăn.
- Hệ thống các nước Xã hội chủ nghĩa sụp đổ, nước ta bị bao vây kinh tế, càng thêm khó khăn.
- Từ năm 1986, bước vào thời kì đổi mới, nền kinh tế thị trường phát triển, các mặt đời sống, văn hoá, xã hội biến đổi nhanh chóng, quan hệ quốc tế mở rộng, đất nước thay đổi từng ngày từng giờ.
- Văn học nghệ thuật chịu tác động của nền kinh tế thị trường, văn hoá nghe, văn hoá nhìn phát triển, văn hoá đọc có phần bị hạn chế.
 
II. Quá trình phát triển và những thành tựu chủ yếu

- Thơ được in nhiều. Tác giả thơ xuất hiện nhiều, nhưng chưa có thơ hay mà chỉ thấy câu, chữ. Lác đác có hiện tượng "thơ phản thơ", thơ dung tục, ồn ào!
- Về văn xuôi có một số thành tựu đổi mới về thi pháp, tiêu biểu là hai cây bút Nguyễn Minh Châu và Nguyễn Khải. Về kí, Hoàng Phủ Ngọc Tường để lại dấu ấn tài hoa, độc đáo (Ai đã đặt tên cho dòng sông?). Một số hồi kí ra đời, nặng về kể lể và "khoe" (khoe tài, khoe đức), thiếu chân thực, thành thực.
- Về kịch có Lưu Quang Vũ. Các vở kịch "Tôi và chúng ta", "Hồn Trương Ba, da hàng thịt"... để lại nhiều dấu ấn trên kịch trường Việt Nam.
- Về dịch thuật phát triển mạnh. Tác phẩm của một số tác giả được giải thưởng Nô-ben về văn học, của một số nhà văn lớn trên thế giới được dịch và in ấn đã đem lại cho độc giả Việt Nam một không gian nghệ thuật mới mẻ.
- Sách in ấn đẹp khác hẳn thời bao cấp.
Có thể nói, đất nước ta bước vào một thời kì phát triển thịnh vượng khi chào đón thế kỉ XXI. Nền văn hoá mới, nền văn học mới đã và đang trên đà phát triển, nhất định sẽ có nhiều thành tựu rực rỡ chào đón lễ kỉ niệm 1000 năm Thăng Long.
- Về lí luận phê bình không thấy một cây bút nào nhắc đến phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa; chưa có công trình nào, cuốn sách nào đáp ứng được niềm mong đợi của độc giả.

Sưu tầm
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top