• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đôi điều suy nghĩ về việc dạy văn học văn - Hồ Tĩnh Tâm

Bạch Việt

New member
Xu
69
Đôi điều suy nghĩ về việc dạy văn học văn


Học sinh của thời đại hôm nay có tâm lý học tập khác hẳn tâm lý học tập của học sinh các thời đại trước. Xu hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên toàn cầu đã và đang in rất đậm dấu ấn của nó trong tâm lý và tính cách của học sinh. Tầm vóc văn hóa cũng như năng lực tư duy của học sinh càng ngày càng hiện đại, và chịu ảnh hưởng rất lớn của nền công nghiệp. Lối tư duy cũ của nền văn minh cây lúa nước, văn minh lũy tre làng, đang dần dần phải nhường bước cho lối tư duy điện tử, điện toán. Việc thiếu vắng những áng văn chương hiện đại trong chương trình đã trở thành bức xúc với học sinh.

ĐÔI ĐIỀU SUY NGHĨ VỀ VIỆC DẠY VĂN HỌC VĂN Ở NHÀ TRƯỜNG PHỔ THÔNG HIỆN NAY

Môn văn trong nhà trường phổ thông, trước hết, cần phải được xem như một môn khoa học mang đậm dấu ấn nhân văn. Chính vì điều này, môn văn được rất nhiều người, nhiều ngành, nhiều giới… quan tâm. Mặc dù như vậy, trên thực tế, môn văn trong nhà trường phổ thông hiện nay đang mất đi rất nhiều sức hấp dẫn đối với học sinh. Để lý giải điều này là cả một vấn đề không hề đơn giản. Từ chương trình đến phương pháp giảng dạy, và cả năng lực giảng dạy của giáo viên, cũng như tâm lý học tập của học sinh, rõ ràng đều cần phải xem xét.

Chúng ta ai cũng biết rằng, thời đại ngày nay là thời đại của thông tin, của sự bùng nổ thông tin trên toàn thế giới; thế giới đang càng này càng xích lại gần nhau. Học sinh của thời đại hôm nay có tâm lý học tập khác hẳn tâm lý học tập của học sinh các thời đại trước. Xu hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa trên toàn cầu đã và đang in rất đậm dấu ấn của nó trong tâm lý và tính cách của học sinh. Tầm vóc văn hóa cũng như năng lực tư duy của học sinh càng ngày càng hiện đại, và chịu ảnh hưởng rất lớn của nền công nghiệp. Lối tư duy cũ của nền văn minh cây lúa nước, văn minh lũy tre làng, đang dần dần phải nhường bước cho lối tư duy điện tử, điện toán. Việc thiếu vắng những áng văn chương hiện đại trong chương trình đã trở thành bức xúc với học sinh. Chúng ta vẫn thường nói đến sự qúa tải của chương trình, nhưng chúng ta vẫn chưa mạnh dạn đề cập đến sự lạc hậu của chương trình, sự lạc hậu của phương pháp dạy văn và học văn trong chương trình văn học phổ thông. Và chính vấn đề phương pháp dạy văn học văn mới thực sự là một vấn đề nóng bỏng, bức xúc, cần đặt ra rất nhiều câu hỏi.

Khi học TRƯỜNG CA DAMSAN, học sinh ở miền đất cực Nam của tổ quốc, nếu được giáo viên hướng dẫn phân tích có định hướng, sẽ rất dễ hiểu thế nào là rừng đất đen của bà Sunyrit. Và một khi mà học sinh đã hiểu được điều đó, các em sẽ rất dễ dàng phát hiện ra những chân trời khát vọng, những giá trị tu tưởng mà tác phẩm đặt ra thông qua hệ thống các hình tượng giàu chất sử thi và chất anh hùng ca của nó. Từ đó giúp các em hiểu thêm một phần gia trị mở đất phương Nam đầy vất vả của cha ông.

Vấn đề ở đây vẫn chính là phương pháp và năng lực giảng dạy của giáo viên. Nếu giáo viên lệ thuộc qúa nhiều vào sách hướng dẫn giảng dạy, tiến hành giảng dạy theo phương pháp cũ từ thời Dương Quãng Hàm, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Vũ Đức Phúc, và hết sức coi trọng năm bước lên lớp cổ điển, việc học sẽ rất nhàm chán đối với lối tư duy mới của thời đại. Phương pháp phân tích tác phẩm cần phải được coi là một cuộc cách mạng trong việc dạy văn học văn, lấy học sinh là đối tượng chủ thể phân tích. Để phân tích một tác phẩm văn học, người dạy, người học cũng như tác phẩm, tác giả phải thật sự gắn kết thành một khối. Vai trò của người thầy trên bục giảng không nên đóng vai trò chủ đạo xiên suốt, mà chỉ nên đóng vai trò người hướng dẫn học sinh du lịch vào tác phẩm, tự khám phá ra những vẽ đẹp tiềm ẩn của tác phẩm. Tức là người thầy bằng nhũng câu hỏi đặt vấn đề, câu hỏi gợi mở, câu hỏi định hướng khám phá, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh tự cảm nhận về tác phẩm, tự nhận định về giá trị đích thực của tác phẩm.
Rừng đất đen rậm rịt cây cối và ngập đầy bùn sình, phải chăng là hình bóng của rừng U Minh đất đen? Damsan tiến xuống rừng đất đen phải chăng là tiến xuống phương Nam, thực hiện khát vọng mở đất, khát vọng vươn tới tự do? Damsan chết trong rừng đất đen, phải chăng vì chàng chưa đủ sức chinh phục cánh rừng nguyên sinh hoang hóa của buổi hồng hoang cha ông đi mở đất?.. Nếu học sinh thực sự vào cuộc, thực sự tranh luận về hệ thống các câu hỏi đặt ra, các em nhất định sẽ có những kết luận riêng của mình. Và như vậy, có nhiều vấn đề sẽ dẫn các em đến chỗ không thống nhất với sách hướng dẫn giảng dạy(trước đây), cho rằng việc Damsan chặt cây thần là thể hiện tư tư tưởng chống đối tục nối dây. Trong thực tế, khi giáo viên kết luận tư tưởng chống đối tục nối dây(tục Chuê nuê), không ít học sinh đã hỏi: Damsan chống tục nối dây, tại sao khi Hơ Nhí, Hơ BHí chết, chàng lại lên đánh nhau với trời, bắt trời phải cứu hai nàng sông lại? Giá trị tư tửng của truờng ca phải chăng là giá trị của khát vọng vươn tới tự do, giá trị của tư tưởng chinh phục thiên nhiên và chinh phục thần linh của cha ông chúng ta từ thời đi mở đất?

Việc dạy văn, mà đặc biệt là việc phân tích tác phẩm văn học, muốn thực sự hấp dẫn đối với học sinh, nhất định phải là việc biến học sinh thành người trong cuộc, để các em tự phát huy năng lực tư duy của mình mà tự khám phá ra những giá trị đích thực của tác phẩm.

Khi phân tích bài ca dao:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ người giải nắng, dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

Nếu giáo viên chỉ độc chiếm không gian và thời gian phân tích, học sinh sẽ trở thành người ngoài cuộc, người bị động lĩnh hội. Một giáo viên có bản lĩnh giảng dạy, phải là người biết đưa học sinh trực tiếp vào cuộc bằng một loạt hệ thống câu hỏi có tính định hướng, tính gợi mở, tính nêu vấn đề, buộc học sinh phải động não, phải phát huy năng lực tư duy.
Anh là ai? Anh bao nhiêu tuổi? Anh làm gì? Anh đi đâu?..

Bám sát vào nội dung hiện thực của bài thơ, học sinh dưới sự hướng dẫn của giáo viên sẽ từng bước tự trả lời được những câu hỏi đó. Từ nội dung hiện thực đến nội dung tư tưởng, khi học sinh tự nhận thức được bằng chính năng lực của bản thân, nhất định các em sẽ hứng thú, muốn tự thân khám phá thêm những giá trị mĩ học của ngôn từ. Trên đôi cánh tưởng tượng bay bỗng của mình, học sinh sẽ ý thức được sức mạnh của hình thức nghệ thuật, sẽ hiểu được nhờ lối diễn đạt nào mà bài thơ cháy bùng lên nỗi nhớ day dứt, quay quắt và tha thiết, cồn cào làm vậy. Bốn câu thơ, năm chữ nhớ, mỗi chữ nhớ gắn liền với một sắc thái tình cảm… phải chăng đó chính là nỗi niềm tha phương của người nông dân nghèo đang tìm đường đi mở đất? Nếu học sinh nắm vững kiến thức lịch sử về công cuộc mở đất phương Nam của cha ông, tiết học sẽ trở nên sinh động hơn, hấp dẫn hơn , và nhất định cũng bổ ích hơn.

Trước đây, có một thời văn học được tuyển chọn trong chương trình dạy học, có thể nói, rất nặng màu sắc minh họa cho nhiệm vụ chính trị có tính thời sự. Đồng ý văn học cũng là một khía cạnh của chính trị, nhưng nó là chính trị đã được văn học hóa, nghệ thuật hóa thành văn bản văn chương. Nói tới văn học là phải nói tới văn chương, mà đã nói tới văn chương thì phải nói tới phong cách học, tu từ học… tức là phải nói tới ngữ dụng học ngôn bản.

Ngày nay, khoa học về ngữ pháp văn bản đã trở thành một môn học. Những kiến thức về ngữ pháp truyền thống vẫn còn nguyên giá trị, nhưng nhà trường phổ thông chỉ dạy đào sâu vào ngữ pháp truyền thống, qúa coi trọng tính chất bền vững của chủ ngữ và vị ngữ trong tạo câu cho văn bản, thì e rằng vừa không đủ, vừa kém tính hấp dẫn thuyết phục đối với học sinh. Bộ môn tiếng Việt đưa vào chương trình, vì vậy, rất cần được xem xét lại, cải cách lại. Nói tới tiếng Việt là phải nói tới tiếng Việt thực hành. Học sinh học tiếng Việt là để áp dụng thực hành một cách thiết thực và có hiệu qủa trong cuộc sống. Hiệu qủa cuối cùng của việc thực hành tiếng Việt là để tạo ra các văn bản nói, văn bản viết, nhằm đáp ứng tốt nhất cho chiến lược giao tiếp bằng các hình văn bản. Học sinh phổ thông hiện nay, không những đang tỏ ra yếu kém hơn các thế hệ trước về việc tạo ra văn bản viết, mà ngay cả việc tạo ra văn bản nói cũng rất yếu. Chính vì vậy, giờ học tiếng Việt rất cần được nghiên cứu cải cách lại. Trước đây, trong giờ tiếng Việt, người giáo viên có nhiệm vụ cung cấp tri thức, học sinh bị động lĩnh hội tri thức, sau đó tiến hành làm bài tập trên giấy một cách rất thụ động.

Lấy ví dụ về việc dạy tạo câu cho văn bản. Mục đích tạo câu cho văn bản là phải đạt được ý đồ của chiến lược giao tiếp. Trong tác phẩm CHÍ PHÈO của nhà văn Nam Cao, có một đọn văn như sau: “Bấy giờ cụ Bá đã ngoài sáu mươi, đã bắt đầu đau lưng. Ấy vậy mà bà Ba vẫn còn phây phây trẻ. Vẫn thường cho gọi Chí Phèo vào phòng. Biểu khóa cửa lại, lại đây bóp chân cho bà. Bóp từ dưới bóp lên. Bóp lên. Bóp lên tí nữa(Tôi dẫn theo trí nhớ- tg)”. Rõ ràng trong đoạn ngôn bản đã dẫn, xuất hiện hàng loạt các câu được viết không đầy đủ thành phần nòng cốt C-V. Nhưng nếu đem sửa lại cho đúng ngữ pháp truyền thống về tạo câu, đoạn ngôn bản sẽ trở nên kém sinh động, hấp dẫn; và đương nhiên, sẽ trở nên vụng về về tu từ ngữ pháp, sẽ làm giảm đi rất nhiều về giá trị nghệ thuật. Với cách viết tỏ ra “thiếu tôn trọng” các quy tắc ngữ pháp truyền thống, Nam Cao đã chỉ ra cho người đọc thấy rất rõ sự đòi hỏi dục vọng cao độ của bà Ba- Một trong những nguyên nhân dẫn Chí đến vòng tù tội, biến Chí từ anh Chí thành Chí Phèo nổi tiếng trong lịch sử văn học Việt Nam. Nhận thức ra giá trị nghệ thuật ẩn trong lối tạo câu đầy sáng tạo, học sinh bằng những kiến thức tiếng Việt đã được trang bị và sẽ được tiếp tục trang bị, nhất định sẽ mạnh dạn trong việc sử dụng ngôn ngữ và ngôn pháp để sáng tạo ra những ngôn bản mới trong qúa trình sáng tạo văn bản (sau này) của mình.

Tính thiết thực của môn học trong lĩnh vục văn chương, đã và đang thật sự đặt ra cho bộ môn văn học trong nhà trường phổ thông những vấn đề rất lớn, rất bức xúc. Dạy ca dao dân tộc là dạy cho học sinh cảm nhận ra những giá trị lấp lánh của một bộ phận văn học dân gian nước nhà đã tồn tại hàng trăm hàng ngàn năm nay. Ca dao đưa vào chương trình lớp 10, thiết nghĩ, cần phải được tiếp tục cải cách trong việc tuyển chọn, và trong phương pháp phân tích. Theo vị trí địa lý, nuớc ta trải dài từ Bắc xuống Nam, tới hơn 2600 km đưởng bờ biển. Với chiều dài ấy, phong thủy cũng như tập quán sinh hoạt của cộng đồng dân tộc biến đổi rất sâu sắc. Điều đó ảnh hưởng tới lối sống, tới đời sống ngôn ngữ của từng vùng địa văn hóa rất đậm nét. Ca dao đưa vào chương trình giảng dạy, rất cần phải tuyển chọn đủ màu sắc của các vùng địa văn hóa khác nhau trên đất nước.

Chẳng hạn, ngoài Bắc có câu ca dao nổi tiếng:

Tưởng giếng sâu anh nối sợi dây dài
Ai ngờ giếng cạn anh tiếc hoài sợi dây.

Từ câu ca dao ấy, vào tới đồng đất phương Nam, chịu ảnh hưởng của tính cách phương Nam, một biến thể mới đã ra đời, mang đậm phong cách ngôn ngữ Nam Bộ.

Tưởng giếng sâu qua nối sợi cụt
Ai dè giếng cạn nó hụt cái sợi dây.
Qua tới đây mà không cưới được cô Hai mầy
Qua chèo ghe ra biển… đợi nước đầy qua chèo vô.

Việc tuyển ca dao của các vùng địa văn hóa khác nhau, cần phải chú ý đặc biệt tới những đặc trưng riêng biệt, được biểu hiện cụ thể qua phong cách tư duy, qua phong cách ngôn ngữ biểu hiện. Học sinh trong qúa trình học tập rất muốn tìm hiểu đặc trưng các vùng địa văn hóa khác nhau của cả nước. Để tăng thêm tính hấp dẫn cho việc giảng dạy ca dao trong nhà trường phổ thông, các bài ca dao tuyển chọn, nên nhắm vào những bài đã được các tác giả dân gian phổ thành dân ca. Điều này không những làm cho giờ dạy trên lớp có thể được tiến hành sinh động, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho thầy và trò tổ chức những đêm dạ hội văn học mang sắc thái nghệ thuật đầy hấp dẫn.

LÝ CON CÓC, dân ca Nam Bộ, được bắt nguồn từ một bài ca dao rất nổi tiếng, phải chăng là một bài ca dao rất nên được tuyển chọn vào chương trình ca dao- dân ca của hệ trung học phổ thông.

Cóc chết nàng nhái mồ côi
Chàng hiu đi hỏi lắc đầu hổng ưng.
Con ếch ngồi ở gốc đưng
Nó kêu cái ẹo biểu ưng cho rồi.

Tác phẩm hay được ví như sông dài, núi cao, biển rộng… mới có thể hấp dẫn được học sinh, mới có không gian để học sinh dong buồm ra khơi, lều bạt leo núi, tha hồ tung hoành khám phá. Nhưng cuối cùng vẫn phải có phương pháp tốt, phương pháp hiện đại mới có thể giúp học sinh khám phá ra những tầng mỏ qúy nằm sâu dưới lòng đất, dưới đáy biển. Phương pháp dạy văn của ta hiện nay nói chung và phương pháp phân tích tác phẩm văn học nói riêng, vẫn còn rất lạc hậu, chưa thật sự coi học sinh là chủ thể của tiết học. Bên cạnh đó, phương tiện giảng dạy và học tập bộ môn Văn- Tiếng Việt lại còn qúa nghèo nàn, lạc hậu. Thiếu tác phẩm, thiếu tài liệu nghiên cứu cho cả thầy lẫn trò, đã và đang là một căn bệnh trầm kha từ nhiều năm nay trong các nhà trường. Thiếu phương tiện để hiện đại hóa phương pháp dạy và học, thiếu kinh phí để tổ chức dạ hội văn học, giao lưu văn học giữa học sinh với tác giả cũng là một căn bệnh đang đòi phải có thuốc trị. Không giải quyết được những căn bệnh này, môn văn trong nhà trường phổ thông, chắc chắn vẫn không có lối thoát.

Thời đại công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã và đang thật sự đặt ra cho nhà trường phổ thông những thách thức rất lớn trong việc đổi mới phương pháp dạy và học. Hiện tượng học sinh càng ngày càng tỏ ra yếu kém về khả năng sử dụng tiếng Việt đã thật sự phát tín hiệu SOS trong cả nước. Trên lĩnh vực báo chí, ngày càng xuất hiện nhiều những bài báo, những cuộc tranh luận về chương trình văn học trong nhà trường, về phương pháp giảng dạy văn học trong nhà trường, phải chăng đã là tiếng chuông cảnh báo cho chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải động tâm suy nghĩ? Mọi sự chậm trễ lúc này đễu là sự trì trệ nguy hại cho tương lai của nền văn học và ngữ ngôn của nước nhà. Và không chỉ với nền văn học ngữ ngôn của nước nhà, sự trì trệ trong cải cách giáo dục, trong đổi mới phương pháp giảng dạy văn học, còn ảnh hưởng tới các thế hệ sẽ làm chủ tương lai của đất nước. Văn học là nghệ thuật của ngôn ngữ, mà ngôn ngữ chính là công cụ tư duy để giúp học sinh khám phá thế giới, nhận thức thế giới, và tham gia cải tạo thế giới, chúng ta không thể không quan tâm tới vấn đề này!


Sưu tầm
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top