• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Ôn thi địa lý 12 - Vị trí địa lý, phạm vi lãnh thổ

thanhviet007

New member
Xu
0
ÔN THI ĐỊA LÝ 12 - VỊ TRÍ ĐỊA LÝ, PHẠM VI LÃNH THỔ

1) Vị trí địa lý nước ta mang đến những thuận lợi và khó khăn gì cho quá trình phát triển KT-XH ?

a/ Thuận lợi:

-Thuận lợi giao lưu buôn bán, văn hóa với các nước trong khu vực và thế giới.

-Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.


-Nguồn khoáng sản phong phú là cơ sở quan trọng phát triển công nghiệp.


-Khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa thuận lợi cho sinh hoạt, sản xuất và sự sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi.


-Thuận lợi phát triển tổng hợp kinh tế biển.


-SV phong phú, đa dạng về số lượng và chủng loại.


b/ Khó khăn:

Thiên tai thường xảy ra: bão, lũ…, vấn đề an ninh quốc phòng hết sức nhạy cảm.

2) Nêu ý nghĩa của vị trí địa lý nước ta.

a/ Ý nghĩa về tự nhiên

- Nằm hoàn toàn trong vành đai nhiệt đới và chịu ảnh hưởng của khu vực gió mùa châu Á làm cho thiên nhiên nước ta mang tính chất nhiệt đới ẩm gió mùa. Giáp biển Đông nên chịu ẩnh hưởng sâu sắc của biển, thiên nhiên bốn mùa xanh tốt.

- Nằm ở nơi gặp gỡ của nhiều luồng di cư động thực vật tạo nên sự đa dạng về động – thực vật.


-Nằm trên vành đai sinh khoáng châu Á-Thái Bình Dương nên có nhiều tài nguyên khoáng sản.


- Có sự phân hoá đa dạng về tự nhiên: phân hoá Bắc – Nam, miền núi và đồng bằng…


* Khó khăn: bão, lũ lụt, hạn hán…


b/ Ý nghĩa về kinh tế, văn hóa, xã hội và quốc phòng.

- Về kinh tế:

+ Có nhiều thuận lợi để phát triển cả về giao thông hàng hải, hàng không, đường bộ với các nước trên thế giới.

à Tạo điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập với các nước trên thế giới.

+ Vùng biển rộng lớn, giàu có, phát triển các nghành kinh tế (khai thác, nuôi trồng, đánh bắt hải sản, giao thông biển, du lịch…)


- Về văn hóa- xã hội: nằm ở nơi giao thoa các nền văn hóa nên có nhiều nét tương đồng về lịch sử, văn hóa . Đây cũng là thuận lợi cho nước ta chung sống hoà bình, hợp tác hữu nghị và cùng phát triển với các nước láng giềng và các nước trong khu vực Đông Nam Á.


- Về chính trị quốc phòng: vị trí quân sự đặc biệt quan trọng của vùng Đông Nam Á. Biển Đông có ý nghĩa chiến lược trong công cuộc phát triển và bảo vệ đất nước.


*Khó khăn: vừa hợp tác vừa cạnh tranh quyết liệt trên thị trường thế giới.


3) Hãy cho biết vai trò của các đảo và quần đảo đối với quá trình phát triển kinh tế nước ta.

-Phát triển kinh tế đảo và quần đảo là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong chiến lược phát triển kinh tế nước ta.


-Các đảo và quần đảo là kho tàng về tài nguyên khoáng sản, thuỷ sản…


-Kinh tế đảo và quần đảo góp phần tạo nên sự phong phú về cơ cấu kinh tế nước ta, nhất là ngành du lịch biển.


-Các đảo và quần đảo là nơi trú ngụ an toàn của tàu bè đánh bắt ngoài khơi khi gặp thiên tai.


-Đặc biệt các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong bảo vệ an ninh quốc phòng. Các đảo và quần đảo là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất nước, là hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển.
 
Sửa lần cuối bởi điều hành viên:
VỊ TRÍ ĐỊA LÍ VÀ PHẠM VI LÃNH THỔ

I. CÂU HỎI

Câu 1. Trình bày đặc điểm vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ của nước ta.
Câu 2. Nêu những thuận lợi và khó khăn của vị trí địa lí đối với sự phát triển KT-XH của nước ta.
Câu 3. Hãy cho biết vai trò của các đảo và quần đảo đối với quá trình phát triển kinh tế nước ta.
Câu 4. Phân tích ý nghĩa và đặc điểm các giai đoạn trong lịch dử hình thành và phát triển của tự nhiên Việt Nam.


II. GIẢI ĐÁP

Câu 1. Đặc điểm vị trí địa lí, phạm vi lãnh thổ của nước ta.

- Diện tích 331.212 km[SUP]2[/SUP] (Niên giám thống kê năm 2006) đứng thứ 4 ở Châu Á (sau Thái Lan, Miama, Inđônêxia) và đứng thứ 60 trên thế giới, có đường bờ biển cong hình chữ S, kéo dài theo chiều từ Bắc – Nam, hẹp Đông – Tây.

- Tọa độ địa lí:

+ Điểm cực Bắc (xã Lũng Cú – huyện Đồng Vân – tỉnh Hà Giang): vĩ độ 23­[SUP]0[/SUP]23’B.

+ Điểm cực Nam (xã Đất Mũi – huyện Ngọc Hiển – tỉnh Cà Mau): vĩ độ 8[SUP]0[/SUP]34’B.

+ Điểm cực Đông (xã Vạn Thạnh – huyện Vạn Ninh – tỉnh Khánh Hòa): kinh độ 109[SUP]0[/SUP]24’Đ.

+ Điểm cựcTây (xã Sín Thầu – huyện Mường Nhé – tỉnh Điện Biên): kinh độ 102[SUP]0[/SUP]9’Đ.
Như vậy phần đất liền nước ta nằm trong vùng nội chí tuyến của nửa cầu Bắc và nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa (trải dài 15 vĩ độ), thuộc múi giờ số 7.

- Phần đất liền tiếp giáp với Trung Quốc ở phía Bắc, đường biên giới dài từ Móng Cái đến Mường Nhé khoảng 1400km, ở phía Tây giáp Lào và Campuchia, trong đó đường biên giới giáp Lào khoảng 2100km, đường biên giới với Campuchia dài hơn 1100km, còn phía Đông, Nam tiếp giáp với biển Đông, đường bờ biển dài từ Móng Cái đến Hà Tiên khoảng 3260km.

- Nước ta có vùng biển rộng khoảng 1 triệu km[SUP]2[/SUP], có trên 4000 đảo lớn nhỏ, nhiều đảo lớn là Huyện đảo Cát Bà, Phú Quốc, Phú Quý… và có 2 quần đảo lớn nhất là quần đảo Hoàng Sa (TP. Đà Nẵng) và quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa)… Vùng biển của nước ta bao gồm:

+ Vùng nội thủy: là vùng biển tính từ bờ biển ra đến đường cơ sở (đường cơ sở là những đường thẳng trên biển nối liền giũa các đảo ven bờ và các mũi đất nhô ra ngoài biển xa nhất như đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), đảo Lí Sơn (Quảng Ngãi), mũi Đại Lãnh (Khánh Hòa), đảo Thổ Chu, Phú Quốc (Kiên Giang)… Vùng nội thủy cũng được xem như là bộ phận lãnh thổ trên đất liền.

+ Vùng lãnh hải: là vùng biển tính từ đường cở sở rộng thêm 12 hải lí (1 hải lí = 1852 m). Trên vùng lãnh hải nhà nước ta có mọi chủ quyền như ở phần đất liền và ranh giới phía ngoài của vùng lãnh hải được coi như là ranh giới của quốc gia trên biển, tàu thuyền nước ngoài được phép đi qua nhưng không gây hại trong lãnh hải nước ta.
+ Vùng tiếp giáp lãnh hải: là vùng biển sát ngoài lãnh hải rộng ra 12 hải lí, trên vùng tiếp giáp lãnh hải, nhà nước còn có quyền thực hiện các biện pháp để bảo vệ an ninh, kiểm soát thuế quan, môi trường, di cư..

+ Vùng đặc quyền kinh tế: là vùng tính từ đường cơ sở rộng tới 200 hải lí, trong vùng đặc quyền kinh tế nước ta có chủ quyền hoàn toàn về kinh tế, nhưng cũng có thể cho phép nước ngoài đặt đường ống dẫn dầu, dẫn khí đốt, dây cáp ngầm qua đáy biển, máy bay nước ngoài được tự do về hàng không đúng như công ước quốc tế.

+ Vùng thềm lục địa: là vùng kéo dài từ đất liền dưới đáy biển mà rộng ra đến hết ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền kinh tế. Trên vùng thềm lục địa nước ta có quyền thăm dò , khai thác và bảo vệ các nguồn tài nguyên khoáng sản như khai thác (dầu khí) ở vùng thềm lục địa…

- Vùng trời của nước ta bao gồm khoảng không gian bao trùm lên phần đất liền, vùng nội thủy, vùng lãnh hải, vùng không gian của các đảo và quần đảo ở ngoài khơi.

Câu 2. Những thuận lợi và khó khăn của vị trí địa lí đối với sự phát triển KT-XH của nước ta.

a. Thuận lợi.


- Nước ta nằm trong vành đai của khí hậu nhiệt đới nên thời tiết nóng, nắng với nền nhiệt độ và bức xạ mặt trời cao, nhiệt độ trung bình năm 22[SUP]0[/SUP] – 27[SUP]0[/SUP]C, lượng bức xạ trung bình từ 120 – 160 kcal/cm[SUP]2[/SUP]/năm. Cán cân bức xạ quanh năm dương với tổng nhiệt độ hoạt động 8000[SUP]0[/SUP]C đến 10.000[SUP]0[/SUP]C, đó là điều kiện thuận lợi để phát triển một nền nông – lâm – ngư nghiệp nhiệt đới nhiều vụ, quanh năm, có thể xen canh gối vụ.. cho năng suất cao, với nhiều nông sản nhiệt đới có giá trị: cà phê, cao su, hồ tiêu…

- Nước ta nằm trong khu vực hoạt động của gió mùa châu Á, gây ra mưa nhiều theo mùa là điều kiện thuận lợi để phát triển một nền nông nghiệp lúa nước từ 1 đến 3 vụ trong năm.

- Nước ta nằm trong phần đông của bán đảo Trung Ấn, tiếp giáp với biển Đông và hai đại dương lớn (Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương), nên thiên nhiên nhiệt đới của nước ta chịu tác động mạnh của biển, gió biển không những gây ra mưa nhiều ở đất liền mà còn làm dịu mát những luồng khí nóng từ Xích đạo lên và sưởi ấm những luồng khí lạnh từ phương Bắc xuống, vì thế thiên nhiên nhiệt đới nước ta rất khác với thiên nhiên nhiệt đới của các nước nằm trong cùng vĩ độ (Tây Á, Bắc Phi,..) Nước ta còn có nguồn tài nguyên biển rất phong phú đó là nguồn hải sản, muối biển, dầu mỏ, khí đốt… đồng thời rất thuận lợi cho giao thông vận tải, du lịch biển, môi trường biển…

- Nước ta là nơi gặp gỡ, hội tụ, giao thoa của nhiều luồng sinh vật từ Bắc xuống, từ Nam lên… dẫn đến nước ta có tài nguyên sinh vật phong phú và đa dạng về giống, loài.

- Nước ta nằm gần trung tâm Đông Nam Á nên nước ta cũng nằm ở khu vực là vùng bản lề của hai vành đai sinh khoáng lớn nhất thế giới là Thái Bình Dương và Địa Trung Hải nên có nguồn tài nguyên sinh vật và tài nguyên khoáng sản rất phong phú đa dạng về loại hình, với nhiều khoáng sản ở trên đất liền, dưới biển, với nhiều mỏ kim loại, phi kim loại… là cơ sở để phát triển nhiều ngành công nghiệp khai khoáng, chế biến, với cơ cấu ngành đa dạng hiện đại…

- Nước ta là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa, dân tộc khác nhau, các dân tộc Việt Nam được hình thành có nguồn gốc từ ba dòng ngôn ngữ khác nhau (Nam Á, Nam Đảo, Hán Tạng) vì thế tạo nên một nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc dân tộc

- Nước ta nằm ở trung tâm Đông Nam Á nên rất thuận lợi trong việc giao lưu, quan hệ với các nước trong khu vực bằng đường biển, đường bộ, đường hàng không.. đặc biệt nằm gần đường biển quốc tế và eo biển Malâc nên không những thuận lợi để phát triển giao thông biển quốc tế mà còn là nơi dừng chân của tàu thuyền quốc tế, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch quốc tế.

- Nước ta nằm trong khu vực có hoạt động kinh tế sôi động của khu vực châu Á – Thái Bình Dương (gần các con Rồng châu Á, gần Nhật Bản, Trung Quốc, NiuDilân là những nước có nền kinh tế mạnh ở châu Á – Thái Bình Dương). Nước ta có nhiều tiềm năng về tự nhiên và KT-XH, mà nền kinh tế lại chưa phát triển, nên đây là điều kiện thuận lợi để nước ta học tập kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ tiên tiến của thế giới, thu hút đầu tư của nước ngoài..

b. Khó khăn

- Nước ta nằm trong khu vực có thể nói là nhiều thiên tai trên thế giới (bão, lũ lụt, hạn hán, áp thấp nhiệt đới…) nên phải chịu hậu quả lớn về người, về của cải vật chất và phải đầu tư lớn để phòng ngừa và khắc phục hậu quả của thiên tai.
- Nước ta nằm trong vành đai khí hậu nhiệt đới ẩm gió mùa nên sinh vật phát triển, đồng thời sâu bệnh và dịch bệnh cũng phát triển gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt và sức khỏe con người.

- Đường biên giới nước ta kéo dài trên cả biển và đất liền nên có nhiều khó khăn về bảo vệ an ninh quốc phòng.

- Lãnh thổ nước ta kéo dài theo hướng Bắc – Nam, có sự phân hóa lớn trong sản xuất nông nghiệp, các hoạt động kinh tế.. gây khó khăn cho việc chỉ đạo quản lí thống nhất trên toàn lãnh thổ.

- Nước ta nằm ở trung tâm có hoạt động kinh tế sôi động trên thế giới nên sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh, hội nhập để phát triển kinh tế…

Tóm lại: Vị trí địa lí nước ta có nhiều thuận lợi cho sự phát triển KT-XH của đất nước, đây là nguồn lực quan trọng để phát triển KT-XH.

Câu 3. Vai trò của các đảo và quần đảo đối với quá trình phát triển kinh tế nước ta.

- Phát triển kinh tế đảo và quần đảo là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong chiến lược phát triển kinh tế nước ta.
- Các đảo và quần đảo là kho tàng về tài nguyên khoáng sản và thủy sản…

- Kinh tế đảo và quần đảo góp phần tạo nên sự phong phú vế cơ cấu kinh tế nước ta, nhất là ngành du lịch biển.

- Các đảo và quần đảo là nơi trú ngụ an toàn của tàu bè đánh bắt ngoài khơi khi gặp thiên tai

- Đặc biệt các đảo và quần đảo có ý nghĩa chiến lược trong bảo vệ an ninh quốc phòng. Các đảo và quần đảo là hệ thống tiền tiêu bảo vệ đất nước, là hệ thống căn cứ để nước ta tiến ra biển và đại dương, khai thác có hiệu quả các nguồn lợi vùng biển.

Câu 4. Ý nghĩa và đặc điểm các giai đoạn trong lịch dử hình thành và phát triển của tự nhiên Việt Nam.

a. Ý nghĩa.

- Giai đoạn Tiền Cambri là giai đoạn trong lịch sử hình thành nền móng ban đầu của lãnh thổ Việt Nam.
Ở giai đoạn Tiền Cambri lớp vỏ trái đất chưa được hình thành rõ ràng và có rất nhiều biến động, đây là giai đoạn sơ khai của lịch sử trái đất. Các đá biển chất tuổi Tiền Cambri làm nên những nền móng ban đầu của lãnh thổ nước ta.
Trên lãnh thổ nước ta lúc đó chỉ có các mảng nền cổ như: Vòm sông Chảy, Hoàng Liên Sơn, cánh cung sông Mã, khối nhô Kom Tum làm hạt nhân tạo thành những điểm tựa cho sự phát triển lãnh thổ sau nạy.

- Giai đoạn Cổ kiến tạo là giai đoạn có tính chất quyết định đến lịch sử phát triển lãnh thổ Việt Nam.

+ Trong giai đoạn này nhiều bộ phận lãnh thổ được nâng lên trong các pha uốn nếp của các kỳ vận động tạo núi Calêđôni và Hecxini thuộc đại Cổ sinh, các kỳ vận động tạo núi Inđôxini và Kimêri thuộc đại Trung sinh hình thành các khu vực lãnh thổ nước ta.

+ Giai đoạn này cũng còn có các sụt võng, đứt gãy hình thành các loại đá và các loại khoáng sản trên lãnh thổ nước ta.

+ Các điều kiện cổ địa lí của vùng nhiệt đới ẩm nước ta giai đoạn này được hình thành và phát triển thuận lợi.

- Giai đoạn Tân kiến tạo vẫn còn đang tiếp diễn ở nước ta cho đến tận ngày nay.

+ Dãy Hoàng Liên Sơn nằm ở rìa của dãy Hymalaya vẫn đang được tiếp tục nâng cao do các hoạt động địa chất ở khu vực Hymalaya.

+ Các đồng bằng lớn ở nước ta vẫn tiếp tục quá trình thành tạo và mở rộng. Đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm lấn ra biển từ 60 – 80m.

b. Đặc điểm

- Giai đoạn Tiền Cambri:

+ Là giai đoạn cổ nhất và kéo dài nhất trong lịch sử phát triển lãnh thổ Việt Nam. Các đá biến chất cổ nhất được phát hiện ở Kon Tum, Hoàng Liên Sơn có tuổi cách đây 2 – 3 tỷ năm. Và kết thúc cách đây 540 triệu năm.

+ Chỉ diễn ra trong một phạm vi hẹp trên phần lãnh thổ nước ta hiện nay: chỉ diễn ra ở các vùng núi và đồ sộ nhất nước ta.

+ Trong giai đoạn này các điều kiện cổ địa lí còn rất sơ khai và đơn điệu:
Lớp vỏ thạch quyển, khí quyển ban đầu còn rất mỏng, thủy quyển mới xuất hiện với sự tích tụ các lớp nước trên bề mặt. Sinh vật bắt đầu xuất hiện ở dạng sơ khai và đơn điệu như: tảo, động vật thân mềm…

- Giai đoạn Cổ kiến tạo:

+ Diễn ra trong thời kì khá dài, tới 475 triệu năm.

Giai đoạn Cổ kiến tạo bắt đầu từ kỷ Cambri, cách đây 540 triệu năm, trải qua hai đại Cổ sinh và Trung sinh, chấm dứt vào kỷ Krêta, cách đây 65 triệu năm.

+ Là giai đoạn có nhiều biến động mạnh mẽ nhất trong lịch sử phát triển tự nhiên nước ta.

Trong giai đoạn này tại lãnh thổ nước ta hiện nay có nhiều khu vực chìm ngập dưới biển trong các pha trầm tích và được nâng lên trong các pha uốn nếp của các kỳ vận động tạo núi Calêđôni và Hecxini thuộc đại Cổ sinh, các kỳ vận động tạo núi Inđôxini và Kimêri thuộc đại Trung sinh.

Đất đá của giai đoạn nạy rất cổ, có cả các loại trầm tích (trầm tích biển và trầm tích lục địa), macma và biến chất.
Các đá trầm tích biển phân bố rộng khắp trên lãnh thổ, đặc biệt đá vôi tuổi Đêvon và Cacbon-Pecmi có nhiều ở miền Bắc.
Các hoạt động uốn nếp và nâng lên diễn ra ở nhiều nơi: trong đại Cổ sinh là các địa khối thượng nguồn sông Chảy, khối nâng
Việt Bắc, địa khối Kon Tum; trong đại Trung sinh là các dãy núi có hướng Tây Bắc – Đông Nam ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ, các dãy núi có hướng vòng cung ở Đông Bắc và khu vực núi cao ở Nam Trung Bộ.

Kèm theo các hoạt động uốn nếp tạo núi và sụt võng là các đứt gãy, động đất có các loại đá macma xâm nhập và macma phun trào như granit, riôlit, anđêzit cùng các khoáng quý như: đồng, sắt, thiếc, vàng, bạc, đá quý.

+ Là giai đoạn lớp vỏ cảnh quan địa lí nhiệt đới ở nước ta đã rất phát triển.

Các điều kiện cổ địa lí của vùng nhiệt đới ẩm ở nước ta vào giai đoạn này đã được hình thành và phát triển thuận lợi mà dấu vết để lại là các hóa đá san hô tuổi Cổ sinh, các hóa đá than tuổi Trung sinh cùng nhiều loài sinh vật cổ khác.
Có thể nói về cơ bản đại bộ phận lãnh thổ Việt Nam hiện nay đã được định hình khi kết thúc giai đoạn Cổ kiến tạo.

- Giai đoạn Tân kiến tạo:

+ Diễn ra ngắn nhất trong lịch sử hình thành và phát triển của tự nhiện nước ta (bắt đầu cách đây khoảng 65 triệu năm và vẫn tiếp tục cho đến ngày hôm nay)

+ Chịu sự tác động mạnh mẽ của kỳ vận động tạo núi Anpơ-Hymalaya và những biến đổi khí hậu có quy mô toàn cầu:

+ Vận động tạo núi Anpơ-Hymalaya có tác động đến lãnh thổ nước ta bắt đầu từ kỷ Nêôgen, cách đây 23triệu năm, cho đến ngày nay. Do chịu tác động của vận động tạo núi này , trên lãnh thổ nước ta đã xảy ra các hoạt động như: uốn nếp, đứt, gãy, phun trào macma, nâng cao và hạ thấp địa hình, bồi lấp các bồn trũng lục địa. Cũng vào giai đoạn này, đặc biệt trong kỷ Đệ Tứ , khí hậu trái đất có những biến đổi lớn với những thời kỳ băng hà gây nên tình trạng dao động lớn của mực nước biển. Đã có nhiều lần biển tiến và biển lùi trên lãnh thổ nước ta mà dấu vết để lại là thềm biển, cồn cát, các ngấn nước trên vách đá ở vùng ven biển và các đảo ven bờ.

+ Là giai đoạn tiếp tục hoàn thiện các điều kiện tự nhiên làm cho các quá trình địa mạo như hoạt động xâm thực, bồi tụ được đẩy mạnh, hệ thống sông suối đã bồi đắp nên những đồng bằng châu thổ rộng lớn, mà điển hình nhất là đồng bằng Bắc Bộ và đồng bằng Nam Bộ, các khoáng sản có nguồn gốc ngoại sinh được hình thành như dầu mỏ, khí đốt, than nâu, bôxit.

Các điều kiện tự nhiên nhiệt đới ẩm đã được thể hiện rõ nét trong quá trình tự nhiên như quá trình phong hóa và hình thành đất, trong nguồn nhiệt ẩm dồi dào của khí hậu, lượng nước phong phú của mạng lưới sông ngòi và nước ngầm, sự phong phú và đa dạng của thổ nhưỡng và giới sinh vật đã tạo nên diện mạo và sắc thái của thiên nhiên nước ta ngày nay.

 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top