• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

đọc chuyên khảo truyện ngắn dưới ánh sáng so sánh của đào ngọc chương

Như Bình

New member
Xu
0
Truyện ngắn dưới ánh sáng so sánh” là chuyên khảo nghiên cứu của Đào Ngọc Chương. Chuyên khảo này vốn xuất phát từ một đề tài nghiên cứu khoa học của chính tác giả. Với chuyên khảo, tác giả đã đi vào giải quyết hai mối quan hệ cụ thể chính: Truyện ngắn với tiểu thuyết và truyện ngắn với truyện ngắn.

Người nghiên cứu không chỉ khảo sát truyện ngắn dưới góc độ lý thuyết mà còn chú ý đến nó như một thực thể đáng vận động và đặt nó dưới ánh sáng so sánh, nghĩa là đề tài đặt cái thực thể là truyện ngắn này trong mối quan hệ nhiều chiều với cái thực thể truyện ngắn khác hoặc bộ phận của truyện ngắn này trong mối quan hệ nhiều chiều với bộ phận truyện ngắn khác ở nhiều cấp độ... Nói một cách ngắn gọn thì tác giả tiến hành so sánh các thể tài truyện ngắn ở cấp độ toàn bộ hoặc bộ phận. Ở một hướng khác, ông tiến hành so sánh truyện ngắn xuyên quốc gia với các tác phẩm “Những thứ họ mang theo” của Tim O’Brien; “Chiếc đèn mẫu đơn” của Cù Hựu; “Công viên những lối rẽ đi hai ngả” của Jorge Luis Borges; “Cuộc nổi loạn của người Da Đỏ” của Donald Barthelme; “Nhà của lính” của E.Hemingway; “Mua cần câu cho ông ngoại” của Cao Hành Kiện; Petronius; Murakami Haruki... trên cơ sở các phương tiện loại hình, chủ yếu hướng tới những khác biệt văn hóa, những đặc điểm phong cách... hay là tiến hành trên cơ sở đặc trưng văn hóa. Ngoài ra, tác giả cũng chú ý đến truyện ngắn Việt Nam – mà trong đó, một số tác phẩm được tác giả đề cập là “Chuyện cây gạo” của Nguyễn Dữ, “Lão Hạc” của Nam Cao... – dẫu là chưa nhiều, nhưng nhằm khẳng định những thành tựu và đặc trưng của thể loại này trong nền văn học dân tộc.

Chuyên khảo được chia làm hai chương. Chương 1: “Truyện ngắn với tiểu thuyết – những đặc điểm của ruyện ngắn” và chương 2: “Truyện ngắn với truyện ngắn hay là văn học so sánh và truyện ngắn”.

Ở chương 1, mối quan hệ giữa truyện ngắn với tiểu thuyết tác giả cho rằng nó có thể diễn ra dưới ba dạng: Dạng thứ nhất, truyện ngắn là tiểu thuyết thu nhỏ hay là phác thảo của tiểu thuyết. Dạng thứ hai, truyện ngắn là một bộ của tiểu thuyết và dạng thứ ba, truyện ngắn là hạt nhân của tiểu thuyết. Khảo sát cho những trường hợp này, người nghiên cứu đã vận dụng các sáng tác của E. Hemingway, Petronius, Tim O’Brien, Murakami Haruki để chứng minh luận điểm. Sau khi khảo sát, tác giả chỉ ra một khác biệt cơ bản và tạo nên lối rẽ giữa truyện ngắn với tiểu thuyết mà đối với bản thân người viết bài viết này – có lẽ là một kết luận hết sức bất ngờ, tưởng chừng như quá–đơn–giản đó là: “...Truyện ngắn thì ngắn còn tiểu thuyết thì dài. Chính cái kích cỡ này đã tạo nên những đặc điểm khu biệt thể loại giữa truyện ngắn với tiểu thuyết”. Ngoài ra, từ việc thảo luận các ý kiến của B.Eikhembaum, người nghiên cứu cho rằng “truyện ngắn không hoàn toàn cố kết ở thế kỷ 19 mà nó đã có những bước phát triển bất ngờ ở đầu thế kỷ 20 đặc biệt cuối thế kỷ 20, và đầu thế kỷ 21 là một triển vọng. Càng hiện đại, truyện ngắn càng lộ rõ đặc điểm thể loại của mình”.

Đi hết chương đầu, tác giả đã so sánh truyện ngắn dưới dạng thức thể loại hay là cấp độ thể loại. Tức là so sánh truyện ngắn với tiểu thuyết để tìm ra những đặc điểm cần thiết của truyện ngắn chuẩn bị cho một hành trình so sánh mới: Truyện ngắn với truyện ngắn. Người nghiên cứu tiến hành so sánh truyện ngắn với truyện ngắn trên cơ sở những vấn đề của văn học so sánh và những vấn đề đặt ra của văn học so sánh.

Tác giả của tập chuyên khảo đã cho ta một cái nhìn tổng quan về ngành văn học so sánh ở Việt Nam. Ông nhận định “những bàn cãi về bản chất, vai trò của văn học so sánh cho đến nay, nhìn một cách đại thể, đã đi đến những thống nhất nhất định. Những những bất đồng về những điểm tế nhị chưa dễ vượt qua. Đó là con đường đi của bất cứ ngành khoa học nào, nhất là ngành khoa học xã hội – nhân văn”. Tác giả đã dẫn ra một số công trình cơ bản như: “Lý luận văn học so sánh” của Nguyễn Văn Dân (Nxb Khoa học Xã hội, 19980), “Văn học so sánh – Lý luận và ứng dụng” của Lưu Văn Bổng, Nguyễn Văn Dân, Lê Phong Tuyết (Trung tân Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Văn học, 2001), “Văn học so sánh – Lịch sử và quan niệm” (Tạp chí Nghiên cứu Văn học số tháng 10/2006)... và đóng góp những ý kiến tâm huyết. Nhưng cái mà tác giả chuyên khảo quan tâm không phải là tình hình nghiên cứu văn học so sánh hiện nay ở Việt Nam hay việc thiết chế ngành văn học so sánh tại Việt Nam... mà là vấn đề truyện ngắn được nhìn nhận dưới ánh sáng so sánh hay là việc so sánh loại hình, thể loại trong văn học so sánh đã được thực hiện như thế nào đối với truyện ngắn khi mà môn học “Truyện ngắn quốc tế” đã được tiến hành trên một số quốc gia trên thế giới.

Từ việc đi tìm hiểu lịch sử văn học so sánh và những điểm liên quan đến những tìm hiểu cụ thể như: “Những biến cải hay những sáng tạo của Nguyễn Dữ trong Chuyện cây gạo so với Chiếc đèn mẫu đơn của Cù Hựu”; “Thời gian và kết thúc trong hai truyện ngắn: Sợi dây truyền kim cương(1884) của Guy de Maupassant vàCâu chuyện một giờ(1894) của Kate Chopin”; “Mô típ/cổ mẫu ‘ông lão’ trong ba truyện ngắn của Anton Chekhov, E.Hemingway và Nam Cao”; “Đề tài ‘trở về’ trong ba truyện ngắn: Cảnh khuya của Ivan Bunin, Nhà của lính của E.Hemingway và Mua cần câu cho ông ngoại của Cao Hành Kiện”; “Thực và phi thực trong truyện ngắn Công viên những lối rẽ đi hai ngả của Jorge Luis Borges và Cuộc nổi loạn của người Da Đỏ của Donal Barthelme” người nghiên cứu cứu đã khảo sát truyện ngắn theo hướng văn hóa và giao văn hóa trên cơ sở sự vận động lịch sử và những vấn đề thi pháp tác phẩm, thể loại. Bởi ông cho rằng hình thức bao giờ cũng là một hình thức quan niệm. Bản thân sự tồn tại của nó quyết định sự tồn tại của văn học, và sự phát triển cũng như thế. Tác giả chuyên khảo đã đặt song song các truyện ngắn tương ứng, nghĩa là những truyện ngắn đồng dạng và đồng thời không đồng dạng ở một số phương tiện, theo tiến trình thời gian trong mối quan hệ xuyên quốc gia. Chính tiến trình thời gian này giúp ta nhìn nhận truyện ngắn trong thế vận động lịch sử của nó còn mối quan hệ xuyên quốc gia cho chúng ta thấy sự biến động của truyện ngắn từ những tác động của chủ thể sáng tạo, văn hóa và tính toàn cầu của nó.

Cuối cùng, Đào Nguyên Chương cho rằng còn có thể triển khai thêm một mối quan hệ khác của truyện ngắn. Đó là truyện ngắn với các hình thức chuyển thể kịch và điện ảnh. Đồng thời, kết quả của hướng so sánh đó càng giúp khẳng định các đặc điểm thi pháp thể loại của truyện ngắn, đó là tính tự đủ của truyện ngắn trong một cấu trúc khả biến và khả sản.

[FONT=&quot]Cuối cùng, khi đi hết chiều dài của cuốn sách, một điều rất cần thiết đó là chỉ ra những đóng góp quan trọng, thế nhưng “chúng tôi xin phép không nêu ra đây những đóng góp của chuyên khảo này. Bởi những đóng góp của nó sẽ chỉ hiện lên trong sự nhìn nhận của người đọc và nó sẽ rất khác nhau trong quá trình vận dụng của các nhà nghiên cứu, nếu có quan tâm”. Và nếu như cần thiết phải chỉ ra những đóng góp thì, theo chúng tôi, đó là chuyên khảo đã “khảo sát truyện ngắn như một thể loại luôn luôn vận động trong lịch sử của nó và những tác động, tương đồng, dị biệt... xuyên quốc gia. Và vì thế, truyện ngắn hiện ra như một hình thức cảm nhận thế giới”.
______________________
Bài được viết bởi Nhật Bình Nguyễn Như Bình.
[/FONT]
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top