LeVanHuong
New member
- Xu
- 0
ĐỌC HIỂU BÀI: THÁI SƯ TRẦN THỦ ĐỘ (Trích Đại Việt sử ký toàn thư) - Ngô Sỹ Liên
Trần Thủ Độ vốn là một nhân vật lịch sử khá đặc biệt, được đánh giá ở nhiều góc độ khác nhau. "Người khen, khen rất mực. Người chê, chê hết lời". Ông đã từng bị xem là một nhà chính trị mưu mô, thủ đoạn, thậm chí có lúc khá tàn nhẫn, nhất là trong việc dàn xếp để đoạt ngôi nhà Lí về tay nhà Trần, dẫn tới việc bức tử Lí Huệ Tông và sát hại tôn thất họ Lí để trừ hậu hoạ. Tuy nhiên, xét một cách khách quan, có thể thấy sự chuyển đổi triều đại từ Lí sang Trần vào thế kỉ XIII là một nhu cầu tất yếu của lịch sử mà Trần Thủ Độ chỉ đóng vai trò là tác nhân thúc đẩy quá trình. Xét về phía nhà Trần, Trần Thủ Độ lại là người có công lớn trong việc khai sáng, phò trợ. Ông đã đem hết lòng trung thành tận tuỵ, tài năng và mưu trí của mình để giúp vua Trần giữ gìn cơ nghiệp, bảo vệ đất nước, chống ngoại xâm. Ngày nay, nhìn lại nhân vật này, cần có sự công bằng hơn để đánh giá đúng những mặt tốt, cần khẳng định, đề cao nhất là phẩm chất chí công vô tư, nghiêm minh của một vị quan đầu triều.
I. Vài nét về tác giả,tác phẩm.
1. Tác giả Ngô Sĩ Liên(?-?)
- Quê quán: làng Chúc Lí, huyện Chương Mĩ, nay thuộc tỉnh Hà Tây.
- Đỗ tiến sĩ năm 1442
- Gĩư vai trò quan trọng trong việc hình thành bộ "Đại Việt sử kí toàn thư."
2. Tác phẩm
a. Xuất xứ
- "Thái sư Trần Thủ Độ" được trích từ "Đại Việt sử kí toàn thư", quyển V, phần Bản kỉ.
- "Đại Việt sử kí toàn thư" là bộ sách lịch sử có quy mô đồ sộ và độ xác thực đáng tin cậy vào bậc nhất của nước ta. Bao gồm hai phần:
+Ngoại kỉ: viết về lịch sử nước ta từ thời Hồng Bàng đến thế kỉ X.
+Bản kỉ: viết tiếp từ thời Đinh Tiên Hoàng tới thời Hậu Lê.
"Đại Việt sử kí toàn thư" được hoàn thành năm 1479 trên cơ sở "Đại Việt sử kí " của Lê Văn Hưu và "Sử kí tục biên" của Phan Phu Tiên. Ban đầu có 15 quyển, sau nhóm tg tác giả Phạm Công Trứ viết tiếp 5 quyển nên có tất cả 20 quyển.
b. Bố cục
Bố cục đoạn trích "Thái sư Trần Thủ Độ" gồm có ba phần:
+ Phần đầu (từ đầu...đến Trung Vũ Đại Vương): ghi chép về thời gian qua đời và tước hiệu được phong tặng của Trần Thủ Độ.
+ Phần thứ hai (tiếp theo...đến vua bèn thôi): kể lại cuộc đời, sự nghiệp Trần Thủ Độ thông qua những sự kiện tiêu biểu.
+ Phần ba (đoạn còn lại): nhận định, đánh giá của sử gia về nhân vật Thái sư Trần Thủ Độ.
-> bố cục chặt chẽ, tuân theo nguyên tắc của lối viết sử biên niên và bút pháp "cái quan định luận"(đóng nắp quan tài rồi mới có những nhận định chắc chắn nhằm khẳng định nhân cách nhân vật lịch sử)
II. Đọc- hiểu văn bản
1.Trần Thủ Độ- bậc "khai quốc công thần" của triều Trần
- Trần Thủ Độ giữ chức Thái sư, là chức quan cao nhất trong triều lúc bấy giờ.
-> khẳng định vị trí và công lao to lớn của Trần Thủ Độ với triều đình.
- Phẩm chất, nhân cách của con người Trần Thủ Độ : được bộc lộ qua bốn sự kiện tiêu biểu
+ Đối với người hặc tội chuyên quyền của Trần Thủ Độ với nhà vua: Trần Thủ Độ công nhận lời nói phải và ban thưởng cho người dũng cảm vì dám vạch tội mình
-> Trần Thủ Độ là người biết phục thiện, công minh, độ lượng và có bản lĩnh.
+ Đối với người quân hiễu giữ thềm cấm, không cho Linh Từ Quốc Mẫu đi qua: Trần Thủ Độ không bênh vợ mà tìm hiểu rõ sự việc rồi khen thưởng kẻ biết giữ đúng pháp luật
-> Trần Thủ Độ là người chí công vô tư, tôn trọng phép nước, không vị tình thân.
+ Đối với kẻ cậy nhờ xin chức tước: Trần Thủ Độ đã đưa ra yêu cầu, muốn làm chức quan ấy phải chịu bị chặt một ngón chân để phân biệt với những người khác do xứng đáng mà được cử-> lối ứng xử khéo léo, vừa răn đe kẻ hay ỷ thế cậy nhờ nơi cửa quyền, vừa nhắc nhở vợ không được dựa vào quyền lực của chồng mà làm bậy.
-> Trần Thủ Độ là người đề cao công bằng phép nước, bài trừ tệ nạn chạy chọt, đút lót, dựa dẫm thân thích.
+ Đối với việc vua định đưa anh em, họ hàng Trần Thủ Độ cùng nắm chức vụ quan trọng trong triều đình: Trần Thủ Độ thẳng thắn trình bày quan điểm, chỉ nên chọn người giỏi nhất hoặc là mình, hoặc là anh mình, không nên hậu đãi cả hai sẽ làm rối ren việc triều chính.
-> Trần Thủ Độ là người luôn đặt việc công lên trên, không tư lợi, sẵn sàng chống lại việc gây bè kéo cánh.
Những tình tiết trên đã góp phần làm nổi bật bản lĩnh và nhân cách Trần Thủ Độ: thẳng thắn, cầu thị, độ lượng, nghiêm minh, chí công vô tư, luôn đặt việc nước lên trên, không mảy may tư lợi cho bản thân và gia đình.
Nếu Thái phó Tô Hiến Thành đã dũng cảm, khí phách, không vì đảo điên, loạn lạc của thời cuộc mà ngã mình khuất phục trước những âm mưu thâm độc, tổn hại đên đất nước; thì Thái sư Trần Thủ Độ cũng cương trực, thẳng thắn, không dùng sức mạnh của quyền lực để tư lợi , tham ô, luôn đặt việc công lên trên hết. Đây quả thực là những bậc "trung thần nghĩa sĩ" một lòng "ái quốc trung quân". Và đây cũng chính là những tấm gương sáng cho quan chức, những người giữ trọng trách, có quyền lực cao trong xã hội ngày nay.
2. Nghệ thuật viết sử
Kết hợp hài hoà nghệ thuật kể chuyện và khắc hoạ nhân vật
+ Xây dựng tình huống kịch tính: đẩy tới xung đột cao trào và mở nút bằng cách giải quyết đầy bất ngờ, ngược lại những dự đoán và logic thông thường, gây thú vị lôi cuốn người đọc.
+ Lựa chọn những chi tiết đắt giá
+ Kiệm lời, không miêu tả, phân tích tâm lý mà thông qua hành động của nhân vật bộclộ tính cách.
+ Thể hiện thái độ khên chê rõ ràng của người cầm bút.
III. Tổng kết
1. Nội dung
- Đoạn trích đề cao nhân cách chính trực, chí công vô tư, giữ nghiêm phép nước của Trần Thủ Độ- bậc "khai quốc công thần của triều Trần.
- Thái độ ngợi ca và đồng tình của tác giả đối với nhân vật lịch sử có nhiều công lao đóng góp cho đất nước.
2. Nghệ thuật
Nét đặc sắc, giá trị của yếu tố tự sự trong sử biên niên, kết hợp hài hoà nghệ thuật kể chuyện và ngòi bút khắc hoạ nhân vật.
(Sưu tầm)