Đọc Hồ Biểu Chánh theo tiêu chí nào?
Trong khi rất dễ thống nhất khẳng định Hồ Biểu Chánh là một trong những cây bút mở đầu của văn học, cụ thể hơn của tiểu thuyết Việt Nam hiện đại thì một vấn đề vẫn không ngừng được đặt ra: đọc Hồ Biểu Chánh theo tiêu chí nào.
Ông là nhà văn phong tục, nhà văn tả thực hay nhà văn đạo lý? Đằng sau những câu hỏi này thực chất là sự băn khoăn về tiêu chí để xác định tính chất hiện đại trong những sáng tác của Hồ Biểu Chánh. Quả thật, đồ thị sáng tác của Hồ Biểu Chánh không có những dao động đáng kể tính từ điểm khởi đầu cho đến khi kết thúc sự nghiệp cầm bút. Đặc điểm này, phải chăng đã khiến tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh trở nên lạc hậu trong nhịp độ hiện đại hóa ngày một gấp gáp của văn học nửa đầu thế kỷ XX ? Bài viết này sẽ lý giải và chỉ ra những đặc điểm đã khiến Hồ Biểu Chánh trở thành cây bút tiểu thuyết hiện đại từ góc độ thị hiếu và tâm lý tiếp nhận của độc giả. Đây cũng là hướng tiếp cận mà những công trình văn học sử hiện nay dù đã ý thức nhưng, có lẽ, chưa được vận dụng vào trong thực tế nghiên cứu một cách thỏa đáng và, quan trọng hơn, có hiệu quả khoa học thực sự.
1. Về đại thể, có thể hình dung mô hình tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh theo công thức sau: diễm tình + phiêu lưu + phong tục + đạo lý. Sự đậm nhạt của những nhân tố trên có thể thay đổi tùy theo từng tác phẩm ở từng thời kỳ khác nhau nhưng rõ ràng chúng là những căn tố để từ đó Hồ Biểu Chánh xây cất nên bức tranh thế giới của mình.
Theo Nguyễn Khuê: “Trong Đời của tôi về văn nghệ, Hồ Biểu Chánh cho biết hồi ông mới bắt đầu viết tiểu thuyết thì trình độ học thức của quần chúng còn thấp kém, phần nhiều người ta thích đọc truyện tình và truyện phiêu lưu, còn loại tiểu thuyết phong tục thì quần chúng chưa biết. Vì thế, ông phải tạm theo sở thích của độc giả mà viết Ai làm được là truyện vừa diễm tình vừa phong tục, và Chúa tàu Kim Quy là truyện phiêu lưu pha diễm tình”[1]. Có thể rút ra từ thông tin trên hai nhận xét:
Thứ nhất: Hồ Biểu Chánh từ rất sớm đã nhận biết được thị hiếu của người đọc và, quan trọng hơn, điều này đã chi phối trực tiếp đến việc lựa chọn nội dung cũng như cách thức viết của ông.
Thứ hai: Nếu bổ sung thêm nhân tố đạo lý như công thức với 4 căn tố mà chúng tôi đã nêu ở phần mở đầu bài viết thì ta có thể hình dung sự kết hợp giữa chủ ý của nhà văn và thị hiếu của độc giả trong những sáng tác của Hồ Biểu Chánh theo mô hình: bề mặt là diễm tình + phiêu lưu nhằm hấp dẫn người đọc, chiều sâu là mục đích miêu tả phong tục và truyền bá đạo lý. Hai mục đích này, đặc biệt là mục đích truyền bá đạo lý là mối quan tâm thường trực khi Hồ Biểu Chánh cầm bút. Trong hồi ký Đời của tôi về văn nghệ, ông khẳng định: “viết tiểu thuyết để cảm hóa đặng lần lần dắt quần chúng trở về đường chánh đại quang minh”[2]. Sau này, nhìn lại chặng đường sáng tác của mình, Hồ Biểu Chánh tự nhận thấy: “Sản xuất cả mấy chục pho tiểu thuyết..., luôn luôn tôi vẫn theo đuổi theo cái mục đích duy nhất là: Thành nhân với Thủ nghĩa”[3] và điều này đã trở thành niềm tự hào được ông nhắc tới trong di chúc của mình: “viết tiểu thuyết ta cũng cố giữ vẹn đạo hiếu nghĩa”[4]
Sự tham dự của thị hiếu độc giả vào trong hoạt động sáng tác là một dấu hiệu quan trọng để xác định tính chất hiện đại của Hồ Biểu Chánh. Chúng tôi sẽ còn trở lại với vấn đề này ở phần sau của bài viết. Ở đây, ta hãy dừng lại để đặt một câu hỏi: trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh, chủ ý sáng tác của tác giả và thị hiếu của người đọc là tách biệt với nhau hay thị hiếu của người đọc được ý thức và chi phối vào tất cả các nhân tố còn lại? Cụ thể hơn, việc thường xuyên đề cập đến đạo lý phải chăng không thể chỉ được giải thích từ chủ ý tải đạo của Hồ Biểu Chánh mà còn được định hướng từ những thị hiếu của người đọc Nam Bộ lúc bấy giờ?
2. Có không ít những sự kiện cho thấy sự hứng thú với những vấn đề đạo lý là một đặc điểm của thị hiếu độc giả Nam bộ đầu thế kỷ.
Từ trong truyền thống, sự mến chuộng đạo lý, đặc biệt là đạo lý Nho giáo đã là một đặc trưng của văn hóa Nam bộ. Phần thì do Nam bộ là vùng đất mới, con người thuần phác. Phần thì do Nho giáo ở Nam bộ chưa trở thành khô cứng và hủ bại như ở miền Bắc. Thêm vào đó là ảnh hưởng một cách hòa bình của người Hoa từ những cuộc di dân kéo dài trong lịch sử...Bấy nhiêu lý do khiến các khái niệm trung - hiếu - tiết - nghĩa đã đi vào trong đời sống một cách tự nhiên thân thuộc, lối sống trọng nghĩa khinh tài trở thành căn bản đạo lý của người dân ở đây[5].
Trong giai đoạn đầu (từ 1917 trở về trước?) khi tiến hành chính sách thực dân người Pháp chủ trương trực trị, xóa bỏ văn hóa bản địa bằng cách thay vào đó một nền văn hóa mang tính nô dịch, mất gốc. Sự mến chuộng đạo lý truyền thống vì thế trở thành nơi tranh chấp giữa cái dân tộc và cái ngoại lai. Chắc chắn đây là lý do sâu xa để Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Chánh Sắt... tiến hành chuyển ngữ một loạt những tác phẩm Hán văn và phiên từ Nôm sang chữ quốc ngữ. Chỉ cần nhìn vào tên các tác phẩm cũng đủ thấy thiên hướng đạo lý là thiên hướng chủ đạo trong các ấn phẩm thời kỳ này. Các kinh sách Hán văn dịch ra quốc ngữ, chủ yếu gồm: Đại học, Trung dung (1881), Tứ thư (1889), Minh tâm bửu giám (1893). Các tác phẩm văn học tiêu biểu được phiên từ Nôm sang quốc ngữ: Lục súc tranh công (1884), Nhị độ mai (1884), Vân Tiên Truyện (1889), Thọai Khanh – Châu Tuấn (1906), Chiêu Quân cống Hồ (1906). Muộn hơn một chút là các loại truyện thơ được in đi in lại nhiều lần với nhiều bản in khác nhau như: Phạm công – Cúc hoa, Dương Ngọc thơ, Đỗ thập nương thơ, Lục Vân Tiên, Sáu Trọng thơ, Thơ Sáu nhỏ, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Thơ nàng Út.[6]
Điểm giống nhau của các tác phẩm (chỉ kể riêng các tác phẩm văn học) này là ở chỗ: thiên trọng về đạo đức, thưởng phạt phân minh, người tốt được báo đáp, kẻ ác bị trừng phạt. Những tác phẩm buổi đầu này vừa đáp ứng vừa góp phần xác lập thị hiếu văn học của người dân Nam bộ trong buổi đầu làm quen với văn học viết bằng chữ quốc ngữ. Chứng cớ là trong ba tác phẩm mở đầu của văn xuôi miền Nam thì Thầy Lazarô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, đúng như nhận xét của Nguyễn Văn Trung, do kết thúc không có hậu của nó đã không được thật sự chú ý và ưa thích[7]. Trong khi đó, Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung và Phan Yên ngoại sử của Trương Duy Toản với lối viết theo nhân quả báo ứng đã được hưởng ứng một cách rộng rãi.
Theo Nguyễn Khuê, Hồ Biểu Chánh nhận là chịu ảnh hưởng của ba nhà văn tiền bối nói trên nhưng sâu đậm hơn của vẫn là Hoàng Tố Anh hàm oan của Trần Thiên Trung bởi khuynh hướng phong tục, cốt truyện li kỳ và nhất là được dàn dựng theo lối nhân quả báo ứng[8]. Thực tế sáng tác của ông đã chứng thực điều này và đây là lý do đã khiến ông trở thành cây bút ăn khách nhất trong suốt 40 năm đầu thế kỷ XX. Không phải không có lúc Hồ Biểu Chánh muốn tìm một hướng đi mới nhưng thị hiếu của độc giả đã khiến ông vì thói quen (hay vì cảm nhận được sự bất khả?) đã tiếp tục trượt theo đường ray quen thuộc: “năm nọ, một nhà xuất bản tác phẩm của tôi bố cáo với công chúng rằng bộ tiểu thuyết của tôi sắp ra đời viết theo văn kim thời và bố cuộc theo thể thức mới. Tôi liền được thơ của bạn đọc tha thiết yêu cầu tôi cứ theo thể thức thuở nay mà viết, đừng đổi văn đổi sáo chi hết”[9]. Thậm chí cuốn Tỉnh Mộng của Hồ Biểu Chánh - vẫn làm một số người đọc không hài lòng vì họ chờ đợi một kết thúc theo kiểu : thiện ác đáo đầu chung hữu báo một cách triệt để – nghĩa là: Kỳ Tâm phải làm cho Trường Xuân mất chức và Trường Xuân phải bị tòa án công chúng hành phạt[10].
Lẽ đương nhiên, tác động của thị hiếu độc giả không chỉ ở khía cạnh đạo lý. Như chúng tôi đã nói nó chi phối vào hầu khắp những nhân tố của thế giới nghệ thuật. Sự chi phối này được nhận thấy, thậm chí, chỉ qua một thao tác hoàn toàn chỉ có tính chất kỹ thuật, chẳng hạn: nhận thấy nếu chỉ tả truyện ở nhà quê thì người ở nông thôn sẽ không thích và ngược lại. Để dung hòa, Hồ Biểu Chánh đưa ra cách thức: nếu mở đầu truyện ở thôn quê thì kết thúc sẽ ở đô thị, nếu mở đầu ở đô thị thì kết sẽ ở không gian thôn quê[11]. Chọn đạo lý làm tiêu điểm để miêu tả về sự tác động của độc giả đến Hồ Biểu Chánh chúng tôi muốn qua đó lưu ý về một đặc điểm: ngay ở những nhân tố chiều sâu của tác phẩm, nơi mà nhà văn dường như tự do nhất với những ý đồ sáng tác của mình, thì sự hiện diện của người đọc vẫn rất đậm nét. Kết quả là: thị hiếu của người đọc trở thành nhân tố định hướng trực tiếp cho hoạt động sáng tác của nhà văn. Trong những tiêu chí để xác định tính hiện đại của một nhà văn thì ý thức và sự tôn trọng thị hiếu của độc giả là một tiêu chí đầu tiên phải được kể đến. Nó cho thấy tính chuyên nghiệp thực sự của người cầm bút. Dù không hoàn toàn sống bằng nghề buôn văn bán chữ một cách triệt để như Tản Đà - nhà văn chuyên nghiệp đầu tiên của văn học miền Bắc - nhưng ở phương diện ý thức về thị hiếu của độc giả cũng như cảm nhận về áp lực của thị hiếu này với tư cách một người cầm bút thì Hồ Biểu Chánh lại vượt trội so với Tản Đà. Đây là đặc điểm chỉ có được khi văn học đã trở thành hàng hóa và thị hiếu của người đọc ngày một trở thành áp lực đáng kể với người cầm bút. Từ khía cạnh này, Hồ Biểu Chánh trở thành một đại diện tiêu biểu để nhận diện về một đặc điểm nổi bật của tính hiện đại trong văn học nửa đầu thế kỷ XX.
3. Trở lên trên, chúng ta đã cắt nghĩa thị hiếu ưa chuộng đạo lý của độc giả miền Nam từ những nguồn mạch của truyền thống, chỉ ra áp lực của thị hiếu này đối với Hồ Biểu Chánh với tư cách là một nhà văn chuyên nghiệp. Tuy nhiên, không nên quên độc giả của Hồ Biểu Chánh tồn tại trong một không gian văn hóa ngày càng trở nên khác biệt với truyền thống. Có thể nhận ra sự biến đổi này qua chính bức tranh đời sống mà Hồ Biểu Chánh đã để lại trong những tiểu thuyết của ông. Những nhân vật của ông không còn là những cư dân của làng xã truyền thống. Những miền đất mới đặc biệt là sự phồn hoa của các đô thị trong một nền kinh tế tư bản chủ nghĩa đã đem lại cho họ một cảm quan mới: sự sùng mộ đồng tiền và cùng với nó là những khoái lạc vật chất đầy cám dỗ. Trong một xã hội như thế thuyết giáo đạo lý là những lời nghịch nhĩ, sống theo đạo lý là một gây sự với thói tục. Đây là lời dạy bảo của bà Phủ với cô em dâu của mình: “Ở đời không có hơi nào mà sợ miệng thiên hạ; họ nói thế nào mặc kệ họ, miễn mình có tiền nhiều, bận áo tốt, đi xe hơi lớn, đeo hột xoàn nhiều thì thiên hạ họ bẩm dạ kiêng nể”[12]. Mà đúng thế thật. Bà Phủ, trong truyện, mở miệng là chửi mắng kẻ khác nhưng ai cũng chịu bà vì bà có tiền. Không chỉ những kẻ hãnh tiến, ít học vấn mới công khai tôn thờ đồng tiền mà ngay cả những giáo chức - những người vốn được xem là biểu tượng của đạo lý truyền thống - cũng không ngượng ngập tuyên ngôn về triết lý sống theo thời, theo tiếng gọi của danh lợi. Đấy chính là bài học đầu đời mà thầy ký Huy thay mặt những giáo chức dậy bảo cho Hà Tấn Phát: “Đời này là đời danh lợi, là đời kim tiền, từ lớn chí nhỏ, từ sang chí hèn, thảy đều tranh đua với nhau mà làm cho có tiền, không kể cách làm đó hiệp nhân nghĩa hay không hiệp. Hễ có tiền rồi thì lo mua cái danh, không cần xét cái danh đó là trong hay là đục”[13]. Ngay cả những nhân vật chính diện trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh khi được so sánh với các nhân vật cùng loại trong truyền thống cũng không có được sức mạnh vững chãi của lòng thiện. Họ hoặc mau nước mắt mà bất lực như Thanh Kiều, Hiếu Liêm trong Tiền bạc bạc tiền, hoặc chấp nhận sa ngã ở một mức độ nhất định như cô Thinh trong Lời thề trước miễu, như ông giáo trẻ Hà Tấn Phát trong Ăn theo thuở ở theo thời...Quả thật, tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là chứng nhân cho sự dịch chuyển của văn hóa Nam bộ từ lối sống đạo lý, thuần phác sang lối sống thực dụng của thời hiện đại.
Những gì là đặc điểm của các nhân vật trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh thì cũng là những đặc điểm của những độc giả của ông trong đời thực. Vậy, điều gì đã khiến những độc giả miền Nam nửa đầu thế kỷ XX, trong khi say sưa với những lạc thú vật chất, trong khi luôn bị ám ảnh bởi tiếng gọi của tiền bạc lại dừng lại thành thực yêu chuộng những câu chuyện đạo lý truyền thống - một thứ truyền thống dường như không hiếm khi đã trở thành khuôn sáo, thậm chí duy cảm đến độ mùi mẫn của Hồ Biểu Chánh?
Chỉ có thể lý giải về hiện tượng này khi đặt nó trong văn cảnh của tính đại chúng trong văn học miền Nam nửa đầu thế kỷ XX. Tính đại chúng là một phạm trù văn hóa của xã hội hiện đại. Không đơn giản để minh định phạm trù này dù chỉ trên những nét sơ lược. Dù sao đi nữa, trong văn học tính đại chúng xuất hiện khi hội đủ những yếu tố sau:
-một thứ văn tự có tính chất phổ thông
-một tầng lớp công chúng có nhu cầu thưởng thức văn học một cách thường xuyên và có điều kiện ( đặc biệt là hai nhân tố: thời gian rỗi, tiền bạc) để thỏa mãn nhu cầu này. Nhu cầu của lớp công chúng này sẽ dẫn đến sự xuất hiện của một đội ngũ nhà văn chuyên nghiệp.
-sự phát triển của in ấn, nhà xuất bản, hệ thống phát hành đóng vai trò làm cầu nối giữa nhà văn và độc giả.
-một sự thay đổi căn bản trong nhận thức về chức năng của văn học. Chức năng lớn nhất của văn học đại chúng mà cả độc giả và người cầm bút đều hướng đến là để thỏa mãn nhu cầu giải trí (entertainment) và thoát khỏi hiện thực khô cằn trong một thời điểm ngắn ngủi (escape). Điều này giải thích vì sao văn học đại chúng đặc biệt thích thú với các đề tài: phiêu lưu, tình dục, viễn tưởng... hoặc thích thú khai thác những công thức dù sáo mòn nhưng luôn nhận được sự chia sẻ hào hứng từ độc giả: ở hiền gặp lành, sức mạnh của lòng Thiện, tình yêu luôn chiến thắng, sức mạnh cảm hóa của những giá trị tinh thần cao cả...Đây không chắc là những giá trị có chức năng định hướng cho hoạt động của con người trong cuộc đời thực. Đơn giản, nó có giá trị thư giãn, giảm stress, đưa lại cho con người một thế giới hư ảo lãng quên khuôn mặt thực của đời sống.
Tôi sẽ không dừng lại để chứng minh cho sự hiện diện của ba nhân tố đầu tiên trong văn học miền Nam nửa đầu thế kỷ XX - điều mà đã được nhiều công trình văn học sử xác nhận. Riêng nhân tố cuối cùng, do nhiều nguyên nhân mà chúng ta vẫn ngần ngại khi nói đến một thứ văn học chỉ đặt trọng tâm ở chức năng giải trí. Nhưng chính vì thế mà chúng ta đã không lý giải đúng, hay ít nhất là rơi vào sự lúng túng khi lý giải về không ít những hiện tượng của lịch sử văn học. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh là một hiện tượng như thế. Trong khi không thể chối bỏ sự hấp dẫn kỳ lạ từ những tiểu thuyết của ông, người ta vẫn thấy “áy náy” trước sự đơn giản, thậm chí khuôn sáo của những cốt truyện. Một sự non nớt của tiểu thuyết buổi đầu phôi thai - chúng ta vẫn thường lý giải về đặc điểm này như thế. Trong khi đòi hỏi Hồ Biểu Chánh phải đáp ứng những tiêu chí văn học của một trường phái, một phạm trù văn học nào đó chúng ta dường như đã không chịu/ không muốn nhận ra một thực tế: tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thuộc về một loại hình văn học khác: văn học đại chúng.
Thực thế, bởi nhiều lý do, Nam bộ là nơi sớm nhất và sâu sắc nhất trong toàn quốc đã thưởng thức văn học như một hình thức giải trí. Không ngẫu nhiên mà tiểu thuyết trinh thám đã xuất hiện đầu tiên ở miền Nam. Không ngẫu nhiên mà một cuốn tiểu thuyết đậm màu sắc tính dục như Hà Hương phong nguyệt của Lê Hoằng Mưu đã xuất hiện từ năm 1912. Cuốn tiểu thuyết bị tịch thu tiêu hủy nhưng đề tài và cách tiếp cận của nó lại xuất hiện trở lại với Hà Hương hoa nguyệt của Nam Tùng Tử năm 1926[14]. Mà cũng không chỉ riêng văn học. Các loại hình nghệ thuật giải trí khác như như sân khấu: tuồng, cải lương cũng được đặc biệt sùng mộ. Nguyễn Văn Xuân, trong công trình khảo cứu nổi tiếng của mình đã nhắc đến quang cảnh tại các rạp cải lương với đám đông “chen nhau mua vé dù giá rất đắt, đắt không thể tưởng tượng được với túi tiền miền Trung”[15]. Trên nền văn học, văn hóa đại chúng ấy, tiểu thuyết đạo lý của Hồ Biểu Chánh xuất hiện. Như một nhánh. Tuy nhiên, tài năng và sức viết dồi dào của ông đã khiến nó trở thành một chủ lưu. Nếu như trong văn học truyền thống đối lập cơ bản trong cấu trúc văn học dân tộc là đối lập giữa văn học dân gian và văn học viết thì trong văn học hiện đại đối lập chủ yếu sẽ là văn học đại chúng và văn học đặc tuyển. Tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh chính là minh chứng cho sự biến đổi này.
Chúng ta đã nói đến sự tôn trọng thị hiếu của người đọc như một dấu hiệu để xác định tính hiện đại trong tiểu thuyết Hồ Biểu Chánh. Đến đây, cần bổ sung thêm một tiêu chí khác của tính hiện đại: tính đại chúng. Và theo tôi, chính tính đại chúng mới là bản chất đích thực của những sáng tác của Hồ Biểu Chánh. Chỉ từ cách đặt vấn đề này mới giúp ta lý giải được vì sao tiểu thuyết đạo lý với kết thúc có hậu, nhân quả báo ứng của Hồ Biểu Chánh lại được sùng mộ như thế trong một xã hội mà tính thực dụng đã trở nên hết sức nồng đậm.
Như ta đã thấy, truyền thống Hồ Biểu Chánh sau này không còn được tiếp tục ở văn học miền Nam. Tuy nhiên, có lẽ không thể lý giải hiện tượng này chỉ từ lập luận cho rằng lối viết của Hồ Biểu Chánh đã bị vượt qua. Nói cho đúng thì còn bởi một nguyên nhân khác: một tài năng như thế trong đội ngũ những người cầm bút Việt đã không xuất hiện nữa. Nhưng thị hiếu của người đọc thì không vì thế mà chịu ngủ quên. Để thay thế, người ta quay sang đọc Kim Dung và Quỳnh Dao - tiếp nối truyền thống đọc văn học dịch Trung Quốc đầu thế kỷ. Và cũng không nên nghĩ rằng tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh chỉ là hiện tượng cá biệt của văn học miền Nam. Trên thực tế, muộn hơn một chút về thời gian, người ta cũng bắt gặp một hiện tượng tương tự ở văn học miền Bắc mà nhiều người vẫn gọi với một định danh không thật trọng thị: tiểu thuyết người hùng của Lê Văn Trương (chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề này trong một bài viết khác). Ở đây, nhắc đến Lê Văn Trương chỉ để lưu ý một kết luận: văn học đại chúng đã trở thành một hiện tượng chung của văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Đó, theo chúng tôi, là một thực tế khách quan.
4. Tính đại chúng trong các tiểu thuyết đạo lý đã khiến Hồ Biểu Chánh có một khác biệt đáng kể với những cây bút “tải đạo” trong truyền thống. Những bậc tiền bối của ông, Nguyễn Đình Chiểu chẳng hạn, cầm bút với niềm tin về đạo lý như một chân lý hằng tồn. Đạo lý trong những trang viết của Nguyễn Đình Chiểu có sức mạnh của một tín niệm được xã hội thừa nhận. Không còn một điểm tựa như thế đối với Hồ Biểu Chánh. Ông dường như đã nhận ra một thực tế oái oăm: đạo lý chỉ là một câu chuyện kể, một ấn phẩm thỏa mãn một thị hiếu của người đọc. Từ một tín niệm trở thành một thị hiếu. Đấy chính là đặc điểm cho những tiểu thuyết đạo lý của Hồ Biểu Chánh nhìn từ phía tiếp nhận của người đọc. Đạo lý không còn là một giá trị định hướng mà chỉ như một phương tiện để thư giãn. Nó không tồn tại trong hiện thực mà chỉ nương náu trong tác phẩm. Nó gắn bó với nhân sinh chỉ trong và bằng sự đọc. Thay cho việc hành thiện, người ta đọc về cái thiện. Họ sống với nó trong sự ngắn ngủi của những phút giây thư giãn, nhàn rỗi. Chính điều này đã đưa lại tâm trạng bất an của Hồ Biểu Chánh lúc cuối đời khi phải đối diện với sự mất giá của đạo lý dội đến từ thực tế đời sống. Dấu vết của sự bất an này để lại rất rõ trong những sáng tác của ông. Trong hơn 60 cuốn tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, chúng tôi đặc biệt lưu ý tiểu thuyết Ăn theo thuở ở theo thời (viết năm 1935). Nhân vật Hà Tấn Phát trong đó là một nhân vật có lương tâm chức nghiệp nhưng vì không chịu ở theo thời nên bị các bạn đồng nghiệp và các viên chức tổng làng ghét bỏ. Sau khi lịch duyệt việc đời, có nhiều dịp so sánh luân lý theo sách vở với luân lý ngoài đời, chàng đi tới thái độ: “Thiên hạ cư xử thế nào, em cũng cư xử theo họ như vậy. Tuy vậy mà dầu làm theo thiên hạ chớ cái gốc đạo đức em vẫn nắm vững bền, cái lòng nghĩa nhân em vẫn nuôi kỹ lưỡng. ... Đối với thiên hạ thì em cũng là một “thằng điếm trong chợ xã hội” này như họ vậy, nhưng mà thằng điếm có lương tâm, có nhơn nghĩa”[16]. Cái mệnh đề “thằng điếm có lương tâm có nhơn nghĩa” thật tù mù. Và đúng là nói nhân nghĩa trong xã hội kim tiền quả là một sự tù mù! Cũng như nhân vật của mình, Hồ Biểu Chánh nói đến nhân nghĩa có lẽ để tìm sự yên tâm hơn là một sự tin tưởng. Không thể chua chát hơn, người nổi tiếng với tư cách nhà văn đạo lý rốt cuộc lại là người đầu tiên nói và chiêm nghiệm một cách thấm thía về sự khó dung hòa giữa lẽ đời và đạo lý. Tâm sự này thấy rất rõ trong bức thư ông xin từ chức Hội trưởng Khổng Tử tế tự, viết năm 1948: “...trót 40 năm nay tôi ôm ấp cái tham vọng duy trì luân lý Nho giáo. Không nệ ngòi bút yếu ớt, không nệ học thức hẹp hòi, tôi hăng hái gieo rắc hột giống nhân nghĩa của Khổng Mạnh trong xã hội,(...) đuổi theo cái mục đích duy nhất là “thành nhân với thủ nghĩa”(...) Ấy vậy, con thuyền nhân nghĩa của ta nếu đi thẳng thì hiu quạnh lẻ loi mà đi bát thì hay đi cậy thì ngược dòng ngược gió.(...)Lúc sau nầy tôi thường tự hỏi với tôi: Ta có nên cậm cụi gìn giữ mãi cái luân lý nhân nghĩa, giữa lúc chung quanh ta thiên hạ đua nhau thờ Kim ngân?(...) Trước tình thế hiện tại và tương lai như vậy, tôi xét lại việc làm của tôi mấy mươi năm nay, rồi tôi khủng hoảng tinh thần, thầm lo sợ có lẽ tôi đi lạc đường lạc lối”[17].
Sự bất an trên của Hồ Biểu Chánh cũng là một đặc điểm của những cây bút hiện đại - những kẻ sáng tác trong ám ảnh về sự mất giá của những giá trị đạo đức truyền thống. Trong nền văn học đại chúng, thị hiếu của độc giả vừa là mục tiêu hướng đến vừa là cội nguồn bi kịch của người cầm bút. Là một trong những người nếm trải đầu tiên nhưng chắc chắn Hồ Biểu Chánh không hề cô đơn với kinh nghiệm cầm bút này. Theo nghĩa ấy, Hồ Biểu Chánh chưa hề bị vượt qua, ông vẫn đồng hành với những người cầm bút hôm nay./.
Đồng Xa 26/3/06
Nguồn: “Hồ Biểu Chánh và thị hiếu độc giả”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, 2.2008, tr. 87-90, 97. Vì vấn đề số trang nên bản in trên Văn hóa nghth đã bị lược bớt. Đây là bản đầy đủ.
[1] Nguyễn Khuê - chân dung Hồ Biểu Chánh - NXB Lửa thiêng - Sài Gòn - 1974 - tr.171. Các khái niệm được in nghiêng để nhấn mạnh là của người viết.
[2] Nguyễn Khuê - Tldd - tr.295
[3] Nguyễn Khuê - Tldd - tr.302
[4]Nguyễn Khuê - Tldd - tr. 296
[5] Xem Nguyễn Văn Xuân - Khi những lưu dân trở lại - trong Tuyển tập Nguyễn Văn Xuân - NXB Đà nẵng - 2002
[6] Một miêu tả cụ thể về những tác phẩm này, xin xem: Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh - Tập II - năm 1998 - tr. 266 - 289; Tiểu thuyết Nam bộ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX - Nguyễn Kim Anh chủ biên - NXB Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh - năm 2004 - tr. 114-116.
[7] Nguyễn Văn Trung - Về các loại truyện viết bằng chữ quốc ngữ vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX ở Việt Nam - trong sách Văn xuôi Nam Bộ nửa đầu thế kỷ XX - tập 1 - Cao Xuân Mỹ sưu tầm - NXB văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh & Trung tâm nghiên cứu quốc học - năm 1999 - tr.689
[8] Nguyễn Khuê - Tldd -tr.32
[9]Nguyễn Khuê - Tldd -tr. 308
[10] Kim Anh - Tldd -tr.882
[11] Nguyễn Khuê - Tldd - tr.272. Cũng xem Bằng Giang - Mảnh vụn văn học sử - Nxb Chân lưu - 1974 - tr186.
[12] Hồ Biểu Chánh - Tiền bạc bạc tiền - trong Văn xuôi Nam bộ nửa đầu thế kỷ XX - Tldd - tr.221
[13] Hồ Biểu Chánh - Ăn theo thuở ở theo thời - NXB Văn hóa Sài Gòn - năm 2005 - tr.50
[14] Xem Từ điển tác phẩm văn xuôi Việt Nam (từ cuối thế kỷ XIX đến 1945) - Vũ Tuấn Anh và Bích Thu chủ biên - NXB Văn Học - 2001 - tr.47-49 và 141-144.
[15] Nguyễn Văn Xuân - Tldd - tr 538
[16] Hồ Biểu Chánh - Ăn theo thuở ở theo thời - tldd -tr. 170,171
[17] Nguyễn Khuê - Tldd - tr. 301-303