• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

“Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trá

Phong Cầm

Yêu!
Thành viên BQT
Đề : “Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly trong sự quên, trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo vừa thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người thêm trong sạch và phong phú hơn”.
Giải thích và bình luận ý kiến trên của Thạch Lam (1910 – 1942)

A. Gợi ý chung

Đây là đề nghị luận hỗn hợp đòi hỏi cả giải thích lẫn bình luận. Có thể giải thích trước, bình luận sau hoặc phối hợp vừa giải thích vừa bình luận từng ý một trong câu nói của Thạch Lam. Dù theo cách nào cũng phải biết chia tách câu nói trên thành các vế, các mệnh đề khác nhau để sự giải thích, bình luận không rơi vào chung chung.

Câu nói của Thạch Lam bao hàm hai vế phủ định và khẳng định. Trong khi khẳng định quan niệm nghệ thuật về con người, nhà văn đồng thời bộc lộ niềm tự hào về vũ khí văn chương. Người viết cần phải bình luận về cả ba ý chính trong câu nói đó.

B. Gợi ý cụ thể

I. Mở dầu

Nêu vị trí ý kiến của Thạch Lam trong giai đoạn văn học 1930-1945.

Trích dần ý kiến đó.

1. Giải thích (lần lượt từng ý)

a. "Văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên" nghĩa là thế nào?

thach lam “Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn

“Đối với tôi văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có thể có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn

Văn chương cũng không thể tách rời cuộc sống, không đưa đến cho người đọc thái độ quay lưng, lảng tránh đời sống. Nó không phải là liều thuốc ngủ.

b. "Văn chương là một thứ khí giới đắc lực và thanh cao” nghĩa là thế nào? Văn chương là công cụ nghề nghiệp hoàn hảo của nhà văn, là vũ khí có khả năng giúp nhà văn hoàn thành sứ mệnh của mình một cách có hiệu quả. Nó không bị sử dụng vào mục đích xấu, hơn nữa, luôn tác động qua con đường tình cảm.

c. "Tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác", "làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn" nghĩa là thê nào?

- Văn chương vạch trần, phê phán những tệ lậu, những cái xấu xa của xã hội và đòi hỏi diệt trừ, thay thê nó, đồng thời bồi đắp tinh thần, xây dựng đời sống tâm hồn, thanh lọc tình cảm con người.

2. Bình luận (lần lượt từng ý)

a. Thể hiện một thái độ lựa chọn dứt khoát, tiến bộ, tích cực.

Ngầm đối thoại với xu hướng văn học thoát li.

Thể hiện một quan niệm gần gũi với quan niệm của các nhà văn hiện thực phê phán về văn học.

Rất hiểu vai trò trách nhiệm của nhà văn cũng như sự mê hoặc, quyến rũ của văn chương.

b. Rất tự hào về vũ khí của mình. -

Ý thức được sức mạnh và sự cao cả của văn học.

Một nhận xét đúng đắn, khái quát, sát thực tế.

Thấy được cách tác động đặc thù của văn học vào cuộc sống,

c. Nhận thức đúng về hiện trạng đời sống lúc bấy giờ.

Xác định đúng mục tiêu, nhiệm vụ của văn học.

Hiểu rõ tương quan giữa hai nhiệm vụ.

Đầy niềm tin ở khả năng của văn học, khả năng tự cải tạo tâm hồn mình từ con người, nói chung là niềm tin vào một tương lai sáng sủa hơn.

III. Kết bài

Một quan niệm đúng đắn về vai trò, tác dụng của văn chương trong đời sống xã hội.

Ý nghĩa lịch sử và ý nghĩa lâu dài của ý kiến đó.

Bài làm 1

Xưa nay có rất nhiều quan niệm về văn chương. Nam Cao, nhà văn xuất sắc của chủ nghĩa hiện thực cho rằng: "Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối,..", còn đối với cây bút nổi tiếng Vũ Trọng Phụng thì "…Tôi muốn tiểu thuyết tả sự thực ở đời ". Đối với Thạch Lam, ông cùng đóng góp một ý kiến, trên quan điểm rất tích cực: "Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay là sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn".

Trong nhận định này, Thạch Lam đã tự đề ra cho mình một chủ trương riêng, một cái nhìn khác biệt. Trước hết, ông đã phủ nhận thứ văn chương đơn thuần chỉ là trò giải trí: "Văn chương không phải là một cách đem lại cho người đọc sự thoát li

hay sự quên". Loại văn chương đó có thể là loại văn chương chỉ biết tôn thờ và sùng bái cái đẹp, hình thức nó tô vẽ cuộc đời bằng những màu sắc lòe loẹt, rực rỡ, phủ lên cuộc sống một thứ hương vị quyến rũ ngọt ngào làm ngất ngây độc giả. Loại văn chương dẫn dắt ta đi vào một thế giới đầy mộng tưởng và hư ảo, làm cho tâm hồn ta trở nên siêu thoát, hoặc thúc giục người ta tận hưởng thú vui mà quên đi trách nhiệm ở đời, như một nhà thơ đã viết:

Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!

Loại văn chương ấy trước năm 1945 đã tràn ngập trên sách báo. Chúng xuất hiện dưới hình thức tiểu thuyết với những câu chuyện tình ướt át. Chính chúng đã tung ra một thứ hương hoa làm đắm say con người, đã làm cho con người thoát li hiện thực, quay lưng lại với đời sống để gây tác hại cho cuộc đời. Thậm chỉ còn có cả một số những nhà văn nhà thơ xem cuộc đời là vô nghĩa, đôi lúc chính họ đã có ý định trốn vào tháp ngà văn chương để quên lãng trách nhiệm và quên đi cuộc sống phũ phàng xung quanh họ. Những con người ấy đả được Nam Cao đưa vào tác phẩm của mình qua hình ảnh của Điền trong Trăng sáng. Là một trí thức nghèo, nhưng Điền luôn ôm ấp một giấc mộng văn chương rất lớn. Thế nhưng điều đáng tiếc ở đây chính là bởi mâu thuẫn giữa nỗi đam mê ấy và hiện thực cuộc đời. Điền – chính Điền đã có lúc gần như là trốn chạy trước những nỗi đau phũ phàng diễn ra trước mắt. Anh muốn thoát li, muốn vùng ra khỏi cái gánh nặng áo cơm ghì sát đất đề có thể nhẹ nhàng bay bổng lên cùng với ánh trăng. Thế nhưng, Nam Cao đã khẳng định mạnh mẽ: "Nghệ thuật không phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ảnh trăng lừa dối…", và Thạch Lam cùng nhấn mạnh: "Không thể!". Ở đây, ta đã bắt gặp được điếm tương đồng giữa hai nhà văn nổi tiếng, sẵn sàng từ chối ánh trăng xanh huyền ảo đầy những sự lừa lọc: "Ánh trăng làm đẹp cả những cảnh thật ra chỉ tầm thường xấu xa", có biết đâu "trong những căn lều nát… biết bao người quằn quại, nức nở, nhăn nhó với những đau thương của kiếp người". Phê phán loại văn chương đó, đồng thời Thạch Lam đưa ra quan niệm "Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người dược thêm trong sạch và phong phú hơn".

Nếu như Nam Cao đã băn khoăn, trăn trở đến rớm máu để phủ định thứ nghệ thuật lấy ánh trăng lừa dối làm mục đích, Vũ Trọng Phụng đã từng dùng ngòi bút để tuyên chiến với những loại văn chương lãng mạn thoát li hiện thực, thì ở đây, Thạch Lam nhỏ nhẹ, điềm tĩnh, đã định hướng cho mình một quan niệm văn chương khá rõ ràng và toàn diện: 'Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực… Văn chương đích thực có khác gì như những lưỡi lê, nó sẳn sàng mố xẻ để cắt bỏ những ung nhọt, những mảnh đen từ cuộc sống. Bản chất của văn chương vốn là chân-thiện-mĩ, là nghệ thuật, là cái đẹp. Cuộc sống tự bao đời nay đã tồn tại với tính chất đa dạng và phức tạp. Bắt rễ từ đó cây văn chương đã nảy mầm và phát triển, rồi lại trở về với khai thác và tìm tòi ngay trong mảnh đất tình đời.

Văn chương dùng cái đẹp để tiêu diệt cái ác, gạn lọc cuộc sống, giữ lấy cái đức thiện; giữ lại những giá trị chân thực, những chân lí của cuộc sống.

Đó là cái đẹp có sức cảm hóa giáo dục cao. Chính vì vậy, nó mang tư cách là một "thứ khí giới thanh cao và đắc lực" để bảo vệ cuộc đời, để vừa tố cáo và thay đổi một thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người trong sạch và phong phú hơn thêm.

Vũ khí ấy quả thực là một khí giới đặc biệt, một thứ vũ khí tinh thần mà chính những chàng hiệp sĩ của thời đại anh dũng đứng lên để cải tạo xã hội và cảm hóa con người. Nhiệm vụ của nhà văn là phải dùng ngòi bút để làm phương tiện phanh phui, để tố cáo cái thế giới giả dối và tàn ác, giúp mọi người tìm lại được giá trị của cuộc đời để xây dựng một xã hội mới tốt đẹp hơn, công bằng hơn và xứng đáng hơn.

Không chỉ dừng lại ở đó, theo Thạch Lam, văn chương còn có nhiệm vụ là mở đường cho một tương lai tốt đẹp, là làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.

Nói đến điều này, chứng tỏ rằng Thạch Lam đã hết sức tin tưởng ở khả nãng kì diệu của văn chương. Đó chính là khả năng cảm hóa được con người, hướng con người tự vươn đến tầm cao cuộc sống. Đối với con người, văn chương nghệ thuật mãi mãi vẫn là một người bạn vô cùng thân thiết. Sự tồn tại vĩnh cửu của văn chương chân chính đã nói lên được tất cả những giá trị tự thân của nó. Với những kĩ thuật tiến bộ ngày nay, máy móc có thể dọn sạch một căn phòng, làm đẹp một căn nhà, thậm chí có thể làm sạch được cả môi trường, nhưng nhất định, không bao giờ chúng có được khả năng làm sạch tâm hồn con người như văn chương nghệ thuật. Những giọt nước mắt khóc thương cho cuộc đời đau khổ, cho một số phận bị biến dạng, dập vùi… trong từng tác phẩm, sẽ làm cho con người trong sạch thêm, tốt đẹp và cao thượng hơn lên! Tiến sĩ Lê Ngọc Trà đã có một nhận định thật hay về tác động của văn chương đối với tâm hồn mỗi con người:

"Văn học chủ yếu không phải là ghi chép, mô tả hiện thực mà là hành động tự nhận thức của nhà văn, nhờ đó tác phẩm nghệ thuật đã trở thành mảnh đất nuôi dưỡng con người và tình cảm con người, thành khu vườn, nơi tình cảm con người đến đơm hoa kết quả".

Nhìn chung, qua nhận định của Thạch Lam, ta đã rút ra được những ý kiến khá chính xác và bổ ích. Điều quan trọng nhất, nhận định trên đã cho ta thấy được sự toàn diện, nét uyển chuyển tinh tế trong cái nhìn của Thạch Lam so với một số những nhà văn đương thời. Dĩ nhiên, Thạch Lam cũng như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, đều đề cao cái "chân" của văn chương. Thiếu nó thì nhà văn sẽ trở nên tầm thường, những tác phẩm của họ cũng không có sức thuyết phục. Nhưng tiến bộ hơn một số nhà văn đương thời, Thạch Lam không hoàn toàn phủ nhận vai trò của văn chương lãng mạn. Ồng rất trung thành với quan điểm "văn phải có chân đứng từ cuộc sống ". Điều đó được thể hiện rõ trong một số tác phẩm dồi dào chất liệu hiện thực của ông (Đói, Nhà mẹ Lê, Cô hàng xén…). Nhưng Thạch Lam vẫn tha thiết một mảnh vườn xanh lá hoàng lan, với chiếc cổng nhỏ đưa về thời gian quá khứ, với tiếng nói quen thuộc của bà, với nhịp đập khẽ khàng như cánh bướm khi gặp cô bạn cũ… Đọc đoạn văn sau đây của Thạch Lam để thấy rằng ông vừa là một nhà văn hiện thực vừa là một nhà văn lãng mạn:

"Chung quanh chàng yên lặng: Mặt trăng đã lên quá đỉnh đầu, sáng loáng trên bầu trời trong vắt. Sương xuống đã thấm vào người. Trường thong thả trở về buồng. Đến dưới giàn hoa, chàng quay lại nhìn cành vườn, và qua dãy tre thưa lá, quãng rộng mà dòng sông đưa lên tiếng róc rách của nước chảy. Đột nhiên chàng giật mình. Trong bóng tối của giàn hoa, chàng thoáng thấy một bóng người đứng nép vào khóm cây. Chàng bước lại gần, một tiếng nói quen thuộc khi gọi tên chàng, giọng dịu dàng và cảm động… Đêm đã khuya: tiếng nước róc rách ngoài sông. Tiên khẽ đi, sương mù đã phủ xuống đầy vườn, trắng xóa như một đám mây, chỉ còn chùm lá dày của cây lựu lấp lánh sáng. Hai người lắng nghe cái yên lặng của ban đêm…".

Sự khác nhau về giọng văn giữa đoạn trên và những đoạn trong Nhà mẹ Lê đã cho ta thấy được một điều: chủ nghĩa lãng mạn và chủ nghĩa hiện thực, cả hai đều cần cho cuộc sống. Nếu như chủ nghĩa hiện thực cho ta thấy rõ được những nét xấu xa đen tối trong bản chất cuộc đời, thì văn chương lãng mạn như dòng nước mát xoa dịu những nỗi đau thương ấy, mở ra cho con người, phải trở thành "một thứ vũ khí đắc lực của con người ". Hơn hẳn những nhà văn khác, Thạch Lam đã nhận ra điều đó.

Thạch Lam như một ngôi sao chổi quét qua bầu trời văn học, những di sản ông để lại ngày càng tỏa sáng nhiều giá trị, Lớp bụi thời gian không đủ sức để che phủ lên những giá trị đó. Thạch Lam vừa xứng đáng là nhà văn hiện thực và cũng là nhà văn lãng mạn!

Bài làm 2

Xưa nay, có rất nhiều quan niệm về văn chương. Nhà văn hiện thực Nga nổi tiếng M.Gorki đã từng nói: Văn học là nhân học. Vào thập kỉ ba mươi của thế kỉ XX, ở nước ta có nhiều nhà thơ, nhà văn có những quan điểm rất khác nhau về vấn đề này, thậm chí hình thành hẳn hai trường phái đối lập: Nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật. Nam Cao, cây bút xuất sắc của trào lưu văn học hiện thực phê phán cho rằng: Nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối… Vũ Trọng Phụng viết:… Tôi muốn tiểu thuyết là sự thực ở đời. Là một nhà văn lãng mạn tiến bộ, Thạch Lam cũng góp ý kiến bằng một quan điểm tích cực: Đối với tôi, văn chương không phải là một cách đem đến cho người đọc sự thoát li hay sự quên; trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.

Trong quan niệm này, Thạch Lam phủ nhận thứ văn chương đơn thuần chỉ là trò giải trí để giết thời gian, làm cho con người thoát li hiện thực, quay lưng với đời sống xã hội. Hay nói như Nam Cao, đó là thứ văn chương chỉ dành cho những kẻ lắm của, nhiều tiền, các bà các cô vô công rồi nghề, chỉ có việc chăm sóc thịt da và chẳng làm gì cả.

Từ thực tế sáng tác phức tạp trong những năm 30, 40, Thạch Lam thấy không ít tác phẩm chỉ đem đến cho người ta sự thoát li hay sự quên như những loại truyện đậm màu mê tín, dị đoan, những truyện võ hiệp, kiếm hiệp hoặc những truyện rẻ tiền nhan nhản trên sách báo mà dư luận đương thời mỉa mai gọi là loại truyện ba xu… Tệ hại hơn, có nhà thơ đã lớn tiếng ngợi ca những thú vui trụy lạc, những cơn say triền miên: Say, say nữa, và quên, quên hết. Say tửu, say sắc, say thuốc phiện để quên lãng trách nhiệm làm người, làm dân, để hủy hoại cả bản thân và hủy hoại cuộc đời bao kẻ khác. Thậm chí có nhà văn, nhà thơ coi cuộc đời là vô nghĩa, muốn trốn vào tháp ngà văn chương để quên đi hiện thực phũ phàng xung quanh.

Những biểu hiện trên xét ở mặt nào đó thì có thể coi là một trong những hình thức phản kháng lại xã hội, nhưng là sự phản kháng yếu ớt, bất lực và nguy hại. Phê phán loại văn chương đó, Thạch Lam đưa ra quan niệm: Văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cải thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người được thêm trong sạch và phong phú hơn.

Thạch Lam đã nhận thức một cách hết sức khoa học về các chức năng văn học. Quan điểm trên của ông đề cập đến tính nhận thức và tính giáo dục của văn chương.

Sống trong xã hội đầy rẫy bất công đương thời, nhà văn xác định rõ ràng là ngòi bút phải phanh phui, tố cáo cái xấu, cái ác để góp phần thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, giúp mọi người nhận thức được rằng cái xã hội thối tha, đen tối ấy phải bị đập tan, xóa bỏ để xây dựng một xã hội mới công bằng, tốt đẹp hơn.

Không chỉ dừng ở đó, văn chương còn có nhiệm vụ mở đường cho một tương lai tốt đẹp. Đây cũng là yêu cầu về tinh thần trách nhiệm và tính chân thực, về lương tâm nhà văn trước xã hội. Những tác phẩm văn học chân chính có sức mạnh ngàn đời như Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi, Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ của Hồ Xuân Hương, của Cao Bá Quát… mãi mãi có sức lay động, cổ vũ lòng người sâu xa, mãnh liệt. Văn chương có tác dụng to lớn khi nó phục vụ những lí tưởng cao cả và sự nghiệp chân chính.

Cách đây hàng thế kỉ, nhà thơ mù yêu nước Nguyễn Đình Chiểu đã quan niệm: Chở bao nhiêu đạo thuyền không thẳm, Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà. Đấy cũng là một cách để khẳng định mục đích chân chính của văn chương.

Rõ ràng quan niệm của Thạch Lam gần giống với quan niệm trên. Thạch Lam cho rằng văn chương trong tay nhà văn chân chính phải là vũ khí đắc lực và thanh cao để cải tạo xã hội, để giáo dục, cảm hoá con người ngày càng hướng tới Chân, Thiện, Mĩ.

Nhấn mạnh vai trò xã hội của văn chương, song Thạch Lam không quên chú trọng tới tác dụng bồi đắp tâm hồn con người của nó. Văn chương đích thực làm giàu đời sống tinh thần, khiến cho tình cảm con người trở nên trong sáng hơn, phong phú hơn.

Do đặc trưng riêng, văn học có khả năng đặc biệt trong việc phát triển và diễn tả sự bí ẩn, huyền diệu của con người. Từ những hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm, nhà văn đề cập tới nhiều vấn đề thiết thực của cuộc sống, giúp người đọc cùng suy ngẫm, cùng sống với nhân vật và tác giả. Từ đó tự nâng cao nhận thức về mình, tự hoàn thiện nhân cách của mình. Một Hămlet băn khoăn, day dứt trước câu hỏi: Sống hay không sống? Cặp tình nhân bất diệt Rômêô và Giuliet với tình yêu chiến thắng hận thù (bi kịch Sêcxpia) và người có trái tim nhân ái bao la Giăng Van giăng (Những người khốn khổ – V.Huy-gô)… đã trở thành những bài học nhân sinh vô giá cho bao thế hệ người đọc. Đây cũng chính là giá trị nhân đạo của văn chương.

Thực tế sáng tác của Thạch Lam cho thấy lời nói và việc làm của ông thống nhất với nhau. Những truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn thường đi sâu vào phân tích đời sống tâm hồn của con người, phản ánh quá trình đấu tranh gay go giữa cái xấu và cái tốt (Sợi tóc), ca ngợi tình cảm thanh cao, đằm thắm (Dưới bóng hoàng lan), ca ngợi đức hi sinh (Nhà mẹ Lê)… Thái độ cảm thông, thương xót chân thành của Thạch Lam đối với những kiếp người cùng khổ khiến cho mỗi tác phẩm đều thấm đượm tính nhân văn. Nét đáng quý, đáng trân trọng của ngòi bút Thạch Lam là ở đó.

Quan niệm trên đây của Thạch Lam hoàn toàn đúng. Nó khẳng định vai trò to lớn của văn chương đối với con người và xã hội. Nó không chỉ có tác dụng tích cực đối với xã hội đương thời mà còn đúng với mọi thời đại. Tuy nhiên quan điểm ấy cũng có chỗ cần bàn lại. Nếu hiểu sự thoát li hay sự quên là nhất thời rời bỏ cảnh đời phức tạp chung quanh, quên đi mọi nỗi nhọc nhằn, éo le của cuộc sống bản thân trước mắt để đi vào thế giới văn chương với mục đích giải trí, làm cho tâm hồn thư thái, miễn là tác phẩm không có gì độc hại thì mục đích ấy là chính đáng và thơ văn ấy không phải hoàn toàn vô ích. Ngày nay, lí luận đã công nhận giải trí cũng là một chức năng của văn học.

(sưu tầm)
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top