• Chào mừng Bạn tham gia Diễn Đàn Kiến Thức tổng hợp No.1 VNKienThuc.com - Định hướng VN Kiến Thức
    -
    HÃY TẠO CHỦ ĐỀ KIẾN THỨC HỮU ÍCH VÀ CÙNG NHAU THẢO LUẬN

Đoản mệnh (Truyện ngắn)

  • Thread starter Thread starter Butchi
  • Ngày gửi Ngày gửi

Butchi

VPP Sơn Ca
Xu
92
Không hiểu sao lão như vậy mà lãnh đạo chẳng có ý kiến gì. Bởi vì lãnh đạo cũng ăn đủ ở lão rồi. Lão lại có cái tài o bế, lão chăm sóc lãnh đạo khéo léo tới mức chẳng ai nghĩ đấy là nịnh, mà họ chỉ nghĩ rằng, đấy là sự thân thiện, cởi mở và chân thành. Thế rồi cứ cái đà đó, lão xin đi học nâng cao, để mong được bằng bạn bằng bè, để được đề bạt…

14_mh114.jpg

Minh hoạ của Lê Tâm.

-Cô có ra mà lau mủi cho con bé đi không, nhìn mủi dải nó thế mà cô đứng đó trang điểm à? - Cái giọng khê nồng của lão làm cô vợ khó chịu.

Giọng cô ta đanh lại:

- Ông có bỏ ngay cái giọng khu bốn đẩy ra khu ba đẩy vào đó đi không? Ở Hà Nội mấy chục năm rồi mà vẫn cứ mủi, dải…

Rồi cô ta cong cớn:

- Ông đi mà lau. Giờ về hưu rồi thì chỉ còn mỗi một việc ở nhà trông nom con bé và đưa nó đi mẫu giáo. Làm sao có lau mũi mà không làm được. Tôi còn phải chuẩn bị đi làm. Thích vợ trẻ à? Thích có con để trói à? Đây chẳng trói đứa nào thì thôi, chứ đừng nghĩ trói con này.

Vẫn cái giọng đay nghiến:

- Trói à, chỉ khi đương chức đương quyền thôi, còn bây giờ ngồi bệt thì hãy đợi đấy. Cái giá phải trả cho cái trò thích chơi chống bỏi của ông đấy.

Thế rồi cô ta giật cái túi xách treo trên mắc, ngoảy đít bỏ đi, mặc kệ lão với con bé đang khóc đòi mẹ.

Cô ta đi rồi, lão đến chỗ con bé, vừa dỗ dành vừa lau mặt cho nó, đưa nó đi mẫu giáo. Bây giờ thì lão thấy ân hận về cái sự muộn màng này. Lão ngại đưa con bé đến trường, vì ai thấy lão dắt con bé cũng ngoái lại nhìn. Người không biết thì nghĩ đó là ông đưa cháu đi học, người biết thì lắc đầu chép miệng.

Cái ngày đầu tiên lão đưa con bé đến trường mẫu giáo, các cô giáo cứ hỏi thăm: "Bố mẹ cháu đâu mà để ông đưa đi học thế này?". Lão ngượng quá, nói lý nhí: "Bố mẹ cháu đi làm".

Chiều lão đi đón, vừa đứng ở cửa lớp, con bé nhìn thấy lão, nó reo to, bố ơi, bố ơi… Các cô giáo mắt tròn xoe. Ơ đấy là bố con à, cô cứ tưởng là ông cơ đấy.

Lão lại ngượng.
*
Lão nhớ, lão tiếc, lão ân hận vẫn là cái sự muộn màng. Cô vợ hai này, tuy còn trẻ nhưng cũng đã qua một đời chồng và có một đứa con gái gửi tận quê để ông bà ngoại nuôi, còn cô ta dạt lên Hà Nội kiếm ăn, gặp lão và lấy liền để làm chỗ dựa. Và cũng từ cái ngày đó, các con lão chẳng nhìn ngó đến lão nữa.

Chúng chẳng nhìn ngó đến lão là phải, cô ta chỉ hơn con gái lão có vài tuổi. Để bù lại cái sự "hy sinh" tuổi xuân của cô, lão xin cho cô ta vào làm hộ lý ở một bệnh viện và không những thế mà lão còn đưa cả anh chị em nhà cô ta về làm ăn sinh sống ở đất Hà Nội này. Đấy, cái thằng anh trai của cô ta, một tý tuổi đầu mà lão cũng vẫn phải một câu "anh", hai câu "anh".

Lão lo cho hắn vào cơ quan của lão để làm trợ lý huấn luyện lái xe. Cơ quan của lão là một trung tâm dạy lái xe. Từ ngày lão về hưu, hắn lên làm huấn luyện chính, hắn có thèm nhìn đến mặt "thằng em rể" này nữa đâu. Lão đã thấy "ngấm đòn", đòn này còn ác hiểm hơn đòn thù.

Lão đã lên chức ông ngoại vài năm nay và cũng sắp sửa có cháu nội rồi. Sau khi lão lấy vợ, các con lão buồn, tứ tán mỗi người một phương. Đứa con gái lão lấy chồng tận Hà Giang và sinh con đẻ cái ở đó. Thằng con trai thì xin chuyển vào làm việc tận Tây Nguyên, lấy luôn vợ ở trong đó, lão gần như mất liên lạc. Lão cô đơn, đáng lẽ đến cái tuổi này lão phải được hưởng thú điền viên con cháu, nhưng lão lại phải lặng lẽ chăm sóc đứa con mà cũng chẳng biết có phải con của lão nữa không?!

Ai nhìn con bé, thay vì phải nói nó giống lão thì lại nói giống mẹ như đúc. Nếu mà nó giống mẹ nó như đúc thì lão chẳng có gì phải lăn tăn, nhưng lão càng ngắm, càng thấy nó giống cái lão trưởng phòng khám của cô ta. Cả làng cả tổng này ai mà chẳng biết là cô ta cặp bồ với lão trưởng phòng lâu rồi, chỉ có mỗi mình lão là mãi sau này mới biết. Nhiều lúc cãi nhau, cô ta cứ cong mồm lên nói rằng, đứa con gái đó không phải con lão, lão đau lắm…

Những ý nghĩ không định hình vương vất trong lão ngày càng lớn dần lên, lúc nào cũng chỉ chực vỡ bung ra, trong khi hàng ngày lão cứ phải chịu đựng, phải chăm sóc, phải yêu thương... làm lão khó chịu. Nhưng rồi lão tặc lưỡi: "Cá vào ao ai người nấy được". Nhiều khi lão muốn mang cái băn khoăn đó để hỏi tội cô vợ cho ra nhẽ, nhưng lão không dám, vì nó trẻ, nó khỏe, nó đanh đá và anh em nhà nó đề huề, còn lão thì chẳng có ai.

Bố mẹ lão chết hết, chỉ có mỗi người em gái, lại đi lấy chồng xa. Quê hương bản quán còn gì đâu nữa mà về, lão bán sạch để lấy tiền mua một căn nhà nho nhỏ ở Hà Nội này rồi. Khi mà vợ chồng lão chia tay, lão để lại tất cả cho hai đứa con bù lại vợ lão trả cho lão một khoản tiền. Bạn bè lão cứ hay chọc ngoáy lão rằng, đấy là tiền đền bù "phí tuổi trai".

Cái năm đó, do xin việc làm cho vài người nhưng không được, thế là họ làm đơn kiện lão đến cơ quan về tội nhận hối lộ. Cơ quan tạm đình chỉ công tác của lão để điều tra. Sau vài tháng lão phải ngồi nhà chờ kết quả, nhưng rồi cơ quan không đủ cơ sở để kết tội lão. Cũng bắt nguồn từ đó mà vợ chồng lão "cơm không lành canh không ngọt" rồi... chia tay. Hai đứa con của lão ở với mẹ rất ngoan, được mẹ lo cho ăn học tử tế. Còn lão thì bắt đầu cuộc sống của gã đàn ông độc thân.

Cái nghề của lão hàng ngày tiếp xúc với các bà, các cô lắm tiền nhiều của. Các bà đua nhau đi học lái xe cho kịp xu thế thời đại, mặc dù học xong giữ cái giấy phép lái xe trong tay chẳng biết để làm gì, thi thoảng mang ra khoe cho nó oai. Các bà, các cô nào muốn đi học lái xe đều phải qua tay lão. Cho nên các bà, các cô tha hồ õng ẹo, tha hồ lả lơi và được đà, lão cũng lả lơi không kém.

Lão bận rộn túi bụi, vừa lo làm kinh tế cho trung tâm lại vừa lo chăm sóc các bà, các cô để làm sao khi thi, đều được đỗ cả. Bù lại, các bà, các cô cũng chẳng để lão thiệt thòi. Trông lão xâu xấu vậy, đầu to, cổ ngắn lại còn "vòng bụng dài hơn vòng đời", nhưng được cái khéo ăn, khéo nói nên các bà các cô cứ mê tít.

Lão mà lên cơn nịnh ai thì… thôi rồi, lão mà lên cơn nóng giận thì đủ mọi loại ngôn từ lão phun ra còn ngoa ngoắt hơn các bà bán rau ngoài chợ, làm cho mọi người trong phòng ai nấy đều phải cắm mặt xuống. Không phải cắm mặt vì sợ lão, mà họ không dám dây.

Thứ nhất, lão là phó phòng, thứ hai - lão cậy có tý chút tại chức chuyên ngành nên lão nói văng mạng. Ai mà dám cả gan cãi lại lão một câu thì chỉ còn mỗi cách ngồi mà nhìn, còn lâu lão mới phân công cho đi huấn luyện ngoài giờ để kiếm thêm thu nhập.

Không hiểu sao lão như vậy mà lãnh đạo chẳng có ý kiến gì. Bởi vì lãnh đạo cũng ăn đủ ở lão rồi. Lão lại có cái tài o bế, lão chăm sóc lãnh đạo khéo léo tới mức chẳng ai nghĩ đấy là nịnh, mà họ chỉ nghĩ rằng, đấy là sự thân thiện, cởi mở và chân thành. Thế rồi cứ cái đà đó, lão xin đi học nâng cao, để mong được bằng bạn bằng bè, để được đề bạt…

Lão chỉ cay cú mỗi một việc, lão mất công học hành, tốn kém như vậy mà mãi không được đề bạt lên trưởng phòng mặc dù đã được nằm trong diện quy hoạch. Lên làm sao được, cái anh trưởng phòng ít hơn lão tới gần chục tuổi, có học hàm học vị đàng hoàng, vừa trẻ vừa năng động, phải đến mươi mười lăm năm nữa mới về hưu lại được đồng nghiệp tâm phục khẩu phục. Lão cay lắm. Càng nghĩ lại càng cay. Cô vợ lão nhiều khi giọng cứ khơi khơi làm lão tức điên cả ruột. Nó còn bảo: "Quy hoạch gì ông… có mà quy tập thì có".

Cái kim trong bọc lâu ngày cũng phải lòi ra, huống chi là lão, cái tính cách ấy chẳng thể giấu được, dần dà lãnh đạo họ cũng thấy. Năm đó, phải còn hơn năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, lão muốn xin cho thằng anh vợ lên làm huấn luyện chính của trung tâm.

Nhân đà đó, lãnh đạo gọi lão lên, gợi ý lão nên nghỉ hưu sớm mà dưỡng bệnh, thôi đừng cống hiến nữa. Họ còn động viên lão rằng, nghỉ dưỡng bệnh là cống hiến cho nhà nước rồi. Lão bị trăm thứ bệnh, nào là bệnh gút, gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ, huyết áp cao… lại ở với cô vợ trẻ lúc nào cũng hừng hực thì sức đâu mà chịu được. Không chữa bệnh đi rồi lại chẳng kịp hưu ấy chứ…

Mà lãnh đạo bảo có phải là lão nghỉ sớm đâu, lão vẫn được hưởng nguyên lương cho đến khi nào có quyết định chính thức kia mà. Họ hứa, chỉ cần lão nhận lời thì sẽ ra quyết định chính thức cho thằng anh vợ của lão lên làm huấn luyện chính. Về nhà, lão đem cái ý kiến của lãnh đạo ra nói với vợ lão.

Vợ lão mừng quýnh lên, bảo: "Anh nên về đi, về trông con cho em đi làm, em sẽ đền bù thiệt thòi cho anh". Mặc dù lão là cao thủ về nịnh nọt, nhưng cô vợ hắn lại còn siêu hơn. Tuy lão rất tiếc, chưa muốn về hưu, nhưng cô vợ nói làm lão mát cả ruột.

Ngày hôm sau, lão lên gặp lãnh đạo và trả lời rằng, cho tôi được suy nghĩ một tuần, sau một tuần tôi sẽ trả lời các anh.

Lão nghĩ mông lung lắm, bây giờ mà không nghe cô vợ, nó mà rỉa róc cho thì chỉ có nước ốm mà chết. Cô vợ thì cứ ỏn ẻn: "Anh làm thế thì được cả em còn gì, em hy sinh cả đời con gái cho anh em còn chẳng tiếc nữa là". Lão bĩu dài cái môi, nguýt một cái… Gái gì cái loại cô". Cô vợ tức lắm nhưng cố nhịn để cho được việc.

Suốt cả tuần, trong lúc chờ đợi lão chồng già trả lời lãnh đạo, cô ả ngày nào cũng về cơm nước, đưa đón con đi học, ra điều ngoan ngoãn lắm. Lão thấy thế cũng mủi lòng. Đến cuối tuần đó, cô vợ và thằng anh vợ trổ tài nấu nướng đề nghị lão mời bạn bè cùng trung tâm về ăn nhậu chúc tụng cho cái sự hy sinh của lão.

Như đã hẹn, đầu tuần lão lên gặp lãnh đạo và nói đồng ý nghỉ với điều kiện lão sẽ bàn giao công việc, song phải cho lão đi nghỉ dưỡng bệnh một thời gian. Lãnh đạo mừng ra mặt, như thể vừa nhổ được cái gai. Tuy vậy, ngoài mặt họ vẫn phải cố ý ra chiều thương cảm và đồng ý cho lão đi nghỉ dưỡng bệnh, bao giờ thấy không muốn dưỡng nữa thì thôi.

Ngay chiều hôm đó, lãnh đạo ra quyết định cho thằng anh vợ lão lên làm huấn luyện chính. Thằng anh vợ mừng quýnh, cầm tờ quyết định vào phòng làm việc của lão khoe rối rít. Mọi người trong phòng chúc tụng, còn lão mặt ngắn tũn, cái lưng chùng xuống.

Lão đưa tay cho thằng anh vợ bắt, và nói chúc mừng anh. Thằng anh vợ vỗ vỗ vào vai lão, nói: "Anh cám ơn chú. Chú vất vả hy sinh cho anh nhiều quá". Lão tức nổ cả ruột.
*
Đang dòng suy tưởng thì con bé ở đâu chạy về, mũi dãi chảy lòng thòng, gọi lão cho nó ăn cơm. Lão bảo chờ một lúc nữa mẹ về, cả nhà cùng ăn. Đang dỗ con bé thì có tiếng chuông điện thoại reo. Đầu dây, cô vợ ẽo ợt: "Hai bố con ở nhà ăn cơm đi, đêm nay em không về".

Lão gắt lên: "Cô đi đâu mà không về?".

Vẫn cái giọng vừa ẽo ợt, vừa đanh đá, cô vợ nói: "Em phải trực bệnh viện, về thế nào được. Mà có về thì đêm bố ngáy to như kéo gỗ ướt làm sao em ngủ được. Thôi nhé, bố con chăm nhau, nhớ cho con bé ngủ sớm, sáng mai nó còn đi học".

Cô vợ nói xong chẳng cần nghe lão trả lời, đặt máy rụp một cái. Lão tức điên, gọi điện lại thì máy đã "ngoài vùng phủ sóng". Chắc lại trong vùng phủ chăn đây. Trực gì, có mà ngủ với lão trưởng phòng thì có. Lão rít lên từng chập bất lực…

Con bé lại khóc đòi ăn, lão nhấc cái lồng bàn ra và dỗ con bé: "Thôi mẹ không về ăn đâu, hai bố con mình ăn vậy". Lão vừa cho con bé ăn, vừa uất ức không nuốt nổi miếng cơm. Lão lại nhấc điện thoại gọi cho cô vợ, nhưng vẫn "trong vùng phủ chăn"… Mặt lão nóng giần giật, lão lê đến bên tủ thuốc với tay lấy lọ thuốc hạ huyết áp, mở ra, nhặt một viên để vào đầu lưỡi. Lão chẳng kịp đi vào giường, lão nằm luôn xuống đi văng.

Lão lại ân hận, ân hận đến tột cùng, giá như lão cứ ở với người bạn học cùng thời phổ thông với lão thì đâu đến nỗi. Người đàn bà đó rất mực yêu thương lão và được các con lão yêu quý vô cùng. Nếu cứ ở với người đàn bà đó thì bây giờ đâu đến nông nỗi này, và các con lão cũng chẳng bỏ lão mà đi. Lão lại càng ân hận chỉ vì nghe lời cái lão thầy bói nói rằng: "Lão và người đàn bà đó ở với nhau thì lão sẽ bị đoản mệnh". Biết thế này thà ở với bà ấy để được đoản mệnh cho xong…

Bây giờ lão có muốn đoản mệnh cũng chả được(!)

Theo Nguyễn Như Lan - CAO
 

Chủ đề mới

VnKienthuc lúc này

Không có thành viên trực tuyến.

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top