Đỗ Hoàng Diệu sử dụng tiếng nói sex trong "Bóng đè" làm phương tiện chuyển tải thông điệp văn hóa, n

lolem_nam

New member
Xu
0
ĐỖ HOÀNG DIỆU SỬ DỤNG TIẾNG NÓI SEX TRONG “BÓNG ĐÈ” ĐỂ TRUYỀN TẢI NHỮNG THÔNG ĐIỆP VĂN HÓA, NHỮNG UẨN KHÚC TRONG LÒNG?

Không dễ dàng gì để bạn đọc tiếp nhận Bóng đè như là một tác phẩm văn học chân chính, đến giờ cũng còn rất nhiều luồng ý kiến đối ngược nhau có khi còn cực đoan, không thể tiếp nhận sex lồ lộ, tràn ngập không gian của tác phẩm như thế nhưng cũng không thể phủ nhận những thông điệp khác đang được chuyển tải đến bạn đọc. Chuyên gia dịch giả Nhật Chiêu trả lời những câu hỏi quan ngại về hàm lượng sex quá nhiều trong tác phẩm “rừng Nauy” có ảnh hưởng nhiều đến giới trẻ Việt khi chuyển tải sang Tiếng Việt đã có những cái nhìn rất sắc sảo: “Người Nhật viết đủ loại tình dục trong văn chương, nhưng họ nổi tiếng là người có kỉ cương, tỷ lệ nạo phá thai ở Nhật thuộc vào loại thấp. Trong khi Việt Nam kín đáo trong văn chương nhưng tỷ lệ nạo phá thai thuộc loại cao nhất thế giới”. Gần đây, văn học Việt Nam đã có những bước tiến mới, những sự phá cách bằng các thể hiện sex thoải mái, cởi mở hơn. Nhiều tác giả Việt Nam đặc biệt trong thời gian gần đây xuất hiện rất nhiều tác giả nữ đã thể hiện sex trong tác phẩm của mình – điều mà trước đây họ rất e ngại. Nguyễn Ngọc Tư với “Cánh đồng bất tận” cũng miêu tả sex nhẹ nhàng và thấm đẫm niềm thương cảm. Nhà thơ nữ Phan Huyền Thư rồi Vy Thùy Linh cũng thể hiện những quan niệm tình dục táo bạo trong thơ ca của mình. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói về thơ sex: “Tình dục không đơn thuần là chuyện sex mà rộng hơn giải tỏa nhiều vùng bí ẩn, kỳ bí trong đời sống con người. Nhu cầu của đời sống cũng chính là nhu cầu của văn chương. Và đó cũng là xu hướng dân chủ hóa của văn học”. Tác giả Đỗ Hoàng Diệu không dừng lại ở việc miêu tả sex mà đằng sau nó trong Bóng đè là những trăn trở, những góc khuất, những ám ảnh sâu xa của người đàn bà trong Bóng đè về đời sống tinh thần, quá khứ và tất nhiên cũng có những khao khát bản năng rất “con” trong phần con người.

Đó không đơn thuần chỉ là câu chuyện về một người đàn bà có những khao khát đầy bản năng, những mãnh liệt rất “đàn bà” không được đáp ứng đủ nhu cầu tình dục bên người chồng bất lực, nhu nhược sợ những vị thần quyền vô hình, mặc cho những bóng ma tổ tiên “cưỡng hiếp” vợ của mình, không hề lên tiếng “cứu” vợ thoát khỏi nó. Nếu như vậy tác giả đã không nhọc nhằn dụng công xây dựng những kết cấu nghệ thuật bền vững trong tác phẩm. Các câu trong tác phẩm ngắn gọn, thậm chí có câu chỉ có hai câu. Các chi tiết thì chồng chất, ngồn ngộn khiến tốc độ câu chuyện nhanh hơn, rất tương thích với đời sống hiện đại. Sắc thái giọng kể khá trong Bóng đè khá đa dạng, ngôn từ được trau chuốt công phu đã thể hiện sự táo bạo, quyết liệt tạo ra nét rất riêng ở Đỗ Hoàng Diệu. Tác giả đã nói đến tinh thần nữ quyền trong thời đại mới, người đàn bà không tên trong tác phẩm hay là mẫu số chung của những người đàn bà cố vẫy vùng, khao khát được sống với cái bản năng “đàn bà” trong sự ràng buộc, sự đè nén của những chuẩn mực đạo đức xã hội ở làng quê Việt Nam, như muốn phá bỏ tất cả để tìm lại, thể hiện thoải mái, cởi mở những ham muốn bình thường của một người đàn bà. Những cái bóng đè – những bóng ma u uất, ảm đạm, cái không khí ghê rợn trong tác phẩm chỉ là cái cớ để nhân vật tôi bộc lộ những cái ham muốn, khao khát những xúc cảm trong đời sống tình dục của người đàn bà. Có lẽ tác giả từ những hình tượng, chi tiết quá sex trong tác phẩm để biểu lộ những khao khát, đam mê rất “đàn bà” một cách phóng tùng, tự do bị kiềm nén trong khuôn khổ gia đình với những ảm đạm trong quan hệ với mẹ chồng, với người chồng nhạt nhẽo và tổ tiên nhà chồng.Trong “Vu quy”,tác giả một lần nữa cũng đã thể hiện sự đối kháng ấy :đàn bà phải là kẻ nằm dưới, là đất để gieo mạ. Rồi mạ non thành lúa, thành thóc, họ đốt nương tàn rẫy đến mảnh đất khác khai hoang. Tôi nghe người ta gọi đó là truyền thống, là văn hóa phương Đông. Và tôi là người Việt Nam, người phương Đông. Đôi khi tôi tự tra vấn chính mình: phải chăng đàn bà da vàng tóc đen không biết đam mê?

Phải chăng, những người đàn phải là nhữg “kẻ nằm dưới”, phục tùng người đàn ông, phục tùng gia đình nhà chồng? Tác giả muốn thể hiện sự đối kháng với những sự cái gọi là “truyền thống” của người đàn bà phương Đông đặc biệt là người đàn bà Việt Nam kiềm nén những “đam mê”, ham muốn của mình để rồi đi vào bế tắc chỉ thỏa mãn trong trạng thái vô thức. Và người đàn bà không tên trong tác phẩm cũng không ngừng tra vấn: “tôi là ai, từ đâu đến?” và lý trí của người đàn bà cũng vừa thương chính mình cũng ghét mình nhưng rồi lý trí thoáng qua đó bị đè bẹp, “quỵ gục”, “đồng lõa” với những ham muốn tầm thường đó. Cái người con dâu trong tác phẩm này cũng táo bạo, khiêu khích cả “trăm đời dòng dõi đế vương” bằng cách đối chiếu cái tầm thường, cái bộ phận ở cơ thể người đàn bà với tổ tiên “vú tôi là đời sống, là hơi thở, là khí quyển. Mồ mả là quá khứ, là huân chương, là tổ quốc”. Có thể nào tác giả đã muốn để người đàn bà là “người phương Đông, người Việt Nam” tự mình bộc lộ mình như những người đàn bà phương Tây, thể hiện đời sống hiện tại vượt lên trên cái “truyền thống” đã đặt ra từ hàng trăm, hàng ngàn năm trước đến nay vẫn chưa bình đẳng triệt để. Tác giả dường như muốn phá bỏ những “trách nhiệm nặng nề”, phá bỏ “lề thói nhà chồng”, làm khác đi những cái trách nhiệm đè lên người đàn bà.

Ở khía cạnh nào đó, Bóng đè là tác động dồn ép của nền văn hóa lỗi thời áp bức biểu hiện qua bức màn đỏ “loang rộng” phủ khắp bàn thờ tổ tiên, với những “bát nhang và những bức trướng chữ Tàu”, những nghi lễ. Hậu ảnh và hào quang của những thứ đó vẫn gây áp lực, bắt những con người phải vịn víu vào quá khứ thiểu não, đóng khung để thờ phụng, tôn sung nghi thức để hiện hữu dù phải hụt hẫng, thụt lùi, bế tắc. Trong Bóng đè, chi tiết ẩn dụ ông già Tàu cưỡng hiếp đứa con dâu Việt Nam đã minh họa một cách cụ thể sự áp đặt, cưỡng bức của nền văn hóa ngoại lai phi nhân, phi nghĩa, phi lý, loạn luân mà dân tộc Việt Nam vẫn bị mê hoặc, thu hút: “Lão Tàu xa xăm, bí ẩn, vừa đen tối, vừa có sức hút kỳ lạ, quyến rũ khác thường”.

Khác với người đàn bà không tên, thế hệ chính thống khuôn phép ban cho những cái tên như: Thụ (thụ động, thụ giáo, thụ hưởng) và Thắm (sắc màu của sự tôn vinh, tôn thờ). Họ là những người sẵn sàng bị thuyết phục, khuất phục đời sống an bài, an phận. Sau những cuộc chiến tương tàn, những cuộc đấu tố, xã hội đó vẫn tồn tại bất di bất dịch với áp đặt, đè nén tư tưởng con người. Với người đàn bà bình thường đặt trong sự tù túng đó chỉ có thể kháng cự yếu ớt rồi im lặng: “Tôi hiểu mình phải im lặng, im lặng trong sợ hãi tột tận đời người”. Người đàn bà vô hạnh tạo ra mạch sống mới: “ cái thai trong bụng tôi không phải là của Thụ, không phải của bất cứ người đàn ông nào cứ lớn dần…tôi thương giọt máu của mình. Tôi thương đứa bé vô tội cũng bất lực như tôi đã bất lực…không biết có người mẹ nào yêu thương cái di sản tăm tối như tôi?”. Sẽ tiếp tục sẵn sàng như “những người nghèo bán máu”, không biết chọn lựa “vì cơ thể chúng tôi đòi hỏi những nhục cảm mà bóng tối ban phát”. Dù biết không có được sự lựa chọn nhưng nhân vật tôi đã cố đưa tay mình ra sáng, nắng chiếu “lung linh” trên năm ngón tay dài ngắn thanh tao đó một cách lạ thường. Và đó là tia nắng của chân trời mới, thứ ánh sáng mới đang dần lớn lên chăng? Đó là thứ ánh sáng giữ gìn qua làn da mỏng của đôi bàn tay thon gọn, mềm mại nhưng nguyên vẹn dù qua “chiến tranh, giông tố, hạn hán,”. Phải chăng Đỗ Hoàng Diệu cũng đã giữ gìn đôi bàn tay mình cầm ngòi bút tự do, còn táo bạo muốn thay đổi không khí nền văn học mới đang dần già cỗi, đưa tay ra tìm vùng sáng tạo mới như tác phẩm Bóng đè, dù tại nơi đó, nắng chưa lên.

Tuy nhiên hàm lượng sex trong “Bóng đè” quá nhiều, quá lộ liễu khó có thể chấp nhận được. Đối với bạn đọc trong nước có thể tiếp nhận hết được giá trị của tác phẩm hay chỉ đơn thuần là đồng tình một nửa? Đối với một người dù đã có sự nhìn nhận sex một cách bình thường trong văn chương cũng chưa thể đồng tình hoàn toàn với tác giả. Vấn đề này vẫn đang gây nhiều tranh cãi trong làng văn hiện đại Việt Nam. Và những câu hỏi: tại sao Đỗ Hoàng Diệu lại chọn sex để làm phương tiện chuyển tải nội dung thông điệp mình muốn nói mà không phải là một thứ khác lành mạnh hơn? Hình như các tác phẩm văn học hiện nay đã quá chạy theo trào lưu mang sex vào tác phẩm làm tiếng nói của mình?
 

VnKienthuc lúc này

Định hướng

Diễn đàn VnKienthuc.com là nơi thảo luận và chia sẻ về mọi kiến thức hữu ích trong học tập và cuộc sống, khởi nghiệp, kinh doanh,...
Top