Đổi mới giáo dục chủ nghĩa mác - lênin trong các trường đại học, cao đẳng - một vấn đế cần được xem

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
ĐỔI MỚI GIÁO DỤC CHỦ NGHĨA MÁC - LÊNIN TRONG CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG - MỘT VẤN ĐẾ CẦN ĐƯỢC XEM XÉT CẨN TRỌNG

LÊ TRỌNG ÂN - TRẦN CHÍ MỸ (*)

Với mong muốn đổi mới giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin trong các trường đại học, cao đẳng ở nước ta diễn ra một cách đúng hướng và thực sự có hiệu quả, trong bài viết này, các tác giả muốn trao đổi với độc giả về những nội dung cơ bản và cần đổi mới trong "Giáo trình những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin". Theo các tác giả, Giáo trình cần đổi mới, nhưng việc chính yếu nhất lại không làm được; những nội dung triết học cần giải thích một đằng, Giáo trình trả lời một nẻo; học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin không phải chỉ là học thuyết về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa; nội dung lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về chủ nghĩa xã hội như Giáo trình đã đưa ra cần phải được xem xét lại một cách cẩn trọng. Nói tóm lại, Giáo trình này chưa đạt yêu cầu tối thiểu của một giáo trình ở bậc đại học, do vậy cần ngừng phổ biến và sử dụng để biên soạn lại.

Đô i mới giáo dục các môn khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin là một nhiệm vụ quan trọng trong tiến trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế. Với tư cách là cơ sở lý luận và phương pháp luận khoa học của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, chủ nghĩa Mác - Lênin có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng và của dân tộc Việt Nam.

Chính nhờ có ánh sáng như “mặt trời chói lọi” của chủ nghĩa Mác - Lênin soi đường mà cách mạng Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã giành được những thắng lợi vẻ vang, mang ý nghĩa lịch sử trọng đại, có tầm ảnh hưởng và sức lan tỏa vượt ra cả bên ngoài biên giới quốc gia: Chúng ta đã hoàn thành sứ mạng lịch sử ở thế kỷ XX là đánh thắng hai đế quốc to, làm phá sản hai chiến lược lớn của chủ nghĩa đế quốc - “chiến lược chiến tranh thực dân kiểu cũ” và “chiến lược chiến tranh thực dân kiểu mới”, hoàn thành cách mạng giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội.(*)Và, ngày nay, với sự kiên định và lòng tin vững chắc vào chủ nghĩa Mác - Lênin, nhân dân Việt Nam đang từng bước thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế, phấn đấu đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Bước sang thế kỷ XXI, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều biến đổi sâu sắc; do đó, để phù hợp với điều kiện lịch sử mới, chủ nghĩa Mác - Lênin cần phải được giáo dục, phổ biến sâu rộng hơn, thiết thực hơn đối với mọi tầng lớp nhân dân, trước hết là cán bộ, đảng viên, công nhân…, nhất là đối với thế hệ trẻ, học sinh, sinh viên đại học, cao đẳng - lực lượng nòng cốt và là chủ nhân tương lai xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

Giáo dục các môn khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin là cung cấp cho người học một hệ thống tri thức lý luận tiên tiến, qua đó bồi dưỡng cho họ hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp tư duy sáng tạo, nhân sinh quan cách mạng và đạo đức mới để phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Đổi mới giáo dục lý luận các môn khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng không chỉ là đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, bảo đảm chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao “vừa hồng, vừa chuyên, mà còn cần phải đổi mới cả về cách thức tổ chức học tập, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn cuộc sống. Nói tóm lại, đổi mới giáo dục lý luận các môn khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin phải được thực hiện một cách đồng bộ, toàn diện, trong đó đổi mới nội dung giáo trình môn học là công việc quan trọng nhất.

Nhận thức sâu sắc về mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của việc đổi mới nội dung giáo dục các môn khoa học Mác - Lênin trong hệ thống các trường đại học, cao đẳng cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặc biệt quan tâm và tích cực thực hiện đổi mới, đổi mới liên tục. Chỉ tính trong thời gian 7 năm gần đây (2002 - 2009), Bộ đã thực hiện đổi mới đến 3 lần - 3 lần biên soạn, 3 lần xuất bản hàng vạn cuốn giáo trình các môn khoa học này. Lần thứ nhất và lần thứ hai xuất bản vào năm 2002 và năm 2006, gồm 5 bộ môn: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế - Chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Lần thứ ba - lần biên soạn và xuất bản gần nhất (2009), gồm 3 môn: Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh, Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam (trước đây là Giáo trình môn Lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong đó, Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009) được “tích hợp” từ ba môn vốn từ trước tới nay vẫn coi là ba bộ môn khoa học độc lập - ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin (gồm: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế - Chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học).

Như vậy, so với bộ Giáo trình của Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cũng cùng thời gian, cùng nội dung các môn học tương ứng, phù hợp với nhiều đối tượng người học, nhưng cho tới nay, mới xuất bản 1 lần (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003), với số lượng khiêm tốn, chỉ bằng khoảng 1/3 số lượng giáo trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo xuất bản, thì rõ ràng tốc độ đổi mới tư duy lý luận và quy mô “sản xuất” giáo trình các môn khoa học Mác - Lênin của Bộ Giáo dục và Đào tạo quả là rất đặc biệt!

Đó là một “thành tích” nổi bật, một hiện tượng đổi mới “siêu tốc”, hiếm thấy ở Việt Nam trong lịch sử biên soạn giáo trình các môn khoa học nói chung, lịch sử biên soạn giáo trình các môn khoa học xã hội và nhân văn nói riêng. Có lẽ, nhờ có những đóng góp cho sự nghiệp đổi mới tư duy lý luận bằng công việc cụ thể - công việc “sản xuất” giáo trình, đặc biệt là Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin mà một số tác giả viết giáo trình này đã được khen thưởng rất trọng thị!

Để minh họa cho “thành tích” nêu trên, trong đợt bồi dưỡng chuyên môn dành cho đội ngũ giảng viên các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh các trường đại học, cao đẳng ở các tỉnh phía Nam vào dịp hè đầu tháng 8 năm 2009, tại Hội trường Thành ủy thành phố Nha Trang, tiến sĩ Phạm Văn Sinh (Đồng chủ biên) đã long trọng tuyên bố: “Quy trình tổ chức biên soạn giáo trình và quy trình nghiệm thu Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin… đã được thực hiện rất là nghiêm túc " . Tiến sĩ Phạm Văn Sinh còn nhấn mạnh: “Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là một công trình khoa học đặc biệt cả về tính pháp lý, cả về nội dung chuyên môn. Điểm đặc biệt về tính pháp lý của Giáo trình thể hiện ở chỗ, đó là công trình khoa học cấp quốc gia đã được góp ý, sửa chữa năm lần và được nghiệm thu đến hai lần, nay chính thức được phổ biến, giảng dạy thống nhất trong toàn bộ hệ thống các trường đại học, cao đẳng trên phạm vi cả nước; các thầy - cô giáo ở các trường cứ thế mà thực hiện! Còn điểm đặc biệt về chuyên môn là ở chỗ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn rất cẩn thận trong số các nhà khoa học có uy tín và các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm(1) dựa theo bộ giáo trình của Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các môn khoa học Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh để biên soạn… với một tinh thần khoa học nghiêm túc và sự nỗ lực rất cao” (2).

Nhưng thực tế thì thế nào?

Xin bạn đọc và những ai quan tâm đến chủ nghĩa Mác - Lênin hãy bớt chút thời gian đọc Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin sẽ thấy được thực chất của công trình “đặc biệt” này đã thể hiện “kinh nghiệm dựa theo”bộ giáo trình của Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình… ra sao? Và, qua đó, các bạn sẽ hiểu thêm, hiểu rõ hơn uy tín “đặc biệt” về chuyên môn của các “chuyên gia đầu ngành” đã bộc lộ tinh thần “đổi mới” tư duy lý luận đến cỡ nào qua nội dung đã được họ thể hiện trong Giáo trình đó.

Đối với nhiều thầy, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy các môn khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có chúng tôi, dù đã rất kiên nhẫn mấy tháng sau đợt “bồi dưỡng” chuyên môn tại Nha Trang về đọc lại giáo trình nhiều lần nhưng vẫn không sao “tiêu hóa” nổi. Bởi lẽ, cái gọi là “đổi mới” tư duy lý luận mà người đọc và người học nhận thấy rõ điểm khác nhau, cũng là điểm “đặc biệt” nổi bật ở Giáo trình này so với bộ Giáo trình của Hội đồng Trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia là ở chỗ, từ ba bộ môn khoa học độc lập - ba bộ phận cấu thành chủ nghĩa Mác - Lênin (Triết học Mác - Lênin, Kinh tế - Chính trị Mác - Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học) đã được các “chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm” cắt bỏ không thương tiếc một số điểm, một số phần quan trọng của ba bộ phận đó rồi “lắp ghép”, “gom lại” còn 9 chương thành một môn duy nhất, với cái tên mới, gọi là Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Còn về nội dung của nó - nội dung của Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, sau khi được các chuyên gia đầu ngành “phẫu thuật”, “lắp ghép” từ ba bộ môn khoa học nói trên đã không những không thể hiện được tinh thần “đổi mới” tư duy lý luận mà trái lại, nó còn quá nhiều sai sót, mà những sai sót này đều thuộc về kiến thức cơ bản - kiến thức nền hết sức quan trọng, nên không thể chấp nhận được! Cụ thể là:

1. Đổi mới, nhưng việc chính yếu nhất lại không làm

Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin là giáo trình cấp quốc gia, bắt buộc phải đáp ứng đầy đủ mọi tiêu chí và các yêu cầu chính yếu nhất của một giáo trình mang tính lý luận cao. Ở đây, chúng tôi chỉ nêu hai yêu cầu cơ bản sau:

Một là, đã là giáo trình (hoặc sách giáo khoa) thì phải xác định đúng, xác định chính xác, cụ thể và rõ ràng về đối tượng, phạm vi nghiên cứu của môn học; kết cấu của giáo trình phải bảo đảm tính hệ thống, có lôgíc chặt chẽ.

Hai là, về nội dung của Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin, dù có “đổi mới” nhưng không được sai sót về kiến thức cơ bản, phải bảo đảm tính hệ thống, khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, bao gồm những vấn đề cơ bản nhất của chủ nghĩa Mác - Lênin và của từng bộ phận cấu thành nó; đặc biệt là phải chuẩn xác về nội dung của từng khái niệm, nguyên lý, phạm trù, quy luật của chủ nghĩa Mác - Lênin và phải được diễn đạt bằng văn phong khoa học, dễ hiểu.

Đối với yêu cầu thứ nhất, các tác giả biên soạn Giáo trình này đã sai ở nhiều điểm, nhiều vấn đề cơ bản; việc sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt nội dung những điểm, những vấn đề này trong Giáo trình là hết sức mù mờ, khó hiểu, thậm chí còn bị cắt xén, lắp ghép một cách tùy tiện(3). Bạn đọc có thể tham khảo trong bài viết có tựa đề “Đôi điều suy nghĩ về đối tượng, phạm vi và kết cấu của Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, đăng trong mục “Trao đổi ý kiến” của Tạp chí Triết học, số 221- tháng 10/ 2009; ở đây, chúng tôi không bàn thêm nữa, mà dành phần chủ yếu đề cập đến một số nội dung lớn, nội dung then chốt của Giáo trình này.

Đối với yêu cầu thứ hai - yêu cầu quan trọng nhất, yêu cầu về nội dung của giáo trình, thì những sai sót ở đây còn trầm trọng hơn cả những sai sót đã được nêu đối với yêu cầu thứ nhất.

Những người biên soạn giáo trình cần phải hiểu rằng, khái niệm, phạm trù khoa học là công cụ và là cơ sở quan trọng nhất cho người học nhận thức đúng, nhận thức đầy đủ nội dung và bản chất của môn học. Do vậy, vấn đề chính yếu số 1 về nội dung của Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là các tác giả phải phân tích và làm rõ từng khái niệm trong hệ thống các khái niệm, phạm trù, nguyên lý, quy luật cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin. Có như vậy mới cung cấp cho người học vốn tri thức cần thiết, tạo cho họ khả năng tiếp cận và nhận thức nội dung các môn khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin một cách đầy đủ và sâu sắc. Tuy nhiên, các tác giả biên soạn Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đã không đáp ứng được yêu cầu cơ bản này.

Thực tế cho thấy, giáo trình các môn học nói chung, Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng càng chuẩn xác về khoa học, càng chi tiết, rõ ràng về nội dung thì càng mang tính quyết định đối với chất lượng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên, nhất là trong điều kiện đào tạo theo học chế tín chỉ lấy người học làm trung tâm; quá trình đào tạo chuyển thành quá trình tự đào tạo là chủ yếu. Đó là phương châm giáo dục tích cực, chủ động, phù hợp với quan điểm và phương châm giáo dục - đào tạo của Đảng mà chúng ta đang thực hiện. Do vậy, khi đã xác định môn học là “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin”thì bắt buộc những người biên soạn giáo trình phải phân tích một cách chi tiết và xác định cụ thể nội hàm của khái niệm đó - khái niệm "Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin", vì cái đích cuối cùng của giáo trình phải đạt tới là giúp cho người đọc, người học hiểu đúng bản chất, nội dung của môn học, tức là nắm được “cái hồn” của chủ nghĩa Mác – Lênin trên cơ sở nhận thức đầy đủ bốn nội dung cơ bản sau:

1) Chủ nghĩa Mác - Lênin là gì?
2) Nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin là gì?
3) Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin là gì?
4) Chủ nghĩa Mác - Lênin có bao nhiêu nguyên lý cơ bản, gồm những nguyên lý nào?

Nếu không phân tích và luận giải thấu đáo bốn nội dung trên thì giáo trình không đạt yêu cầu; và một khi đã không đạt yêu cầu về nội dung thuộc kiến thức cơ bản của môn học thì những gì gọi là “đổi mới” tư duy lý luận đã được thể hiện trong giáo trình có đáng tin cậy không?
Sau khi đọc xong toàn bộ giáo trình chúng tôi mới thật sự lấy làm tiếc và thất vọng đến ngỡ ngàng, vì các tác giả biên soạn Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin đã không đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu chính yếu và hết sức cơ bản, bởi lẽ:

Đối với câu hỏi thứ nhất - Chủ nghĩa Mác Lênin là gì, yêu cầu phải phân tích nội dung khái niệm và trả lời được đó là gìthì Giáo trình đã giải thích: “Chủ nghĩa Mác - Lênin “là hệ thống quan điểm và học thuyết” khoa học của C.Mác, Ph.Ăngghen và sự phát triển của V.I.Lênin, được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị tư tưởng nhân loại và tổng kết thực tiễn thời đại; là thế giới quan, phương pháp luận phổ biến của nhận thức khoa học và thực tiễn cách mạng; là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người”(4) (chúng tôi viết đậm). Diễn đạt nội dung khái niệm“Chủ nghĩa Mác Lênin” như trên, các tác giả biên soạn Giáo trình này đã phạm sai lầm ít nhất ở 4 điểm sau:

Một là, việc sử dụng ngôn ngữ và cách diễn đạt khái niệm này trong Giáo trình là không chính xác, văn phong rườm rà, khó hiểu, không lôgíc, không thể hiện được tính khái quát cao của một khái niệm triết học.

Hai là, đặt cụm từ “là hệ thống quan điểm và học thuyết” trong dấu ngoặc kép của khái niệm này là sai, không có nội dung, không có ý nghĩa gì mà trái lại, nó chỉ tạo cho người học sự hoài nghi những hiểu biết lơ mơ về chủ nghĩa Mác - Lênin của các tác giả biên soạn Giáo trình này mà thôi.

Ba là, Giáo trình viết: “Chủ nghĩa Mác - Lênin… được hình thành và phát triển trên cơ sở kế thừa những giá trị tư tưởng nhân loại và tổng kết thực tiễn thời đại….” thì thời đại được nêu ở đây là thời đại nào, hay tất cả mọi thời đại trong lịch sử phát triển của xã hội loài người? Viết như vậy là mập mờ, vu vơ, không rõ ràng về nguồn gốc thực tiễn - xã hội của chủ nghĩa Mác - Lênin. Nếu như các tác giả biên soạn Giáo trình nghiên cứu lại, nghiên cứu thấu đáo hơn về tiểu sử của C.Mác, Ph.Ănghen và V.I.Lênin; về “Ba nguồn gốc và ba bộ phận cấu thành của chủ nghĩa Mác” của V.I.Lênin; về một số tác phẩm tiêu biểu của các ông… và về “thực tiễn thời đại” mà V.I.Lênin đã sống, hoạt động cách mạng và phát triển chủ nghĩa Mác thì các tác giả biên soạn Giáo trình này sẽ xác định được chủ nghĩa Mác - Lênin đã “kế thừa… và tổng kết thực tiễn thời đại” nào?

Bốn là, không thể nói các tác giả biên soạn Giáo trình này ngây thơ đến mức hiểu biết nội dung của chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ “là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột và tiến tới giải phóng con người”. Và, ngay cả khi giải thích nội dung này, các tác giả Giáo trình cũng diễn đạt vừa mơ hồ, vừa tự mâu thuẫn với chính mình, chẳng khác người không bình thường khi lúng túng đã lấy ngón tay chọc con mắt. Sự mơ hồ thể hiện ở chỗ, các tác giả đã không xác định được một cách rõ ràng, cụ thể nội hàm của khái niệm “chủ nghĩa Mác Lênin”. Giáo trình viết: “Với nghĩa như vậy, nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin bao quát các lĩnh vực tri thức hết sức rộng lớn mang nhiều giá trị khoa học và thực tiễn…”(5). “Các lĩnh vực tri thức hết sức rộng lớn” ở đây là gồm “các lĩnh vực” nào? Chủ nghĩa Mác - Lênin đã công khai phổ biến trên khắp thế giới cả trăm năm hơn, cần gì phải bí mật mà các tác giả mập mờ, không chỉ rõ, chỉ cụ thể cho người học hiểu đúng, hiểu chính xác về “các lĩnh vực” - về đối tượng nghiên cứu của chủ nghĩa Mác - Lênin là gì? Còn tự mâu thuẫn được bộc lộ ở chỗ, trong cùng một trang của Giáo trình (tr.12), ở câu trên thì các tác giả khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng, chủ nghĩa Mác Lênin… “là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản,…” nhưng liền sau đó, chỉ sau một câu thôi, họ đã dao động, thay đổi “lập trường” và chuyển ngay sang giả định bằng cách sử dụng từ “nếu” để diễn đạt nội dung trên chứ không kiên định, dứt khoát trước sau như một. Giáo trình viết: “Thế nhưng, nếu nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin với tư cách “là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản… thì có thể thấy nội dung của chủ nghĩa Mác - Lênin được cấu thành từ ba bộ phận lý luận cơ bản…, đó là: Triết học Mác - Lênin, Kinh tế chính trị Mác - Lênin và Chủ nghĩa xã hội khoa học”(6). Sử dụng từ “nếu ở đây, các tác giả Giáo trình không chỉ sai trong việc xác định nội hàm của khái niệm “Chủ nghĩa Mác Lênin, mà còn sai cả khi giải thích khái niệm đó. Thực tế này đã bộc lộ một cách không chối cãi sự lúng túng do non nớt, yếu kém về chuyên môn của những người biên soạn Giáo trình. Do đó, những lời tán dương điểm “đặc biệt” về nội dung chuyên môn của Giáo trình do các “chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm” thực hiện được Tiến sĩ Phạm Văn Sinh ca ngợi tại Hội trường Thành ủy thành phố Nha Trang như trên, chỉ là để “lòe” thiên hạ!

Các tác giả biên soạn Giáo trình nên nhớ rằng, chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ “là khoa học về sự nghiệp giải phóng giai cấp vô sản, giải phóng nhân dân lao động khỏi chế độ áp bức, bóc lột…”, mà còn là khoa học về những quy luật chung nhất của sự vận động và phát triển của toàn bộ thế giới - của tự nhiên, xã hội và tư duy.

Đối với câu hỏi thứ hai – Nguyên lý của chủ nghĩa Mác Lênin là gì, yêu cầu phân tích và trả lời được đó là gìthì những người biên soạn Giáo trình đã làm lơ, không đề cập đến; chẳng lẽ họ dành cho người dạy và người học tự nghiên cứu và tự giải đáp?

Đối với câu hỏi thứ ba – Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin là gì, thì thay vì trước tiên phải phân tích nội dung khái niệm “Nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin” là gì?(khái niệm số ít), các tác giả Giáo trình lại chuyển sang giải pháp “trung dung”, bằng cách trình bày (khái niệm số nhiều): “Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin” là những quan điểm cơ bản,…"(7).Tuy nhiên, sự phân tích nội dung của khái niệm này trong Giáo trình cũng chẳng khá hơn là bao, vẫn diễn đạt một cách dài dòng, mù mờ, khó hiểu, tương tự như cách diễn đạt nội dung của khái niệm thứ nhất. Đúng hơn là họ giới thiệu “địa chỉ” để tìm đối tượng của môn học chứ không phải phân tích nội dung khái niệm đó.

Đối với câu hỏi thứ tư - Chủ nghĩa Mác Lênin có bao nhiêu nguyên lý cơ bản, gồm những nguyên lý nào, chúng tôi xin được nói thẳng, nói ngay rằng các tác giả biên soạn Giáo trình này đã phải “chào thua”, coi như bỏ trống, không giải đáp được (chí ít là ở trong Giáo trình này).

Không phân tích, luận giải một cách thấu đáo những nội dung nêu trên, đặc biệt là loại bỏ nội dung thứ tư ra khỏi Giáo trình, có thể khẳng định, những người biên soạn Giáo trình đã không làm cái công việc chính yếu nhất, bắt buộc họ không thể không làm, dù họ biết đó là những nội dung, những khái niệm cơ bản, hết sức quan trọng, trực tiếp liên quan đến chính cái tên của Giáo trình. Do đó, người học có đọc Giáo trình này đến mờ mắt cũng không thể tìm thấy bất kỳ một sự phân tích, lý giải nào về những nội dung, khái niệm nêu trên ở bất kỳ chương, tiết nào trong toàn bộ cuốn Giáo trình này.

Như vậy là, ngay ở trong Giáo trình đã không giải đáp được bốn câu hỏi - bốn nội dung cơ bản, đầu tiên của môn học, không xác định được “cái hồn” của chủ nghĩa Mác - Lênin thì đối với người học, đầu đã không xuôi thì đuôi khó mà lọt! Nếu cứ tiếp tục giảng dạy theo Giáo trình này thì ai dám khẳng định rằng, sẽ không hề có hiện tượng nào khi giải thích những nội dung trên thì mỗi người một phách, theo cách hiểu riêng của mình giữa các thầy - cô giáo đứng lớp giảng dạy môn học này? Và, nếu hiện tượng đó xảy ra (thực tế đã xảy ra rồi) thì nội dung của nó có xứng đáng được coi là giáo trình, là “cẩm nang” mang tính pháp lý, “bắt buộc” đội ngũ giảng viên đứng lớp phải tuân theo? Đặc biệt là, đối với hàng triệu sinh viên các trường đại học, cao đẳng trong cả nước, họ có còn đủ kiên nhẫn và sự say mê, hứng thú đối với môn khoa học đã được xác định là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động cách mạng của Đảng và của dân tộc Việt Nam mà bản thân những người biên soạn Giáo trình này đã đối xử không khoa học với chính nó?

2. Nội dung cần giải thích một đằng, Giáo trình trả lời một nẻo

Ví dụ 1: Ngay ở Chương mở đầu, Giáo trình viết: “Đối tượng của việc học tập,nghiên cứu môn học“Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin” là những quan điểm cơ bản, nền tảng và mang tính chân lý bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin trong phạm vi ba bộ phận lý luận cấu thành nó”(8). Theo cách diễn đạt trên, “đối tượng của việc học tập, nghiên cứu môn học”thì ai cũng biết, đó chính là người học - là sinh viên các trường đại học và cao đẳng. Ở đây, người học cần ở Giáo trình có sự phân tích thấu đáo, chính xác và chỉ rõ, chỉ cụ thể cho họ hiểu “đối tượng của môn học” gồm những nội dung gì? Người học hoàn toàn không cần giải thích “đối tượng của việc học tập...”là ai, vì người học đã biết đích thực điều đó - chính là họ rồi! “Đối tượng của môn học” và “đối tượng của việc học” là hai khái niệm có nội dung hoàn toàn khác nhau; cho dù là người nước ngoài học ngôn ngữ tiếng Việt ở trình độ phổ thông họ cũng có thể hiểu và phân biệt được sự khác nhau về nội dung của hai khái niệm này một cách chính xác. Đây không thể nói là lỗi do sự nhầm lẫn, sai sót về mặt kỹ thuật trong khi in ấn, xuất bản Giáo trình, mà phải coi đó là hạn chế, thiếu hiểu biết về chuyên môn nên mới dẫn đến thực tế là người học cần được giải thích một đằng - tức cần được giải thích nội dung và xác định rõ đối tượng của môn học là gì, nhưng trong Giáo trình lại trả lời một nẻo, chẳng ăn nhập vào đâu.(8)

Ví dụ 2: Ở Phần thứ nhất của Giáo trình – “Thế giới quan và phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác – Lênin”, gồm 3 chương:

Chương I. Chủ nghĩa duy vật biện chứng
Chương II. Phép biện chứng duy vật
Chương III. Chủ nghĩa duy vật lịch sử

Vấn đề cốt lõi, trước tiên, bắt buộc các tác giả biên soạn Giáo trình phải thực hiện ở phần thứ nhất này là phân tích và luận giải một cách khoa học nhằm cung cấp tri thức tối thiểu cho người học để họ có thể hiểu chính xác, hiểu đúng thực chất của cả hai nội dung sau:

Một là, thế giới quan triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin là gì?
Hai là, phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin là gì?

Rất tiếc là cả hai nội dung cơ bản nhất trên đây vẫn không được các tác giả đáp ứng đầy đủ, dù đó là công việc bắt buộc họ không được phép bỏ qua. Đã có không ít giảng viên đứng lớp không chỉ lúng túng khi sinh viên yêu cầu giải thích về hai nội dung đó, mà ngay cả trong đợt tập huấn chuyên môn tại Nha Trang, các thầy - cô giáo cũng đã nêu câu hỏi đối với ban biên tập Giáo trình rằng, “tại sao trong Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin không hề có một sự giải thích và làm rõ hai nội dung, hai khái niệm trên?

Vẫn lặp lại tình trạng người học cần được giải thích nội dung một đằng, người biên soạn Giáo trình trả lời một nẻo. Và, vẫn tại Hội trường của Thành ủy thành phố Nha Trang này, ông đồng chủ biên Giáo trình - Tiến sĩ Phạm Văn Sinh đã thản nhiên giải thích bằng lời lẽ kẻ cả, với thái độ miệt thị hết sức rõ ràng đối với các thầy - cô đã nêu các câu hỏi trên rằng: “Thầy - cô giáo ở trường nào mà nêu câu hỏi thắc mắc như thế là tư duy kiểu nông dân. Thế giới quan triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin là gì? Phương pháp luận triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin là gì ư?... Nó nằm ở 3 chương trong Phần thứ nhất của Giáo trình chứ ở đâu mà tìm không ra…(!)”(9). Thật là chí lý và chua chát… đến hết chỗ nói!
Ở đây, chúng tôi không bàn đến nhân cách và thái độ của ông đồng chủ biên khi trả lời câu hỏi của các thầy, cô giáo, cho dù tại Hội trường này có không ít các vị tóc đã bạc phơ, được xếp vào bậc “sư phụ” của ông ta. Về mặt chuyên môn, người học cần ở Giáo trình một sự giải thích cụ thể, rõ ràng để họ hiểu đúng, hiểu chính xác nội dung các khái niệm triết học của chủ nghĩa Mác - Lênin, chứ đâu họ có đòi hỏi phải cung cấp địa chỉ để đi tìm các khái niệm đó. Dẫu có là như vậy, nhưng nếu cứ theo địa chỉ mà Tiến sĩ Phạm Văn Sinh đã giới thiệu (ở 3 chương trong Phần thứ nhất) thì người đọc có tìm đến hết năm cũng không thể phát hiện ra hai nội dung đó, vì không ai có thể tìm thấy cái không có trong Giáo trình. Điều đó chứng tỏ rằng, những người biên soạn Giáo trình, kể cả Tiến sĩ Phạm Văn Sinh với tư cách đồng chủ biên đã không đọc kỹ bản thảo trước khi đưa đi xuất bản, hoặc có đọc nhưng họ không hiểu người học cần gì, cần phải cung cấp cho người học những nội dung nào mới đúng, mới chính xác; do vậy mới dẫn đến thực trạng chéo nghoe là nội dung cần được giải thích một đằng, các tác giả Giáo trình lại trả lời một nẻo, chẳng ăn nhập vào đâu. Đến như cỡ ông đồng chủ biên Giáo trình mà trả lời như vậy thì còn gì là hứng thú để bàn, để học và nghiên cứu Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin do “các chuyên gia đầu ngành có kinh nghiệm” đã “đẻ” ra nó? (9)

3. Có phải học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác – Lênin chỉ có vậy?

Phần thứ hai của Giáo trình – “Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”, gồm 3 chương:

Chương IV. Học thuyết giá trị
Chương V. Học thuyết giá trị thặng dư
Chương VI. Học thuyết về chủ nghĩa tư bản độc quyền và chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước

Nói một cách vắn tắt, toàn bộ Phần thứ hai của Giáo trình này chỉ thuần túy, say sưa bàn về “Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”, còn những tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về nội dung kinh tế của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản ra sao thì các tác giả biên soạn Giáo trình đã cắt bỏ hẳn, cắt bỏ hoàn toàn, cắt bỏ một cách không thương tiếc, cho dù đó là nội dung vô cùng quan trọng của học thuyết Mác - Lênin về kinh tế, là nội dung luôn được Đảng ta quan tâm, chỉ đạo nghiên cứu và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn Việt Nam trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Ở Phần thứ hai của Giáo trình có ít nhất ba điểm cần phải được xem xét lại, xem xét một cách cẩn trọng, đặc biệt là mục đích của nó đối với người học:

Một là, hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng không tự nhiên xuất hiện, và đương nhiên, nội dung của nó không thuần túy chỉ có như trong Giáo trình này.

Trong toàn bộ Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin thiếu hẳn chương giới thiệu khái quát về lịch sử các học thuyết phát triển xã hội trước khi có chủ nghĩa Mác - Lênin. Cũng tương tự như vậy, ở “Phần thứ nhất” thiếu hẳn chương giới thiệu khái quát lịch sử triết học; ở “Phần thứ hai” thiếu hẳn chương khái quát lịch sử các học thuyết kinh tế; ở “Phần thứ ba” thiếu hẳn chương giới thiệu khái quát lịch sử tư tưởng và các học thuyết về chủ nghĩa xã hội. Thiếu các chương (phần) nêu trên, nội dung Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin trở nên khập khiễng, làm đứt đoạn lôgíc khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin nói riêng. Bởi lẽ, chủ nghĩa Mác - Lênin là sự khái quát thực tiễn và kế thừa, cải biến và phát triển sáng tạo các tư tưởng, quan điểm có trước lên một trình độ mới cao hơn, toàn diện hơn, triệt để hơn, thể hiện đầy đủ bản chất khoa học, cách mạng và nhân văn vốn có của nó là không chỉ giải thích thế giới mà còn cải tạo thế giới, như C.Mác đã khẳng định. Ngay trong lĩnh vực triết học, C.Mác cũng đã khẳng định: “Các triết gia không mọc lên như nấm từ đất, họ là sản phẩm của thời đại mình, của dân tộc mình, mà dòng sữa tinh tế nhất, quý giá nhất và vô hình được tập trung lại trong những tư tưởng triết học” ( 10).

Hai là, ở Phần thứ hai của Giáo trình chỉ đề cập đến “Học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa” và loại bỏ hẳn, loại bỏ hoàn toàn những tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề kinh tế trong chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, những người biên soạn Giáo trình muốn thực hiện mục đích gì ở nội dung của phần này đối với trí thức, với hàng triệu học sinh, sinh viên - một lực lượng đông đảo, trẻ trung, hết sức thông minh và nhạy cảm trong nhận thức khoa học?

Cần phải lưu ý rằng, mục đích của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lênin nghiên cứu kinh tế tư bản chủ nghĩa không phải đơn giản là để hiểu biết phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa như thế nào, mà mục đích chính yếu nhất của các ông là nghiên cứu phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa để tìm ra bản chất, quy luật vận động, biến đổi, phát triển và sự diệt vong tất yếu của chế độ kinh tế tư bản chủ nghĩa và sự ra đời tất yếu của chế độ kinh tế - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa; đồng thời, phác họa những tư tưởng, quan điểm cơ bản nhất định hướng cho việc xây dựng chế độ kinh tế - xã hội của xã hội tương lai - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Và, đương nhiên, mục đích nghiên cứu và vận dụng sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nói chung, học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam cũng là như vậy.

Trong Giáo trình, khi tùy tiện cắt bỏ hoàn toàn quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về sự hình thành và phát triển của chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, các tác giả biên soạn Giáo trình (dù cố ý hay vô tình) đã trực tiếp không chỉ làm cho học thuyết của chủ nghĩa Mác - Lênin trở nên khập khiễng, mà còn làm cho nội dung kinh tế của nó trở nên nghèo nàn, phiến diện; đặc biệt là làm sai lệch mục đích lý luận của các nhà sáng lập ra chủ nghĩa xã hội khoa học, cũng như mục đích học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin của Đảng và Nhà nước ta hiện nay.

Ba là, khi tự ý loại bỏ hẳn những tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa ra khỏi Giáo trình một cách đơn giản, vô cảm như vậy, các tác giả biên soạn Giáo trình có cho rằng, tư tưởng, quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vấn đề này đã trở nên lạc hậu, lỗi thời, không còn hữu dụng đối với Việt Nam, không còn phù hợp với mục đích và quan điểm đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta hiện nay? Vì lẽ thông thường, người học không bao giờ và không ai mong muốn chỉ được tiếp cận và tiếp nhận những tri thức phiến diện, một chiều, cho dù các tác giả Giáo trình đã ca ngợi khá hay về phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa. Cái mà người học cần được cung cấp ở phần thứ hai của Giáo trình này là tri thức đầy đủ, toàn diện và trung thực toàn bộ nội dung học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin (dù là rất khái quát, ngắn gọn) để giúp họ hiểu được thực chất cái hay, cái ưu việt và cả cái lỗi thời, không ưu việt của chủ nghĩa Mác - Lênin (nếu có).

Không đề cập, không giải thích một cách có căn cứ những vấn đề này, cũng không đề cập và không giải thích thấu đáo đường lối xây dựng và phát triển chế độ kinh tế xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay cho sinh viên hiểu rõ, thì có khác gì đưa con cháu mình ra biển để chúng tự nhảy xuống mà học bơi. Và, như vậy, người học có quyền thắc mắc, thậm chí có thể hoài nghi về nhiều vấn đề, đại loại như: Trên thực tế, Đảng và Nhà nước ta có còn tiếp tục kế thừa và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin để xây dựng chủ nghĩa xã hội và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay chỉ là cái vỏ “bọc” về lý luận? Hoặc, có phải Đảng và Nhà nước ta đang chuyển dần sang một sự lựa chọn mới, dựa vào cơ sở lý luận của một học thuyết nào khác? Nếu mục đích thật sự của việc học tập, nghiên cứu học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ thuần túy về “phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa” thì kết quả cuối cùng đối với người học là gì; có đúng là đã đổi mới nội dung giáo dục các môn khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin trong các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện nay? (Còn nữa _ Xem tiếp số sau)

(*) Phó giáo sư, tiến sĩ, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
(**) Tiến sĩ, Khoa Triết học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

(1) Xem: Danh sách tập thể tác giả Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.4.

(2) Phát biểu của Tiến sĩ Phạm Văn Sinh tại Hội trường Thành ủy TP. Nha Trang, ngày 02/8/2009.

(3) Xem: Tạp chí Triết học, số 221, tháng 10/2009, tr.68 - 75.

(4) Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giáo trình Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác Lênin. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.11,12.

(5) Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sđd., tr.12.

(6) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sđd., tr.12.
(7) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sđd., tr.31.

(8) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sđd., tr.31.

(9) Giải thích của Tiến sĩ Phạm Văn Sinh tại Hội trường Thành ủy thành phố Nha Trang trong đợt tập huấn chuyên môn, ngày 02/8/2009.

(10) C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t.1. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.156.


Theo Tạp Chí Triết Học
 

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top